Đà Nẵng chỉ tuyển công chức ngoại tỉnh bằng giỏi: Tư duy cát cứ (?)
UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch tuyển dụng công chức tại các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện trên địa bàn, trong đó yêu cầu người ngoại tỉnh phải có bằng cấp loại giỏi mới được thi tuyển.
Sau khi ban hành kế hoạch trên, dư luận có rất nhiều ý kiến phản đối khi cho rằng, TP Đà Nẵng vi phạm luật, phân biệt đối xử, ưu tiên con em địa phương…?
Liên quan đến vấn đề trên, ông Võ Ngọc Đồng-Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, trước khi ra văn bản này, đơn vị này cũng như thành phố rất phân vân.
Đà Nẵng lâu nay được coi là thành phố văn minh hiện đại, nơi thu hút nhiều nhân tài. (Ảnh Đình Thiên).
“Thành phố đã xem đi xét lại nhưng vì mục tiêu tuyển chọn được người giỏi nên mới ra văn bản này. Bên cạnh đó, hiện nay TP.Đà Nẵng đã có các chương trình thu hút nhân tài riêng như đề án 13100 “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công thành phố Đà Nẵng đến năm 2020″…”, ông Đồng nói.
Ông Đồng cũng bác bỏ chuyện TP Đà Nẵng phân biệt đối xử và ưu tiên cho người địa phương khi ra văn bản này. “Không chỉ Đà Nẵng có chính sách này mà nhiều địa phương khác đã làm trước đó”, ông Đồng cho hay.
Trong khi đó, trao đổi với Dân Việt, Luật sư Lê Cao, thuộc Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng phân tích: Luật Cán bộ công chức cũng như các văn bản pháp luật liên quan hiện hành không có quy định nào cản trở công dân Việt Nam có đủ điều kiện theo luật tham gia thi tuyển công chức tại các địa phương nếu không có sổ hộ khẩu. Việc tuyển dụng công chức mà quy định điều kiện về hộ khẩu là trái luật, thực ra việc này đang bị lạm dụng ở nhiều địa phương, không chỉ ở Đà Nẵng.
Video đang HOT
“Tư duy hộ khẩu” trong tuyển dụng hoặc quản lý hành chính đã quá lỗi thời. Với tư duy này , sẽ không bao giờ có những tài năng người Việt làm việc ở những nước như Mỹ, Nhật, Singapore… Thế giới đang ở thời đại toàn cầu, công dân không thể bị bó buộc nơi làm việc, sinh sống. Đây là quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp.
Cán bộ công chức TP.Đà Nẵng được cho là làm việc rất chuyên nghiệp. (Ảnh: Đình Thiên)
“Nếu Đà Nẵng chỉ dựa vào khái niệm bằng giỏi để tuyển công chức ngoại tỉnh thì chúng ta lại thấy câu chuyện chuộng bằng cấp, không nhìn thẳng vào năng lực thực tế. Các địa phương khác mà cũng áp dụng cách như Đà Nẵng sẽ tạo ra một hệ thống cát cứ về mặt công chức – địa phương nào công chức đó và đó là suy nghĩ rất lạc hậu”, Luật sư Lê Cao nói.
Luật sư Lê Cao cho biết thêm, không chỉ Đà Nẵng mà nhiều địa phương, cơ quan hiện nay đang vi phạm luật khi tiến hành công tác tuyển dụng công chức. Đó là biểu hiện của tư duy nửa vời trong nỗ lực “cải cách công tác cán bộ”.
“Lợi ích cục bộ địa phương vẫn ám ảnh công tác cán bộ, và do đó chuyện chọn bằng cấp chứ không dựa vào năng lực thực tế đang có nguy cơ bào món chất lượng công chức. Nhiều người có năng lực thực sự nhưng không hào hứng với thi tuyển công chức nữa có thể cũng từ những chuyện như này”, luật sư Cao đánh giá.
Theo Danviet
Đà Nẵng sẽ mở thêm 5 lối xuống biển
Thành phố Đà Nẵng sẽ mở thêm 5 đường xuống biển cho người dân từ những dự án treo, và sẽ kêu gọi xã hội hóa để giảm chi ngân sách.
Chiều 7/12, kỳ họp thứ 3 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX bước vào phiên chất vấn. Đại biểu Phan Thị Tuyết Nhung cho biết thành phố đã đồng ý mở thêm 5 lối xuống biển từ những dự án treo, nhưng hiện tại chưa có lối đi nào được mở.
"Sở Xây dựng xem xét có thể đề nghị các nhà đầu tư mở lối xuống biển trước để người dân thụ hưởng, sau đó tiếp tục hoàn thiện các thủ tục thu hồi dự án", đại biểu Tuyết Nhung đặt vấn đề.
Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Quang Hùng cho biết, thành phố vừa phê duyệt quy hoạch 5 lối xuống biển. Trong đó, lối rộng nhất là 35 mét, lối nhỏ nhất là 3,5m, chủ yếu nằm giữa ranh giới các dự án ven biển.
Theo tính toán của Sở Xây dựng, vốn đầu tư cho các lối xuống biển này mất khoảng 10 đến 15 tỷ đồng. Ông Hùng cho rằng số tiền không lớn, nên có thể đầu tư bằng vốn ngân sách.
"Trước mắt, sở sẽ báo cáo Ủy ban thành phố để thu hồi đất trước, mở tạm các lối xuống biển, sau này sẽ đầu tư lại cho bài bản như trồng cây xanh, lắp đặt điện chiếu sáng", ông Hùng nói
Người dân Đà Nẵng sẽ có thêm 5 lối xuống biển ở nơi các dự án bít lối xuống biển. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thảnh ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng không nên "cái gì cũng dùng vốn ngân sách". Nếu tư nhân có thể làm các lối xuống biển thì thành phố nên kêu gọi họ tham gia.
"Để tư nhân đầu tư lối xuống biển và làm bãi tắm nước ngọt, giữ xe kinh doanh luôn cho nhanh. Ngân sách thành phố cũng có hạn, và phải chờ, nên muốn nhanh có lối xuống biển thì xã hội hóa", ông nói.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, ai đi tắm biển cũng có nhu cầu tắm nước ngọt, gửi xe. Do đó có thể đem ra đấu thầu việc đầu tư xây dựng các lối xuống biển, để tư nhân làm và quản lý luôn sẽ tốt hơn.
Cũng tính đến phương án đầu tư công rồi quản trị tư, tức là thành phố bỏ ngân sách ra đầu tư rồi đấu thầu lại, tuy nhiên theo ông Xuân Anh "ngân sách thì làm chậm nên cái gì huy động được thì để người dân tham gia".
Tại phiên chất vấn, liên quan đến chất vấn của đại biểu về nhiều công trình chung cư xuống cấp nghiêm trọng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cho hay nhiều công trình chất lượng kém do nhà thầu ăn chặn, bớt xén khi thi công.
"Tại sao dân mình không thích ở chung cư là thế. Ở nước ngoài người ta ở chung cư hết. Vô chung cư là như vô khách sạn, thơm phức, sạch sẽ. Còn mình ai ở được chung cư tôi thấy cũng dũng cảm vì quá tồi tàn, thang máy cũng không ra thang máy, tuổi thọ công trình kém. Đây là tình trạng chung của cả Việt Nam. Chất lượng dường xá và công trình dân dụng kém vô cùng", ông nói.
Ông Xuân Anh chỉ đạo các ngành chức năng của Đà Nẵng phải giám sát các nhà thầu, từ khâu thiết kế đến thi công. Nếu nhà thầu nào làm kém chất lượng thì "cho vào danh sách đen" và không giao việc với các gói thầu khác trên địa bàn nữa. Ông cho rằng các nhà thầu làm phải có lời, nhưng đặt lợi nhuận lên trên chất lượng thì công trình rất nhanh xuống cấp.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Đà Nẵng dừng xây kho lưu trữ để làm công viên Thành phố Đà Nẵng quyết định giải tỏa 54 hộ dân xâm lấn di tích quốc gia thành Điện Hải và dừng dự án xây dựng kho lưu trữ để làm khu công viên văn hóa rộng hàng nghìn mét vuông. Thành ủy Đà Nẵng vừa thống nhất di dời 54 hộ dân khu vực phía tây di tích lịch sử quốc gia...