Đã giải ngân 22.000 tỷ đồng cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội
Chiều 4/6, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, thông tin về tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đây là Chương trình tổng thể gồm 5 nhiệm vụ chính, có nhiều nhiệm vụ kết nối với các nghị quyết trước đây đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành.
Do vậy, Chương trình đã được thực hiện ngay từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP vào tháng 1/2022.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cung cấp thông tin tại cuộc họp báo.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đến nay đã giải ngân 22.000 tỷ đồng tập trung vào các chương trình lớn. Trong đó, Chương trình cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng chính sách thuê mua nhà ở xã hội đã thực hiện giải ngân hơn 4.500 tỷ đồng (trong tổng số tiền được giao kế hoạch năm nay là 19.000 tỷ đồng) cho hơn 100.000 khách hàng vay vốn.
Chương trình hỗ trợ công nhân thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện giải ngân đến ngày 20/5 đã đạt 1,7 tỷ đồng.
Liên quan đến chính sách miễn giảm thuế thu nhập, đã hỗ trợ khoảng 11.800 tỷ đồng trong tổng số 60.000 tỷ đồng. Chính sách miễn giảm thuế này được thực hiện ngay từ tháng 2/2022.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn hiện đang trong quá trình hoàn thiện và chờ cấp có thẩm quyền ban hành. Về cơ bản, các văn bản đã được ban hành. Ví dụ như Nghị định hướng dẫn hỗ trợ 2% lãi suất đến nay đã sẵn sàng triển khai gấp rút. Còn lại 3 văn bản liên quan cấp nghị định và thông tư hướng dẫn, các cơ quan đang đẩy nhanh tiến độ hướng dẫn về chỉ định thầu trong chương trình phục hồi. Đây là quy định mang tính cởi mở, tác động thêm để rút ngắn các quá trình trong đấu thầu thi công.
Đến thời điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị chủ trì đã trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng. Sau khi có chỉ đạo, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện trong thời gian sớm nhất. Văn bản hướng dẫn các bộ liên quan cũng đang gấp rút hoàn thành.
Làm rõ về việc triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho hay, đến nay, có 19 tỉnh, thành phố đã nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà do doanh nghiệp gửi đến. Trong đó, đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của 2.007 doanh nghiệp với trên 46.460 lao động, số tiền đề nghị hỗ trợ là 33,2 tỷ đồng; số hồ sơ đã thẩm định phê duyệt là 319 doanh nghiệp, với 21.361 lao động, số tiền đã có quyết định phê duyệt là 25,4 tỷ đồng. Số hồ sơ đã giải ngân đến thời điểm ngày 3/6 là 100 doanh nghiệp với 6.297 lao động, số tiền hỗ trợ 3,1 tỷ đồng.
Video đang HOT
Thừa nhận việc triển khai ở một số địa phương có phần hơi chậm, bà Nguyễn Thị Hà lý giải là do có tình trạng cán bộ địa phương lúng túng trong hướng dẫn doanh nghiệp. Một số nơi chưa bố trí kịp nguồn và còn chờ ngân sách trung ương phân bổ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn e ngại sợ người lao động trục lợi chính sách nên đã yêu cầu phát sinh thêm các quy định như yêu cầu người lao động cung cấp giấy đăng ký tạm trú, hợp đồng thuê nhà, điều này làm chậm tiến độ phê duyệt hồ sơ.
Cũng có những doanh nghiệp chưa chủ động thực hiện, trong khi số lao động rất lớn. Trong Quyết định 08/2022/QĐ-TTg có quy định có thể gộp 2-3 tháng, nên nhiều doanh nghiệp đông lao động thường chờ 2-3 tháng mới làm hồ sơ cho người lao động, vì vậy, ở những nơi này, UBND cấp huyện nhận được rất ít và đang chờ doanh nghiệp gửi lên.
BHXH Quảng Bình đồng hành đảm bảo an sinh xã hội
Chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, hậu quả thiên tai, lũ lụt nhưng số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tại tỉnh Quảng Bình vẫn tăng trưởng ổn định nhờ sự đồng hành đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
Phát triển BHXH tự nguyện vượt bình quân chung cả nước
Dù cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng Quảng Bình là một trong những địa phương có tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện cao hơn bình quân chung của cả nước. Kết quả này có được từ sự sát sao trong tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH theo nhóm nhỏ để tiết kiệm khi còn trẻ cho tương lai lúc hết tuổi lao động.
Tuyên truyền BHXH tự nguyện cho đồng bào công giáo tại xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc BHXH Quảng Bình cho biết, hiện tỉnh có hơn 33.900 người tham gia BHXH tự nguyện, cao hơn 5% so với bình quân chung toàn quốc. Điều này có được nhờ thời gian qua BHXH tỉnh luôn phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Dũng thẳng thắn nhìn nhận, chính sách BHXH tự nguyện vẫn chưa thực sự hấp dẫn để thu hút người dân tham gia, khi BHXH bắt buộc có 5 chế độ cho người tham gia còn BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ (hưu trí và tử tuất). Cùng đó, mức hỗ trợ từ ngân sách với người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, thời gian đóng để có lương hưu lại kéo dài tới 20 năm, trong khi kinh tế của người dân khu vực này còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Dũng nhìn nhận thực tế, công tác thực hiện chính sách BHXH tại Quảng Bình vẫn còn gặp một số khó khăn. Đó là dù số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng so với cuối năm 2021, nhưng mức tăng trưởng đang chậm lại.
Cụ thể, địa phương đã khai thác được 4.239 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng do số người tham gia giảm mạnh, lên đến 4.144 người dẫn đến số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tính đến hết tháng 5/2022 chỉ tăng 95 người so với cuối năm 2021. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chưa bền vững, số người tham gia tính đến hết tháng 5/2022 là 810.510 người, giảm 6.240 người so với cuối năm 2021.
Một trong các nguyên nhân, theo ông Nguyễn Văn Dũng, là do việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế của người tham gia, tuy nhiên đời sống của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn do thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh.
Trong đó, đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, từ tháng 1/2022, mức đóng tối thiểu tăng hơn gấp đôi do áp dụng mức chuẩn nghèo nông thôn làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển đối tượng BHXH tự nguyện, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, do mức đóng tăng gấp đôi, từ trên 150.000 đồng lên trên 300.000 đồng.
Hỗ trợ an sinh tới người lao động
Về công tác hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh, đây là một nhiệm vụ quan trọng giúp người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định chính trị xã hội và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
"Trong thời gian qua, bảo hiểm xã hội tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19"- ông Dũng cho hay.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc BHXH Quảng Bình thông tin về việc đồng hành đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Nhờ quyết tâm đó, BHXH tỉnh Quảng Bình đã giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 92 đơn vị sử dụng lao động với 2.738 lao động với số tiền tạm dừng đóng là hơn 7,2 tỷ đồng; xác nhận danh sách cho 7.369 lao động của 616 đơn vị sử dụng lao động để lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ kinh phí do bị thiệt hại của COVID-19; Xác nhận danh sách cho 7.810 lao động để đơn vị sử dụng lao động vay vốn trả lương cho người lao động phục hồi sản xuất và để được hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh, đã giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 10.368 triệu đồng cho 35.447 lao động của 2.731 đơn vị sử dụng lao động; Tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất trong 6 tháng là 1.755 triệu đồng cho 230 lao động của 6 đơn vị sử dụng lao động.
Đến hết tháng 12/2021, BHXH tỉnh Quảng Bình cũng đã hoàn thành chi hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho 46.854 lao động với số tiền hơn 117 tỷ đồng; đến hết tháng 5/2022 thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng cho 2.830 đơn vị sử dụng lao động là 22,4 tỷ đồng, đạt 100% đơn vị sử dụng lao động thuộc diện được hỗ trợ.
Tuy nhiên, đến nay BHXH tỉnh Quảng Bình chỉ mới xác nhận danh sách cho 5 lao động của 2 đơn vị sử dụng lao động để lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao do còn phụ thuộc vào việc doanh nghiệp lập danh sách người lao động để thụ hưởng chính sách.
Riêng đối với bảo hiểm y tế, từ tháng 1/2022 giảm 9.087 người tham gia tại Quảng Bình do không tiếp tục được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng 100% vì không được công nhận là các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.
Ngoài ra, số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 810.510 người, giảm 6.240 người so với cuối năm 2021, đạt tỷ lệ bao phủ dân số là 89,3%; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 62.744 người, tăng 393 người so với cuối năm 2021.
Trong 5 tháng 2021, thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại địa phương đạt 790.637 triệu đồng, tăng 16.144 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021. Riêng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ hàng tháng trong 5 tháng năm 2022 đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Tổng số nợ đến hết tháng 5/2022 là 84.531 triệu đồng.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho 47.489 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; 21.483 lượt người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn; 3.343 người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần; 1.124 người hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ học nghề 259 người, hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề 454 người. Tổng số chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 1.239.851 triệu đồng.
Thống kê của BHXH cho thấy, tới hết tháng 5 vừa qua, toàn tỉnh có hơn 104.500 người tham gia BHXH và trên 810.500 người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT). Các chế độ về BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Tới nay, đã có gần 60% người nhận các chế độ BHXH, BHTN tại Quảng Bình nhận tiền qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị.
Cùng đó, công tác thanh kiểm tra được BHXH Quảng Bình chú trọng, góp phần thực hiện nghiêm chính sách BHXH, BHYT, BHTN và bảo vệ quyền lợi của người tham gia có hiệu quả. Trong 5 tháng đầu năm, BHXH Quảng Bình đã thực hiện thanh kiểm tra 58 đơn vị sử dụng lao động, qua đó đã truy đóng hơn 145 triệu đồng, thu hồi hơn 3,8 tỷ đồng tiền nợ BHXH, BHYT, thu hồi 45 triệu đồng tiền chi BHXH sai quy định. Từ năm 2020 tới nay, BHXH Quảng Bình đã chuyển hồ sơ của 9 đơn vị nợ đọng BHXH kéo dài sang cơ quan Công an đề nghị điều tra, khởi tố. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 2 đơn vị.
Công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh cũng đã được triển khai đồng bộ từ trạm y tế tuyến xã đến bệnh viện tuyến trung ương để phục vụ người bệnh bảo hiểm y tế. Trong 5 tháng đầu năm 2022, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho 325.350 lượt người.
Để khắc phục những mặt còn hạn chế, ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh, thời gian tới, BHXH tỉnh Quảng Bình sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phát triển người tham gia; tăng cường thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ, chủ động chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp đang cố tình trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các cơ sở khám khám chữa bệnh tăng chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế...
Vốn cho doanh nghiệp phục hồi - Bài 3: Vẫn vướng cơ chế Việc triển khai các chính sách hỗ trợ ở nhiều cấp, ngành và một số địa phương vẫn vướng phải nhiều hạn chế, khiến một bộ phận doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi tiếp cận vốn để phục hồi. Công nhân làm việc tại Công ty TNHH NMS Việt Nam (vốn đầu tư của Nhật Bản). Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN...