Đà Nẵng: Đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản
Chiều 24/6, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã tiếp và làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio về mối quan hệ giữa thành phố Đà Nẵng với các địa phương của Nhật Bản trong thời gian qua; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Đà Nẵng.
Tại buổi làm việc, Đại sứ Yamada Takio đánh giá cao sự phát triển của thành phố Đà Nẵng những năm qua, đồng thời khẳng định Đà Nẵng đang là điểm đến thu hút đầu tư hấp dẫn. Hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư thành công và hoạt động tốt tại thành phố Đà Nẵng như: Tập đoàn nghỉ dưỡng Mikazuki, Công ty TNHH Fujikin International… Trong thời gian tới, khả năng hợp tác giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và thành phố Đà Nẵng sẽ ngày một phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực IT, lĩnh vực mà lãnh đạo thành phố đang rất quan tâm. Đại sứ Yamada Takio kỳ vọng thành phố Đà Nẵng và các địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có nhiều sự hợp tác thành công hơn nữa trong tương lai.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, thời gian qua, Đại sứ Yamada Takio đã quan tâm, giới thiệu các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào thành phố Đà Nẵng. Đà Nẵng đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như quốc tế.
Năm 2022, Đà Nẵng sẽ hoàn thành đường vành đai bao quanh thành phố, mở ra dư địa lớn để phát triển, kết nối với hạ tầng giao thông quốc gia. Thành phố cũng đã cấp chủ trương đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hoá trong lĩnh vực hàng không, thúc đẩy việc mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng. Cũng trong năm nay, Đà Nẵng dự kiến khởi công phần hạ tầng dùng chung của Cảng Liên Chiểu, thúc đẩy phát triển lĩnh vực logistics để hoàn chỉnh cả về đường bộ, đường thủy và đường hàng không.
Video đang HOT
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng hy vọng thời gian tới, Đại sứ Yamada Takio sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng trong sự phát triển mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, địa phương Nhật Bản với thành phố Đà Nẵng. Trước mắt, Đà Nẵng mong muốn sớm xúc tiến nối lại 7 đường bay từ Nhật Bản đến Đà Nẵng, góp phần thu hút lượng khách du lịch Nhật Bản quay trở lại thành phố sau thời gian dịch bệnh COVID-19.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (bên phải) tặng phẩm lưu niệm cho ngài Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio.
Đến nay, thành phố Đà Nẵng đã ký kết thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác chính thức với 4 thành phố của Nhật Bản, bao gồm Kawasaki (2012), Yokohama (2013), Sakai (2019) và Kisarazu (7/2019). Ngoài ra, thành phố còn có quan hệ hợp tác với hơn 15 tỉnh, thành phố của Nhật Bản. Những năm qua, các địa phương Nhật Bản đã cùng thành phố Đà Nẵng triển khai các chương trình hợp tác trong nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội…
Sau gần 25 năm kể từ khi doanh nghiệp đầu tiên của Nhật thiết lập xí nghiệp liên doanh tại Đà Nẵng (Acecook Vietnam, năm 1993), đến nay đã có tổng số 216 doanh nghiệp, văn phòng đại diện, dự án của các công ty Nhật Bản đóng trên địa bàn thành phố. Nhật Bản cũng là quốc gia đứng thứ nhất về tổng số dự án, doanh nghiệp đầu tư vào thành phố Đà Nẵng với tổng số vốn đầu tư lên đến 932 triệu USD, xếp đầu tiên trong hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Đà Nẵng. Các dự án FDI tập trung chủ yếu là lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị, chế biến, IT, dịch vụ và du lịch. Đến nay, hoạt động của doanh nghiệp giúp tạo việc làm cho khoảng hơn 40.000 lao động.
Chuyển đổi số trên địa bàn TP Đà Nẵng: Hướng đến xây dựng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống
Thời gian qua, TP Đà Nẵng đã tích cực triển khai phát triển khoa học và công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong đời sống, xã hội và đạt được một số kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) kết nối đồng bộ với các mạng lưới ĐTTM trong nước và khu vực ASEAN vào năm 2030, Đà Nẵng cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai đồng bộ các giải pháp.
Những tiền đề khả quan
Đến các khu dân cư trên địa bàn quận Hải Châu (Đà Nẵng), chúng tôi khá ấn tượng với mô hình "Khu dân cư điện tử". Thay vì thực hiện thủ tục hành chính tại UBND phường hoặc quận, công dân có thể thực hiện nhanh gọn các thủ tục này ngay tại khu dân cư. Để thực hiện thủ tục hành chính, người dân đăng ký tài khoản công dân điện tử bằng email theo địa chỉ www.egov.danang.gov.vn hoặc bằng tài khoản SMS và liên hệ Tổng đài dịch vụ công thành phố theo số điện thoại 0236 1022 khi cần hướng dẫn thêm. Khi đăng ký thành công tài khoản công dân điện tử, người dân sẽ có quyền truy cập vào Hệ thống chính quyền điện tử thành phố tại địa chỉ www.egov.danang.gov.vn để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến (nộp hồ sơ qua mạng điện tử). Mô hình có đặc trưng tổ chức giống như một bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại quận, phường. Điểm khác biệt là việc tổ chức này ngay tại khu dân cư, tạo thuận lợi cho người dân tương tác dễ dàng, không còn cảnh chờ đợi, xếp hàng đông người tại khu vực một cửa.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, thời gian qua, thành phố đã có nhiều chủ trương, định hướng triển khai chính quyền điện tử, phát triển CNTT tạo nền tảng và động lực cho phát triển ngành công nghiệp CNTT-truyền thông (ICT), chuyển dịch theo hướng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Các cấp, ngành đã tích cực triển khai thực hiện và đạt một số kết quả bước đầu trong chuyển đổi số. Cơ sở hạ tầng viễn thông, CNTT được đầu tư khá đồng bộ; hình thành các cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành, phục vụ triển khai các ứng dụng CNTT và dịch vụ chính quyền điện tử. Dịch vụ công trực tuyến có hơn 97% thủ tục trực tuyến (trong đó 66% ở mức 4); triển khai thí điểm một số dịch vụ ĐTTM; bước đầu hình thành kho dữ liệu số; đưa vào sử dụng Cổng dữ liệu (mở) để công khai thông tin, dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp...
TP Đà Nẵng ứng dụng hiệu quả Tổng đài 1022 trong tiếp nhận, giải quyết thông tin của người dân, doanh nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết: "Triển khai chuyển đổi số trên địa bàn thành phố có nhiều thuận lợi rất cơ bản. Đà Nẵng đã hình thành nền công nghiệp ICT: 4 khu CNTT tập trung và khu công nghệ cao; có hơn 2 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 người dân. Cộng đồng doanh nghiệp địa phương đã làm chủ công nghệ và triển khai thành công nhiều sản phẩm thương hiệu Đà Nẵng (Make in Da Nang) và từng bước nhân rộng trong cả nước; ngành công nghiệp ICT đóng góp 7,5% GRDP. Ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp và xã hội ở mức khá cao, góp phần rút ngắn khoảng cách số trong cộng đồng. Đà Nẵng được đánh giá, xếp hạng nhất khối tỉnh, thành phố 12 năm liên tiếp (từ năm 2009 đến nay) về chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT...".
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, để hướng đến xây dựng TP Đà Nẵng là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP Đà Nẵng đề ra, ngày 17-6-2021, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, thành phố triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số để điều chỉnh thể chế, cấu trúc lại quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp để hình thành công dân số, xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng ĐTTM kết nối đồng bộ với các mạng lưới ĐTTM trong nước và khu vực ASEAN.
TP Đà Nẵng xác định thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo phương châm: "Nhận thức" là quyết định, "người dân, doanh nghiệp" là trung tâm", "thể chế và công nghệ số" là động lực, "nền tảng số" là đột phá, "an toàn, an ninh thông tin" là then chốt, "chính quyền" là tiên phong, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số. Theo đó, TP Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2025: Mỗi hộ gia đình đều có địa chỉ số, tiếp cận được dịch vụ internet băng rộng; 100% người dân trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh; 90% người dân, doanh nghiệp được trang bị kỹ năng số và các quy tắc ứng xử trên môi trường số; 100% cơ sở y tế sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử trong khám, chữa bệnh; 100% cơ sở giáo dục dạy và học trực tuyến cho ít nhất 20% nội dung chương trình; ít nhất một trường triển khai mô hình đại học số...
Để thực hiện các mục tiêu trên, TP Đà Nẵng cần tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế, bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chuyển đổi số; có cơ chế khuyến khích người dân tham gia sử dụng sản phẩm, góp ý, hiến kế, phản biện về chuyển đổi số; hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức tham mưu và vận hành hệ thống về chuyển đổi số; xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng số cho người dân theo hình thức trực tuyến; xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng chú trọng triển khai các giải pháp phát triển nguồn nhân lực CNTT, công nghệ số. Hằng năm, thành phố triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp; tổ chức đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số cho cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, thành phố triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học-công nghệ-kỹ thuật-toán học và nghệ thuật, kinh doanh, doanh nghiệp (giáo dục STEM/STEAM) theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; bổ sung nội dung giới thiệu, đào tạo kỹ năng số phù hợp trong các cấp học phổ thông; thực hiện đào tạo, tập huấn hướng nghiệp để học sinh có các kỹ năng sẵn sàng cho môi trường số...
TP Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư vào 197 dự án trong năm 2022 UBND TP Hồ Chí Minh vừa chấp thuận danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2022, do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh đề xuất. Trong đó, TP Hồ Chí Minh sẽ kêu gọi thu hút đầu tư vào 197 dự án với tổng vốn đầu tư là 943.937 tỷ đồng (tương đương gần 43 tỷ USD)....