Đà Nẵng: “Liều” vay vốn trồng rau hữu cơ, trồng nấm mà giàu có
Có rất nhiều thanh niên ở huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) “đánh liều” vay vốn ngân hàng để khởi nghiệp bằng các mô hình trồng rau sạch, sản xuất nấm các loại…và bước đầu đem lại những thành công ngoài mong đợi.
“Đánh liều” vay vốn làm ăn
Anh Trương Ngọc Sơn (47 tuổi), ở thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng là một điển hình tiêu biểu ở Hòa Vang hiện nay, bởi trước đây kinh tế gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn, sống chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng thu nhập cũng chỉ đủ để sống qua ngày. Không chịu cảnh đói nghèo mãi, anh Sơn đã “đánh liều” vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh Hòa Vang (Agrbank Hòa Vang) để phát triển kinh tế gia đình.
Với sự tiếp sức vốn kịp thời của ngân hàng Agribank mà nhiều thanh niên ở Đà Nẵng đã mạnh dạn làm giàu bằng các mô hình trồng trọt hiệu quả.
Trò chuyện cùng Dân Việt, anh Trương Ngọc Sơn cho hay, lúc trước cuộc sống gia đình khó khăn nên tôi bàn với vợ tìm hướng phát triển kinh tế. Thế là năm 2016, từ nguồn vốn vay 320 triệu đồng của Agribank Hòa Vang, cộng với số tiền tích cóp được tôi bắt đầu khởi nghiệp bằng mô hình trang trại trồng rau hữu cơ theo hướng sạch. Lúc đầu do vốn ít nên trang trại chỉ có quy mô hơn 2.000m2. Đến năm 2017, thấy mô hình làm ăn hiệu quả, có bước phát triển tốt, tôi tiếp tục vay thêm 300 triệu đồng để mở rộng quy mô trang trại của mình lên 10.000m2…
Cán bộ ngân hàng Agribank đi thăm, khảo sát hiệu quả các mô hình.
Một mô hình khác hiệu quả không kém đó là mô hình trồng nấm của anh Nguyễn Văn Nhi (37 tuổi), ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Khởi nghiệp từ năm 2014 nhưng nguồn vốn là một trở ngại đối với anh Nhi.
Anh Nguyễn Văn Nhi, ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng khởi nghiệp bằng nghề trồng các loại nấm khá thành công.
Video đang HOT
“Để mở rộng quy mô trang trại, năm 2016 tôi đã vay 20 triệu đồng từ ngân hàng Agribank Hòa Vang để phát triển mô hình. Với nguồn vốn có hạn, nên tôi chỉ triển khai trồng nấm trên diện tích khoảng gần 300m2, công việc làm nấm thuận lợi, nhận thấy có hiệu quả đem lại cao, tôi tiếp tục vay thêm 50 triệu của ngân hàng để mở rộng diện tích và quy mô trang trại nấm của mình…” – Anh Nhi chia sẻ.
Hiệu quả ngoài mong đợi
Ông Ông Văn Quyện – Giám đốc Agribank Hòa Vang cho biết, thời gian qua đơn vị luôn bám sát định hướng kinh tế – xã hội của địa phương, tập trung nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, cung cấp nguồn vốn kịp thời để nông dân yên tâm sản xuất. Đặc biệt, đã có rất nhiều thanh niên trẻ khởi nghiệp bằng nguồn vốn của Agribank và tạo nên nhiều thành công đáng kể.
Nhiều thanh niên ở Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) đã “đánh liều” vay vốn của ngân hàng để khởi nghiệp và đã đem lại nhiều thành công.
“Tiêu biểu trong số này phải kể đến mô hình trồng rau sạch của anh Trương Ngọc Sơn (ở xã Hòa Phú), mô hình trồng nấm các loại của anh Nguyễn Văn Nhi (ở xã Hòa Nhơn); Hay mô hình trang trại chăn nuôi gà, ếch, cá, ba ba…của anh Cao Văn Tám (ở xã Hòa Khương) cho thu nhập từ 250-300 triệu đồng/năm…Và còn nhiều mô hình khác nữa…” – Ông Quyện chia sẻ.
Nhờ trồng rau hữu cơ mà anh Trương Ngọc Sơn có thu nhập khá cao và mỗi năm thu lãi từ 230-250 triệu.
Anh Trương Ngọc Sơn phấn khởi nói, nhờ vốn Agribank mà gia đình tôi có cơ ngơi như ngày hôm nay. Hiện trang trại trồng rau của tôi cho doanh thu trên 70 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các khoản chi phí, trả lãi cho ngân hàng, tôi thu lãi hơn 20 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo, có tiền sửa lại ngôi nhà và nuôi con ăn học…
Nhờ trồng nấm mà mỗi năm anh Nguyễn Văn Nhi bỏ túi khoảng từ 120 – 150 triệu đồng.
“Hiện nay nấm bào ngư giá bán trung bình 35.000 đồng/kg, nấm linh chi, nấm dược liệu dao động từ 800.000 – 1.000.000 đồng/kg. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, trả lãi ngân hàng, tôi bỏ túi khoảng từ 120 – 150 triệu đồng/năm….” – Anh Nguyễn Văn Nhi hào hứng nói.
Theo Danviet
Trồng vườn cà chua đẹp nơi heo hút, khách vẫn tìm vào mua
Vườn cà chua trong nhà màng của anh Phạm Phú Cường nằm ở xã vùng sâu Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) nhưng vẫn thu hút được nhiều khách ghé thăm, chọn mua rau sạch. Hiện anh Cường đang tiếp tục mở rộng diện tích nhà màng trồng rau sạch vì có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu xuất khẩu.
Mê làm rau sạch
Anh Cường kể: "Gốc gia đình tôi làm nghề trồng dâu nuôi tằm nên bước đầu lập nghiệp, tôi vẫn giữ nghề này của gia đình. Tuy thu nhập tốt nhưng tôi vẫn thử nghiệm trồng nhiều loại rau quả khác vì mê làm rau sạch".
Anh Cường từng giăng mùng chống muỗi, côn trùng để trồng thử nghiệm 100 cây cà chua theo hướng an toàn. Quan sát thấy cây cà chua trồng theo hướng hữu cơ cho năng suất cao, chất lượng ngon, anh quyết định đầu tư nhà màng để làm rau sạch.
Anh Phạm Phú Cường giới thiệu vườn cà chua trồng trong nhà màng ở xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: B.Nguyên.
Anh Cường đã đầu tư khoảng 800 triệu đồng để làm khoảng 3.300m2 nhà màng trồng rau sạch. Trong đó, anh trồng được nhiều giống rau mà xưa nay nông dân vùng này chưa trồng như: cà chua, ớt chuông, dưa lưới...
Từ sản xuất theo cách truyền thống chuyển sang làm rau sạch công nghệ cao, anh phải bỏ nhiều công học hỏi, tìm hiểu những kỹ thuật mới. Trong đó, những đợt thử nghiệm bước đầu không phải lúc nào cũng thành công nhưng anh không nản chí.
Vì với chàng thanh niên này, trồng rau sạch không chỉ giữ cho môi trường trong lành nơi gia đình mình sinh sống mà còn là niềm vui làm ra sản phẩm an toàn cho mọi người cùng sử dụng.
Với nguồn động lực này, anh không ngại thử nghiệm trồng những loại rau trái mới, từ những loại rau khá thân thuộc như: dưa leo, xà lách, cà chua đến những sản phẩm ít phổ biến hơn như: dưa lưới, ớt chuông, cà rốt...
Theo anh Cường, để trồng thành công nhiều giống rau của vùng ôn đới ở xứ nóng, việc chọn đúng loại giống phù hợp rất quan trọng. Cụ thể, anh chọn trồng các giống cà chua chịu nhiệt nhập khẩu từ Nhật Bản, Israel với giá cao hơn nhiều so với nguồn hạt giống từ xứ lạnh Đà Lạt.
Trồng rau, quả xuất khẩu
Hơn 2 năm đầu tư trồng rau sạch công nghệ cao, anh Cường luôn giữ quan niệm làm rau sạch nhưng giá phải hợp lý để người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng. Theo đó, những khách hàng đầu tiên của vườn rau công nghệ cao này chính là những người dân quê ngay tại địa phương.
Anh Cường chăm sóc vườn cà chua trồng theo công nghệ cao trong nhà màng.
"Tôi lập trang mạng xã hội Facebook Rau sạch Phú Cường để quảng bá rộng rãi sản phẩm rau sạch đến người tiêu dùng. Từ một tiệm tạp hóa nhỏ cách vườn vài cây số cho đến khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh đặt 5-7kg cà chua, rau sạch, tôi đều bỏ công gởi hàng cho họ" - anh Cường cho biết.
Hiện nay, vườn rau sạch của anh Cường đã có rất nhiều đại lý bán hàng là các trang Facebook cá nhân, nhiều cơ quan nhà nước, trường học cũng trở thành khách quen.
Anh Cường vui vẻ khoe: "Ngoài khách hàng tại địa phương, tôi còn nhận được đơn đặt hàng từ các cửa hàng rau sạch, siêu thị, đặc biệt đã có doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm xuất khẩu. Tôi đang hợp tác với một số người bạn đầu tư mở rộng diện tích nhà màng, đăng ký thành lập hợp tác xã để trồng rau sạch cung cấp cho thị trường xuất khẩu".
Theo Bình Nguyên (Báo Đồng Nai)
An Giang: 9X bỏ lương 15 triệu về trồng rau chấp nhận cho sâu phá Trong khi đa phần nông dân vẫn thíchsử dụng thuốc hóa học cho rau, màu để tăng năng suất, chạy theo lợi nhuận thì chàng trai "9X" Trương Thành Đạt (phường Mỹ Quý, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) cùng các cộng sự trẻ chọn cách làm ngược lại: tuyệt đối không phun thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng...