Đà Nẵng: Hụt hơi tìm tài trợ pháo hoa
Khi còn làm lãnh đạo TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đã đề nghị bắt đầu từ năm 2013, cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế chỉ nên tổ chức 2 năm/lần để khỏi nhàm chán và vận động tài trợ dễ hơn
Chỉ còn chưa đầy 20 ngày nữa là cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế 2013 (DIFC 2013) sẽ chính thức diễn ra tại Đà Nẵng. Thế nhưng, đến thời điểm này, số tiền vận động tài trợ mới chỉ được gần 26 tỉ đồng (hơn 17 tỉ đồng tiền mặt, còn lại là dịch vụ sản phẩm), trong khi dự kiến kinh phí cho DIFC 2013 là khoảng 40 tỉ đồng.
Không dùng ngân sách?
Từ khi DIFC được tổ chức năm 2008 đến nay, đã trải qua 5 lần tranh tài và đều thu hút sự quan tâm của hàng chục vạn người dân TP cùng du khách trong nước, quốc tế. Kinh phí lo cho DIFC được lấy từ vận động tài trợ và lãnh đạo TP cũng khẳng định không dùng tiền ngân sách.
Tại cuộc họp bàn rà soát lại DIFC diễn ra ngày 9/4 vừa qua, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết kinh phí tổ chức DIFC 2012 lên đến hơn 40 tỉ đồng – một số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, theo ông Lê Tấn Trung Ba, Giám đốc Công ty CP Nghệ thuật Việt (VietArt), đơn vị được UBND TP Đà Nẵng giao nhiệm vụ làm truyền thông, vận động tài trợ, thực hiện quyền lợi nhà tài trợ cho DIFC 2012 và DIFC 2013, tổng số tiền tài trợ cho DIFC 2012 là hơn 37 tỉ đồng. Điều dư luận đặt ra là số tiền vận động và số tiền chi cho DIFC 2012 thiếu hụt trên 2 tỉ đồng, vậy lấy đâu để bù vào, phải chăng là từ ngân sách?
Một màn trình diễn pháo hoa tại DIFC 2012
Video đang HOT
Về vấn đề này, ông Ba cho rằng VietArt chỉ có nhiệm vụ vận động và thu tiền tài trợ để giao cho Sở Tài chính TP nên không biết. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Bai, Chánh Văn phòng Sở Tài chính TP Đà Nẵng, cho biết việc quyết toán chi kinh phí DIFC 2012 do Văn phòng UBND TP Đà Nẵng đảm nhận. Tuy nhiên, ông Hoàng Sơn Trà, cán bộ Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, người trực tiếp tham gia những hoạt động điều hành DIFC, lại khẳng định việc quyết toán là do Sở Tài chính TP.
Tiền ít, chi phí tăng
Theo ông Lê Tấn Trung Ba, đến thời điểm này, tổng số tiền tài trợ cho DIFC 2013 thiếu hụt rất nhiều so với dự kiến, trong khi kinh phí hoạt động tăng so với DIFC 2012. Đơn cử, chương trình nghệ thuật trước khi diễn ra cuộc thi do Nhà hát Trưng Vương thực hiện là 784 triệu đồng (tăng 34 triệu đồng so với năm 2012); chương trình nghệ thuật chính thức do Công ty Sơn Lâm thực hiện lên đến 4,7 tỉ đồng (tăng 431 triệu đồng so với DIFC 2012)…
Chính sự khó khăn trong việc kêu gọi vận động tài trợ cho DIFC 2013 nên tại cuộc họp về việc rà soát công tác chuẩn bị cho DIFC 2013, ông Văn Hữu Chiến yêu cầu phải hết sức tiết kiệm, trong đó có việc tận dụng đoàn ca nhạc “cây nhà lá vườn” thay vì mời ca sĩ nổi tiếng tham gia.
“Do tình hình kinh tế khó khăn chung nên việc vận động tài trợ cho DIFC 2013 không được như ý” – ông Ba thừa nhận. Có lẽ lường trước được sự khó khăn này nên khi còn làm lãnh đạo TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đã đề nghị bắt đầu từ năm 2013, cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế chỉ nên tổ chức 2 năm/lần để khỏi nhàm chán và vận động tài trợ dễ hơn.
Ưu ái một số đơn vị
Dư luận TP Đà Nẵng rất bất bình trước việc Công ty Sơn Lâm 6 năm liên tiếp được đảm nhận tổ chức chương trình nghệ thuật chính thức tại DIFC. Nguyên nhân là vì trong cả 5 lần tổ chức DIFC trước, phần nghệ thuật do Công ty Sơn Lâm đảm nhận chẳng khác nào một chương trình… tạp kỹ, không làm nổi bật, tôn vinh đặc sắc văn hóa địa phương.
Không chỉ Công ty Sơn Lâm được ưu ái mà VietArt cũng được TP Đà Nẵng cho đảm nhận việc vận động và thu gom tiền tài trợ DIFC trong nhiều năm liền.
Theo 24h
Sao không đấu thầu lễ hội pháo hoa Đà Nẵng?
Vẫn còn những dấu hỏi về việc, tại sao một công ty không có uy tín vẫn cứ được đồng ý cho nhận chính chương trình này trong nhiều năm, sao không đưa chương trình ra đấu thầu?
4,7 tỉ đồng - con số "tàn nhẫn"
Có một thực tế rằng rất nhiều chương trình lễ hội lớn hiện nay là rơi vào tay các công ty tư nhân và thân phận của nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật nhà nước, thậm chí ở cấp quốc gia là đi... làm thuê.
Dễ hiểu như ban ngày dù là "luật bất thành văn", là các công ty tư nhân với bộ máy gọn nhẹ, cơ chế linh hoạt... thì chế độ ăn chia, "lại quả" cũng thông thoáng, xông xênh hơn hẳn, so với một đoàn nghệ thuật nhà nước. Bình luận về con số 4,7 tỉ đồng cho chương trình nghệ thuật pháo hoa quốc tế Đà Nẵng và mức cátsê 6.000USD (nếu có) cho ca sĩ trong chương trình này, một giám đốc nhà hát cấp bộ (yêu cầu không đề tên) gọi đó là những con số "không phải tàn nhẫn mà là... quá tàn nhẫn, "tàn phá" đất nước".
Là "tàn nhẫn", vì theo tính toán sơ bộ của ông bầu dày dạn kinh nghiệm tổ chức biểu diễn này thì nếu "kéo quân" từ Hà Nội vào Đà Nẵng cho một chương trình trong bằng ấy thời lượng, ngôi sao... thì tổng chi phí cũng chỉ có thể lên đến 2,5 - 2,7 tỉ là cùng và thế cũng đã đủ để có lãi. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là sao không cho đấu thầu, như với các công trình nghệ thuật khác? Vì sao thay vì sự minh bạch cần có, lại là những động tác "đi đêm"? Dù người đưa ra kiến nghị này ngay sau đó cũng tỏ ra không được lạc quan cho lắm khi ngậm ngùi "tiên đoán": "Nhưng kể cả có cho đấu thầu thì các đoàn nhà nước cũng dễ bị cho ra rìa lắm!".
Tạp kỹ hay sự kiện quốc tế?
Trong khi đó, dư luận Đà Nẵng rất bất bình trước việc Cty Sơn Lâm liên tục nhận được "thương vụ" lớn là sự kiện pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, bởi trong cả 5 lần trình diễn pháo hoa trước đây, phần nghệ thuật do Cty Sơn Lâm tổ chức chẳng khác nào một chương trình... tạp kỹ. Chỉ "lắp ráp" các tiết mục đơn điệu, "lắp ráp" ca sĩ đơn lẻ... mà không có chiều sâu, không làm nổi bật, tôn vinh đặc sắc văn hóa địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Chiến - PGĐ Sở VHTTDL Đà Nẵng - "ta thán" về đơn vị tổ chức pháo hoa: "Cty Sơn Lâm hợp đồng với Đà Nẵng, cam kết chương trình nghệ thuật được thực hiện bởi những nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng nhiều năm trước đây họ toàn thuê lại các vũ đoàn, ca sĩ "tay ngang" tại địa phương, nhưng với giá... chuyên nghiệp. Với tư cách người phụ trách chuyên môn về chương trình nghệ thuật, tôi đã từng nhiều lần phản đối việc này. Năm 2012, chúng tôi buộc Sơn Lâm phải sử dụng nghệ sĩ chuyên nghiệp, duyệt từ Hà Nội".
Đặc biệt, nhạc sĩ Trần Quế Sơn - tác giả ca khúc "Sắc hương thành phố" đã tố Cty Sơn Lâm quỵt tiền nhuận bút cho ca khúc của anh viết riêng cho chương trình nghệ thuật pháo hoa năm 2010, do ca sĩ Tấn Minh trình bày. "Trong khi Cty Sơn Lâm trả tiền cátsê cho ca sĩ 30 triệu đồng thì tác giả của ca khúc này không được trả nhuận bút và còn không được một vé mời nào trong đêm trình diễn ca khúc của mình" - Trần Quế Sơn bức xúc.
Năm nay, đến thời điểm này, Cty Sơn Lâm vẫn chưa hoàn thiện kịch bản chi tiết cho sự kiện, chương trình nghệ thuật.
Thế nhưng vì sao Sơn Lâm liên tục được nhận tổ chức sự kiện này, trong khi Đà Nẵng cũng có cả trung tâm tổ chức sự kiện? Ông Trần Quang Thanh - PGĐ Sở VHTTDL Đà Nẵng - gần như "bế tắc" câu trả lời. Theo ông Thanh, "lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo sẽ lựa chọn đơn vị tổ chức sự kiện chuyên nghiệp hơn cho lần tổ chức sau. Đặc biệt sẽ nâng cấp các đơn vị nghệ thuật, trung tâm tổ chức sự kiện lên tầm chuyên nghiệp hơn để phục vụ các sự kiện lớn tương tự".
Theo 24h
Đà Nẵng tổ chức lễ hội pháo hoa quốc tế Cuộc thi pháo hoa quốc tế lần thứ 6 với chủ đề "Tình yêu sông Hàn" sẽ diễn ra trong hai ngày 29 và 30/4/2013 với sự tham gia của các đội đến từ các nước Nga, Ý, Nhật Bản, Hoa Kỳ và đội Đà Nẵng - Việt Nam. Sáng nay (26/3), UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức họp báo và...