Đã có người chết vì nắng nóng
Nắng nóng không chỉ làm đảo lộn sinh hoạt, mưu sinh của người dân cả nước mà còn “đốt cháy” hàng trăm hecta lúa, hoa màu dọc các tỉnh miền Trung.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo ngày 24-4, nắng nóng đã mở rộng ra khu vực Bắc bộ và tiếp tục duy trì ở khu vực Trung bộ và Nam bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nhiều nơi lên đến 39 độ C. Đặc biệt, ở vùng núi Trung bộ, có nơi nhiệt độ vượt 42 độ C.
Xứ Nghệ nắng gắt, cây chết, lo cháy nhà
Chúng tôi chạy xe từ Nghệ An sang huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), nơi tờ báo Mỹ Washington Post ngày 23-4 đưa tin Việt Nam hôm 20-4 trải qua ngày nắng nóng kỷ lục với nhiệt độ cao nhất được đo tại huyện Hương Khê là 43,4 độ C.
Chưa đến buổi trưa nhưng các con đường ở huyện Hương Khê vắng bóng người bởi ra đường hơi nóng từ mặt đường nhựa hắt lên kèm gió Lào như phả lửa vào mặt. Con sông Ngàn Sâu đang cạn nước dần. Những bãi trồng ngô, lạc, hoa màu đang héo rũ. Học sinh và người dân ra đường đều mặc áo chống nóng và khăn mũ trùm kín mặt, chỉ hở… hai con mắt.
Ông Nguyễn Văn Dương, huyện Hương Khê, cho biết: “Năm nay đầu mùa hè đã nắng nóng rất gắt, oi bức. Người dân chúng tôi 8-9 giờ sáng không thể ra đồng làm việc nữa mà phải trở về tìm bóng cây trú ngụ”.
Ông Hoàng Công Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, nói: “Người dân chúng tôi ở đây nắng nóng, mưa lũ quen với thiên nhiên rồi. Hiện chưa có việc nắng làm chết người, gây thiệt hại tài sản, cháy nhà, cháy rừng nhưng nước nôi cho nông nghiệp có gặp khó khăn”.
Trưa 24-4, con đường Hồ Chí Minh từ huyện Hương Khê sang huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) cũng vắng xe và người qua lại. Nắng nóng như muốn làm chảy nhựa đường lên. Người dân ở huyện Vũ Quang 4 giờ sáng đã ra đồng làm việc đến 7 giờ sáng “nắng không còn chịu được nữa” phải trở về nhà.
Một số người dân ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), Nam Đàn (Nghệ An) liều mình đội nắng ra đồng đi nhặt cua ngoi lên bờ vì nước đồng quá nóng. Con sông Lam đoạn hạ nguồn qua huyện Hưng Nguyên và Nam Đàn (Nghệ An) cũng đang cạn dần, nhiều đoạn thấy đáy cát.
Những cánh đồng ngô, lạc ở xã Đại Sơn, Trù Sơn, Giang Sơn Tây (huyện Đô Lương, Nghệ An) đang bị nắng táp cháy vàng, khô. Ông Trần Văn Cử ở xã Đại Sơn ngậm ngùi: “Gia đình tôi có bốn sào ngô và lạc đã bị nắng quá, đại hạn làm khô héo, hỏng hết rồi”.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng NN&PTNT huyện Đô Lương thì tại xã Trù Sơn có 115 ha cây trồng bị chết nắng (trong đó ngô 47 ha, lạc 48 ha, đậu và rau màu 20 ha). Xã Giang Sơn Tây có 40 ha ngô bị chết, hơn 400 ha lạc của nông dân Đô Lương bị héo chết. Nắng nóng kèm gió Lào khiến bà con ở các huyện miền núi Nghệ An đang ngày đêm lo sợ hỏa hoạn cháy cây rơm rạ, cháy nhà bởi không còn nước để dập lửa.
Người dân Huế chống chọi cái nóng với nhiệt độ ngoài trời hơn 40 độ C. Ảnh: NGUYỄN DO
Học sinh ở huyện Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh) đến trường học với “đồng phục” chống nắng nóng. Ảnh: ĐẮC LAM
Thừa Thiên-Huế nóng 40,6 độ C
Video đang HOT
Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế xảy ra một đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng với nhiệt độ 37-38 độ C. Một số nơi như TP Huế có nhiệt độ đến 40,6 độ C (cao nhất so với cùng kỳ tháng 4), huyện Nam Đông 41 độ C (chỉ thấp hơn tháng 3-2013), những con số trên cho thấy rõ rệt những biến đổi của khí hậu.
Ông Nguyễn Anh, 60 tuổi, trú phường Thuận Lộc, đang mắc võng tại bên bờ sông Hương để tránh nắng, cho biết khí hậu thay đổi rõ rệt qua từng năm. Chục năm trước vào thời điểm tháng 2, tháng 3 âm lịch nhiều năm vẫn còn xuất hiện những đợt rét nhưng những năm gần đây thì gần như không có, thay vào đó là nắng nóng.
Nắng nóng cũng đã làm nông dân khóc ròng vì những cánh đồng lạc bị chết khô. Theo thống kê, có hàng trăm hecta lạc của người dân bị khô héo dẫn đến mất trắng hoặc mất năng suất vì nắng nóng kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Mừng, thuộc Hợp tác xã (HTX) Văn Xá Tây, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, nói: “Từ khi bắt đầu vụ lạc đến nay, chỉ có một đợt mưa duy nhất, còn lại là nắng hạn kéo dài nhiều tháng liền. Thời tiết khô hạn nên cây lạc hứng chịu nhiều sâu bệnh như sâu ăn lá, rầy, nhện đỏ. Đặc biệt do thiếu nguồn nước tưới tiêu nên có hơn 1 ha lạc của gia đình đã bị khô cháy”.
Ông Phạm Thận, Chủ nhiệm HTX Văn Xá Tây, cho biết vụ lạc này là năm đầu tiên trong suốt nhiều năm qua bà con nông dân phải chịu cảnh mất mùa. Nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất vì cây lạc chết khô.
Ngoài cây lạc, tỉnh Thừa Thiên-Huế còn có gần 700 ha lúa cuối vụ đông xuân ở các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới, huyện Phú Vang, Phú Lộc… bị khô hạn, mất mùa, trong đó có khoảng 160 ha lúa bị khô cháy, khó có thể phục hồi.
Để chủ động ứng phó với hạn hán, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương đã yêu cầu các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường các giải pháp cấp bách để chống hạn cho cây trồng.
Ông Phan Văn Tuấn, 60 tuổi, người bán vé số tại bến Ninh Kiều, trốn nắng dưới bóng mát hàng cây. Ảnh: CẨM GIANG
Cách đẩy lùi cái nóng khá phổ biến của sinh viên ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Dân miền Tây Nam bộ sợ ra đường
“Chạy xe ngoài đường vào buổi trưa, trời nắng nóng như hắt lửa vào mặt” – chị Ngô Mai Trang, quê Đồng Tháp, cho biết.
Một tuần trở lại đây, nhiều tỉnh ở Nam bộ luôn nắng nóng, nhiệt độ tăng cao. Người đi đường phải trùm kín đầu, tay chân nhưng vẫn còn cảm giác bỏng rát. Những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất là người lao động, mưu sinh phải làm việc ngoài trời.
Giữa trưa nắng, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, ngụ TP Cần Thơ, đạp ì ạch chiếc xe đồng nát dọc theo bến Ninh Kiều. Chị cho biết: “Hằng ngày tôi đi thu mua, lượm giấy vụn, ve chai quanh bến Ninh Kiều. Ở đây có nhiều quán ăn, quán nước, mùa này người ta uống nước vứt vỏ chai, lon nhiều”.
“Biết là đi giữa trời nắng không tốt cho sức khỏe nhưng vì mưu sinh lo cho gia đình nên phải chịu” – chị Thủy nói. Để chống nóng, chị đội nón, đeo khẩu trang, áo khoác ngoài và luôn thủ theo chai nước để giải nhiệt. “Có người tốt bụng, họ kêu cho chai nước hoặc ly trà đá nữa” – chị Thủy chia sẻ.
Ông Phan Văn Tuấn, 60 tuổi, quê Sóc Trăng, ngồi bán vé số tại bến Ninh Kiều, dưới bóng mát hàng cây. “Sáng giờ đi bán khắp nơi, trưa nắng quá nên tranh thủ ngồi nghỉ tránh nắng một lát rồi đi bán tiếp” – ông Tuấn cho biết. Thỉnh thoảng ông Tuấn than thở: “Trời gì mà nắng nóng như lò lửa”.
Những dãy phòng trọ sinh viên quanh khu vực quận Ninh Kiều, quận Cái Răng vào buổi trưa càng trở nên ngột ngạt. Đa số sinh viên không ở trong phòng mà trốn ra công viên, quán cà phê để học bài và trốn cái nóng oi bức.
Hà Nội: Bác sĩ đột quỵ trên sân bóng
PGS-TS-BS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai, Hà Nội, cho biết những ngày nắng nóng vừa qua, số lượng bệnh nhân đột quỵ vào BV Bạch Mai cấp cứu tăng khoảng 20% so với ngày thường.
BS Chi kể cách đây hai ngày, một nam bác sĩ 31 tuổi đã đột quỵ khi đang đá bóng tại sân bóng mini trên đường Trường Chinh, Hà Nội. “Diễn tiến đột quỵ diễn ra rất nhanh. Bác sĩ này rơi vào hôn mê, ngừng tuần hoàn dù được bạn bè đưa vào BV ĐH Y Hà Nội gần đó cấp cứu nhưng đã không qua khỏi do vỡ phình mạch não” – BS Chi nói.
Cũng theo BS Chi, nhóm người cao tuổi, trẻ em và người phải làm việc trong điều kiện ngoài trời khi nắng nóng là những người cần hết sức chú ý bảo vệ sức khỏe trong mùa hè.
ĐẮC LAM – NGUYỄN DO – CẨM GIANG
Theo PLO
Loài sâm quý tiến vua hoa rực rỡ ẩn mình nơi đỉnh Chóp Chài
Nhận được thông tin loại sâm Bố Chính-sâm quý tiến vua phát hiện mọc tự nhiên trên núi Chóp Chài (xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), chúng tôi quyết định thượng sơn bắt đầu một hành trình tìm sâm nơi vùng đất Trung Thuần đầy huyền tích về giá trị lịch sử, văn hóa...
Nguyễn Văn Phương, người có khu trang trại ngay chiến khu Trung Thuần trở thành tình nguyện viên dẫn đường. Phương bảo: "Nếu đi bộ lên đến đỉnh... thời gian phải mất gần một ngày".
Tương truyền, sản vật sâm Bố Chính được mệnh danh là sâm tiến vua. Sâm Bố Chính hiện diện khắp một vùng rừng núi quanh đỉnh Chóp Chài. Và mỗi lần cụ Nguyễn Hàm Ninh hồi kinh, không thể không mang theo thứ sản vật quý giá nơi quê hương mình để làm quà cho đất kinh thành Huế.
Phong cảnh sơn thủy hữu tình của vùng đất Trung Thuần dưới chân núi Chóp Chài-nơi sâm Bố Chính tự nhiên phân bố.
Trước khi khởi hành, Nguyễn Văn Phương đưa chúng tôi đến thắp hương tại miếu Thành Hoàng nằm tĩnh lặng nơi khoảng rừng cách đường xuyên Á chừng 50 mét, nổi tiếng thiêng khắp một vùng Quảng Thạch, Quảng Lưu. "Không biết từ bao giờ, miếu Thành Hoàng đã tồn tại ở đây rồi. Miếu thờ ngài khai khẩn và các vị Thành Hoàng bảo trợ", người dẫn đường bảo tôi như vậy.
Trong câu chuyện của Nguyễn Văn Phương, chúng tôi mới biết loại sâm Bố Chính ngày xưa mọc nhiều khắp một vùng núi non Trung Thuần. Thời Phương còn vắt quần dài lên cổ theo chúng bạn vào núi chăn bò, sâm Bố Chính trở thành thứ thực phẩm tăng lực cho bọn trẻ như Phương, cứ thấy là "tróc" lên, phủi sạch hết đất rồi nhai sống như ăn khoai lang vậy. Bây giờ mảng rừng phía dưới núi Chóp Chài, đốt đèn cũng chẳng tìm thấy.
Đến với chiến khu Trung Thuần, cũng phải ngược thời gian một chút để tìm hiểu về vùng đất địa linh này. Trong thời kỳ cách mạng tháng Tám, Trung Thuần là căn cứ địa cách mạng của lực lượng vũ trang do tướng Đồng Sỹ Nguyên, một vị tướng huyền thoại mà tên tuổi gắn liền với đường Trường Sơn chỉ huy. Từ chiến khu Trung Thuần, theo lệnh Tổng khởi nghĩa, lực lượng vũ trang tiến về cướp chính quyền tại phủ Quảng Trạch vào sáng ngày 23-8-1945.
Xa hơn nữa trong lịch sử, vùng đất Trung Thuần còn gắn liền với tên tuổi của hai danh sỹ Quảng Bình là cụ Lê Trực và cụ Nguyễn Hàm Ninh. Cụ Lê Trực quê quán xã Thanh Thủy (nay là xã Tiến Hóa, Tuyên Hóa) từng đỗ tiến sỹ võ làm quan đến chức Đề đốc dưới triều vua Tự Đức. Hưởng ứng phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi, cụ Lê Trực mộ quân, xây dựng lực lượng, chọn đất Trung Thuần làm căn cứ địa.
Sâm Bố Chính mọc tự nhiên trên núi Chóp Chài.
Trong khoảng thời gian 1885-1888, nghĩa quân Lê Trực liên tiếp tổ chức nhiều trận tập kích, công đồn làm cho quân Pháp và triều đình Huế kinh hồn bạt vía, hoang mang, lo sợ.
Ngày nay, tại chiến khu Trung Thuần vẫn còn những dấu tích và địa danh gắn liền với tên tuổi, chiến công của nghĩa quân Lê Trực: Bạch Thạch, Linh Thần, Tiền Miếu, Xuân Vương, "Sáng Trăng, Trưa Má, Ao Cá, Bãi Tập"...
Về danh nhân Nguyễn Hàm Ninh, cụ tự Thuận Chi, hiệu Tĩnh Trai, người làng Phù Kinh (nay là xã Phù Hóa) sau đến ở với một bà cô tại làng Trung Ái (nay là Trung Thuần) thuộc phủ Bình Chánh (huyện Quảng Trạch ngày nay). Cụ Nguyễn Hàm Ninh đậu giải nguyên kỳ thi hương năm 23 tuổi (năm Tân Mão 1831).
Đời làm quan của cụ lắm thăng trầm. Ban đầu, cụ được bổ dạy học tại Quốc Tử Giám. Năm Quý Tỵ (1833), cụ làm tri huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Gặp lúc thân phụ qua đời, cụ về chịu tang cha, đến năm Bính Thân (1836), được mời ra giữ chức Quốc học độc thư và dạy học cho thái tử Nguyễn Phúc Miên Tông. Năm Mậu Tuất (1838), cụ giữ chức Tôn nhân phủ Chủ sự, nhưng vì phạm lỗi, bị vua Minh Mạng bãi chức cho về quê.
Về quê ít lâu, năm Tân Sửu (1841), học trò cụ là Nguyễn Phúc Miên Tông lên nối ngôi (tức vua Thiệu Trị), cụ được mời lại chốn quan trường giữ chức Hành tẩu ở Nội các. Năm Bính Ngọ (1846), cụ sang làm Lang trung bộ Lễ, rồi làm Án sát tỉnh Khánh Hòa.
Ở Khánh Hòa cụ bị thuyền buôn bắt chở sang Trung Quốc, khi về nước, bị triều đình cách chức đày vào Đà Nẵng sung quân. Ít lâu sau, được cho về làm Trước tác ở Viện Hàn Lâm. Lại bị khiển trách, lần này thì cụ bị cách chức luôn. Cụ Nguyễn Hàm Ninh về quê vợ vui thú điền viên nơi thôn Vân Tiền (nay thuộc xã Quảng Lưu) cho đến lúc mất, thọ 59 tuổi. Lăng mộ hiện nay ở tại xã Quảng Lưu.
Sở dĩ chúng tôi đề cập đến cụ Nguyễn Hàm Ninh khá kỹ là vì tuổi thơ của cụ hay trong quá trình làm quan bị cách chức và thời gian cuối đời, cụ đều sinh sống nơi vùng đất Trung Thuần.
Về sâm Bố Chính, loài sâm tiến vua, sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết: "Châu Bắc Bố Chính có 75 xã, thôn, phường, sản xuất nhân sâm, yến sào, mật ong... Nhân sâm sản xuất ở các xã Phù Lưu, Tiên Lễ, châu Bắc Bố Chính, hoa màu tía, trồng trong chậu cát cũng sống, chưng phơi đúng phép thì tình trạng chẳng khác gì sâm bắc, mùi thanh ngọt, uống vào cơ thể tăng thêm khí lực, người ta dùng nhiều".
Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: "Bình sâm tức nhân sâm Nam, sản xuất ở núi Thành Thang huyện Minh Chính, có lệ tiến vua". Sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục cũng nhắc đến sâm Bố Chính hàng năm được cung tiến vua cùng với các loại sản vật khác nơi vùng đất miền Trung nắng gió.
Trở lại với chuyến "thượng sơn" lên đỉnh Chóp Chài tìm sâm Bố Chính, theo con đường độc đạo, hoang sơ giữa rừng, khi lên khoảng lưng chừng núi Nguyễn Văn Phương ra hiệu cho chúng tôi dừng lại, anh tỉ mẫn xem kỹ những dấu ký hiệu để lại của những lần khám phá trước.
Một lúc sau, Nguyễn Văn Phương thở phào nhẹ nhõm: "Đến khu vực có sâm rồi anh!". Nguyễn Văn Phương chỉ cho chúng tôi thấy ẩn khuất sau tán rừng xanh dày khá sạch thoáng là một khóm sâm Bố Chính mọc, nhẹ nhàng trổ từng cánh hoa phơn phớt hồng.
Bắt đầu từ khóm sâm đầu tiên được đánh dấu, chúng tôi xuyên rừng tỏa về các bên sườn núi Chóp Chài, thấy sâm mọc ngày càng nhiều, tuy nhiên mật độ không đều so với diện tích rừng tự nhiên.
"Qua 5 lần lên đỉnh Chóp Chài tìm sâm, mình khẳng định ban đầu rằng trong khoảng bán kính 10km có sự phân bố của sâm Bố Chính. Như vậy, loại sâm Bố Chính mọc tự nhiên ở vùng đất Trung Thuần chưa bị biến mất hoàn toàn mà vẫn tồn tại trên núi Chóp Chài", Nguyễn Văn Phương chia sẻ lúc đoàn tìm sâm ngồi nghỉ ở một con dốc thoải.
Hành trình tìm sâm Bố Chính trên núi Chóp Chài không phải chỉ để dừng lại việc khẳng định rằng loại sâm tiến vua tự nhiên vẫn đang hiện hữu trên mảnh đất gió Lào cát trắng Quảng Bình. Bởi sau chuyến đi, mẫu sâm Bố Chính núi Chóp Chài được gửi giám định tại Viện Dược liệu (Bộ Y tế) với kết quả khả quan, tạo ấn tượng và sự quan tâm trong giới nghiên cứu khoa học.
Một công ty chuyên về bảo tồn, phát triển, khoanh nuôi, quảng bá thương hiệu sâm Bố Chính tự nhiên núi Chóp Chài cũng được thành lập với tên gọi Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp sâm Bố Chính.
Hy vọng tương lai không xa, sâm Bố Chính tự nhiên-loại sân tiến vua của vùng đất gió Lào, cát trắng Quảng Bình sẽ được bảo tồn, gìn giữ, phát triển.
Theo Ngô Thanh Long (Báo Quảng Bình)
Dự báo thời tiết 12/4: Không khí lạnh tràn về, Hà Nội mưa dông Nhiều khả năng hôm nay nắng nóng chấm dứt ở các tỉnh phía Tây Bắc Bộ cũng như các tỉnh miền Trung. Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông diện rộng. Dự báo hôm nay sẽ có một đợt không khí lạnh yếu tác động đến nước ta làm cho vùng thấp nóng phía Tây suy yếu,...