Đã có… 11 người đứng đầu phải “chịu trách nhiệm” vì tham nhũng
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, có 11 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xem xét, xử lý trách nhiệm, trong đó 6 người bị xử lý kỷ luật với các hình thức cách chức, khiển trách, cảnh cáo; 5 người đang được xem xét để có các hình thức xử lý.
Số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện.
Chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập
Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 vừa được Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội, đã có hơn 1 triệu người hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2015 đạt tỷ lệ 99,1% so với số người phải kê khai. Trong đó, có 414 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập.
“Việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm, chỉ một số ít được yêu cầu xác minh là do trong quá trình công khai có phản ánh về việc kê khai tài sản không trung thực. Qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền chưa phát hiện trường hợp vi phạm”, báo cáo cho hay.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận, quy định về việc nộp lại quà tặng còn hình thức, thiếu khả thi, thiếu quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm. Việc thực hiện quy định này chưa nghiêm, hiệu quả thấp và trên thực tế rất khó kiểm soát, khó phát hiện vi phạm do phụ thuộc nhiều vào tính tự giác, đạo đức của cán bộ, công chức. Trong năm 2016 chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.
Báo cáo với Quốc hội, Chính phủ cho biết, qua tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của gần 2.900 cơ quan, tổ chức tại các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, từ đầu năm đến nay đã phát hiện và xử lý 119 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Các cấp, các ngành đã chuyển đổi vị trí công tác hơn 8.800 lượt cán bộ, công chức, viên chức, tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực và địa bàn gặp nhiều khó khăn do các quy định về vấn đề này chưa sát với đặc điểm tình hình, cần được xem xét điều chỉnh.
Video đang HOT
Trong năm, các cơ quan nhà nước đã thực hiện giải trình 17/17 yêu cầu. Có 10 người bị tạm đình chỉ công tác, tạm chuyển vị trí công tác khác do vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng (Bộ Tài Chính: 4 người; Sơn La: 3 người; Quảng Nam: 2 người; Gia Lai: 1 người).
Đáng chú ý, có 11 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xem xét, xử lý trách nhiệm (Bộ Tài Chính: 4 người; Quảng Ngãi: 2 người, Tây Ninh: 2 người; TP. Hồ Chí Minh: 1 người; Thừa Thiên Huế: 1 người ), trong đó 6 người bị xử lý kỷ luật với các hình thức cách chức, khiển trách, cảnh cáo; 5 người đang được xem xét để có các hình thức xử lý.
Việc thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến, gây khó khăn cho việc phát hiện các hành vi trốn thuế, rửa tiền, tham nhũng…
Tẩu tán tài sản ở nước ngoài, khó thu hồi
Đánh giá về tình hình, công tác phòng chống tham nhũng, Chính phủ cho rằng, tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi. Công tác phòng chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều. Không ít địa phương đã thực hiện chưa tốt công tác này.
Tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về tặng quà, cảm ơn để biếu xén, đưa hối lộ vì động cơ vụ lợi còn khá phổ biến. Quy định và việc thực hiện quy định nộp lại quà tặng còn hình thức, thiếu khả thi, hiệu quả thấp, cần phải có quy định cụ thể chế tài xử lý và thể chế hóa bằng pháp luật.
Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức ở một số bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật còn chưa thường xuyên, hình thức, chưa kiên quyết, còn có hiện tượng nể nang, e ngại cán bộ thuộc diện chuyển đổi vị trí phản ứng, thiếu kiểm tra, thanh tra việc thực hiện.
“ Có những vị trí chuyển đổi khó thực hiện, có nơi còn có biểu hiện lợi dụng việc chuyển đổi vị trí công tác để trù dập người khác hoặc trục lợi cá nhân“, bản báo cáo nêu.
Chính phủ cũng cho rằng, số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện. Nguyên nhân là còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý. Mặt khác, biện pháp phòng ngừa này trong nhiều trường hợp lại đặt người đứng đầu vào tình huống xung đột lợi ích. Nếu tích cực kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ, thì có thể phải đối mặt với việc bị xử lý trách nhiệm hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thành tích của bản thân và đơn vị.
Ngoài ra, việc thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến, gây khó khăn cho việc phát hiện các hành vi trốn thuế, rửa tiền, tham nhũng… Tuy nhiên, hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt chưa hoàn thiện, cơ sở hạ tầng về công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu.
Lý giải về việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp, Chính phủ cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là việc điều tra án tham nhũng rất phức tạp và khó khăn, phải có thời gian để tổ chức xác minh, thu thập chứng cứ, giám định, chứng minh tội phạm.
“Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt được, tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng thi hành án. Mặt khác, do các cơ quan chức năng chưa quyết liệt, triệt để trong việc kê biên, xử lý tài sản do phạm tội tham nhũng mà có trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; một số vụ án gặp khó khăn khi phải thu hồi tài sản ở nước ngoài…”, theo báo cáo.
Bích Diệp
Theo Dantri
Thanh tra Chính phủ kiến nghị kiểm điểm, xử lý lãnh đạo Cục Thuế TPHCM
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với lãnh đạo Cục Thuế TPHCM có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm đã được phát hiện qua thanh tra.
Trụ sở Cục Thuế TPHCM (Ảnh: Pháp luật TPHCM)
Theo thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách nhà nước tại Cục Thuế TPHCM do ông Ngô Văn Khánh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ ký duyệt hôm qua (11/10), việc xây dựng, giao chỉ tiêu và thực hiện kế hoạch thanh tra tại Cục Thuế TPHCM còn nhiều bất cập, thiếu sót; công tác quản lý thuế thông qua việc kiểm tra thường xuyên hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế (kiểm tra tại bàn) thực hiện không đầy đủ. Trong 2 năm 2012-2013 tỷ lệ kiểm tra chỉ đạt 31-34%/số phải kiểm tra theo quy định nên chưa phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm, nhằm chống thất thu ngân sách nhà nước thông qua công tác kiểm tra.
Công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng tại Cục Thuế TPHCM còn có khuyết điểm như: Tỷ lệ hồ sơ giải quyết chậm, thời gian chiếm tỷ lệ cao (20%); tính tiền chậm nộp đối với người nộp thuế bị xử lý qua thanh tra, kiểm tra chưa đúng theo quy định của Bộ Tài chính đối với 21.377 trường hợp, tổng số tiền tính thiếu trên 22 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện tại Cục Thuế TPHCM chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý với 61,4% hồ sơ quá hạn 1 năm chưa kiểm tra, nên chưa phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm thông qua công tác kiểm tra sau hoàn thuế. Xác minh hóa đơn phát hiện 13 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn không đủ điều kiện để hoàn thuế, số tiền phải truy hoàn trên 1 tỷ đồng. Nợ thuế trên địa bàn TPHCM hàng năm đều tăng, nhất là các khoản nợ trên 90 ngày. Tuy nhiên, Cục Thuế TPHCM chưa làm hết trách nhiệm, thiếu kiên quyết trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế.
Điển hình là việc không áp dụng biện pháp cưỡng chế phong tỏa, trích tiền từ tài khoản 25 doanh nghiệp nợ thuế gần 322 tỷ đồng; không áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế 82 doanh nghiệp với số tiền trên 457 tỷ đồng. Điều này dẫn đến số tiền nợ thuế không giảm mà ngày càng tăng, nhất là các khoản nợ quá hạn trên 90 ngày; tính đến thời điểm 30/9/2014 là 10.626 tỷ đồng, chiếm 60% tổng số tiền nợ thuế.
Công tác quản lý nợ tiền đất của Cục Thuế TPHCM cũng bị Thanh tra Chính phủ kết luận "có biểu hiện buông lỏng". Việc thông báo thu nợ và cưỡng chế thu hồi nợ tiền đất chưa được cơ quan thuế chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Quá trình tiếp nhận và xử lý hóa đơn bất hợp pháp theo thông báo của công an chuyển đến, Cục Thuế TPHCM cũng làm không kịp thời, có biểu hiện buông lỏng. Có 7 trường hợp (14 tờ hóa đơn) doanh nghiệp mua hóa đơn chuyển địa điểm kinh doanh nhưng cơ quan thuế không thông báo đến cơ quan quản lý thuế mới để xử lý; 421 tờ hóa đơn bất hợp pháp do cơ quan công an chuyển đến nhưng Cục Thuế TPHCM xử lý chậm, không triệt để, dẫn đến quá thời hiệu xử phạt.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với lãnh đạo Cục Thuế TPHCM có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm đã được phát hiện. Cục Thuế TPHCM tổ chức kiểm điểm và chỉ đạo kiểm điểm theo thẩm quyền với trưởng các phòng nghiệp vụ tại Văn phòng Cục Thuế TPHCM và Chi cục trưởng các Chi cục thuế quận, huyện; yêu cầu các đơn vị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân lãnh đạo, công chức thuế để xảy ra các thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Đối với vi phạm về thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco, Thanh tra Chính phủ kiến nghị truy thu nộp bổ sung ngân sách nhà nước số thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh tăng phát hiện qua thanh tra từ năm 2010 đến năm 2014 (do thay đổi giá tính thuế từ Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn sang Công ty cổ phần thương mại khu vực) là 2.479 tỷ đồng (đã trừ số kiến nghị truy thu năm 2013 của Kiểm toán Nhà nước). Cơ quan thanh tra đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế, Cục Thuế TPHCM thực hiện.
Như Dân trí đã phản ánh trước đó, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Cục Thuế TPHCM chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xác minh, xử lý 18 doanh nghiệp (bên mua) sử dụng 349 tờ hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn, với tổng số tiền trên 201,6 tỷ đồng, tiền thuế giá trị gia tăng trên 19,7 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này tiếp tục bỏ trốn, có dấu hiệu của việc mua bán hóa đơn, vi phạm Điều 161 Bộ luật Hình sự và Điều 76 Luật Quản lý thuế 2006.
Thế Kha
Theo Dantri
Có thể miễn trách nhiệm hình sự cho người lái xích lô chở tôn Theo hướng dẫn của TAND Tối cao tại Công văn số văn 276/TANDTC-PC về việc áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì ông Đinh Ngọc Thạch (còn gọi là Bình "còng") - người lái xích lô chở tôn khiến cháu bé 10 tuổi tử vong - có thể được miễn...