Đà Nẵng lên tiếng về chính sách “giữ xe miễn phí” của ông Bá Thanh
“TP.Đà Nẵng có nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo, người yếu thế chứ không chỉ có mỗi việc miễn phí gửi xe bệnh viện. Việc không bao cấp phí này nữa là vì vướng vào Luật Phí, Lệ phí, Luật Giá và Luật Ngân sách mới chỉnh sửa” – Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu sáng nay.
Tại phiên chất vấn trong kỳ họp HĐND TP.Đà Nẵng sáng nay, đại biểu Trần Thắng Lợi đặt câu hỏi về ý định bỏ miễn phí gửi xe ở các bệnh viện công lập. Vấn đề này đang được dư luận TP.Đà Nẵng rất quan tâm. Chủ trương này được thực hiện từ ý tưởng của cố Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thắng Lợi, ông Nguyễn Văn Phụng – Giám đốc Sở Tài chính TP.Đà Nẵng cho biết, ngân sách thành phố đã đầu tư cho công tác nhân công phục vụ giữ xe 6 năm qua, mỗi năm đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Đây không phải là vấn đề khó khăn với ngân sách thành phố. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, vấn đề này đang gặp một số bất cập.
“Nhiều người đến gửi xe tại bệnh viện công lập không phải đi khám bệnh và cũng không phải đối tượng người nghèo. Bên cạnh đó, hiện nay hạ tầng các bãi trông giữ xe nhếch nhác, chưa đảm bảo mỹ quan nên có những hạn chế và khó khăn”, ông Phụng nói.
Ngoài ra, hiện nay theo Pháp lệnh phí và Lệ phí, danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá trong đó có phí trông giữ xe phải được chuyển sang dịch vụ trông giữ xe và thực hiện theo Luật Giá.
Mặt khác, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương không có nội dung chi trợ giá. Do vậy, nếu không thực hiện nghiêm túc Luật phí, Lệ phí, Luật Giá và Luật Ngân sách, khi kiểm toán không chỉ bị xuất toán những khoản chi không đúng quy định, mà còn phải chịu trách nhiệm đối với việc triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Phụng trả lời chất vấn sáng 7.7 (Ảnh: Đình Thiên)
Video đang HOT
Vừa qua, UBND thành phố có tờ trình đề nghị HĐND thành phố xem xét tiếp tục duy trì việc hỗ trợ đến hết 31.12.2017 và UBND thành phố có trách nhiệm bố trí ngân sách cho các cơ sở công lập tiếp tục duy trì. Cùng với đó, UBND thành phố cũng đề nghị từ ngày 1.1.2018, bãi bỏ việc miễn phí này để UBND thành phố tuyên truyền, chỉ đạo các sở, ngành liên quan, ông Phụng thông tin.
Đồng tính với phần giải trình của Giám đốc Sở Tài chính, nhưng đại biểu Trần Thắng Lợi cho rằng cần nghiên cứu giải pháp tiếp tục hỗ trợ bệnh nhân thực sự nghèo được miễn phí giữ xe.
Theo ông Phụng, các bệnh viện công lập có thể triển khai theo 2 phương thức, nếu tự bố trí được người giữ xe thì đề nghị miễn phí đối với bệnh nhân có bảo hiểm nghèo, khi đó người có bảo hiểm nghèo sẽ được phát phiếu giữ xe miễn phí. Thứ 2, nếu bệnh viện công lập đầu tư và tổ chức đấu thầu bãi giữ xe thì sẽ có tỷ lệ nguồn thu để lại cho bệnh viện, từ đó có nguồn hỗ trợ lại cho bệnh nhân nghèo.
Chính sách miễn phí tiền gửi xe tại bệnh viện là một trong những điểm sáng của Đà Nẵng (Ảnh: Việt Nguyễn)
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho biết, thành phố không phủ quyết Nghị quyết cũ mà vẫn bảo vệ người nghèo, không bỏ rơi người nghèo.
“Hàng năm, ngân sách thành phố chi cho giữ xe khoảng hơn 4 tỷ đồng. Thời gian tới chúng ta vẫn phải đi đúng vào đối tượng người nghèo, chứ người giàu cũng được hưởng thì không công bằng. Chúng ta có kế thừa nhưng phải làm sao phù hợp với luật”, ông Xuân Anh nói và đề nghị Sở Tài chính tham mưu cho UBND thành phố để quyết định phương án tối ưu nhất.
Liên quan đến vấn đề này ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho rằng, thành phố Đà Nẵng có nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo, người yếu thế chứ không chỉ có mỗi việc miễn phí gửi xe bệnh viện. Việc không bao cấp phí này nữa là vì vướng vào Luật Phí, Lệ phí, Luật Giá và Luật Ngân sách mới chỉnh sửa.
“Nếu không vướng vào các luật mới ban hành thì thành phố vẫn tiếp tục thực hiện như các năm trước. Với số tiền hơn 4 tỷ đồng mỗi năm, ngân sách thành phố cân đối được, không có vấn đề gì. Tuy nhiên, sang năm 2018 mới tính đến bỏ hay không. Nếu bỏ, đối tượng người nghèo, bệnh nhân nghèo thành phố sẽ có phương án hỗ trợ cụ thể”, ông Thơ khẳng định.
Theo Danviet
Bí thư Đà Nẵng: "Tôi và anh Thơ không có lợi ích riêng khi xây hầm qua sông Hàn"
"Chúng tôi chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Mọi người hãy xem công trình có ảnh hưởng lợi ích người dân, có ảnh hưởng môi trường không,... Xem chúng tôi có vì lợi ích chung hay không? Tôi và anh Thơ (ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) không có lợi ích riêng khi xây dựng công trình này".
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng liên quan đến việc Đà Nẵng đang tính xây dựng hầm qua sông Hàn - nội dung chiếm phần lớn thời lượng trao đổi giữa lãnh đạo Đà Nẵng và báo chí trong buổi họp báo về các vấn đề nóng trên địa bàn vừa diễn ra sáng 21/12. Tham gia họp báo cùng ông Nguyễn Xuân Anh còn có ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định lãnh đạo thành phố không có lợi ích riêng trong chủ trương xây hầm qua sông Hàn
Theo đó, tại buổi họp báo, báo chí có ý kiến nêu lại việc đã có nhiều dư luận xã hội cho rằng Đà Nẵng nên cân nhắc chủ trương xây hầm qua sông Hàn, cân nhắc nên xây cầu hay xây hầm qua sông Hàn? Ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chia sẻ Ban Thường vụ Thành ủy đã có nhiều cuộc họp lấy ý kiến, và đa số ý kiến thống nhất chủ trương xây hầm qua sông Hàn.
Phát biểu về chủ trương xây hầm qua sông Hàn, ông Nguyễn Xuân Anh cho biết, chủ trương đã có từ tháng 10/2015 và Ban Thường vụ đã có nhiều phiên họp, cách 4 - 5 tháng lại họp một lần, liên quan chủ trương này. Việc xây hầm hay cầu cũng được xin ý kiến từng thành viên Ban Thường vụ và đa số thống nhất xây hầm. Tuy nhiên, làm như thế nào, bao giờ khởi công thì chưa quyết.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh chia sẻ: "Nói chúng tôi vội vã là chưa chính xác. Còn về thẩm quyền, chúng tôi có quyền quyết định. Chúng tôi không ngồi trên dư luận, bỏ qua dư luận nhưng chúng tôi có quyền đưa ra quyết định. Chúng tôi chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Mọi người hãy xem công trình có ảnh hưởng lợi ích người dân, có ảnh hưởng môi trường không,... Xem chúng tôi có vì lợi ích chung hay không? Tôi và anh Thơ (ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng) không có lợi ích riêng khi xây dựng công trình này".
Ông Huỳnh Đức Thơ chia sẻ thêm, chủ trương xây cầu hay hầm qua sông Hàn là tầm nhìn dài hạn. Với đà tăng dân số, khách du lịch và các phương tiện giao thông hiện nay thì không biết 10 năm nữa Đà Nẵng phải đối phó sao với bài toán giao thông? Nên phải tính từ bây giờ.
Ông Huỳnh Đức Thơ nói: "Dự kiến đô thị Đà Nẵng trong thời gian tới có khoảng 2,5-3 triệu dân thì mình phải đối phó sao để đáp ứng được hạ tầng giao thông. Vì vậy, cần có một công trình vượt sông Hàn nữa là hợp lý... Trước đây, khi Đà Nẵng bắt tay vào làm cầu Rồng, cũng có dư luận phản ứng và cho rằng không cần thiết. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nếu không có cầu Rồng thì không biết làm sao để giải quyết nạn ùn tắc, kẹt xe?".
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, sở dĩ lãnh đạo chính quyền thành phố chọn làm hầm là vì làm cầu sẽ che chắn hết mặt sông sau này không khai thác được việc làm các bến du thuyền, tổ chức các lễ hội thuyền buồm, không có chỗ neo đậu tàu thuyền du lịch...
Liên quan chủ trương của Đà Nẵng về việc xây hầm qua sông Hàn, ông Lê Văn Trung - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng - cho biết thêm, có hai phương án được đưa ra khi làm hầm là hầm thẳng hay cong. Phương án hầm đi thẳng nối từ đường Đống Đa qua Sơn Trà nhưng phải giải tỏa 210 hộ dân. Còn phương án hầm cong thì đi từ đường Như Nguyệt qua Sơn Trà sẽ hạn chế được giải tỏa nhưng lại hạn chế về phân luồng giao thông. Đến nay vẫn chưa chọn được phương án cuối cùng.
Tâm An
Theo Dantri
Chủ tịch Đà Nẵng: Tiền không tái tạo được giá trị của Sơn Trà Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết Đà Nẵng tính toán quản lý bán đảo này theo cơ chế đặc thù. Sáng 7/7, Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã giải trình nhiều vấn đề nóng tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND thành phố, trong đó có nội dung về Sơn Trà. Ông Thơ cho biết 10 hay 5 năm trước đây,...