Đà Nẵng khẳng định việc tuyển dụng 300 lao động Trung Quốc là đúng luật
Ngày 23/11, UBND TP Đà Nẵng có thông báo chính thức về việc đồng ý cho 300 lao động Trung Quốc vào làm việc tại công trình khách sạn JW Marriott thuộc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores.
Theo đó, UBND TP Đà Nẵng khẳng định việc tuyển dụng số lao động trên là đúng quy trình, quy định pháp luật hiện hành.
Cụ thể, ngày 30/9/2015, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Silver Shores có công văn về việc có nhu cầu sử dụng lao động kỹ thuật, công nhân tay nghề cao người nước ngoài để hỗ trợ hoàn thành công trình khách sạn JW Marriott.
Ngày 08/10/2015, Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng có công văn thông báo cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội ý kiến của lãnh đạo UBND thành phố, giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất UBND thành phố xử lý trên tinh thần tạo điều kiện cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Sichuan Huashi; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp quản lý lao động là người nước ngoài trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Đà Nẵng khẳng định việc đồng ý cho 300 lao động Trung Quốc vào làm việc là đúng luật
Ngày 15/10/2015, Công ty trách nhiệm hữu hạn Sichuan Huashi Việt Nam có công văn gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về việc sử dụng lao động người nước ngoài để hỗ trợ hoàn thành công trình khách sạn; trong đó kèm theo phương án sử dụng 300 lao động kỹ thuật là người nước ngoài, phân kỳ ra 7 đợt từ tháng 12/2015 đến tháng 8/2017, mỗi đợt từ 1 đến 3 tháng và từ 40 đến 50 lao động.
Công ty đề nghị các cơ quan chức năng cho phép thực hiện phương án nêu trên nếu lao động địa phương không đáp ứng được; đồng thời cam kết thực hiện việc xin giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài vào làm việc theo từng đợt, trước khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Theo phương án sử dụng lao động giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Silver Shores và Công ty trách nhiệm hữu hạn Sichuan Huashi Việt Nam, tổng số lao động được sử dụng là 650 người, trong đó 350 lao động trong nước và 300 lao động kỹ thuật nước ngoài với điều kiện không tuyển được lao động trong nước.
Video đang HOT
Ngày 22/10/2015, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có tờ trình UBND thành phố về việc chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sichuan Huashi Việt Nam.
Căn cứ đề nghị này, UBND thành phố Đà Nẵng có Công văn ngày 29/10/2015 chấp thuận đề nghị của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; đồng thời chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an thành phố triển khai các quy trình tiếp theo đúng quy định.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã giao cho Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng tổ chức tuyển dụng lao động kỹ thuật Việt Nam vào vị trí mà Công ty trách nhiệm hữu hạn Sichuan Huashi Việt Nam có ý định tuyển lao động nước ngoài. Thời gian tuyển dụng từ ngày 15/11/2015 đến ngày 15/12/2015 theo trình độ, việc làm và thời gian đối với từng công việc cụ thể. Việc tuyển lao động kỹ thuật Việt Nam sẽ được tiếp tục trước mỗi phân kỳ tuyển lao động nước ngoài của nhà thầu này.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Silver Shores và Công ty trách nhiệm hữu hạn Sichuan Huashi Việt Nam phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm đăng tuyển lao động Việt Nam vào các vị trí Công ty xin tuyển lao động nước ngoài và trình tự lập hồ sơ để xin giấy phép lao động cho lao động nước ngoài vào lao động tại công trình theo hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; phối hợp với ngành Công an kiểm tra, xử lý việc chấp hành pháp luật về lao động nước ngoài làm việc tại thành phố.
Đến nay, tất cả các quy trình được thực hiện theo đúng quy định và thực tế thành phố chưa cấp phép cho lao động người nước ngoài nào. UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định chủ trương chấp thuận đề nghị của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Silver Shores được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Qua việc này, UBND TP Đà Nẵng nhận thấy, về chủ trương đồng ý, chấp thuận vị trí công việc lao động kỹ thuật thực hiện giai đoạn 2 khách sạn JW Marriott là thực hiện theo đúng quy định tại điều 170, Bộ luật Lao động năm 2012 và Nghị định 102/2013/NĐ-CP ngày 5/9/2013 về nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của nhà thầu.
Việc tuyển dụng lao động trong nước và nước ngoài (lao động Trung Quốc) đang thực hiện đúng quy trình tuyển dụng theo quy định hiện hành của pháp luật.
Về an ninh trật tự: Các cơ quan chức năng của thành phố khẳng định đã và đang kiểm soát chặt chẽ quá trình xuất nhập cảnh lao động và việc chấp hành luật pháp của người lao động nước ngoài khi làm việc tại Đà Nẵng.
Khánh Hồng
Theo Dantri
Bộ trưởng Y tế nói gì về giá thuốc chữa bệnh?
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định giá thuốc chữa bệnh tại Việt Nam ổn định ở mức thấp và trong thời gian tới còn có thể giảm.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10, Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) dẫn chứng Báo cáo số 595 năm 2012 của Bộ Y tế, về việc khảo sát và so sánh giá 25 mặt hàng thuốc chữa bệnh giữa Việt Nam với Thái Lan và Trung Quốc. Báo cáo cho thấy, cùng một mặt hàng thuốc thương mại, cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng nhưng giá tại Thái Lan cao hơn Việt Nam 3,17 lần, tại Trung Quốc cao hơn Việt Nam 2,25 lần.
Do báo cáo có tham chiếu giá thuốc với thu nhập bình quân ở 3 quốc gia có sự chênh lệch, nên Đại biểu Đức cho rằng, việc so sánh như vậy là khập khiễng, không hoàn toàn chính xác để khẳng định giá thuốc tại Việt Nam rẻ hơn so với giá thuốc ở nước ngoài.
Đại biểu Đức cũng nhận định, thuốc chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt, cần có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước và thay đổi theo giá thị trường (có tăng và có giảm - PV). Tuy nhiên, trên thực tế, giá thuốc tại Việt Nam thời gian qua chỉ thấy tăng mà không có giảm, Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ việc có hay không sự lũng đoạn, làm giá của các hãng sản xuất cũng như các nhà phân phối trong điều hành giá thuốc chữa bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết giá thuốc chữa bệnh ổn định ở mức thấp và có thể giảm trong thời gian tới.
Làm rõ vấn đề đại biểu nêu tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2012, Bộ Y tế đã cùng Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Ủy ban các vấn đề xã hội và một số các Vụ, cục đi khảo sát tình hình giá thuốc tại hai nước Thái Lan và Trung Quốc. Tại thời điểm khảo sát, giá thuốc của Trung Quốc cao hơn giá thuốc của Việt Nam 2,2 lần, trong khi GDP của Trung Quốc hơn Việt Nam ít nhất 2,5 lần. Tại Thái Lan, giá thuốc cao hơn của Việt Nam gấp 3,12 lần trong khi GDP của Thái Lan cao hơn của Việt Nam 3,3 lần.
Thừa nhận sự so sánh có phần khập khiễng về giá thuốc, song Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng viện dẫn kết quả khảo sát của Viện Chiến lược Quốc gia theo hướng dẫn của Tổ chức Y thế Thế giới cho thấy, giá thuốc gốc của Việt Nam luôn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Đối với thuốc biệt dược, giá thành cũng ở mức tương đương. Gần đây nhất là tháng 3/2015, Tổ chức CMS quốc tế sau khi khảo sát tại Việt Nam cũng xác định, giá thuốc tại Việt Nam chỉ bằng 0,79 lần mặt bằng chung giá thuốc của các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, trong suốt thời gian qua, giá thuốc tại thị trường Việt Nam là tương đối ổn định. Thuốc chữa bệnh được xếp vào loại hàng hóa đặc biệt, nên CPI của nhóm thuốc chữa bệnh luôn đứng thứ 8, thứ 9 trong nhóm 11 mặt hàng được xác định xếp hạng và không có phần tăng đột biến.
"Đặc biệt, từ năm 2013 - 2014, khi thực hiện các Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính, lần đầu tiên Bảo hiểm Xã hội cũng như các địa phương đã có những báo cáo cho thấy, chi phí về thuốc chữa bệnh từ nguồn Bảo hiểm Y tế giảm từ 30% - 35%, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước đã tăng lên gấp xấp xỉ 2 lần", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tự tin.
Trưởng ngành Y tế còn chia sẻ, để có những giải pháp giữ ổn định giá thuốc chữa bệnh trong thời gian qua, Bộ Y tế đã cùng Bộ Tài chính, Bộ Công Thương ban hành hàng loạt các thông tư về hướng dẫn đầu thầu thuốc, kê khai giá thuốc, chia loại thuốc thành các nhóm cũng như quy định về giá thuốc được lãi tối đa đối với các quầy thuốc bệnh viện không quá từ 2% - 15%.
Mặc dù khẳng định giá thuốc tại thị trường Việt Nam thời gian qua tương đối ổn định, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn phải thừa nhận rằng, ngành y tế vẫn cần phải khắc phục những hạn chế khi giá thuốc còn không đồng đều trong kết quả đấu thầu giữa các địa phương.
"Giá thuốc trúng thầu vẫn còn cao hơn giá kê khai khi đăng kí xin nhập khẩu, lưu hành và kinh doanh, điều này đã làm đội giá thuốc. Hoặc như vẫn còn nhiều nơi, giá thuốc giữa các quầy thuốc cũng khác nhau, các cửa, hàng quầy thuốc bán lẻ không kê khai giá thuốc công khai, minh bạch, không niêm yết giá để người dân có sự lựa chọn. Nhiều loại thuốc biệt dược có những thời điểm tăng cao đột biến", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận rõ những hạn chế trước Quốc hội và cử tri cả nước.
Do đó, để tạo điều kiện cho người bệnh, nhất là người bệnh nghèo bớt khó khăn do chi phí thuốc chữa bệnh, theo Bộ trưởng Tiến, Bộ Y tế đã thực hiện Luật đầu tư mới, trong đó có một Chương về thuốc, kết hợp với Nghị định 63 quy định trách nhiệm xây dựng Thông tư đấu thầu thuốc tập trung, kèm theo đó là ban hành danh mục các loại thuốc tham gia đấu thầu cấp quốc gia. "Nếu thực hiện được thì đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức được việc mua sắm cấp quốc gia, chỉ có hai bộ được thực hiện là Bộ Y tế và Bộ Tài chính đối với mặt hàng thuốc", Bộ trưởng Tiến cho biết.
Song song với đó, Bộ Y tế cũng sẽ ban hành danh mục thuốc sản xuất trong nước ưu tiên đấu thầu tập trung cũng như danh mục thuốc đàm phán giá. Đây là hình thức mới trong Nghị định đấu thầu căn cứ vào Luật đấu thầu, đặc biệt đối với mặt hàng thuốc có thể tăng giá đột xuất và có sự độc quyền như các loại thuốc biệt dược. Đồng thời, Bộ Y tế cũng thành lập Trung tâm mua sắm tập trung tại Bộ Y tế, tiến tới thành lập Hội đồng độc lập cấp quốc gia tham mưu danh mục thuốc độc lập với Bộ Y tế.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến còn cho rằng, chậm nhất đến đầu tháng 12/2015, khi Bộ Y tế ban hành được một thông tư phù hợp với Luật giá, Luật đấu thầu và Luật dược (sửa đổi) sẽ phân định chức năng rõ hơn về quản lý giá thuốc, tạo điều kiện cho giá thuốc thời gian tới sẽ giảm hơn nữa trong tổng chi phí khám chữa bệnh của bệnh nhân.
"Giá thuốc sẽ không còn có sự chênh lệch giữa các địa phương, quản lý giá thuốc có tính chất tập trung, đảm bảo việc cung ứng đủ thuốc chất lượng cho người bệnh với chi phí chấp nhận được", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hy vọng./.
Nguyễn Quỳnh
Theo_VOV
Khủng bố kinh hoàng tại Paris: Tin đồn về bàn tay IS Những kẻ ủng hộ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) khẳng định, các vụ tấn công đẫm máu tại Paris, thủ đô nước Pháp là tác phẩm của IS. Tấn công đẫm máu Sáu vụ tấn công khủng bố liên hoàn đã nổ ra trong đêm 13/11 tại Paris khiến ít nhất 149 người thiệt mạng. Có ít nhất 11 người...