Đà Nẵng: Nam công nhân té ngã, tử vong tại công trình cống thoát nước Hòa Xuân
Trong lúc thi công hệ thống đường cống thoát nước tại Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân (Quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), một nam công nhân té ngã và tử vong tại chỗ.
Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân – Văn Tiến
Ngày 18.2, Công an Quận Cẩm Lệ cho biết nguyên nhân một nam công nhân tử vong tại Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân (đường Trần Nam Trung, quận Cẩm Lệ) có khả năng do nạn nhân trượt chân té ngã ở công trình.
Trước đó, ngày 17.2, các công nhân thi công công trình xử lý nước thải tại Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân phát hiện anh Đ.H.N. (31 tuổi, ngụ huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) tử vong tại vị trí cống thoát nước đang xây dựng dang dở.
Công an phường Hòa Xuân và Quận Cẩm Lệ tiếp nhận thông tin, điều tra hiện trường cho thấy anh N. bị thương tích nặng ở vùng đầu, gáy cổ.
Theo công an Quận Cẩm Lệ, có khả năng trong lúc thi công hệ thống cống thoát nước, anh N. bị trượt chân, tự té ngã dẫn đến tử vong. Thi hài nạn nhân đã được công an quận bàn giao cho gia đình đưa về quê lo hậu sự.
Theo Thanh niên
Video đang HOT
Công nhân chật vật gửi con thời COVID-19
Con cái không đi học nhưng công nhân vẫn phải đến xưởng làm nên họ phải xoay đủ cách để con được an toàn.
Các em nhỏ trong xóm trọ ở đường Ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM cùng chơi, trông coi nhau trong những ngày nghỉ học, cha mẹ đi làm - Ảnh: HOÀNG AN
Để giải quyết khó khăn, mỗi công nhân có giải pháp khác nhau như: thay nhau xin nghỉ phép, gửi con cho người thân, "huy động" ông bà từ quê vào trông cháu... Cá biệt có trường hợp "đóng cửa" cho trẻ tự chơi ở nhà và gửi hàng xóm xung quanh.
Con nghỉ học, bố mẹ thêm việc
Mấy ngày nay, sân chơi trong khu lưu trú công nhân của cô Trần Thị Thành (ngụ Hóc Môn, TP.HCM) lúc nào cũng có các em nhỏ đủ mọi lứa tuổi chơi đùa vì các em đều được nghỉ học để tránh Covid-19. Khu trọ chủ yếu dành cho công nhân khắp nơi đang làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp này có hơn 200 phòng trọ.
"Ở đây có hơn 40 em đủ mọi lứa tuổi. Nhiều nhà sau tết vẫn để con ở quê chưa đưa vào lại. Số khác gửi con ngược về quê lần nữa để cho ông bà trông. Nhà nào con đã lớn, lớp 4, lớp 5 trở lên thì các em tự chơi ở nhà, trưa bố mẹ được cho về nấu cơm nước" - cô Thành chia sẻ. Riêng cô Thành mấy ngày nay cũng đang giữ ba em bé là con công nhân ở độ tuổi 1-2 vì "nhà xa mà ở quê cũng không có người thân trông giúp".
"Mấy bữa nay vợ chồng tôi người làm đêm, người làm ngày để thay nhau trông con" - anh Nguyễn Duy Khang, công nhân Công ty Year 2000 (quận Thủ Đức), chia sẻ về cách vợ chồng anh giữ con mấy ngày sau tết.
"Người làm ca đêm, người làm ca ngày để giữ con chứ biết sao. Cũng may công ty cũng hỗ trợ đổi ca nhưng nếu con tiếp tục nghỉ học kéo dài, tôi sẽ gửi con về quê để ông bà ở dưới Kiên Giang giữ giùm một thời gian" - anh Khang nói.
Thế nhưng, không phải gia đình nào cũng có điều kiện gửi con về cho ông bà chăm sóc giúp. Chị Bùi Thị Dương (36 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu), công nhân Công ty TNHH Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa), cho biết gia đình chị có 2 con nhỏ, đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ mới lên 3.
Trước khi có dịch, vợ chồng chị Dương gửi các con ở trường, sáng đưa đi chiều đón về. Nhưng từ hai tuần nay, nhà trường cho học sinh nghỉ học để tăng cường phòng chống dịch COVID-19, cuộc sống gia đình chị bắt đầu đảo lộn. Không gửi con cho ai được, vợ chồng chị Dương phải thay nhau nghỉ việc ở nhà chăm con.
Theo chị Dương, chồng chị làm thợ hồ, còn chị làm công nhân nuôi hai con nhỏ nên kinh tế gia đình chỉ đủ sống. Giờ một trong hai người phải nghỉ làm ở nhà trông con nên thu nhập giảm một nửa. Mặt khác, các con ở nhà cũng phát sinh thêm các khoản chi phí khác.
Chị Dương nhẩm tính: "Tiền ăn cho 2 đứa khoảng 100.000 đồng/ngày, tiền sữa hơn 300.000 đồng/tuần. Trung bình mỗi tháng chi phí tăng thêm hơn 3 triệu đồng. Trước mắt chưa phải vay mượn nhưng nếu cứ tiếp tục kéo dài thì mệt lắm".
Trong khi đó, chị Chu Thị Tuyết - công nhân Công ty TNHH giày Thông Dụng (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) - cho biết công ty đang vào cao điểm sản xuất nên không thể xin nghỉ nhiều ngày liên tiếp để trông con. Ban đầu chị Tuyết và em chồng thống nhất mỗi người luân phiên nghỉ phép 3 ngày một tuần để chăm sóc con và cháu. Tuy nhiên, việc nghỉ nhiều sẽ ảnh hưởng đến tiền lương nên cuối cùng vợ chồng chị Tuyết quyết định nhờ bà ngoại vào trông cháu để có thể an tâm đi làm.
Theo mẹ vào xưởng
Tại một công ty may ở TP.HCM mấy ngày nay nhiều công nhân lại đem theo cả con nhỏ vào xưởng vì không thể nhờ ai trông giúp được. "Nhiều người thì xin nghỉ ở nhà để trông con. Sau tết hàng hóa còn ít nên công ty cũng linh động cho công nhân có con nhỏ nghỉ làm. Nhưng có nhiều người thì đành đem con theo vì nếu nghỉ làm kinh tế cũng khó khăn" - chị L.T.K.Xuân, chuyền trưởng tại công ty, kể.
Riêng chuyền của chị Xuân có ba nữ công nhân cùng đưa con vào công ty. "Con theo mẹ vào xưởng, trưa đến ăn chung với mẹ ở công ty rồi kiếm chỗ cho bé nằm ngủ trưa" - chị L.T.T.Tiên (29 tuổi, công nhân cùng chuyền với chị Xuân) chia sẻ. Chị kể con chị chỉ mới 3 tuổi, bám mẹ chứ không chịu theo cha nên chị phải đưa con theo.
Chị Nguyễn Thị Dung - công nhân nhà máy tại Khu chế xuất Linh Trung 1 - cũng đã phải đưa con cùng đi làm. Thế nhưng chỉ được vài ngày, lãnh đạo công ty nhắc nhở nên chị Dung đành chọn giải pháp gửi con về quê. Chị Dung kể: "Tôi gửi con theo xe người quen về quê ở Phú Yên từ đầu tuần trước để nhờ ông bà trông giúp. Con mới 4 tuổi chưa ở với ông bà bao giờ cũng quấy khóc. Nhưng cũng đâu còn cách nào khác".
Trước những khó khăn của công nhân lao động, một số doanh nghiệp đã có những giải pháp nhằm giúp đỡ người lao động an tâm làm việc. Theo đó, lãnh đạo Công ty TNHH Tombow Việt Nam (Bình Dương) cho công nhân tạm ứng phép năm 2020 khi có nhu cầu. Đối với những trường hợp không còn phép năm thì công nhân có thể nghỉ không lương.
Còn công nhân có con nhỏ tại Công ty TNHH may mặc Bowker Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng An, Bình Dương) có thể tùy chọn nghỉ phép năm hay phép thường để ở nhà giữ con. Doanh nghiệp cũng lên giải pháp để không bị gián đoạn trong hoạt động sản xuất như vận động các công nhân khác tự nguyện tăng ca, bố trí lại lao động...
"Công nhân công ty cũng xoay đủ cách. Nhiều người có con lớn đã học cuối cấp I, cấp II thì để con ở nhà, hoặc nếu có một lớn một nhỏ thì để đứa lớn trông đứa nhỏ, đặt đồ ăn qua app về cho con..." - ông Lưu Kim Hồng, chủ tịch công đoàn Công ty Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao TP.HCM, quận 9), chia sẻ cùng những khó khăn của công nhân đơn vị mình.
V.THỦY - A LỘC - B.SƠN
Theo Tuổi trẻ
Đà Nẵng: Rau thủy canh của Hội ND phường Hòa Phát ngon "phát hờn" Được sự tài trợ kinh phí của ông Nguyễn Lê Hoài Long (một Việt kiều tại Mỹ), Hội ND phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) đã đầu tư làm vườn mẫu sản xuất rau thủy canh công nghệ cao, đem lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, mô hình này đang được chính quyền địa phương, Hội ND các cấp nhân...