‘Đà Nẵng khởi kiện nhân tài ra tòa là bình thường’
“Hợp đồng cấp kinh phí đào tạo giữa Đà Nẵng và học viên là giao dịch dân sự, các bên phải tuân thủ điều đã thỏa thuận. Bên thua kiện nếu không thực thi bản án sẽ bị tịch thu tài sản”, luật sư Vũ Tiến Vinh (Giám đốc Công ty Luật Bảo An) cho biết.
- Ông đánh giá thế nào về Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng?
- Đây là một đề án mang tính đột phá, tiên phong trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng. Việc ngân sách của thành phố bỏ ra nhiều tỷ đồng cấp kinh phí đào tạo để có được những cán bộ trẻ có năng lực, nhiệt huyết là điều hợp lý và cần thiết. Đặc biệt, Đà Nẵng đang phát triển, có nhiều tiềm năng nên càng cần những việc làm mang tính táo bạo để bứt phá. Có thể nói đây là một đề án tốt, chính sách tốt, rất hợp với lòng dân.
Đề án này còn giải tỏa phần nào về việc dư luận đang rất bức xúc về nạn chạy chức, chạy quyền, về việc sinh viên có năng lực, có trình độ nhưng không được cơ quan nhà nước tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế. Chính Đề án này đã cho thấy để xin vào các cơ quan nhà nước ở Đà Nẵng cần phải có thực tài, có trình độ chứ không phải bằng cách chạy chọt.
- Luật sư đánh giá sao về việc Đà Nẵng “dọa” khởi kiện nhân tài ra tòa do vi phạm hợp đồng hỗ trợ đi du học?
- Việc Đà Nẵng khởi kiện ra tòa là chuyện hết sức bình thường. Đà Nẵng có quyền khởi kiện và cũng nên khởi kiện để các học viên hiểu rằng họ phải có trách nhiệm khi tham gia đề án, có trách nhiệm với thành phố khi đã được cấp tiền cho đi học.
Dưới góc độ pháp lý, hợp đồng cấp kinh phí giữa Đà Nẵng và học viên là một giao dịch dân sự, các bên phải bình đẳng và tuân thủ điều khoản đã thỏa thuận.
Việc Đà Nẵng khởi kiện ra tòa cũng là cách để việc phân định đúng sai được công khai, bình đẳng. Bên nào sai phải chịu chế tài theo quy định của pháp luật. Đây cũng là cách để các học viên khác nâng cao ý thức trách nhiệm với thành phố và biết hậu quả pháp lý sẽ phải gánh chịu nếu không thực hiện đúng cam kết.
Đà Nẵng cho biết hơn 200 người kết thúc khóa học ở nước ngoài đã tham gia đắc lực trong việc phát triển thành phố. Ảnh minh họa: Nguyễn Đông
Video đang HOT
- Theo ông, đâu là điểm mấu chốt để Đà Nẵng”tự tin” dọa khởi kiện?
- Cơ sở mấu chốt trọng vụ kiện này chính là các văn bản, quyết định của Đề án và đặc biệt là hợp đồng giữa Đà Nẵng và học viên. Các quy định trong hợp đồng về nghĩa vụ, trách nhiệm của học viên sau khi hoàn thành chương trình học chính là căn cứ xác định học viên có vi phạm hợp đồng hay không, có phải bồi thường cho thành phố hay không.
Trong vụ việc này, nghĩa vụ chứng minh thuộc về các bên. Nếu nguyên đơn chứng minh được học viên cố ý vi phạm hợp đồng thì học viên phải bồi thường theo mức đã cam kết trước khi tham gia đề án.
Nếu học viên gặp bất khả kháng mà không thể tiếp tục tham gia đề án thì có nghĩa vụ phải chứng minh đó là có thật và khi sự kiện bất khả kháng xảy ra đã làm mọi cách để khắc phục nhưng không đạt kết quả.
- Giả sử bị tuyên phải bồi thường, các nhân tài không chịu thực hiện bản án thì câu chuyện sau đó sẽ thế nào?
- Sau khi bản án có hiệu lực, Đà Nẵng có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án thực thi việc thu hồi tài sản. Nếu bị đơn không trả đúng theo thời hạn của cơ quan thi hành án thì phải thanh toán thêm lãi suất theo quy định của Ngân hàng nhà nước.
Trường hợp chậm thực hiện, cơ quan thi hành án có quyền tịch thu tài sản của bị đơn để phát mãi phục vụ việc thi hành phán quyết của tòa.
- Việc Đà Nẵng đưa ra khả năng sẽ không bắt học viên bồi thường đúng theo hợp đồng mà có thể xem xét đến gia cảnh của học viên. Ông thấy vấn đề này thế nào?
- Đây là cách làm thể hiện sự linh hoạt và rất nhân văn. Tuy nhiên, cách làm này chỉ có thể thực hiện khi chưa khởi kiện vụ án ra tòa.
Số tiền thành phố đã bỏ ra để cấp cho học viên đi du học là tài sản của nhà nước mà về nguyên tắc, tòa án thì không được phép tiến hành hòa giải nếu thiệt hại đó là tài sản của nhà nước.
- Luật sư dự đoán thế nào về kết quả của phiên tòa (nếu diễn ra)?
- Tôi chưa thể dự đoán về bản án bởi kết quả còn phụ thuộc vào các tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp. Tuy nhiên chắc chắn bản án sẽ là một bài học tốt cho thành phố cũng như học viên để có những cách làm đúng đắn hơn. Bên cạnh bản án của tòa án còn có bản án vô hình của lương tâm, của dư luận và sức mạnh của những bản án này cũng không hề nhỏ bé.
- Theo ông, bài học rút ra sau sự việc này là gì?
- Việc Đà Nẵng cấp kinh phí cho học viên là một việc làm tốt nhưng thành phố cũng cần khách quan tìm hiểu lý do từ phía các học viên. Có nguyên nhân nào đến từ phía thành phố hay không? Đây là việc làm không đơn giản, cần phải có sự dũng cảm nhìn nhận thì mới có thể khắc phục được những hạn chế, nếu có.
Đối với học viên, phải nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân với xã hội và phải cố gắng hết sức mình để làm tốt những điều mà mình đã cam kết dù có điều gì xảy ra đối với bản thân. Quyền lợi bao giờ cũng đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm nên cần cân nhắc kỹ khi đặt bút ký hợp đồng, nếu không dám chắc thì nên nhường cơ hội cho người khác.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký quyết định chấm dứt việc tham gia đề án đối với học viên Hồ Thị Như Mai, Hà Thanh An do tự ý bỏ việc, không thực hiện đủ thời gian làm việc đối với thành phố theo cam kết khi tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hai học viên này có trách nhiệm bồi thường gấp 5 lần toàn bộ kinh phí đã nhận từ ngân sách thành phố kể từ khi tham gia Đề án. Trong trường hợp học viên và gia đình không hoàn thành trách nhiệm bồi thường, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng sẽ tiến hành khởi kiện ra Tòa án dân sự. Chiếu theo quy định, học viên Hà Thanh An học thạc sĩ ở Anh một năm, được thành phố hỗ trợ khoảng 600 triệu đồng, số tiền buộc bồi thường khoảng 3 tỷ đồng. Học viên Hồ Thị Như Mai cũng theo học tại Anh trong vòng 3 năm, mỗi năm được hỗ trợ 20.000 USD, bị buộc bồi thường hơn 6 tỷ đồng.
Theo VNE
Kiện đòi bồi thường 1,2 tỷ trong vụ sữa Danlait
Giám đốc Công ty Mạnh Cầm cho rằng Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Vương Chí Dũng thông tin sữa Danlait không đạt chất lượng khiến Mạnh Cầm mất uy tín, đứng bên bờ vực phá sản.
Ông Đặng Quang Mạnh (Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Cầm) nộp đơn khởi kiện ông Vương Chí Dũng (Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) lên TAND Hà Nội về quyết định xử lý vi phạm hành chính với doanh nghiệp này. Ngày 9/7, tòa đã thụ lý hồ sơ.
Theo đơn, tháng 2, Đội quản lý thị trường số 12 thuộc Chi cục kiểm tra giấy phép kinh doanh, ghi nhãn hàng hóa tại Công ty Mạnh Cầm. Ông Dũng sau đó thông tin rằng sữa Danlait không đạt chất lượng, không đủ 34% độ đạm.
Theo Giám đốc Mạnh thông tin trên được đưa ra khi chưa có kết quả kiểm tra về chất lượng sản phẩm. "Doanh nghiệp chỉ sai một lỗi duy nhất là ghi nhãn phụ chưa đúng theo quy định ghi nhãn hiện hành, nhưng ông Dũng đã cố tình đưa sự việc trầm trọng rằng vi phạm nhiều lỗi", ông Mạnh nêu trong đơn kiện.
Sữa dê Danlait. Ảnh: N.Tuyên
Nguyên đơn cho rằng khi có kết quả kiểm tra của Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) rằng "đạt chất lượng" nhưng Chi cục quản lý thị trường được cho là cố tình không thông báo cho doanh nghiệp và báo chí biết trong suốt hơn 3 tháng kể từ ngày công ty bị kiểm tra. Điều này gây tổn hại nặng cho uy tín, khiến doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản.
"Hàng hóa của công ty Mạnh Cầm bị Đội quản lý thị trường 12 thu giữ về để trong kho trong điều kiện không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi doanh nghiệp nhận lại thì không thể bán được", Giám đốc Mạnh nêu.
Theo đơn kiện, Giám đốc Công ty Mạnh Cầm yêu cầu vị Chi cục phó Quản lý thị trường Hà Nội phải công khai xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng và yêu cầu Chi cục đền bù thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng.
Trưa 10/7, trao đổi qua điện thoại với VnExpress.net, lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, chưa nhận được đơn kiện nên không có ý kiến gì về việc này. "Ai kiện là quyền của người ta", vị này nói.
Chiều 21/2, sau khi thông tin về nghi án sữa rởm gắn mác Danlait được dư luận và báo chí phản ánh, Đội quản lý thị trường số 12 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã làm việc tại trụ sở tại Công ty TNHH Mạnh Cầm - đơn vị phân phối độc quyền sản phẩm này tại Việt Nam. Kết thúc buổi làm việc, quản lý thị trường thu giữ hơn 6.000 lon sản phẩm. Phía đơn vị quản lý thị trường tại thời điểm đó thông tin, sản phẩm này được đăng ký là thực phẩm bổ sung nhưng lại được bán ra thị trường với nhãn phụ là sữa. Theo quy chuẩn Việt Nam, sữa phải có hàm lượng đạm đạt từ 34% trở lên, nhưng các sản phẩm của Mạnh Cầm chỉ có độ đạm 11%-20%. Hàng nhập sản phẩm về Việt Nam với giá khoảng 4 euro, tương đương 110.000 đồng một hộp 400gram. Trong khi đó, giá công ty này bán ra cho các đại lý là khoảng 350.000 đồng... Ngày 20/2, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có văn bản khẳng định sữa dê Danlait ở các lứa tuổi của Công ty Mạnh Cầm nhập khẩu từ Pháp đã được cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm ngày 17/1/2012. Trước nhiều nghi ngờ của người tiêu dùng cho rằng, sữa Danlait được nhập từ Trung Quốc và gắn nhãn Pháp, Cục An toàn thực phẩm khẳng định các sản phẩm sữa dê Danlait đều có nguồn gốc xuất xứ từ Pháp, ghi nhãn tiếng Pháp và có nhãn phụ tiếng Việt theo đúng quy định. Từng lô sản phẩm đều được Nhà nước kiểm tra về chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm dịch thú y, chưa có dấu hiệu doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm sữa dê từ Trung Quốc.
Theo VNE
Ban tổ chức Nữ hoàng biển 2013 kiện Cục nghệ thuật Cho rằng Cục Nghệ thuật "lạm dụng chức quyền, tùy tiện rút giấy phép tổ chức cuộc thi Nữ hoàng biển", công ty Quảng cáo Rồng Việt đã nộp đơn kiện Cục này. Ngày 27/6, TAND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã nhận được đơn của Công ty TNHH Quảng cáo truyền thông Rồng Việt khởi kiện Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu...