Đà Nẵng đối thoại với hai nhà máy thép gây ô nhiễm
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã yêu cầu hai nhà máy thép dừng hoạt động để khắc phục hậu quả ô nhiễm.
Chiều 15/12, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chủ trì buổi đối thoại với người dân xã Hòa Liên ( huyện Hòa Vang) và đại diện hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc nằm ở khu công nghiệp Hòa Khánh, nhằm tìm giải pháp chấm dứt tình trạng ô nhiễm do hai nhà máy này gây ra.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh tại buổi đổi thoại. Ảnh: Nguyễn Đông.
Hai ngày qua, người dân Hòa Liên đã mang theo bạt che tạm, mua mì tôm về bao vây cổng hai nhà máy này để phản ứng vì ô nhiễm. Ông Ngô Chuối (60 tuổi, thôn Vân Dương 2) cho biết không phải đến thời điểm hiện tại mà hơn 10 năm nay khi Công ty cổ phần thép Dana Ý (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) và Công ty cổ phần thép Dana Úc (xã Hòa Liên) đưa nhà máy vào hoạt động đã gây ô nhiễm.
Ông Chuối dẫn chứng, việc sản xuất thép của hai nhà máy đã gây khói bụi, xả nước thải chưa xử lý ra môi trường… Không chỉ gánh chịu mùi hôi, sống trong bụi bặm, nhiều người dân đã mắc hàng loạt bệnh, trong đó có ung thư. Hoa màu của dân cũng mất mùa khiến thu nhập ảnh hưởng.
“Chúng tôi chịu đựng đủ rồi, đề nghị lãnh đạo thành phố nói rõ các vị chọn di dời người dân hay di dời nhà máy thép”, ông Chuối nói.
Giải thích nguyên nhân nhà máy thép xả khói bụi ra môi trường thời gian gần đây, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thép Dana Ý cho rằng “do lỗi chập điện”.
Video đang HOT
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã yêu cầu nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc dừng hoạt động để nâng cấp, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, đồng thời đề nghị người dân không bao vây nhà máy để đảm bảo an ninh trật tự.
Ông Minh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng người dân lên phương án kiểm tra độc lập việc sản xuất thép của hai nhà máy; Sở Xây dựng lên phương án di dời các hộ và hai nhà máy thép để trình lãnh đạo thành phố xem xét.
“Tôi đề nghị hai nhà máy thép tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó có việc trồng cây xanh”, ông Minh nói.
Hàng trăm tấn xỉ sắt giữa khu công nghiệp
Đối thoại với lãnh đạo thành phố, ông Mai Xuân Thọ (trưởng ban công tác mặt trận thôn Vân Dương 2) phản ánh, ngay cạnh nhà máy thép Dana Ý có một bãi xỉ sắt hàng trăm tấn được chôn lấp ngổn ngang. Ông đề nghị thành phố làm rõ xỉ sắt này có độc hại hay không, ai là người chôn lấp và có được phép chôn lấp khối lượng lớn xỉ sắt như vậy hay không?
Hàng trăm tấn xỉ sắt ở lô đất cạnh Nhà máy thép Dana Ý. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Huỳnh Văn Tân – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thép Dana Ý, thừa nhận “có chôn lấp một ít” xỉ sắt, và “có nhiều đơn vị khác chôn chứ không riêng gì chúng tôi”.
Trao đổi với báo chí, ông Trương Tấn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, nói: “Xỉ sắt thì chỉ nhà máy thép đổ chứ ai đổ. Nhưng mới có nhà máy thép Dana Ý thừa nhận, còn Dana Úc thì chưa”. Phòng tài nguyên huyện Hòa Vang đang lấy mẫu xỉ sắt đi thí nghiệm xem có độc hại ảnh hưởng đến môi trường hay không.
Theo ông Mạnh, khu đất đang đổ xỉ sắt rộng khoảng 1.000 m2, trước đây của công ty đất Đà Nẵng – Miền Trung, gần đây đã chuyển nhượng cho một công ty khác ở TP HCM. “Cần làm rõ bán cho ai và ai là người đang quản lý, để đất trống thành nơi chứa xỉ sắt”, ông nói.
Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã yêu cầu công an kinh tế vào cuộc điều tra việc chôn xỉ sắt cạnh nhà máy thép Dana Ý, đồng thời chỉ đạo huyện Hòa Vang và các nhà máy liên quan phải di dời toàn bộ xỉ sắt đã chôn lấp đến khu xử lý.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Dân Đà Nẵng vây hai nhà máy thép vì ô nhiễm
Trên một trăm người dân tập trung trước cổng hai nhà máy thép ở Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng), yêu cầu đại diện doanh nghiệp đối thoại để xử lý tình trạng ô nhiễm.
Người dân vây nhà máy thép ở Khu công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh: Nguyễn Đông
Ngày 14/12, nhiều người dân đã đến tập trung trước cổng Công ty cổ phần thép Dana Ý (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) và Công ty cổ phần thép Dana Úc (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) để phản ứng việc sản xuất thép gây ô nhiễm môi trường của 2 cơ sở này.
Chính quyền địa phương cử người đến giữ an ninh trật tự, yêu cầu người dân chấp hành quy định pháp luật. Đến trưa, nhiều người dân đã mua bạt về dựng lều trước cổng công ty để yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp đối thoại.
Người dân mua bạt, mì tôm về trước cổng nhà máy thép để yêu cầu lãnh đạo đối thoại. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Mai Xuân Thọ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên), cho biết hai nhà máy này (nằm trên cùng trục đường) thường xả khói bụi trong quá trình hoạt động. Còn theo ông Trương Tấn Mạnh (Chủ tịch UBND xã Hòa Liên), lâu nay chính quyền đã tiếp nhận nhiều thông tin của người dân phản ánh hai nhà máy thép gây ô nhiễm. "Chúng tôi đang phối hợp với huyện Hòa Vang kiểm tra hoạt động của hai nhà máy này", ông Mạnh nói.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Dân đập phá 'trạm xử lý nước thải gây ô nhiễm' Cho rằng trạm xử lý nước thải nhưng lại gây ô nhiễm, người dân kéo đến đập phá trạm. Người dân cho rằng trạm xử lý nước thải KCN Liên Chiểu gây ô nhiễm. ẢNH: HOÀNG SƠN Chiều 1.6, tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP.Đà Nẵng với người dân P.Hòa Hiệp Bắc ngay trước cổng Trạm xử lý nước thải Khu...