Đà Nẵng còn 267 dự án đầu tư công dở dang
Hiện Đà Nẵng có 267 dự án đầu tư công dở dang. Trong đó có nhiều dự án “treo” hơn 10 năm. Một số dự án hiện chưa triển khai được vì còn các hộ dân chưa được đền bù giải toả, bố trí tái định cư. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân khi chưa thể “an cư lạc nghiệp”; đồng thời cho thấy hiệu quả đầu tư công chưa cao.
Ông Nguyễn Nho Trung – Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Đà Nẵng đã thông tin và phát biểu như trên trong phiên thảo luận chiều 10/7 tại kỳ họp giữa năm của HĐND thành phố.
Ông Nguyễn Nho Trung chủ toạ kỳ họp giữa năm của HĐND TP Đà Nẵng: “Hiện Đà Nẵng còn 267 dự án dở dang. Nhiều dự án “treo” hơn 10 năm”
Chủ tịch HĐND TP đặt câu hỏi: “Thành phố đã có nguồn vốn bố trí cho dự án, chính quyền thành phố cũng đã có sự chỉ đạo quyết liệt, Trung tâm phát triển quỹ đất TP có chi nhánh ở các quận/huyện với gần 150 cán bộ. Tiền có, đất có, nguồn lực có như vậy tại sao lại chậm triển khai dự án?”.
Theo ông Nguyễn Nho Trung, cần phải làm rõ và xử lý trách nhiệm chỗ này, không thể đùn đẩy trách nhiệm vì “đùn đẩy trách nhiệm thì dân chịu chứ ai chịu!”. Đồng thời, đề nghị các đại biểu HĐND TP tập trung thảo luận các giải pháp tháo gỡ tình trạng dự án đầu tư công chậm triển khai
Theo các đại biểu HĐND thành phố, nguyên nhân chính dẫn tới dự án chậm triển khai là do công tác đền bù giải toả, bố trí tái định cư chậm. Thêm vào đó, do các dự án “treo” quá lâu nên giá đất trên thị trường đã có sự chênh lệch rất lớn so với giá đền bù giải toả, có nơi cao hơn từ 10 – 15 lần.
Đại biểu Cao Xuân Thắng chia sẻ, đây là lý do rất khó vận động người dân hợp tác công tác đền bù giải toả, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án.
Một bất cập nữa, theo đại biểu Cao Xuân Thắng là cơ chế quản lý, điều hành chồng chéo, chưa phân định rõ ràng giữa các cấp, đơn vị chức năng liên quan. Chính quyền TP đã giao quyền cho lãnh đạo quận/huyện làm Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB), nhưng trên thực tế thực thi công tác đền bù giải toả, bố trí tái định cư lại do cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất thực thi, mà những nhân sự này không thuộc quyền quản lý nhân sự của quận/huyện.
“Người không nắm, tiền không nắm thì Hội đồng GPMB không làm gì được” – đại biểu Cao Xuân Thắng nói.
Video đang HOT
Đại biểu Cao Xuân Thắng: Giá thị trường chênh lệc quá lớn so với giá đền bù giải toả, khó vận động hộ dân trong diện thu hồi đất để triển khai dự án hợp tác
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đồng ý công tác GPMB, bố trí tái định cư qua nhiều thời kỳ có nhiều đổi thay và phải cập nhật, thay đổi để phù hợp, tháo gỡ bức xúc của các hộ dân trong diện thu hồi đất, GPMB để triển khai dự án.
Bên cạnh tình trạng dự án chậm triển khai, lĩnh vực đầu tư công ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại như đại biểu Lương Nguyễn Minh Triết nêu: Nhiều công trình dự án đưa vào khai thác chưa lâu đã thấy không hiệu quả, chẳng hạn công trình Nhà biểu diễn đa năng…; nhiều dự án sao chép thiết kế như chợ Lệ Trạch không phù hợp với nếp sống sinh hoạt của người dân; nhiều dự án như chung cư Thuận Phước, Hoà Cường… xuống cấp nhanh.
Giải pháp để hạn chế tình trạng công trình dự án đầu tư công kém chất lượng, theo đa số đại biểu HĐND TP, cần đẩy mạnh công khai, minh bạch trong quy hoạch dự án, tổ chức đấu thầu, phát huy hiệu quả của việc tổ chức đấu thầu qua mạng.
Đồng thời, đối với các dự án có sai phạm, cần có chế tài xử lý nghiêm chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, nhà thầu thi công…; công khai sai phạm và không cho phép nhà thầu “dính” sai phạm tham gia đấu thầu.
Kết luận phiên thảo luận chiều 9/7, đối với lĩnh vực đầu tư công, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung nêu thêm kiến nghị UBND TP chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định thủ tục về đầu tư công theo đúng luật, cụ thể là Luật Đầu tư công 2014; đồng thời, đề nghị lãnh đạo chính quyền TP kiến nghị đến Trung ương những bất cập, chồng chéo trong quy định hiện hành; Nghiên cứu vận dụng linh hoạt các quy trình nhằm rút ngắn thủ tục, thời gian đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn ngân sách trong đầu tư xây dựng; Không bố trí vốn đối với các dự án không đảm bảo thủ tục, trừ dự án quá cấp bách, bất khả kháng; Xây dựng tiêu chí cụ thể không tạo điều kiện cho cơ chế “xin – cho” trong bộ máy nhà nước.
Tâm An
Theo Dantri
Siêu dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa: Về vạch xuất phát sau 26 năm quy hoạch treo
Bán đảo Thanh Đa được xem là "đất vàng" của TPHCM để phát triển đô thị sinh thái hiện đại. Đã có rất nhiều nhà đầu tư đến mang bao niềm hy vọng và rồi họ lại ra đi để lại 3.000 hộ dân với 13.000 nhân khẩu sống lay lắt với chuyện quy hoạch treo suốt 26 năm qua.
Chịu cảnh quy hoạch treo 26 năm qua, cuộc sống của người dân nằm trong dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa rất khổ cực. Ảnh: Ngọc Tiến
Mới đây, UBND TPHCM đã giao Sở KH-ĐT tham mưu, đề xuất việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới có năng lực thực hiện hơn nhằm đảm bảo tính khả thi cho dự án. Như vậy, sau 26 năm quy hoạch treo với nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, dự án này đã phải quay lại vạch xuất phát.
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 1992. Đến năm 2004, dự án này được giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn nhưng đơn vị này không triển khai được. Đến năm 2010, chính quyền thành phố thu hồi quyết định.
Sau đó, một đơn vị trong nước khác được UBND TPHCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28.
Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Thanh Đa - Bình Quới, với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng.
Nhưng sau đó, Emaar Properties PJSC đã rút lui vì không đủ kiên nhẫn chờ tới lúc được bàn giao đất sạch. Vì dự án treo suốt thời gian dài nên mặc dù cách trung tâm TP chưa đầy 5km, nơi này hiện vẫn như một ốc đảo.
Những con đường sâu hun hút, rải đá dăm rộng khoảng hơn 1m chỉ xe máy mới lưu thông được. Phần nhà dân sâu phía trong khu vực khung cảnh chẳng khác vùng quê. Nhiều ngôi nhà xập xệ, cũ kỹ. Đường sá nhỏ, ngập nước, trơ sỏi đá. Hiện trên bán đảo Thanh Đa có khoảng 2.000 căn nhà, 3.000 hộ dân với 13.000 nhân khẩu.
Liệu có "một bộ phim dài nhiều tập" khác?
Quyết định mới nhất của UBND TP.HCM đã giao Sở KH-ĐT tham mưu, đề xuất việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện nhằm đảm bảo tính khả thi. Bên cạnh đó, UBND TPHCM cũng yêu cầu Sở Xây dựng đề xuất việc cấp phép sửa chữa tạm của các hộ dân và gửi Sở KH-ĐT tổng hợp, trình UBND TP ngay trong tháng này.
Đây có thể xem là thông tin đáng mừng với người dân nơi đây. Tuy nhiên, việc 26 năm quy hoạch treo với nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, dự án này đã quay lại vạch xuất phát tìm chủ đầu tư mới khiến người dân lo ngại liệu có hay không "một bộ phim dài nhiều tập" khác?
Ông Nguyễn Văn Hạnh, ngụ tại địa chỉ 558/53a Bình Quới, phường 28 quận Bình Thạnh từ giải phóng đến nay, cho biết: "Dự án quy hoạch đã hơn 25 năm, cứ nghe tin là có nhà đầu tư rồi sau đó lại bỏ. Chúng tôi cũng đã chờ quá lâu có quy hoạch hay không, nếu không thì mong nhà nước xoá quy hoạch cho dân đỡ khổ.
Mấy chục năm qua, nhà cửa dột nát, đường không được sửa, làm thì trên xuống kiểm tra, không có giấy phép cấp nhà thì đập bỏ hết. Muốn cầm cố nhà cửa cho con cái lấy vốn làm ăn cũng không được vì nằm trong khu quy hoạch. Quá thiệt thòi cho chúng tôi.
Chúng tôi sống tại khu vực gần trung tâm mà hoàn cảnh còn thê thảm hơn là vùng quê. Nguyện vọng của người dân chúng tôi là mong muốn sớm được đền bù giá đất hợp lý, hoặc tái định cư tại chỗ bằng nhà ở để gia đình ổn định cuộc sống. Còn nếu không thì giải phóng cho chúng tôi khỏi tình cảnh "treo" từ năm này qua năm khác để chúng tôi được tự do kiếm sống trên mảnh đất của chúng tôi.
Một số hình ảnh về cuộc sống khổ cực của người dân trên bán đảo Thanh Đa:
Chịu cảnh quy hoạch treo 26 năm qua, cuộc sống của người dân nằm trong dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa rất khổ cực. Ảnh: Ngọc Tiến
BẢO CHƯƠNG
Theo Dantri
Đà Nẵng sẽ bầu 3 vị trí cán bộ chủ chốt Theo chương trình dự kiến, Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng sẽ tiến hành công tác nhân sự trong phiên họp đầu tiên của kỳ họp giữa năm vào chiều nay (9/7). Theo kế hoạch, tại kỳ họp lần này, các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng sẽ biểu quyết bầu 3 vị trí cán bộ chủ chốt: Phó Chủ tịch UBND...