“Đà Nẵng không tiếc tiền mời chuyên gia tư vấn định hướng phát triển”
“Việc tổ chức các hội thảo tiếp nhận ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch của thành phố giống như đặt những thanh ray đầu tiên của chiếc xe lửa tiến tới tương lai của Đà Nẵng. Sai một li đi một dặm, do đó, thành phố không tiếc tiền mời chuyên gia tư vấn”…
Ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND thành phố đã phát biểu như trên tại Hội thảo khoa học định hướng phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2035 vừa diễn ra trong ngày 19/3.
Ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng chia sẻ, thành phố không tiếc tiền để mời chuyên gia tư vấn hoạch định chính sách, quy hoạch chung
Đâu là lợi thế cho định hướng phát triển Đà Nẵng?
Báo cáo sơ khởi về định hướng phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2035 đưa ra tầm nhìn phát triển Đà Nẵng trở thành một đô thị hiện đại, thông minh, thành phố toàn cầu, có bản sắc và đáng sống. Trong đó, cơ cấu kinh tế định hướng công nghệ hiện đại với 3 trung tâm chức năng chính của “đầu tàu” phát triển là trung tâm dịch vụ logistics, trung tâm du lịch biển quốc tế và trung tâm khởi nghiệp.
Góp ý tại Hội thảo, ông Bùi Quang Vinh -nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, Đà Nẵng phải xác định trong 3 định hướng phát triển kinh tế trên, đâu là định hướng có cơ sở nhất với lợi thế của thành phố. Theo ông Vinh, hiện nay Đà Nẵng đang có lợi thế để phát triển thành một trung tâm du lịch là lớn nhất.
Còn về định hướng phát triển trung tâm logistics thì phải xem lợi thế của Đà Nẵng là gì? Ông Vinh nói thẳng, đó không thể là Cảng Tiên Sa hiện nay.
Video đang HOT
Với định hướng phát triển trung tâm khởi nghiệp, ông Vinh cho rằng Đà Nẵng có thể kỳ vọng vào tương lai với việc tạo môi trường ban đầu tốt như hiện nay.
Nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước tham dự Hội thảo
Một ý kiến chuyên gia nước ngoài tại Hội thảo chia sẻ, bên cạnh việc định hướng phát triển kinh tế, chính sách thu hút đầu tư, thì Đà Nẵng cần xác định phát triển dịch vụ giáo dục, y tế để các nhà kinh doanh, nhà đầu tư đến đây làm ăn. Đúng theo khái niệm của một thành phố đáng sống là không chỉ cư dân bản địa hài lòng mà những người ở nơi khác đến cũng phải cảm thấy đây là một nơi mà họ có thể đến sống và làm việc, sinh cơ lập nghiệp.
Với định hướng phát triển du lịch của Đà Nẵng, nhiều ý kiến cho rằng, Đà Nẵng cần đẩy mạnh liên kết vùng, trong điều kiện thuận lợi của vùng là có nhiều điểm đến di sản văn hóa thế giới như phố cổ Hội An, cố đô Huế. Theo đó, Đà Nẵng có thế mạnh để phát triển dịch vụ du lịch. Đồng thời, có thể thấy rõ du lịch biển là một trong những sức hút của điểm đến Đà Nẵng. Tuy nhiên, Đà Nẵng phải giải quyết tốt bài toán bảo vệ môi trường để phát triển du lịch biển bền vững.
Dự chi 50 tỷ để tổ chức thi ý tưởng quy hoạch đô thị
Tiếp nhận các ý kiện tại Hội thảo, ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng chia sẻ: “Việc tổ chức các hội thảo tiếp nhận ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch của thành phố giống như đặt những thanh ray đầu tiên cho chiếc xe lửa tiến tới tương lai của Đà Nẵng. Sai một li đi một dặm, do đó, thành phố không tiếc tiền mời chuyên gia tư vấn cho hoạch định chính sách, quy hoạch chung”.
Ông Thơ cho biết, Đà Nẵng đã có dự toán chi 50 tỷ đồng chỉ để tổ chức cuộc thi ý tưởng để có được hình dung quy hoạch chung của đô thị Đà Nẵng. Và quyết tâm lần này là làm sao để khớp nối giữa định hướng phát triển kinh tế – xã hội với quy hoạch chung; đồng thời thể hiện một ý chí nhất quán, chứ không thể cứ “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” dẫn tới khả năng phát triển đô thị lộn xộn. Và điều này cần đến quyết tâm của lãnh đạo thành phố.
“Khi đi vào thực tiễn thì ý chí quyết tâm của lãnh đạo rất quan trọng. Nhiều khi mình lao theo yêu cầu bức bách của thực tiễn mà quên đi bức tranh chung, đặt bút ký chỗ này, ký chỗ khác để một cái bị vỡ rồi toàn bộ vỡ hết” – ông Thơ nói.
Cho nên, theo ông Thơ, đã tốn kém tiền bạc cho định hướng quy hoạch chung, chính sách phát triển kinh tế – xã hội thành phố thì cần bỏ tư duy nhiệm kỳ, cần thiết đưa quy hoạch chung vào nghị quyết của HĐND thành phố. “Đừng để hôm nay làm quy hoạch chung bài bản đâu ra đó rồi, biết đâu nhiệm kỳ tới, anh khác lên là làm khác mà không trách được vì đó là quyền của anh ấy chứ có ràng buộc gì đâu. Vậy nên cần thiết thì phải đưa quy hoạch chung vào nghị quyết để đảm bảo giá trị thực hiện” – ông Thơ nêu quan điểm.
Tâm An
Theo Dantri
Chủ tịch Đà Nẵng nói về việc rà soát tài sản của Vũ "nhôm"
"UBND thành phố đã giao cho các sở, ngành rà soát, tập hợp để thực hiện việc dừng giao dịch tài sản liên quan đến ông Phan Anh Vũ và các cá nhân được nêu tên theo yêu cầu của Bộ Công an. Đến thời điểm hiện tại chưa có báo cáo đầy đủ. Những tài sản đứng theo tên những người này nằm rải rác ở quận, huyện ở thành phố, rồi ở các công ty".
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trả lời như trên tại buổi họp báo của UBND thành phố sáng 11/1 trước câu hỏi của báo chí về việc thực hiện tạm dừng tất cả các giao dịch, chuyển đổi chủ sở hữu tài sản trên địa bàn thành phố của 4 cá nhân trong đó có ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"); đồng thời, rà soát các tài sản liên quan đến 4 cá nhân được nêu tên.
Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì buổi họp báo của UBND thành phố sáng 11/1
Cụ thể, trả lời báo chí, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, trong quá trình điều tra vụ việc liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ, Bộ Công an đã có yêu cầu tạm ngừng các giao dịch liên quan tài sản của bốn cá nhân nêu tên cụ thể, trong đó có Phan Văn Anh Vũ. UBND thành phố đã giao cho các sở, ngành rà soát, tập hợp để thực hiện việc dừng giao dịch tài sản liên quan đến ông Phan Anh Vũ và các cá nhân được nêu tên theo yêu cầu của Bộ Công an. Đến thời điểm hiện tại chưa có báo cáo đầy đủ. Những tài sản đứng theo tên những người này nằm rải rác ở quận, huyện ở thành phố, rồi ở các công ty".
Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, hiện chưa có báo cáo đầy đủ về việc rà soát tài sản liên quan đến Vũ "nhôm" và các cá nhân được nêu tên theo yêu cầu của Bộ Công an. (ảnh: Công an khám xét nhà riêng của Vũ "nhôm" tại số 82 Trần Quốc Toản, Đà Nẵng)
Ông Huỳnh Đức Thơ chia sẻ thêm, các diễn biến vụ việc liên quan ông Phan Văn Anh Vũ, các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin, bản thân ông cũng chỉ biết đến đó. "Hiện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an đang tiếp tục khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc. Thành phố cũng phải chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an mới trả lời được" - ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, ngày 26/12, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên - Môi trường, Cục thuế thành phố, UBND các quận, huyện, xã phường, các phòng công chứng, Văn phòng đăng ký đất đai thành phố... về việc tạm dừng giao dịch, chuyển đổi sở hữu tài sản của 4 cá nhân, gồm: Phan Văn Anh Vũ (sinh ngày 2/11/1975), Lê Văn Sáu (SN 5/1/1975), Trần Đại Vũ (SN 19/5/1975) và Nguyễn Thị Thu Hiền (SN 3/4/1978).
Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp kiểm tra rà soát, xác định các tài sản là bất động sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đăng ký chủ sở hữu, chủ sử dụng là 4 cá nhân được nêu trên, báo cáo kết quả về Chủ tịch UBND thành phố trước ngày 10/1/2018.
Tâm An
Theo Dantri
Bộ trưởng Công an đến hiện trường vụ cháy tàu xăng dầu ở cảng Đình Vũ Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hải Phòng Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Tùng... đã đến hiện trường vụ cháy tàu xăng dầu ở cảng Đình Vũ chỉ đạo các lực lượng khắc phục sự cố. UBND thành phố Hải Phòng lên tiếng vụ cháy tàu xăng dầu...