Đà Nẵng chuyển trung tâm 2000 tỷ: Bài toán đất vàng khó giải…
Xây dựng mới thì nhân dân sẽ thấy rõ sự lãng phí, nhưng nếu chuyển đổi công năng cũng vô cùng tốn kém.
Khó chuyển đổi công năng
Tòa nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng nằm ven sông Hàn, là nơi làm việc của 23 sở, ngành với khoảng 1.600 người. Theo một số công chức, do toà nhà bao bọc bằng kính nên phải bơm khí tươi vào, tuy nhiên hệ thống bơm khí không đủ khiến nhiều người cảm thấy thiếu oxy, mệt mỏi.
Chính vì thế, Đà Nẵng đang lên kế hoạch di dời trung tâm hành chính sang một vị trí mới.
Đưa ra quan điểm về vấn đề này, TS Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng, khi xây dựng lên thì ai cũng tự hào, rồi cho rằng sẽ đáp ứng được nhiều yếu tố trong việc phục vụ dân.
Tất nhiên, nhiều tòa nhà trong và ngoài nước cũng được thiết kế ốp kính, nhưng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới của Việt Nam, thì chắc chắn nên hạn chế dùng nhà kính, thay vào đó là tường bao và cửa thông gió.
Video đang HOT
Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng
Còn nếu sử dụng kính chịu nhiệt thì phải là loại chất lượng tốt, giá cả đắt đỏ, hệ thống điều hòa làm mát, thông gió hoạt động theo đúng yêu cầu thì mới không có tình trạng như tòa nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng.
Hoặc các tòa nhà kính trên thế giới họ nhất định phải dùng hệ thống điều hòa, chứ không có gió tự nhiên.
Một thông tin quan trọng được ông Liêm chia sẻ: “Tôi được nghe thông tin đơn vị quản lý trung tâm hành chính Đà Nẵng cho biết chi phí tiền điện điều hòa tòa nhà này khoảng 1 tỷ mỗi tháng, có thể tiền điện cao quá, nên họ không chịu nổi, phải giảm sử dụng điều hòa.
Nếu đúng như vậy thì đó là một trong các nguyên nhân khiến người làm việc thấy khó thở”.
Trái ngược với ý kiến ủng hộ chuyển trung tâm hành chính Đà Nẵng, ông Liêm cho rằng cần sửa chữa, khắc phục các bất cập của tòa nhà thay vì xây dựng mới.
“Nếu xây mới một tòa nhà khác thì mọi người sẽ thấy rằng chính quyền sử dụng tiền của dân dễ dãi quá, hơn nữa tòa nhà cũ với công năng hành chính khó trở thành khách sạn.
Bởi vì cơ quan nào tiếp nhận công trình này thì phải cải tạo lại. Từ trung tâm hành chính chuyển sao công cộng thì lượng người ngồi lại ít hơn. Đặc biệt là các điều kiện thiếu không khí phải xử lý, rất tốn kém, chắc chắn phải bỏ ra một lượng tiền vô cùng lớn. Trừ khi họ nhắm đến vị trí đất vàng đắc địa”, ông Liêm nêu quan điểm.
Mặt khác, theo ông Liêm, còn nếu bây giờ bán đi thì cũng khó, vì đây là nhà văn phòng, đơn vị nào mua thì sửa chữa nhiều không những thông gió, mà sử dụng mặt bằng phải chuyển đổi mục đích.
Còn trung tâm hành chính hiện nay nếu có nhà đầu tư nào đó tiếp nhận thì họ sẽ phải trả lại tiền đầu tư cho thành phố làm công trình mới. Nếu vậy thì đây chỉ là sự hoán đổi cho nhau.
Chính phủ phải vào cuộc
Khi nói đến vấn đề giải pháp, ông Liêm chỉ rõ: “Đà Nẵng cần mời chuyên gia vào đánh giá lại một cách nghiêm túc và đưa ra được những luận cứ khoa học xác đáng. Với một khối vật chất tốn kém như vậy, trước hết phải chữa bệnh đã, bằng những biện pháp thông minh và phù hợp, làm thế nào cho đỡ lãng phí.
Người phê duyệt thiết kế của chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước sự lãng phí trên, đảm bảo giữ niềm tin trong nhân dân”.
Hơn nữa, theo Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đây là bài học nên rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, Chính phủ phải vào cuộc, chứ không phải để cho địa phương muốn tiêu tiền của dân thế nào thì tiêu.
Hiện nay, một số địa phương như Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương muốn nhập các trụ sở ban ngành vào một khối, từ Đà Nẵng, cần có chỉ đạo để xem xét lại những dự định trên.
Theo Đất Việt