Đà Nẵng giải thích việc chọn chủ đề cho năm 2020
Chủ đề của năm 2020 vừa được UBND TP Đà Nẵng thống nhất lựa chọn là “Năm môi trường và trật tự đô thị”. Chủ đề này sẽ còn được trình ra kỳ họp cuối năm 2019 của HĐND TP Đà Nẵng xem xét, quyết định chính thức!
Theo Sở KH-ĐT Đà Nẵng, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng, Sở này đã phối hợp với các đơn vị tổng hợp được 27 đề xuất từ 20 đơn vị, địa phương trên địa bàn về chủ đề năm 2020 của TP Đà Nẵng. Trong đó có 2 đơn vị (Sở LĐ-TB-XH và BQLDA Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng) có văn bản báo cáo không có đề xuất.
Môi trường và trật tự đô thị sẽ là hai nội dung trọng tâm trong chủ đề năm 2020 của TP Đà Nẵng (Ảnh: HC)
Qua nghiên cứu, rà soát đề xuất từ các đơn vị, địa phương, Sở KH-ĐT Đà Nẵng đề xuất 2 chủ đề phù hợp với định hướng phát triển của TP để lãnh đạo UBND TP xem xét, chọn làm chủ đề năm 2020 của TP Đà Nẵng.
Theo đó, có 4/20 đơn vị đề xuất chọn chủ đề “Năm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo” cho năm 2020 của TP Đà Nẵng. Lý do được đưa ra là chủ đề này phù hợp với tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TƯ ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đó là xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo của vùng, của cả nước, của khu vực.
Nếu lựa chọn chủ đề “Năm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo” cho năm 2020 sẽ góp phần khẳng định khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là định hướng chỉ đạo xuyên suốt của các cấp lãnh đạo TP và là ưu tiên hàng đầu trong chương trình phát triển kinh tế của TP Đà Nẵng trong thời gian đến.
Tuy nhiên, chủ đề có số đơn vị đề xuất nhiều nhất (6/20 đơn vị) chọn làm chủ đề cho năm 2020 của TP Đà Nẵng là “Năm môi trường và trật tự đô thị”. Giải thích lý do có nhiều ý kiến đề xuất chủ đề này, Sở KH-ĐT Đà Nẵng cho biết, ngày 21/8/2008, UBND TP Đà Nẵng đã có Quyết định 41/2008/QĐ-UBND ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” đến năm 2020.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Đà Nẵng trở thành đô thị đủ năng lực ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường, xử lý và khắc phục các sự cố môi trường dựa trên nền tảng ý thức của tất cả mọi người và cả hệ thống chính trị; tạo sự an toàn về sức khỏe và văn minh, một môi trường sống tốt cho người dân, nhà đầu tư và du khách.
Video đang HOT
Ngày 5/6/2019, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức tổng kết 10 năm (2008 – 2018) thực hiện Đề án “Thành phố môi trường” nhằm rà soát, đánh giá những thành tựu và hạn chế trong quá trình thực hiện. Theo đó, đến nay Đề án đã đạt được những kết quả nhất định, Đà Nẵng trở thành địa phương điển hình trong cả nước có định hướng xây dựng thương hiệu “Thành phô môi trường”.
Những nỗ lực của Đà Nẵng thời gian qua đã đươc ghi nhận qua nhiều giải thưởng trong 3 năm liên tiếp 2011, 2012 và 2013 về “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN”, “Thành phố phát thải carbon thấp”, và được APEC bình chọn là 1 trong 20 TP lớn đạt tiêu chí “TP hàm lượng carbon thấp”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ô nhiễm công nghiệp đang là thách thức, là bài toán nan giải của các đô thị lớn trên thế giới và thực tiễn phát triển KT-XH khiến cho TP Đà Nẵng phải đối diện với nhiều bất cập về gia tăng dân số cùng hệ lụy từ phát triển du lịch – dịch vụ, sự suy giảm tài nguyên và thách thức về biến đổi khí hậu.
Hơn nữa, Đà Nẵng xác định xây dựng “TP môi trường” là một quá trình lâu dài, bền vững trên cơ sở tiếp tục phát huy kết quả giai đoạn 10 năm qua, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm để triển khai thành công các mục tiêu, tiêu chí lâu dài. Vì vậy có nhiều ý kiến đề xuất lấy môi trường làm một phần chủ đề năm 2020 của TP Đà Nẵng.
Đối với phần “trật tự đô thị”, theo Sở KH-ĐT Đà Nẵng, bao hàm nội dung khá rộng lớn, từ trật tự xã hội đến trật tự xây dựng, trật tự giao thông và an ninh trật tự. Việc thiết lập “trật tự đô thị” có vai trò đặc biệt trong việc hình thành văn minh đô thị, là cơ sở để phát triển bền vững, đúng theo định hướng Nghị quyết 43-NQ/TƯ ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài ra, theo thống kê tại Cổng Thông tin điện tử TP Đà Nẵng, từ ngày 01/01/2019 đến ngày 20/10/2019 có 3.372 phản ánh, góp ý được gửi đến Cổng Thông tin điện tử TP Đà Nẵng và Ứng dụng Góp ý của Hệ thống thông tin chính quyền điện tử TP Đà Nẵng.
Chiếm 79,5% trong đó là các phản ánh, góp ý liên quan đến an ninh trật tự (545 lượt); lĩnh vực môi trường (1.024 lượt); an toàn giao thông (515 lượt); hạ tầng đô thị (591 lượt) và vệ sinh an toàn thực phẩm (5 lượt)”.
“Đây cũng là cơ sở để có nhiều đơn vị đề xuất thêm phần “Trật tự đô thị” trong việc chọn chủ đề năm 2020 của TP Đà Nẵng là “Năm môi trường và trật tự đô thị”!” – Lãnh đạo Sở KH-ĐT Đà Nẵng cho hay.
Qua xem xét, thảo luận tại phiên họp thường kỳ mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất chọn chủ đề “Năm môi trường và trật tự đô thị” để trình kỳ họp cuối năm 2019 của HĐND TP quyết định là chủ đề năm 2020 của TP Đà Nẵng.
HẢI CHÂU
Theo Infornet
Thí điểm kiểm soát hoạt động dã ngoại, tham quan tại bán đảo Sơn Trà
Từ ngày 15-11 đến 15-2-2020, UBND TP Đà Nẵng triển khai thí điểm công tác quản lý, bảo đảm an toàn cho du khách khi dã ngoại, tham quan tại bán đảo Sơn Trà.
Hai trong số các quy định nổi bật trong thời gian thí điểm là việc đóng cửa rừng vào ban đêm và du khách phải có thẻ, sử dụng xe trung chuyển khi tham quan một số điểm tại khu du lịch này.
Một gác chắn được lắp đặt để kiểm soát phương tiện lên đỉnh Bàn Cờ.
Du khách đeo thẻ, 19 giờ phải ra khỏi rừng
Theo chủ trương của TP Đà Nẵng, các tuyến, điểm được phép tham quan tại bán đảo Sơn Trà, gồm: Từ nút giao đường Hoàng Sa (gần ngã ba Bãi Bắc đi Intercontinental Danang Sun Peninsula) đi điểm tham quan Cây Đa di sản; tuyến từ đường Yết Kiêu đi Đỉnh Bàn Cờ - Bãi Bắc; tuyến từ đường Yết Kiêu đi Suối Ôm. Du khách lên xuống bán đảo Sơn Trà dã ngoại, tham quan, làm việc... được cấp phát thẻ qua trạm gác. Thẻ màu vàng dành cho các hộ dân có hoạt động sản xuất trồng rừng nằm trong khu vực sau gác chắn, nhiếp ảnh gia, sinh viên thực tập, nghiên cứu sinh, người thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học. Thẻ màu xanh dành cho khách du lịch, các cán bộ, nhân viên đến liên hệ làm việc hoặc có nhiệm vụ thực thi tại bán đảo Sơn Trà có thời gian trong ngày. Các lực lượng quân đội, công an, kiểm lâm, nhân viên Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch làm nhiệm vụ trên bán đảo Sơn Trà được qua các trạm gác bằng giấy tờ công vụ.
Cơ quan chức năng bố trí 1 trạm gác đối diện với cổng khu du lịch Intercontinental Danang Sun Peninsula để kiểm soát người, số lượng phương tiện, người vào - ra, cấp thẻ và ghi nhật ký, hướng dẫn phương tiện. Đối với tuyến từ đường Yết Kiêu đi Đỉnh Bàn Cờ - Bãi Bắc, đoạn từ Trạm phát sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng đến Đỉnh Bàn Cờ, cho phép tất cả các phương tiện giao thông trên tuyến đường, trừ xe tay ga và ô-tô trên 24 chỗ ngồi. Đoạn đường nối tiếp từ Đỉnh Bàn Cờ đi Bãi Bắc, cho phép phương tiện di chuyển 1 chiều do khu vực này hiện trạng hạ tầng không đảm bảo tổ chức giao thông 2 chiều. Trạm gác hiện có tại ngã ba đường nhánh sẽ được di dời lên cách Trạm phát sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng 400m về hướng Nhà Vọng Cảnh để kiểm soát người, lượng phương tiện. Trừ xe tay ga và ô-tô trên 24 chỗ, các phương tiện còn lại được phép di chuyển từ đường Yết Kiêu đi Suối Ôm và ngược lại. Tại đây cũng sẽ có 1 trạm gác kiểm soát hoạt động song song với trạm gác quân sự hiện trạng của Sư đoàn 375.
Do hiện trạng hạ tầng không đảm bảo ATGT nên các tuyến đường còn lại không cho phép các phương tiện di chuyển. Cơ quan Kiểm lâm cùng các đơn vị quân đội có trụ sở làm việc trên bán đảo Sơn Trà thực hiện việc lắp đặt bảng cấm và rào chắn tại các lối vào khu vực không cho phép dã ngoại, tham quan. Trong thời gian thí điểm, khách du lịch được tham quan, dã ngoại từ 7 giờ 30 đến 19 giờ hàng ngày tại 3 tuyến đã được quy định. Ngoài thời gian này chỉ duy trì các hoạt động đã được cấp phép của các cơ quan chức năng cho tổ chức thực hiện.
Về việc tổ chức vận hành dịch vụ xe trung chuyển, khách du lịch sử dụng xe tay ga hoặc ô-tô trên 24 chỗ ngồi trước khi lên các tuyến tham quan phải thực hiện chuyển đổi phương tiện tại bãi xe trung chuyển ngã ba đường Hoàng Sa - Lê Đức Thọ. Đối với khách đã sử dụng xe tay ga hoặc các phương tiện khác nhưng có nhu cầu sử dụng xe trung chuyển đã đến vị trí trạm gác tuyến Yết Kiêu - Đỉnh Bàn Cờ nếu muốn tiếp tục tham quan lên tuyến Nhà Vọng Cảnh - Đỉnh Bàn Cờ - Bãi Bắc thì liên hệ nhân viên tại trạm để được hướng dẫn chờ xe trung chuyển đón tại điểm trạm gác. Khách du lịch có thời gian tham quan, dã ngoại từ 60 phút đến 180 phút tùy theo tuyến.
Một nhóm du khách nước ngoài đi xe tay ga, phải dừng lại giữa chừng vì không lên được một con dốc tại Sơn Trà.
Đảm bảo du lịch an toàn, giữ ANTT
Kế hoạch thí điểm quản lý, bảo đảm an toàn cho du khách khi tham quan bán đảo Sơn Trà do Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh ký giao Sở Du lịch có trách nhiệm đầu tư, lắp đặt các hạ tầng, tiện ích thực hiện công tác quản lý, đảm bảo đủ nhân sự chốt trực theo phân công, đồng thời phối hợp các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền rộng rãi đến du khách về chủ trương này. Bộ Chỉ huy Quân sự TP được giao nhiệm vụ khảo sát toàn bộ các khu quân sự hiện nay trên bán đảo Sơn Trà và lắp đặt các bảng cấm bằng song ngữ Việt - Anh tại các khu, tuyến đường cấm vào, đồng thời phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng bảo vệ các khu vực gần khu quân sự tại bán đảo Sơn Trà. Riêng UBND Q. Sơn Trà, TP giao nhiệm vụ xây dựng phương án và triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, xử lý các vấn đề ANTT, ATGT, sự cố xảy ra cho người dân và du khách trong quá trình tham quan, dã ngoại tại bán đảo Sơn Trà.
Trong những ngày vừa qua, chủ trương thí điểm của Đà Nẵng nhận được nhiều luồng ý kiến từ dư luận. Nhiều người cho rằng việc hạn chế về phương tiện, thời gian, sử dụng xe trung chuyển và buộc phải đeo thẻ sẽ làm giảm sự thích thú của du khách khi đến với khu du lịch được đánh giá là "lá phổi xanh" của TP. Tuy nhiên, cơ quan quản lý khẳng định việc này nhằm đảm bảo cho sự an toàn của du khách cũng như hướng tới du lịch bền vững, hạn chế sự tác động tự phát đối với môi trường du lịch trong lành tại đây. Trước những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại Sơn Trà thời gian qua, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, bà Trần Thị Thanh Tâm - Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà cho biết, quận và các đơn vị liên quan đã có kiến nghị từ lâu, đặc biệt là câu chuyện quản lý con người. Bà Tâm cho biết, quan điểm của quận là phải kiểm soát được người lên Sơn Trà, đồng thời khắc phục những chồng chéo và thiếu hiệu quả, dẫn đến những bất cập, những câu chuyện đáng tiếc thời gian qua.
Ông Nguyễn Đức Vũ - Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, chủ trương trên xuất phát từ nhiều câu chuyện đáng tiếc trong thời gian qua. Đặc biệt là các vụ tai nạn thương tâm đối với du khách và xâm hại rừng, động vật hoang dã. Ông Vũ giải thích, khu vực được khoanh vùng để lắp đặt các trạm kiểm soát là nơi đã xảy ra nhiều tai nạn chết người liên quan đến xe máy tay ga. Quy định về thời gian hay đeo thẻ là để quản lý người ra vào, đảm bảo ANTT chứ không hạn chế trải nghiệm của du khách. "Trong ba tháng thí điểm, sẽ có lực lượng chức năng đi tuần để nhắc nhở. Thành phố cũng nghiên cứu các ứng dụng công nghệ thông minh thay cho cách làm thủ công. Nếu du khách cố tình vi phạm các quy định sẽ bị xem xét xử phạt về hành vi xâm phạm rừng đặc dụng. Chủ trương này nhằm chuyên nghiệp hóa, hướng đến phát triển du lịch bền vững", ông Vũ cho hay.
ĐÔNG A
Theo CADN
Bão NAKRI (bão số 6) có đường đi rất dị thường và vô cùng nguy hiểm! Đó là cảnh báo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng sau bản tin lúc 5h sáng nay (6/11) của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ về diễn biến của cơn bão số 6 (bão NAKRI). Đường đi dị thường và vô cùng nguy hiểm! Trong bản tin...