Đà Nẵng: “Mọc” thêm hơn 700 lô đất TĐC cạnh 2 nhà máy thép ô nhiễm
Chỉ một năm sau khi Đà Nẵng có chủ trương giải tỏa, bố trí tái định cư (TĐC) cho các hộ dân sống cạnh 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc, đã có hơn 700 lô đất TĐC “mọc” thêm tại khu vực này.
Ngày 8.10, thông tin từ Thanh tra TP.Đà Nẵng cho hay, trong đợt thanh tra sai phạm của 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc (thôn vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), đơn vị này đã đồng thời thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại thôn Vân Dương 2.
Theo đó, sau khi thanh kiểm tra, Thanh tra TP.Đà Nẵng kết luận, từ năm 2008 – 2018, UBND huyện Hòa Vang đã cho phép chuyển mục đích sử dụng đất 29 hồ sơ với diện tích 4.213m2. Tuy nhiên, tất cả diện tích đất được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đều không căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không đúng quy định… Đồng thời, việc cho tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn có một số hạn chế, thiếu sót.
Thanh tra TP.Đà Nẵng cũng kết luận, tại khu vực thanh tra có 10 trường hợp xây dựng nhà, vật kiến trúc trên đất nông nghiệp vi phạm điều Luật Đất đai. Tuy nhiên, không có hồ sơ nào thể hiện việc xử lý của UBND xã Hòa Liên, UBND huyện Hòa Vang đối với các trường hợp sai phạm trên. Điều này cho thấy, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang qua các thời kỳ đã không xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định.
Vì vậy, Chánh Thanh tra TP.Đà Nẵng kết luận trách nhiệm này thuộc về Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cùng bộ phận tham mưu… và yêu cầu các cá nhân, tổ chức liên quan rút kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế, thiếu sót trên.
Người dân Đà Nẵng nhiều lần bao vây 2 nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý. Ảnh: Đình Thiên
Video đang HOT
Đặc biệt, trong kết luận của Thanh tra TP.Đà Nẵng thể hiện một chi tiết rất đáng quan tâm: Để xử lý ô nhiễm khu vực quanh 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc, UBND TP.Đà Nẵng chủ trương di dời, giải tỏa và bố trí TĐC cho các hộ dân. Tuy nhiên, chỉ sau một năm (tính từ tháng 1.2017 – 2.2018), tại khu vực này đã “mọc” thêm 714 lô đất TĐC, từ 500 lô vào năm 2017 lên thành 1.214 lô vào năm 2018.
Liên quan đến vấn đề trên, Thanh tra TP.Đà Nẵng cho biết, qua báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, việc để “mọc” lên 714 lô đất này là do sai lệch trong việc kiểm đếm. Cụ thể, Trung tâm phát triển quỹ đất cho rằng, vào thời điểm tháng 1.2017, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã tạm đếm trên cở sở nóc nhà hiện trạng, chưa triển khai kiểm đếm thực tế và đếm ra con số là 500 lô. Còn đến thời điểm tháng 2.2018, qua kiểm đến thực tế và hồ sơ pháp lý do chủ hộ cung cấp, con số này là 1.214 lô.
Việc tăng thêm 714 lô đất TĐC chỉ trong một năm ở khu vực 2 nhà máy thép gây ô nhiễm khiến chính quyền TP.Đà Nẵng thêm khó khăn trong việc xử lý vấn đề “ nóng” tồn tại nhiều năm nay.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, một lãnh đạo Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho rằng: “Những năm gần đây, lãnh đạo thành phố quyết tâm giải quyết tình trạng người dân phải chịu cảnh sống ô nhiễm cạnh 2 nhà máy thép. Tuy nhiên, việc chỉ phải bố trí chưa đến 500 lô đất TĐC thành hơn 1.200 lô đất đã khiến quỹ đất quy hoạch TĐC của thành phố đưa ra bị vỡ. Còn việc di dời nhà máy thép đi nơi khác cũng gặp khó khăn khi không có nơi nào phù hợp…”.
Theo Danviet
Đà Nẵng: Đề nghị dừng hoạt động gây ô nhiễm tại 2 nhà máy thép
Thường trực Thành ủy Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị Ban cán sự đảng UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo các sở ngành liên quan dừng hoạt động gây ô nhiễm tại 2 nhà máy thép.
Ngày 4.10, Văn phòng Thành ủy TP.Đà Nẵng cho biết đã có văn bản liên quan đến tình hình hoạt động ở 2 nhà máy thép gây ô nhiễm. Theo đó, trong thời gian vừa qua, có một số cơ quan, đơn vị, địa phương có văn bản báo cáo, kiến nghị Thường trực Thành ủy liên quan đến chủ trương dừng hoạt động của 2 nhà máy thép Dana Úc và Dana Ý.
Văn bản nêu rõ, trong những ngày gần đây, một số hộ dân tại khu vực thôn Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) tập trung trước cổng 2 nhà máy thép nói trên nhằm yêu cầu ngừng các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm.
Thành ủy Đà Nẵng nhận định, tình hình tại khu vực 2 nhà máy thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trước vấn đề trên, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã đề nghị Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan yêu cầu 2 nhà máy chấm dứt hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường khu vực, đảm bảo quy định của pháp luật, theo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy và phù hợp với định hướng, mục tiêu xây dựng thành phố môi trường.
Ngoài ra, Thường trực Thành ủy còn yêu cầu các đơn vị sớm công bố kết quả thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thành lập, hoạt động và xử lý môi trường tại 2 nhà máy và triển khai các bước tiếp theo đảm bảo quy định. Thường trực Thành ủy đề nghị tiến độ triển khai thực hiện phải được báo cáo trước ngày 5.10.
Người dân Hòa Liên (Đà Nẵng) vây nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc vì gây ô nhiễm. Ảnh: Đình Thiên
Bên cạnh đó, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng giao Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố và Huyện ủy Hòa Vang tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân ủng hộ chủ trương của thành phố, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng và doanh nghiệp triển khai các bước xử lý tiếp theo, đảm bảo quy định pháp luật.
Thường trực Thành ủy cũng giao Công an thành phố phối hợp với các ngành chức năng và địa phương thường xuyên ứng trực, kịp thời giải quyết, ngăn chặn các tình huống liên quan đến việc tập trung đông người, có phương án xử lý kiên quyết các đối tượng có biểu hiện kích động, gây rối an ninh trật tự tại khu vực. Công an cần kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ huy thống nhất thành phố khi xảy ra tình hình phức tạp.
Đồng thời đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Huyện ủy Hòa Vang yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể tại địa phương tăng cường nắm tình hình nhân dân, vận động, tổ chức họp dân giải thích rõ về chủ trương của thành phố.
Trước đó, như Dân Việt đã nhiều lần thông tin, từ khi đi vào hoạt động từ 2007, 2 nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc liên tục để xảy ra tình trạng ô nhiễm khiến người dân bức xúc.
Mới đây, vào đêm 26.2, rất đông người dân địa phương đã bao vây cổng nhà máy thép Dana Ý để phản đối.
Liên tục trong 2 ngày 27-28.2, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, ông Hồ Kỳ Minh đã trực tiếp xuống đối thoại với người dân sống quanh nhà máy thép. Tuy nhiên, cả trăm người dân dự đối thoại đều tỏ ra thất vọng khi lãnh đạo thành phố tiếp tục xin ghi nhận ý kiến và hứa giải quyết. Người dân sau đó đã bỏ về giữa buổi đối thoại.
Sau đó, vào ngày 28.2, UBND TP.Đà Nẵng đã quyết định tạm dừng hoạt động 2 nhà máy thép này. Tuy nhiên, vào sáng 26.3, UBND TP.Đà Nẵng công bố quyết định cho 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc hoạt động thêm trong vòng 6 tháng để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp đồng thời chính quyền có thời gian hoàn tất các bước đóng cửa nhà máy theo đúng quy trình pháp luật.
Theo Danviet
Đà Nẵng dừng hoạt động 2 nhà máy thép gây ô nhiễm: Cả hai phía đều lấn cấn... Để giải quyết điểm nóng Hòa Liên khi hàng trăm người dân bao vây 2 nhà máy Thép Dana Ý và Dana Úc, chiều 2.3, lãnh đạo Đà Nẵng đã quyết định đình chỉ hoạt động của 2 nhà máy. Dư luận xã hội cho rằng chính quyền Đà Nẵng đã "chọn dân". Tuy nhiên, có vài vấn đề cần phải suy nghĩ......