Đã có cách giải bài toán thuế cho Dung Quất
Lập luận mà tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thường đưa ra để xin giảm mức thuế điều tiết đối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể tóm tắt như bên dưới. Vấn đề là lập luận này đã lập lờ một chỗ.
Từ đầu năm 2016 thuế nhập khẩu xăng từ các nước trong khu vực ASEAN giảm từ 20% về 10% và thuế nhập khẩu diesel giảm về 0% theo lộ trình đã định sẵn. Ngoài ra, thuế nhập khẩu với sản phẩm xăng từ Hàn Quốc cũng được đưa về mức 10% theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc.
Trong khi đó, sản phẩm xăng dầu sản xuất tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bán ra thị trường nội địa phải nộp điều tiết dựa trên thuế suất thuế nhập khẩu chung và mức thuế họ đang chịu là 20%, dẫn đến sản phẩm của Dung Quất khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Chỗ lập lờ trong lập luận nói trên là cho rằng thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước trong khu vực ASEAN giảm từ 20% về 10%. Thực tế là, đối với mặt hàng xăng thì chỉ có xăng máy bay là được giảm thuế từ 20% về 10% chứ không phải tất cả các mặt hàng xăng nhập khẩu từ ASEAN đều được hưởng thuế nhập khẩu 10%.
Trong khi đó, Dung Quất cũng đã và đang chịu thuế điều tiết là 20% cho xăng động cơ và 10% cho xăng máy bay, bằng với mức thuế ưu đãi ASEAN (chứ không phải đồng nhất 20% như PVN nói). Riêng về thuế nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc, đúng là hiện mức đồng nhất 10% đang được áp dụng cho các sản phẩm xăng, không phân biệt xăng máy bay hay xăng động cơ, và điều này đang là bất lợi cho Dung Quất khi họ vẫn phải chịu mức thuế điều tiết 20% cho xăng động cơ.
Bởi thế, trong các kiến nghị xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây hơn, PVN đã thay đổi nội dung đòi hỏi, đã bỏ phần so sánh mức thuế điều tiết về mặt hàng xăng cho Dung Quất với mức thuế nhập khẩu từ ASEAN như nói ở trên, chủ yếu chỉ còn nhấn mạnh vào so sánh chênh lệch giữa thuế điều tiết áp dụng cho các sản phẩm xăng dầu của Dung Quất với thuế nhập khẩu ưu đãi từ Hàn Quốc (và đôi khi còn so sánh với cả nhập khẩu từ Nhật Bản).
So sánh chênh lệch thuế như thế đã tỏ ra hợp lý hơn. Xét về, ví dụ, xăng động cơ, trong khi Dung Quất bị áp thuế điều tiết 20% thì sản phẩm này nhập khẩu từ Hàn Quốc lại được hưởng thuế 10%.
Video đang HOT
Về dầu diesel, trong khi Dung Quất chịu thuế 10% thì dầu diesel nhập khẩu từ ASEAN hoặc Hàn Quốc chỉ chịu thuế 0%. Nói cách khác, rõ ràng là Dung Quất sẽ gặp khó trong việc tiêu thụ những sản phẩm có mức thuế chênh lệch lớn như thế này so với sản phẩm tương tự nhập khẩu.
Nhưng cần nhấn mạnh rằng chênh lệch thuế không đủ để trở thành lý do Chính phủ phải hạ thuế điều tiết cho Dung Quất xuống bằng thuế ưu đãi đặc biệt cho Hàn Quốc (hay Nhật Bản). Nguyên nhân là bởi nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc, theo người viết tính toán dựa trên số liệu của UN Tradecom, chỉ chiếm 8,6% tổng lượng xăng các loại nhập khẩu về Việt Nam năm 2014 (chưa có số liệu năm 2015).
Với tỷ trọng nhỏ này, sẽ là không hợp lý nếu hạ thuế điều tiết cho các loại xăng của Dung Quất đồng loạt xuống 10%, ngang bằng với thuế ưu đãi cho nhập khẩu từ Hàn Quốc, trong khi đa phần nhập khẩu vẫn chịu thuế từ 10-20% tùy loại (xăng động cơ hay xăng máy bay), kể cả từ ASEAN, nơi cung cấp đến 70,7% lượng xăng nhập khẩu về Việt Nam năm 2014.
Tuy nhiên, cũng đã có một số người lâp luận rằng tuy nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc trong các năm trước không lớn nhưng rất có thể sẽ tăng mạnh từ năm nay, khi mức thuế 10% được áp dụng, thay vì 20% (với xăng động cơ) như trước. Do đó, trong mắt họ, vẫn là hợp lý khi hạ thuế điều tiết cho Dung Quất về 10%.
Đúng là có thể rằng nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc sẽ tăng mạnh, nhưng về nguyên tắc không thể chiếm 100% tổng lượng xăng nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này chí ít vì ngoài chuyện thuế nhập khẩu cao hay thấp, lượng nhập khẩu có tăng lên hay không còn phụ thuộc phần lớn vào giá gốc nhập khẩu. Chỉ khi nào xăng sản xuất từ Hàn Quốc có giá thấp nhất thế giới, với sản lượng lớn nhất thế giới (cần bao nhiêu cũng có) thì lúc đó mới xảy ra tình trạng nhập khẩu từ Hàn Quốc thay thế toàn bộ nhập khẩu từ các nước khác. Mà điều này thì không đúng vì năm 2014, Hàn Quốc xuất khẩu 12,2 triệu tấn xăng (sang Việt Nam chỉ là 212.400 tấn), tuy là lớn nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ trong tổng cung thế giới.
Vì thế, việc hạ thuế điều tiết cho Dung Quất về 10% vẫn là không thỏa đáng khi vẫn sẽ còn một phần được nhập khẩu từ các nước và khu vực khác đang chịu thuế cao hơn.
Dẫu vậy, trên nguyên tắc, rõ ràng là nhập khẩu từ Hàn Quốc với thuế thấp hơn thì dù ít hay nhiều cũng đã và đang gây thiệt hại cho Dung Quất, và vì thế cũng cần phải xem xét điều chỉnh thuế cho Dung Quất ở mức hợp lý, dù không thể xuống mức 10% như nói ở trên. Theo hướng này, cách làm công bằng nhất là hoàn thuế cho Dung Quất dựa theo tỷ trọng nhập khẩu xăng dầu thực tế vào Việt Nam từ Hàn Quốc và những nước được hưởng ưu đãi thuế đặc biệt khác (ví dụ Nhật Bản) thấp hơn mức thuế điều tiết lên Dung Quất.
Cụ thể, ví dụ, trong năm 2016, tỷ trọng nhập khẩu xăng động cơ theo biểu thuế ưu đãi từ Hàn Quốc (với mức thuế 10%) tăng vọt lên, chiếm 40% tổng lượng xăng động cơ nhập khẩu vào Việt Nam. Giả sử 60% nhập khẩu còn lại là từ ASEAN với mức thuế 20%, bằng với mức thuế điều tiết áp dụng cho Dung Quất. Vậy mức thuế điều tiết cho Dung Quất sẽ được tính theo công thức sau: (4010 6020)/100 = 16(%). Nói cách khác, sang năm 2017 Dung Quất sẽ được hoàn 4 điểm phần trăm thuế tính trên sản lượng xăng động cơ mà nó tiêu thụ trong năm 2016. Điều này sẽ giúp Dung Quất giảm được giá bán năm 2017 và các năm sau. Hoặc cũng có thể áp dụng mức thuế 16% này cho Dung Quất từ năm 2017 thay vì 20%, và mức này sẽ lại được điều chỉnh trong những năm tiếp theo dựa vào số liệu thực tế của năm trước đó. Nếu thấy chu kỳ hoàn thuế một năm là quá dài, vẫn gây thiệt hại cho Dung Quất thì có thể rút ngắn thành quí hoặc nửa năm một lần.
Áp dụng cách tính toán tương tự như vậy cho các mặt hàng xăng dầu khác và cho các nước, khu vực nhập khẩu khác sẽ ra được mức hoàn thuế hay mức thuế điều tiết phù hợp và công bằng cho Dung Quất. Và tuy tính toán như vậy có thể sẽ phức tạp vì phải cập nhật thường xuyên số liệu một cách chính xác nhưng nó tỏ ra là cách tính công bằng nếu Chính phủ vẫn chủ trương giữ thuế điều tiết cho Dung Quất tương ứng với mức thuế nhập khẩu nói chung (không phụ thuộc duy nhất vào nước hay vùng nhập khẩu nào).
Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Lọc dầu Dung Quất nguy cơ dừng sản xuất
Nhà máy lọc dầu Dung Quất lại tiếp tục phải đối mặt nguy cơ dừng sản xuất, do không cạnh tranh nổi với xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN dù đã giảm giá bán.
Đây là nội dung đáng chú ý trong một văn bản Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa gửi đến Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ.
Theo PVN, hiện nay việc ký kết hợp đồng dài hạn tiêu thụ sản phẩm xăng dầu năm 2016 của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR- đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi) với khách hàng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với sản phẩm dầu diesel, nhiên liệu phản lực Jet A-1.
Nguyên nhân là kể từ 1/1/2016 thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu dieselvà Jet A1 từ các nước ASEAN là 0%. Trong khi đó, thuế suất áp dụng với dầu dieselvà Jet A1 của lọc dầu Dung Quất vẫn là 10%. Như vậy giá bán sản phẩm dầu diesel của Dung Quất chịu thuế cao hơn 10% so với hàng cùng chủng loại nhập từ ASEAN.
Tình hình này đã buộc PVN phải giảm giá bán cho khách hàng dù giải pháp này đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của nhà máy lọc dầu Dung Quất. Thế nhưng, mức giá bán đối với dầu diesel, Jet A1 của nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn không thể cạnh tranh so với nguồn hàng nhập khẩu từ ASEAN.
Do vậy, tất cả các doanh nghiệp đầu mối lớn chỉ ký hợp đồng với thời hạn 2-3 tháng đầu năm 2016 và giảm khối lượng mua dầu của lọc dầu Dung Quất. Đây là động thái nhằm chờ đợi việc giảm thuế của Chính phủ, Bộ Tài chính, khi có kết quả các doanh nghiệp đầu mối mới đàm phán tiếp với BSR.
PVN thừa nhận việc khách hàng giảm khối lượng cam kết tiêu thụ và chỉ cam kết tiêu thụ sản phẩm trong ngắn hạn gây rất nhiều khó khăn, tiềm ẩn "rủi ro lớn cho nhà máy" trong việc lập kế hoạch sản xuất, kế hoạch mua dầu thô, xây dựng phương án tiêu thụ sản phẩm cũng như mục tiêu đảm bảo an toàn vận hành của nhà máy.
Trong khi đó, dầu diesel, Jet A1 là sản phẩm chính của nhà máy lọc dầu Dung Quất, chiếm gần 50% tổng lượng sản phẩm của toàn nhà máy.
"Nếu mặt hàng diesel không tiêu thụ được thì nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ không thể duy trì công suất ổn định, bắt buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng nhà máy trong thời gian tới" - PVN bày tỏ quan ngại.
Vì thế, PVN đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ sớm điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu đối với dầu diesel, Jet A1 nhằm đảm bảo sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất cạnh tranh được với hàng nhập khẩu từ ASEAN, giúp cho BSR có thể ký hợp đồng dài hạn với khách hàng để ổn định sản xuất, đảm bảo mục tiêu an toàn và hiệu quả vận hành liên tục của nhà máy.
Thực tế, suốt trong năm 2015, nhà máy lọc dầu Dung Quất nhiều lần phải đối mặt với nguy cơ "ế" hàng, thậm chí lâm cảnh không còn chỗ chứa hàng tồn kho. PVN đã liên tục xin Bộ Tài chính, Bộ Công Thương hỗ trợ giảm thuế nhập khẩu.
Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần điều chỉnh giảm mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với xăng, dầu nhà máy lọc dầu Dung Quất. Chẳng hạn, thuế nhập khẩu mặt hàng xăng đã giảm về mức tương đương trong ASEAN là 20%, còn mặt hàng dầu diesel đã giảm từ 30% xuống còn 20%, rồi 10%.
Theo_VietNamNet
Doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi ngàn tỷ do công thức tính giá? Bộ Tài chính sẽ xem xét mức thuế nhập khẩu xăng dầu có mang lại nguồn lợi hàng tỷ đồng cho doanh nghiệp xăng dầu hay không. Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ này đã giao Cục quản lý giá phối hợp với các bộ ngành liên quan xem xét trả lời công...