Đa dạng nguồn năng lượng: Thúc đẩy điện sinh khối
Việt Nam là đất nước có nhiều tiềm năng phát triển điện sinh khối.
Ghe chở mía nguyên liệu chờ cân mía tại cầu cảng nhà máy đường Vị Thanh (Casuco). Ảnh: Duy Khương/TTXVN
Theo tính toán đến năm 2035, tổng tiềm năng các loại hình này là hơn 9.600 MW. Tuy vậy, cho đến nay, loại hình năng lượng này vẫn chưa được đầu tư nhiều do vướng phải nhiều rào cản, từ sự thiếu ổn định và bền vững trong cung cấp nhiên liệu, giá nguyên liệu… đến các cơ chế khuyến khích điện sinh học chưa đủ hấp dẫn. Để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, đa dạng hóa các nguồn năng lượng, nhiều chuyên gia cho rằng, cần nhiều hơn các chính sách để khuyến khích loại hình năng lượng này.
Tiềm năng lớn
Thông tin từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, tính toán đến năm 2035, tiềm năng phát triển điện sinh khối từ trấu khoảng 370 MW; gỗ củi, phụ phẩm lâm nghiệp 3.360 MW, bã mía 470 MW, rơm rạ 1.300 MW, khí sinh học 1.370 MW. Tổng tiềm năng các loại hình này là hơn 9.600 MW.
Bà Phạm Hương Giang, Phó Trưởng phòng Phòng Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhận định, Việt Nam có tiềm năng lớn trong điện sinh khối và đã có một số chính sách thúc đẩy loại năng lượng này. Nhưng đến nay, số nhà máy và tỷ lệ tham gia của điện sinh khối vào hệ thống điện là rất thấp.
Theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng sinh khối trong sản xuất điện lên 1% vào năm 2020; 2,1% vào năm 2030 và 8,1% vào năm 2050.
Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, công suất lắp đặt các nhà máy điện sinh khối đến hết năm 2021 là 325 MW, chiếm tỷ lệ 0,42% tổng công suất lắp đặt. Sản lượng điện năm 2021 của loại hình này đạt 321 triệu kWh, chiếm 0,13% sản lượng toàn hệ thống.
Điều này cho thấy, vẫn còn một khoảng cách xa để đạt được mục tiêu phát triển năng lượng sinh khối, dù Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển; trong đó có cơ chế hỗ trợ giá ưu đãi (giá FIT)…
Theo Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng, điện sinh khối vẫn ở mức “không đáng kể” là do những khó khăn trong việc kiểm soát nguồn nhiên liệu cung cấp cho nhà máy như: khả năng cung cấp nhiên liệu thiếu ổn định và bền vững; giá nhiên liệu thay đổi theo mùa vụ.
Ngoài ra, vốn đầu tư ban đầu khá lớn là một trong các trở ngại lớn nhất, chưa kể cơ chế giá khuyến khích mua điện chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.
Video đang HOT
Cần thêm cơ chế khuyến khích
Ông Lương Quang Huy, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, khó khăn đầu tiên để phát triển điện sinh khối là tài chính và công nghệ. Công nghệ không phải quá khó, Việt Nam có thể làm chủ, nhiều đơn vị đã và đang nghiên cứu, làm chủ công nghệ.
Nhưng các chính sách của Chính phủ còn thiếu hấp dẫn và các điều kiện cho cơ sở cho đốt rác, thu hồi khí, phát triển điện sinh khối thì chi phí còn rất cao so với các nguồn năng lượng tái tạo khác như gió, mặt trời… Cùng với đó, phải làm sao để có được những vùng nguyên liệu bền vững, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư.
Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, công suất lắp đặt năng lượng sinh khối đến năm 2030 của Việt Nam là 1.730 MW. Để mục tiêu này trở thành hiện thực, Việt Nam sẽ cần nhiều hơn những cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư vào loại hình năng lượng này.
Bà Phạm Hương Giang cho rằng, cần xem xét lại cơ chế chính sách để thu hút sự đầu tư cả về công nghệ và nguồn tài chính của nhà đầu tư tư nhân trong điện sinh khối. Có thể xem xét “thưởng thêm” cho các công nghệ tiên tiến, mang lại hiệu quả cao. Trong thời gian tới, cần đánh giá lại giá FIT để biết xem cơ chế này đã thực sự hấp dẫn chưa, nếu chưa cần phải xem xét lại.
Theo đánh giá của chuyên gia nước ngoài, Việt Nam có nguồn lượng sinh khối đa dạng và rất lớn; trong đó, có nguyên liệu sau thu hoạch như bã mía, trấu rơm… Điện sinh khối là dạng năng lượng tái tạo có thể giúp Việt Nam đáp ứng phần nào cho năng lượng cho phát triển kinh tế- xã hội.
Ông Mathias Eichelbronner, chuyên gia quốc tế về năng lượng sinh khối, cho hay hiện nhiều nước trong khu vực đã có mức giá ưu đãi FIT với điện sinh khối rất tốt như Thái Lan, Malaysia… Việt Nam cũng đã có cơ chế giá FIT, tuy nhiên vẫn là chưa đủ để khuyến khích loại hình năng lượng này phát triển.
Mức giá FIT của Việt Nam mới chỉ 8,47 cent/kWh (công nghệ không đồng phát), thấp hơn so với nhiều nước như Thái Lan, Malaysia, Philippines. Với mức giá ưu đãi thấp, sẽ khó để các ngân hàng cấp vốn, bởi nhiều rủi ro trong đầu tư. Vì nếu giá FIT không thực sự tốt, thị trường tài chính không có đủ đòn bẩy, khuyến khích các ngân hàng sẵn sàng cung cấp nguồn vốn.
Cũng theo nhận định của ông Phạm Nguyên Hùng – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1, để thúc đẩy phát triển năng lượng sinh khối, bên cạnh việc hỗ trợ về giá, Chính phủ, các bộ, ngành cần tạo cơ chế thông thoáng, gỡ “vướng” các quy định, thủ tục đầu tư như: phê duyệt đánh giá tác động môi trường, quy hoạch phát triển nguồn điện…. Ngoài ra, do chưa có các hướng dẫn cụ thể thực hiện Luật Quy hoạch, việc bổ sung các dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực rất chậm và kéo dài.
Vì vậy, Chính phủ cần có chỉ đạo, rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị, đồng thời, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư. Khi có cơ chế hợp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nguồn năng lượng này.
Theo chia sẻ của bà Lê Thị Thoa, Điều phối dự án Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam (BEM) của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), cơ chế giá FIT ở Việt Nam hiện tại chưa đủ hấp dẫn.
Do vậy, để khuyến khích phát triển điện sinh khối nhằm tối ưu hóa việc sử dụng phế phụ phẩm nông lâm nghiệp, Chính phủ cần xem xét lại giá FIT. Đây cũng là một trong những hoạt động mà dự án BEM sẽ phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương thực hiện trong năm 2022.
Hiện các dự án bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức đã và đang thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cho các tổ chức tài chính để các tổ chức có thể xem xét việc cấp vốn thực hiện các dự án này.
Cụ thể, BEM sẽ tư vấn thiết kế các tiêu chí đánh giá hiệu quả tài chính các dự án đầu tư năng lượng sinh học và tư vấn thiết kế cơ chế tài chính dựa theo nhu cầu cấp vốn cho các dự án năng lượng sinh học và các nguồn vốn quốc tế, góp phần thực hiện các biện pháp bảo vệ khí hậu.
Tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi
Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới đây của Bộ Công Thương trình Chính phủ, ngành điện đặt ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí.
Nhiều chuyên gia đánh giá, đây sẽ là cơ hội cho ngành điện gió ngoài khơi phát triển.
Nhà máy Điện gió Bạc Liêu ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Ảnh minh họa: Duy Khương/TTXVN
Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá, cơ bản các phương án tính toán trong dự thảo đã tối ưu. Tổng quy mô công suất nguồn điện phát triển đến năm 2030 dự kiến khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với dự thảo trình ngày 26/3/2021. Công suất cực đại đến năm 2030 vào khoảng 93.000 MW.
Tại bản dự thảo lần này, đến năm 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% công suất nguồn điện than, trong khi điện gió, điện mặt trời chiếm 50,7%, đảm bảo các cam kết về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường.
Nhiều đánh giá của tổ chức quốc tế và chuyên gia cho rằng, Việt Nam có lợi thế bờ biển cùng tiềm năng về năng lượng điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Nhờ có nguồn gió mạnh, các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể đạt hệ số công suất hơn 50%, tương đương với thủy điện.
Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC khẳng định: "Việt Nam hoàn toàn thể hướng tới con số 10 GW điện gió ngoài khơi ở mục tiêu đến năm 2030. Việc triển khai được nguồn năng lượng này sẽ giúp Việt Nam "an toàn" hơn trước những rủi ro của thị trường nguyên liệu thế giới vốn được dự báo còn nhiều biến động trong thời gian tới. Trong khi điện gió trên bờ và điện mặt trời đang chưa giải quyết được vấn đề lưu trữ, lưới truyền tải còn hạn chế...".
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, điện gió trên bờ và điện mặt trời thường gặp những hạn chế từ địa hình, địa thế khi lắp đặt và vận hành, ví dụ như hướng, nền đá cứng, lối vào... có thể ảnh hưởng đến vị trí thi công dự án, làm gia tăng rủi ro ở các khía cạnh khác như sự ổn định nền đất và xung đột với cộng đồng quanh khu vực dự án. Do đó, trong tương lai, điện gió ngoài khơi sẽ là loại hình năng lượng sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ.
Đánh giá của Hiệp hội Năng lượng sạch cũng cho hay, với các dự án năng lượng tái tạo, việc kết nối lưới điện rất quan trọng và với các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn, cơ sở hạ tầng phù hợp là rất cần thiết. Nhiều dự án điện gió trên bờ và điện mặt trời thường có hệ số công suất hàng năm thấp. Các dự án này, với quy mô vừa và nhỏ, thường xuyên được đấu nối vào lưới điện quốc gia ở cấp điện áp thấp, trong khi điện gió ngoài khơi có thể cung cấp hệ số công suất hàng năm lớn hơn nhiều và có thể kết nối ở điện áp cao hơn 220 kV, 500 kV.
Ông Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch cho rằng, so với gió trên bờ, chất lượng và độ ổn định của gió ngoài khơi thường tốt hơn, đặc biệt là ở khu vực Bình Thuận và Ninh Thuận - nơi mà nguồn tài nguyên gió ngoài khơi được đánh giá là có chất lượng tốt hơn so với gió trên bờ. Các tuabin gió có kích thước lớn hơn giúp dự án điện gió ngoài khơi đạt được hệ số công suất hàng năm cao vượt trội.
Đơn cử như Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, Thanglong Wind tại tỉnh Bình Thuận, dự kiến sẽ có tổng công suất hàng nghìn MW sau khi đi vào vận hành hoàn chỉnh. Những dự án này tương đương việc cung cấp điện cho hàng chục triệu hộ gia đình Việt hàng năm. Việc đấu nối các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn như vậy có nhiều lợi thế hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo khác, do tránh được nhiều hạn chế đáng kể mà các dự án năng lượng tái tạo trên bờ đang gặp phải, chẳng hạn như yêu cầu diện tích đất đai rất lớn, tác động cảnh quan và tầm mắt, tiếng ồn/độ rung trong quá trình xây dựng và vận hành...
Ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của COP tại Việt Nam, Tổng giám đốc dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho hay, các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn có thể tạo ra một lượng điện năng đáng kể với tỷ lệ khả dụng cao hơn so với các dạng năng lượng tái tạo trên bờ khác. Việc tăng cường sản xuất năng lượng từ gió ngoài khơi và hướng tới kích thích phát triển kinh tế cho địa phương và đất nước, cần được hỗ trợ bằng việc nâng cấp lưới điện và cần được cân nhắc kỹ lưỡng từ sớm. Việt Nam cần có kế hoạch chiến lược cụ thể và mức tài trợ thích hợp để cho phép hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo nhiều hơn.
Hiện nay, nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính toàn cầu đã ưu tiên cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Do đó, đối với các nhà phát triển giàu kinh nghiệm và có năng lực, việc huy động vốn sẽ thuận lợi hơn trong xu thế chung của toàn cầu nhằm mục tiêu giảm khí thải. Các quốc gia mà ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đã phát triển cho thấy mức độ đầu tư cao vào công nghệ của ngành này.
Trên toàn cầu, ngày càng có nhiều cam kết nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon bằng cách thúc đẩy năng lượng tái tạo. Các chuyên gia cho rằng, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP 26 về việc đạt phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được nếu có các khuôn khổ pháp lý và chính sách hỗ trợ phù hợp.
Dù được nhiều kỳ vọng phát triển, song hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết về việc cho phép khối tư nhân đầu tư lưới truyền tải điện. Các nhà phát triển dự án cho rằng, những quy định rõ ràng hơn trong vấn đề này sẽ giúp họ đưa ra quyết định đầu tư toàn bộ hoặc một phần vào xây dựng đường dây/nâng cấp lưới điện với sự hợp tác chặt chẽ với đơn vị vận hành để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo các dự án có thể được thực hiện đúng thời hạn.
Sự chậm trễ trong xây dựng và kết nối lưới điện, tính bất định trong việc bắt buộc cắt giảm công suất phát do cơ sở hạ tầng và quản lý nhu cầu chưa đủ đáp ứng có thể trở thành rủi ro lớn đối với nhà phát triển, khiến họ trì hoãn cam kết cho đến khi có thêm sự chắc chắn trong quá trình thực hiện.
Theo các chuyên gia năng lượng, thông thường, điểm đấu nối của một dự án điện gió ngoài khơi được đặt càng gần với điểm kết nối lưới điện trên bờ càng tốt. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được và chiều dài cáp trên bờ tính từ nơi tiếp xúc đất liền cho đến trạm biến áp trên bờ có thể khá lớn.
Để khắc phục vấn đề này, các nhà phát triển có kinh nghiệm có thể xem xét đầu tư xây dựng, nâng cấp một phần của hệ thống truyền tải điện cao thế. Điều này có thể đảm bảo việc nâng cấp kịp thời và hiệu quả hơn để nâng cao khả năng truyền tải của lưới điện khu vực, củng cố hệ thống, giảm thiểu rủi ro và tránh việc cắt giảm công suất điện...
EVNGENCO1 tiếp tục hoàn thiện lộ trình chuyển đổi số Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) cho biết, tổng công ty đã giao Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 cho các đơn vị theo Quyết định số 94/QĐ-HĐTV ngày 2/3/2022. Vận hành sản xuất điện tại nhà máy thuỷ điện Hàm Thuận (Công ty Thuỷ điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi), đơn vị thành viên của EVNGENCO1. Ảnh...