Đa dạng hóa loại hình du lịch trên núi Cấm
Với khí hậu đặc thù mát mẻ quanh năm cùng phong cảnh hữu tình, núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) sở hữu nhiều tiềm năng du lịch (DL) bên cạnh những điểm đến tâm linh. Do đó, việc đa dạng hóa loại hình DL trên ‘nóc nhà miền Tây’ là rất cần thiết, nhằm khai thác tốt những lợi thế đặc thù, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương.
Tháng 6-2020, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang đã tổ chức đoàn khảo sát nhằm phát triển các loại hình DL mới trên núi Cấm, với sự tham gia của các cơ quan báo chí trong, ngoài tỉnh cùng những doanh nghiệp kinh doanh DL. Theo đó, chuyến khảo sát đã mang lại cho các thành viên trong đoàn những trải nghiệm mới mẻ về DL nông nghiệp theo mùa và thám hiểm hang động trên núi Cấm.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu cho biết, là địa phương có thế mạnh về DL tâm linh tập trung ở khu vực núi Sam (TP. Châu Đốc) và núi Cấm, hàng năm thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan, cúng viếng, đó là điều kiện để tỉnh có thể phát triển thêm các loại hình DL mới.
Với việc núi Cấm được xác định là khu DL trọng điểm của tỉnh, việc khai thác nhiều loại hình DL tại đây sẽ giúp mở rộng nguồn thu cho người dân. Đồng thời, tạo sự mới mẻ cho du khách khi đến với “nóc nhà miền Tây”, bởi họ không chỉ tận hưởng không khí trong lành hay thỏa mãn nhu cầu tâm linh và ngắm nhìn phong cảnh sơn thủy hữu tình, mà có thể sử dụng nhiều dịch vụ DL khác.
Với khí hậu thổ nhưỡng đặc thù, núi Cấm có những mùa dâu, mùa bơ hay sầu riêng đã trở thành “thương hiệu” riêng. Nếu khai thác loại hình DL sinh thái nông nghiệp theo mùa thì có thể mở rộng nguồn thu cho những nhà vườn trên núi. Thực tế, loại hình DL này vẫn có những đối tượng khách nhất định, bởi nhiều người vẫn thích cảm giác được sống trong không khí yên bình, tận tay hái những quả chín ngoài vườn mang vào chế biến và quên đi mệt nhọc sau thời gian bon chen nơi phố thị.
Video đang HOT
Điểm thuận lợi cho việc phát triển DL nông nghiệp sinh thái trên núi Cấm đó chính là mùa trái cây cũng gắn liền với mùa vía Bà Chúa Xứ núi Sam hàng năm. Do đó, các công ty DL lữ hành có thể thiết kế chuyến đi để du khách trải nghiệm không khí mát mẻ, trong lành và những mùa trái trên núi Cấm. Theo đó, tháng 4 (âm lịch) sẽ là mùa dâu rồi đến tháng 6 sẽ bắt đầu vào mùa bơ, mùa sầu riêng núi cho đến hết tháng 10. Bằng phương pháp canh tác hữu cơ truyền thống, những nhà vườn núi Cấm hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu ẩm thực xanh – sạch của du khách.
Với loại hình DL thám hiểm hang động, một số địa điểm trên núi Cấm có thể đáp ứng tốt yêu cầu này, như: hang Bác Vật Lang, hang Công Đức hay điện 13 tầng… Bởi, đặc điểm địa hình gắn với những huyền thoại tâm linh, các hang động này chắc chắn sẽ mang tới cho du khách những trải nghiệm thú vị về thiên nhiên, về huyền tích hay cảm giác chiến thắng bản thân sau mỗi chuyến đi.
Tuy nhiên, để phát triển loại hình DL này, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang sẽ mời các đơn vị, tổ chức chuyên môn về thám hiểm hang động đến trải nghiệm, đánh giá tiềm năng của các hang động trên núi. Nếu triển khai thành công thì đây sẽ là điểm nhấn khác biệt mới cho núi Cấm, bởi An Giang là địa phương duy nhất ở ĐBSCL có thể phát triển loại hình DL thám hiểm này.
Là người trực tiếp tham gia chuyến khảo sát, ông Lý Chấn An (Giám đốc Vietravel Long Xuyên) đánh giá cao khả năng phát triển mới các loại hình DL trên núi Cấm. Theo ông An, vẫn có những đối tượng khách nhất định, đặc biệt là khách trẻ và đam mê trải nghiệm, sẽ rất hào hứng khi được hòa mình vào không khí thiên nhiên trong lành hoặc tự tay hái những trái dâu, trái bơ từ ngoài vườn vào rồi chế biến và thưởng thức.
Tuy nhiên, ngành chuyên môn cần phối hợp các nhà vườn để hình thành khu, điểm DL sinh thái với nhiều hộ cùng tham gia để đảm bảo cung ứng dịch vụ cho lượng khách đông. Đồng thời, cần đầu tư hạ tầng như: đường đi trong các vườn, nhà vệ sinh, nhà lưu trú để phục vụ những du khách có nhu cầu trải nghiệm qua đêm trên núi Cấm. Về phía các đơn vị DL sẽ xây dựng các sản phẩm phù hợp để mang tới những trải nghiệm mới mẻ, hào hứng cho du khách.
Để phát triển DL thám hiểm hang động cần có sự đầu tư về hạ tầng nhằm đảm bảo an toàn cho du khách trong quá trình di chuyển. Đặc biệt, phải có đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm với kinh nghiệm, kiến thức đầy đủ để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khám phá cũng như hỗ trợ tốt cho du khách khi cần thiết. Với những yêu cầu đặc thù, DL thám hiểm chắc chắn sẽ không phù hợp với mọi đối tượng du khách nhưng sẽ thu hút được một bộ phận bạn trẻ ưa trải nghiệm, thích chinh phục hay du khách nước ngoài nhưng phải đảm bảo những yêu cầu về an toàn trong quá trình tham gia thám hiểm.
Trên cơ sở ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh DL, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu khẳng định, việc phát triển các loại hình DL mới trên núi Cấm là cần thiết. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu này cần có sự đồng lòng của người dân sống trên núi Cấm, kết hợp với quá trình đầu tư hạ tầng nhằm đáp ứng được nhu cầu của du khách. Với tiềm năng sẵn có, việc phát triển các loại hình DL mới trên núi Cấm là khả thi để tăng sức hút cho khu DL trọng điểm này và mở rộng nguồn thu, nâng cao đời sống cho người dân địa phương
Khảo sát phát triển sản phẩm du lịch núi Cấm
Ngày 18-6, Trung tâm Xúc tiến- Thương mại và Đầu tư An Giang tổ chức đoàn khảo sát nhằm phát triển sản phẩm du lịch mới trên núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên), với sự tham dự của các cơ quan báo chí và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong, ngoài tỉnh.
Khám phá vườn trái cây đặc sản núi Cấm
Trải nghiệm khám phá hang động trên núi Cấm
Trải nghiệm leo núi rèn luyện sức khỏe
Đoàn đã đến khảo sát hệ thống các hang, điện, động trên núi Cấm, như: hang Bộ đội, điện 13 tầng cùng một số vườn trái cây đặc sản.
Đây là hoạt động nhằm hướng tới mục tiêu đẩy mạnh việc phát triển các loại hình du lịch tại địa phương, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách quanh năm, mang đến những trải nghiệm mới về núi Cấm bên cạnh loại hình du lịch tâm linh vốn đã trở thành thế mạnh.
An Giang vực dậy ngành du lịch sau dịch bệnh Covid-19 Dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch (DL) cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Thời điểm này, bên cạnh việc phối hợp các ngành chức năng nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, An Giang đã, đang từng bước triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm vực dậy ngành...