Đã có kết luận ban đầu vụ thủy điện Hố Hô xả lũ
Liên quan đến việc Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ khiến nhiều xã của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và một số xã lân cận bị ngập lụt, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã có những kết luận ban đầu.
Trưa ngày 18/10, đoàn lãnh đạo của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng dẫn đầu tiếp tục có buổi làm việc với Nhà máy thủy điện Hố Hô và nghe đoàn công tác của Bộ báo cáo sơ bộ kết quả kiểm tra ngày hôm qua (17/10).
Ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng báo cáo kết quả sơ bộ tại buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết đã đọc tài liệu với ba nhóm nội dung: Thực hiện các quy định tuân thủ vận hành hồ chứa; Nhóm phương án phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn hồ đập; Thực hiện việc phối hợp với chính quyền địa phương.
Về vận hành hồ chứa, qua kiểm tra các hồ sơ giấy tờ liên quan đến vận hành, trong giai đoạn đầu từ 13/10 đến khoảng trưa ngày 14/10 khi lũ đang còn thấp thì nhà máy vận hành xả nước đạt yêu cầu, tuân thủ quy trình vận hành.
Đêm 14/10 lũ lên đột ngột, lưu lượng nước đến đập tràn trong vòng 5 tiếng nước lũ tăng lên 4 lần, từ 550 đến 1.843 m3/s, lũ lên rất nhanh; nhà máy vẫn tuân thủ quy trình vận hành.
Đến giai đoạn mở van hoàn toàn (từ 18h30 ngày 14/10) do tình huống bất ngờ khi mưa lớn, tường bên chắn có nguy cơ phá vỡ, nguy cơ tràn xuống nhà máy, trạm Diesel dự phòng, trạm biến áp, nếu mất điện toàn máy nguy cơ không mở được cửa van nữa bởi vì không có điện. Vì vậy khi đó chưa được mở hoàn toàn nhưng nhà máy đã quyết định mở hoàn toàn, quyết định đó có thể chấp nhận được. Nếu khi đó không mở cửa van mà mất điện thì có thể còn nguy hiểm hơn.
Về lưu lượng đến, lưu lượng xả, thời gian xả, theo kiểm tra là đúng quy trình, lưu lượng xả nhỏ hơn lưu lượng đến, không nhiều nhưng đúng theo quy tắc chung. Quyết định trong tình huống đặc biệt đó, mở cửa van hoàn toàn là chấp nhận được. Mưa to như thế, nếu lũ lên nữa, không mở van có thể dẫn đến nguy hiểm.
Tuy nhiên, ông Quân cũng cho rằng, công tác kiểm tra để bảo đảm an toàn, lường trước mọi tình huống trong mưa bão nhà máy làm chưa chi tiết. Công tác dự báo, phòng chống lụt bão chưa chu đáo.
Vấn đề phối hợp với địa phương qua thực tế phía Nhà máy thủy điện Hố Hô đã có văn bản, gửi thư điện tử… nhưng cụ thể chi tiết như thế nào thì còn thiếu. Sự phối hợp giữa nhà máy với chính quyền địa phương và giữa chính quyền địa phương với người dân bị chậm trễ.
Phương án phòng chống lụt bão cũng như phương án sơ tán cũng chưa chi tiết, cần phối hợp chặt chẽ với huyện.
Video đang HOT
“Một số con số trong báo cáo của Nhà máy thủy điện Hố Hô chúng tôi sẽ kiểm tra lại vì thấy chưa hợp lý lắm”, ông Quân nói thêm.
Ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp , Bộ Công thương
Ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp , Bộ Công thương bổ sung thêm, về phương án bảo vệ đập đã báo cáo tỉnh và được tỉnh phê duyệt; phương án diễn tập phòng chống lụt bão cũng đã triển khai, công tác bố trí các trang thiết bị thì đều đầy đủ theo số lượng như trong phê duyệt…
Tuy nhiên, có một số tồn tại như việc bố trí nguồn điện dự phòng chưa phù hợp, trong phương án bảo đảm an toàn đập, phương án phòng chống lụt bão đã xây dựng phê duyệt nhưng chưa có sự phối hợp với chính quyền địa phương.
Nhà máy thủy điện Hố Hô
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu trong trận lũ lụt vừa qua, đồng thời yêu cầu sớm khẩn trương khắc phục hậu quả.
Thứ trưởng cho biết, trong quá trình tiếp xúc với người dân, họ cho rằng được nhận thông báo xả lũ rất muộn. “Thời gian từ khi họ nhận được thông tin đến khi nhà máy xả lũ rất ngắn. Nhận được thông báo thì khoảng 30 phút sau lũ đã về đến nhà rồi nên họ không kịp để di dời tài sản, không kịp về nơi an toàn, phải chạy lên gác để tránh lũ. Dù là lỗi khách quan hay chủ quan, do thiên nhiên hay con người thì đó là những sự việc rất đau lòng”, Thứ trưởng nhận định.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng
Thứ trưởng yêu cầu, để giải quyết, có giải pháp lâu dài, bảo vệ tốt nhất tính mạng và tài sản của người dân khu vực này, các ngành chắc năng liên quan phải làm sao đánh giá, rà soát về việc tuân thủ quy trình vận hành của hồ chứa trong mùa mưa lũ, triển khai các kế hoạch phòng chống lụt bão vùng hạ du của nhà máy thủy điện Hố Hô.
Trong việc vận hành của Nhà máy thủy điện Hố Hô có sai sót, vi phạm quy trình vận hành hay không? Nếu nhà máy dung tích hữu ích rất nhỏ nhưng trong lúc mưa lũ lớn như thế mà việc xả lũ của nhà máy gây khó khăn cho người dân thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước những thiệt hại, khó khăn của bà con.
Nếu nhà máy đã tuân thủ quy trình vận hành đầy đủ mà vẫn xảy ra hậu quả như thế thì phải xem xét lại quy trình để xem có chỗ nào chưa phù hợp với điều kiện thực tế của huyện Hương Khê hay không?
Thứ trưởng cũng đồng tình với những kết luận sơ bộ ban đầu của đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc vào ngày hôm qua (17/10). Theo đó, Thứ trưởng cho rằng công tác kiểm tra để bảo đảm an toàn, lường trước mọi tình huống trong mưa bảo nhà máy làm chưa chi tiết. Công tác dự báo, phòng chống lụt bão chưa được chu đáo, việc bố trí nguồn điện dự phòng chưa phù hợp, trong phương án bảo đảm an toàn đập, phương án phòng chống lụt bão đã xây dựng phê duyệt nhưng chưa có sự phối hợp với chính quyền địa phương.
Thứ trưởng yêu cầu đoàn tiếp tục tiếp thu, thu thập tài liệu liên quan để có báo cáo cụ thể gửi về Bộ Công Thương để có kết luận cuối cùng.
Chiều nay 18/10, đoàn lãnh đạo của Bộ Công Thương tiếp tục có buổi làm việc với chính quyền huyện Hương Khê và các xã bị ảnh hưởng để đưa ra quyết định trong thời gian tới.
Xuân Sinh
Theo Dantri
Thủy điện Hố Hô: "Nếu không xả lũ sẽ gây thảm họa"
Các chuyên gia đều nhận định, Hố Hô là thủy điện nhỏ nên không có chức năng điều tiết lũ. Nước đầy, không xả sẽ vỡ đập và gây hậu quả lớn hơn.
Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) đang xả lũ ngày 16/10. Ảnh Đức Ngọc/Người lao động.
Trong 2 ngày 13-14/10, mưa lớn cùng với việc thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) bất ngờ xả lũ với cường độ 500m3/s - 1.800m3/s khiến người dân huyện Hương Khê và 1 số huyện, xã khác gần đó bị ngập, thiệt hại nặng.
Ban lãnh đạo nhà máy thủy điện Hố Hô giải thích, do mưa lớn, lượng nước dồn về nhanh trong khi dung tích chứa của nhà máy nhỏ (38 triệu m3) nếu không xả sẽ vỡ đập. Lúc xả tràn chiều tối 14/10, nhà máy nói có gọi điện cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, huyện và các xã vùng hạ du.
Tuy nhiên, thông tin đến báo chí, ông Lê Ngọc Huấn - Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, việc xả lũ của nhà máy thủy điện Hố Hô không được báo trước, lại xả vào buổi tối, nước lên quá nhanh khiến người dân không kịp di chuyển tài sản.
Về vấn đề này, ngày 17/10, trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TPHCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử- Tin học EEI cho rằng, việc xả lũ của thủy điện Hố Hô là điều bất khả kháng.
Theo ông Phúc, thủy điện Hố Hô có dung tích chứa 38 triệu m3, dung tích điều tiết khoảng 15 triệu m3. Khối lượng này chỉ bằng 1,7 phần nghìn thủy điện Hòa Bình (hơn 9 tỉ m3) và bằng 5,6 phần nghìn thủy điện Trị An (2,5 tỉ m3).
"Dung tích nhỏ nên Hố Hô không có chức năng ngăn hay điều tiết nước lũ. Nếu nước đầy, không xả thì sẽ vỡ đập gây thảm họa, thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều", ông Phúc cho hay.
Ông Phúc cho biết thêm, những nhà máy thủy điện cỡ nhỏ như Hố Hô thường chỉ có một máy đo tốc độ, lưu lượng nước ở ngay trước cửa vào đập. Máy đo này không có khả năng dự báo.
"Để dự báo lũ, dự báo xả lũ, các thủy điện lớn phải dựa vào kết quả dự báo chính xác của ngành khí tượng thủy văn. Ngành khí tượng thủy văn phải có những trạm đo đạc thủy văn cách hồ thủy điện 100-200 km để dự đoán được lúc nào nước đầy, lúc nào xả. Thủy điện nhỏ chỉ có khả năng ước lượng gần đúng thời điểm hồ đầy, với sai số rất lớn. Vì vậy, việc thông báo đến người dân không thể chính xác", ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Minh Việt - Viện trưởng Viện thủy điện và năng lượng tái tạo (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết thêm, về nguyên tắc, nước đầy thì các nhà máy thủy điện phải xả để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, việc xả vào thời gian nào để giảm thiểu thiệt hại cho người dân thì cần xem xét.
"Xả vào ban ngày thì chắc chắn sẽ đỡ thiệt hại hơn cho người dân. Thủy điện Hố Hô xả nước vào tối, ban đêm khiến người dân không kịp trở tay và thiệt hại nặng", ông Việt nói.
Về việc thủy điện xả nước nhưng không thông báo trước với chính quyền và người dân, ông Việt cho rằng, tùy theo quy trình vận hành của từng công trình mà nhà máy sẽ có trách nhiệm phải báo trước thời gian, cho ai, báo bằng hình thức nào.
Hiện một đoàn công tác do Bộ Công thương thành lập đã được cử vào Hà Tĩnh để điều tra vụ việc Hố Hô xả lũ. Ông Việt cho rằng, cần phải đợi kết quả kiểm tra thì mới đánh giá nhà máy đã vận hành đúng quy trình hay chưa, lỗi đến đâu thì nên xử lý đến đó.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh, đêm 12/10, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra Nghệ An có mưa rất to. Tâm mưa là Quảng Bình với tổng lượng mưa đo được trong 24 giờ lên tới 747 mm - cao nhất trong lịch sử quan trắc tỉnh này. Mưa lớn khiến mực nước sông, suối đồng loạt dâng cao, tràn vào làng xã, gây ngập nặng ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Từ chiều 15/10 đến nay, mưa giảm dần, nước lũ bắt đầu rút. Thống kê đến chiều 16.10 đã có 25 người chết, 4người mất tích do mưa lũ.
Nhà máy thủy điện Hố Hô thuộc Công ty CP thủy điện Hồ Bốn. Trong đó, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc giữ 93,09% cổ phần của Nhà máy Thủy điện Hố Hô. Công suất hai tổ máy 2x7MW, dung tích hồ toàn bộ lên tới 38 triệu m3 và mực nước dâng bình thường 70m. Nhà máy đưa vào vận hành năm 2010 nhưng do bị trận lũ lịch sử năm 2010 tàn phá nên đến đầu năm 2013 mới chính thức đi vào vận hành trở lại. Công suất 14 MW, dung tích hồ chứa 38 triệu m3. Sản lượng điện năm 2013 đạt 35 triệu kWh, năm 2014 đạt 19,7 triệu kWh, năm 2015 ước tính đạt 25,5 triệu kWh.
Theo Triệu Quang (Dân Việt)
"Lật tẩy" các thủy điện né lắp đặt camera giám sát xả nước Thủ tướng đã có quy định các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn phải lắp đặt camera giám sát việc xả nước về hạ du, nhưng tại cuộc họp ngày 3/3 do Bộ Công thương chủ trì ở Đà Nẵng đã hé lộ một số thủy điện đang tìm cách tránh né! Như tin đã đưa,...