Đã mắt với vùng địa linh có tứ đại đỉnh đèo đẹp chất ngất ở Việt Nam
Hà Giang không những là vùng đất dành cho những người hay đi, thích khám phá mà còn là vùng đất dành cho những người mộng mơ.
Hãy đến Hà Giang và cảm nhận sự choáng ngợp trước vẻ đẹp khác lạ hữu tình của núi, rừng và sông suối, cỏ cây hoa lá.
Mã Pí Lèng nơi được coi là một trong “ tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam.
Mã Pí Lèng nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc dài khoảng 20 km với nhiều đoạn cua tay áo, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là thăm thẳm vực sâu.
Đứng trên đỉnh Mã Pí Lèng bạn sẽ được ngắm sông Nho Quế như một bức tranh thiên nhiên tuyệt tác, từng dãy núi trùng trùng điệp điệp, vô cùng kỳ vĩ, thăm thẳm.
Không những thế, du khách còn được ngắm sông Nho Quế uốn lượn như sợi chỉ xanh lung linh bắc xuống từ trời cao.
Tổng chiều dài 192km, con sông khắc tên mình lên 46km trên dải đất Việt Nam, và chảy qua lớp đá tai mèo lởm chởm của hệ thống công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, nhờ đó tạo nên dòng chảy mạnh với vô số thác ghềnh trắng xóa xen giữa những hẻm vực, thung lũng ẩn hiện giữa non cao núi bạc, mây trời Hà Giang tạo nên cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ.
Chinh phục được đỉnh Mã Pí Lèng, du khách sẽ ngắm trọn dòng sông Nho Quế đẹp thơ mộng, được hòa mình vào thiên nhiên.
Tới Hà Giang, bạn không thể bỏ qua dinh thự Vua Mèo.
Vua Mèo Vương Chính Đức là người đầu tiên đặt nền móng cai trị các đồng bào dân tộc thiểu số ở đây. Sự giao thương giữa Vua Mèo với phương Bắc thể hiện rõ nét trong kiến trúc của khu dinh thự họ Vương.
Toàn bộ khu dinh thự rộng lớn được bao bọc bởi vòng tường đá dày 1 m, cao từ 2,5 – 3 m. Một khối lượng rất lớn gỗ lim, pơmu, sến… cùng với đá xanh khổng lồ đã dùng để xây lên khu vương phủ đồ sộ với kiến trúc độc đáo.
Video đang HOT
Dốc Thẩm Mã cung đường không thể bỏ qua khi đến Hà Giang. Dốc Thẩm Mã con đường đèo uốn lượn nằm trên quốc lộ 4c chạy từ Hà Giang đến huyện Mèo Vạc.
Dốc Thẩm Mã là một đoạn đèo có chín khúc uốn lượn rất nổi tiếng ở Hà Giang, đây là một cung đường quen thuộc cho những người trẻ yêu thích khám phá, thích chinh phục khi đến với mảnh đất địa đầu của tổ quốc.
Dốc Thẩm Mã đưa du khách đến được với cửa ngõ đầu tiên trên mảnh đất Đồng Văn- xã Phố Cáo cũng là một địa danh du lịch nổi tiếng trên khu vực Cao Nguyên Đá
Chụp ảnh trên đỉnh dốc.
Một địa danh bạn không thể bỏ qua khi đến Hà Giang đó là cổng trời Quản Bạ.
Quản Bạ là cửa ngõ của cao nguyên đá, qua con dốc Bắc Sum, ngoằn ngèo chạy lên cổng trời thị trấn Tam Sơn bình yên. Cổng trời Quản Bạ đầy cuốn hút thôi thúc bao con người vượt cổng trời, chinh phục cực bắc khám phá mảnh đất nơi địa đầu tổ quốc. Nếu một lần được ghé thăm mảnh đất Quản Bạ tỉnh Hà Giang, du khách đừng quên ghé thăm cổng trời Quản Bạ.
Từ Quản Bạ, bạn di chuyển sẽ đến Lũng Cú nơi địa đầu Tổ Quốc, hay còn được miêu tả là: “Nơi cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời”.
Đây là cột cờ quốc gia nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng.
Cột cờ có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, điểm cực Bắc của Tổ Quốc. Cột cờ Lũng Cú có lịch sử từ rất lâu đời.
Cột Cờ Lũng Cú được dựng theo mô hình cột cờ Hà Nội, tuy nhiên kích thước nhỏ hơn.
Kiến trúc được thiết kế theo hình bát giác, chân cột cờ gắn 8 tấm phù điêu đá xanh minh họa cho các giai đoạn thời kỳ lịch sử của đất nước và phong tục tập quán của nhân dân tỉnh Hà Giang, phía trên có gắn 8 mặt trống đồng.
Khách du lịch tự hào mang áo lá cờ sao đỏ của Tổ quốc chụp ảnh cạnh cột cờ về làm kỉ niệm cho chuyến hành trình.
Hà Giang không chỉ thu hút du khách bởi sự hùng vĩ, tráng lệ của thiên nhiên hoang sơ mà còn bởi văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số đó là phiên chợ.
Cũng giống như hầu hết các chợ trên vùng cao, người dân đến đây ngoài việc trao đổi mua bán còn tham gia giao lưu, trò chuyện thỏa mãn nhu cầu về tinh thần.
Vậy nên không khí của chợ lúc nào cũng vui tươi, không ngớt tiếng cười nói, khiến du khách đến đây đặc biệt là du khách nước ngoài rất ấn tượng
Theo danviet.vn
Tu Sản - Hẻm vực kỳ vĩ nhất Đông Nam Á với đàn khỉ mốc đặc biệt
Tu Sản được xem là "đệ nhất hùng quan" với chiều cao vách đá lên tới 700-800m, chiều dài tới 1,7km, sâu 700-900m, là danh thắng kỳ vĩ độc nhất của vùng cao nguyên đá Đồng Văn.
Mã Pí Lèng được xem là cung đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam. Trong kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ đó, hẻm vực Tu Sản là cao và sâu nhất nước Việt và có thể là cả Đông Nam Á.
Tu Sản được xem là "đệ nhất hùng quan" với chiều cao vách đá lên tới 700-800m, chiều dài tới 1,7km, sâu 700-900m, là danh thắng kỳ vĩ độc nhất của vùng cao nguyên đá Đồng Văn.
Tu Sản là sự kỳ diệu của tạo hóa hàng triệu năm trước khi nơi đây vẫn chìm trong lòng đại dương mênh mông, trong quá trình vỏ Trái Đất thay đổi, nước rút đi để lại di sản địa chất độc nhất cho tới ngày hôm nay.
Toàn cảnh hẻm vực Tu Sản và dòng sông Nho Quế khi nhìn từ đèo Mã Pí Lèng.
Hẻm vực Tu Sản cùng dòng Nho Quế khi chưa ngăn nước làm thủy điện.
Hà Giang là mảnh đất cuối trời cực Bắc của nước Việt với cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận và Công viên địa chất toàn cầu, nơi ấy cũng là mái nhà của nhiều đồng bào dân tộc sinh sống (H'Mông, Dao, Lô Lô, Tày...) tạo nên nhiều giá trị văn hóa đặc sắc và độc đáo.
Nếu ai đã lên Hà Giang cũng sẽ đều choáng ngợp bởi núi non hùng vĩ, bởi bàn tay khéo léo của con người khi sinh tồn nơi đây cũng như vẻ đẹp của các loài hoa suốt cả bốn mùa.
Trên chuyến xe vòng quanh vùng cao nguyên đá, bạn sẽ như uốn mình theo từng con dốc, cung đèo để tới với đỉnh trời Quản Bạ rồi Đồng Văn và trầm trồ trước vẻ đẹp của Mã Pí Lèng và dòng Nho Quế trong xanh.
Đi thuyền khám phá hẻm vực cao nhất Việt Nam là trải nghiệm "phải làm" khi tới Hà Giang.
Cung đường xuống cầu Tràng Hương để chạm tay vào dòng nước Nho Quế.
Đường đi Xín Cái, Săm Pun, Sơn Vỹ.
Mã Pí Lèng theo tiếng của người H'Mông nghĩa là "sống mũi con ngựa" để nói về độ hiểm trở của những ngọn núi và con đường dựng đứng tựa sống mũi ngựa.
Xưa kia, con người chỉ có thể đi bộ băng rừng leo núi mới vượt qua được, nhưng từ khi con đường Hạnh Phúc được nối thông, Mã Pí Lèng đã trở thành một trong "tứ đại đỉnh đèo" của Việt Nam.
Và trong cái hùng vĩ đó, hẻm vực Tu Sản đứng ngay cạnh đèo Mã Pí Lèng như là nét vẽ cuối cùng cho bức tranh tuyệt sắc của tự nhiên.
Mã Pí Lèng như sợi chỉ vắt ngang lưng trời còn Tu Sản như bức thành vách hùng vĩ của tự nhiên.
Thủy điện Nho Quế 1 đã chính thức biến dòng sông này thành hồ lớn.
Chỉ mấy năm trước, khi dòng Nho Quế chưa bị chặn dòng làm thủy điện, rất ít người tiếp cận được chân của bức vách Tu Sản thẳng đứng bởi địa hình hiểm trở.
Những ngôi nhà gần hẻm vực nhất của người dân bản Mã Pí Lèng cũng cách cả trăm mét khiến cho du khách chỉ có thể chiêm ngưỡng sự hùng vĩ từ các điểm ngắm là khúc cua trên đèo mà thôi.
Khi thủy điện chặn dòng, dòng Nho Quế đã thôi róc rách mà trở thành "mặt hồ" tĩnh lặng, người dân đã nhanh chóng dùng những chiếc thuyền máy để đưa đón những vị khách muốn xuống tận chân của vách núi thẳng đứng lớn nhất Việt Nam này.
Lênh đênh trên thuyền dọc sông là trải nghiệm rất thú vị để cảm nhận sự kỳ vĩ của tự nhiên.
Dòng sông Nho Quế trước khi ngăn dòng như là dòng suối lớn.
Mùa tháng 2, 3 hoa gạo nở đỏ cả triền núi dọc bờ sông.
Từ cuối cung đèo Mã Pí Lèng hướng gần Mèo Vạc, trên con đường xuôi về Xín Cái, Săm Pun, Sơn Vỹ, bạn sẽ xuống tới cầu Tràng Hương để chạm tay vào dòng sông xanh ngắt một màu. Từ đây, ngồi thuyền chừng 20 phút sẽ tới được giữa hẻm vực độc đáo này.
Trước đó, dòng sông như là đáy của chữ V được bao bọc bởi núi, nhưng khi thuyền vào hẻm vực, bạn sẽ ở đáy của chữ U ngước lên vách đá cao vút.
Mùa tháng Hai, Ba, cả triền sông rực lên màu đỏ của hoa gạo hòa cùng màu xanh của nước tạo nên bức tranh rừng núi vô cùng đẹp mắt.
Hẻm vực Tu Sản nhìn từ sông Nho Quế.
Những căn nhà giữa trùng điệp núi đá của đồng bào người Hmong ở khu vực Mã Pí Lèng.
Cầu Tràng Hương cũ và dòng Nho Quế trong xanh.
Vách đá của hẻm vực Tu Sản nơi đàn khỉ mốc sinh sống.
Theo thông tin từ đơn vị kiểm lâm của huyện Mèo Vạc, ngoài sự độc đáo của tự nhiên khi tạo nên vách núi thẳng đứng đó thì ở hẻm vực Tu Sản còn có một đàn khỉ mốc ước chừng 30-40 cá thể sinh sống. Chúng sống trên các vách hốc đá cheo leo hoặc náu mình trong những lùm cây rậm rạp.
Thức ăn của khỉ mốc thường là trái cây, ngũ cốc và một số động vật không xương sống nhỏ, thỉnh thoảng ăn côn trùng cánh cứng hoặc ấu trùng, có thể cả thằn lằn. Khỉ mốc hoạt động mạnh vào ban ngày nên nếu may mắn thì bạn có thể bắt gặp chúng khi đi thuyền trên dòng Nho Quế.
Người dân ở đây thường bị đàn khỉ mốc ném nhành cây hoặc đá khi đánh cá vào đêm trăng dưới hẻm vực Tu Sản. Cũng do sinh sống trên vách đá dựng đứng như thế nên đàn khỉ mốc này không bị hoạt động săn bắt của con người đe dọa./.
Theo vietnamplus.vn
Chiêm ngưỡng Cao nguyên đá Đồng Văn: Vừa hùng vĩ, vừa nên thơ Cao nguyên đá Đồng Văn hay còn gọi là Sơn nguyên Đồng Văn là một cao nguyên đá trải rộng trên 4 huyện: Quảng Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của Hà Giang và rất nổi tiếng với lễ hội hoa tam giác mạch. Mái nhà xưa - nét văn hóa độc đáo của người Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn....