Đa cấp lừa đảo, giá vận tải khiến cử tri bức xúc
Cử tri và nhân dân cho rằng, thời gian qua nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp lừa đảo gây hậu quả nghiêm trọng, một số vụ việc diễn ra trong thời gian dài, phạm vi rộng, thiệt hại lớn nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý.
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII diễn ra sáng nay (21/3/2016), Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhận định, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp lừa đảo gây hậu quả nghiêm trọng.
Một số vụ việc diễn ra trong thời gian dài, phạm vi rộng ở nhiều địa phương, gây thiệt hại lớn cho nhiều người dân nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Ảnh: Cổng TTĐT VPQH
Ông Nhân dẫn chứng, gần đây nhất, liên quan đến Liên Kết Việt, chỉ sau hơn một năm hoạt động, công ty này đã lừa đảo hơn 60.000 người tại 27 tỉnh, thành phố với số tiền chiếm đoạt hơn 1.900 tỉ đồng, người bị lừa ít nhất là hơn 8 triệu đồng, đặc biệt có người bị lừa đến 6 tỉ đồng.
“Cử tri và nhân dân đề nghị Bộ Công thương và chính quyền các cấp siết chặt việc cấp phép kinh doanh và giám sát chặt chẽ việc bán hàng đa cấp, xử lý nghiêm các vi phạm theo Nghị định về bổ sung và nâng cao chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực từ ngày 05/01/2016″ – Chủ tịch UBMTTQVN cho hay.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đánh giá, mặc dù thời gian qua giá xăng dầu giảm nhiều lần do giá dầu quốc tế giảm mạnh nhưng còn nhiều doanh nghiệp vẫn không giảm cước vận tải theo quy định của nhà nước.
Cụ thể, năm 2015, giá xăng đã có 18 lần điều chỉnh với 6 lần tăng và 12 lần giảm. Sau 12 lần giảm giá trong năm 2015, mặt hàng xăng RON 92 đã giảm được trên 7.000 đồng/lít.
Video đang HOT
Từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng điều chỉnh chỉnh giảm 4 đợt, lần điều chỉnh thứ nhất vào ngày 4/1: giá xăng RON 92 giảm 370 đồng/lít; lần thứ 2 vào ngày 19/01: giá xăng giảm 590 đồng/lít; lần thứ 3, ngày 3/02: giá xăng RON 92 giảm 730 đồng/lít. Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã giảm được tất cả 2.650 đồng/lít.
Trước thực trạng này, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý, điều hành giá cả hàng hóa, đảm bảo quyền, lợi ích của các chủ thể trong nền kinh tế, nhất là quyền lợi của người tiêu dùng.
Ông Nhân cũng cho biết, cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và tiêu dùng; lo lắng, bức xúc về việc sử dụng hóa chất độc hại trong bảo quản, chế biến thực phẩm.
Theo Tổng cục Thống kê, tính từ 17/12/2015 đến 16/02/2016, trên địa bàn cả nước xảy ra 11 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 784 người bị ngộ độc, trong đó một trường hợp tử vong.
Bên cạnh đó, việc sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng và ngành chăn nuôi trong nước nói chung cũng khiến cử tri bức xúc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ động thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về an toàn thực phẩm, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, song tình hình vẫn rất nghiêm trọng.
Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn quản lý vật tư nông nghiệp, tổ chức lại thị trường, kiểm soát chặt chẽ chất lượng phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bích Diệp
Theo Dantri
Gia đình chia rẽ vì tham gia vào Liên kết Việt
Với ước muốn làm giàu nhanh, số tiền con cái chu cấp bà Loan dùng để tham gia vào đường dây đa cấp. Khi vỡ mộng, sợ con biết, nhiều tháng trời bà sống trong thấp thỏm.
Tuần qua, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46, Công an tỉnh Quảng Nam) đã làm việc với một số bị hại của Công ty Liên kết Việt sau khi được Bộ Công an ủy thác điều tra. Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng đại lý của công ty tại TP Tam Kỳ bị công an triệu tập, tuy nhiên người này đã rời khỏi nơi cư trú.
"Qua làm việc với phó đại lý, bước đầu người này khai ở TP Tam Kỳ có 24 người tham gia vào đường dây. Phần lớn bị hại là trí thức, có nghề nghiệp, thu nhập ổn định", điều tra viên Nguyễn Thanh Hùng nói và cho hay ở Quảng Nam còn có đại lý tại TP Hội An, Núi Thành, Duy Xuyên...
Ngồi thất thần trong phòng làm việc của công an, bà Loan (60 tuổi) cho hay được một số người bạn giới thiệu mua mã hàng đa cấp của Liên kết Việt vào tháng 5/2015. "Bạn bè nói công ty này của Bộ Quốc phòng. Các hồ sơ giấy tờ gì cũng có con giấu đỏ. Nhìn hình ảnh rồi bằng khen của Thủ tướng treo ở đại lý tôi chẳng mảy may nghi ngờ, thấy dễ kiếm tiền nên không ngần ngại đổ tiền vào mua hàng", bà Loan kể.
Người phụ nữ 60 tuổi làm việc với công an để xác minh số tiền đã nộp. Ảnh: T.H
Mỗi mã hàng giá 8,6 triệu đồng gồm một máy khử độc ozone, 3 hộp đông trùng hạ thảo, bổ não vương... Với mỗi mã hàng, người mua có hàng và được công ty cam kết nhận được 68 triệu đồng bằng cách trả dần vào tài khoản với mỗi tháng 140.000 đồng. Sau khi bàn bạc với chồng, bà Loan mua 13 mã hàng. Sau tháng đầu tiên thấy tiền đã chuyển, dễ làm giàu, bà giấu chồng mua thêm 2 mã hàng. Tổng cộng người phụ nữ bỏ 129 triệu để mua hàng đa cấp, nhưng tiền từ công ty chuyển về được 2 tháng thì ngừng.
"Hai vợ chồng sống dựa vào tiền 3 người con ở TP HCM gửi về chu cấp. Nếu chúng biết tôi tham gia đa cấp, chắc từ mặt luôn. Các con biết bạn bè tôi tham gia nên nghi ngờ tôi cũng mua, dạo này điện thoại về truy vấn liên tục. Hai vợ chồng phải tìm đủ cách nói dối", bà Loan ngậm ngùi. Do chỉ cần tiền, không cần hàng nên 15 máy khử độc và thực phẩm chức năng mua về nhưng không dùng. Dịp Tết, sợ con về nhà phát hiện, vợ chồng bà lại phải mang đi giấu.
Cùng cảnh ngộ với bà Loan, gia đình chị Hạnh (43 tuổi) gần đây lục đục khi chồng biết chị mang tiền mua hàng đa cấp. "Hồi tháng 6/2015, tôi ra Hà Nội dự sinh nhật công ty thấy có đến 5.000 người. Nhiều người mang áo quần bộ đội rồi công an nên rất tin tưởng. Cũng may là số tiền mua chưa nhiều thì công ty vỡ nợ, không chuyển tiền về tài khoản nữa nên thôi, không mua hàng nữa. Chứ nếu không có lẽ phải bán nhà", chị Hạnh nói.
Người phụ nữ làm sếp tại một công ty bảo hiểm nói rằng, đã nhiều tháng nay chồng không thèm nhìn mặt. "Từ khi anh biết tôi mất tiền vì tham gia đa cấp, tình cảm giữa hai vợ chồng trở nên căng thẳng. Cứ cãi nhau chuyện gì đó thì chồng lại lôi việc tôi lén lút bỏ tiền đầu tư để nói. Những lúc ấy tôi chỉ biết câm lặng", chị Hạnh nói.
Không chỉ bị gia đình chì chiết, bà Ngân (54 tuổi) gần đây phải đổi số điện thoại vì những cuộc gọi trách móc của bạn bè. Bị lừa mất hàng chục triệu đồng, bà Ngân lại còn mang tai tiếng bởi lỡ lôi kéo bạn bè tham gia vào công ty. Người phụ nữ làm giáo viên cấp 3 cho hay ân hận đến "mất ăn mất ngủ" kể từ khi đại lý Liên kết Việt tại đây đóng cửa. Sau khi đầu tư tháng đầu tiên thấy tiền rót về tài khoản như cam kết, bà rủ thêm bạn bè tham gia.
"Mỗi lần giới thiệu thêm người, tôi cũng được thưởng. Nhưng không phải vì thế mà tôi rủ họ vào để rồi bạn bè mất tiền. Cũng chỉ vì lòng tham, muốn làm giàu cho mình và cho bạn. Chẳng còn mặt mũi nào để đến trường đi dạy nữa cả. Về nhà thì xấu hổ với gia đình, tôi chỉ biết tự trách mình", bà Ngân rưng rưng nói.
Phòng Cảnh sát kinh tế cho hay, công an các tỉnh chỉ có nhiệm vụ xác minh bị hại, thống kê số tiền đã nộp vào Công ty Liên kết Việt sau đó gửi ra Cục Cảnh sát kinh tế (C46, Bộ Công an) để cơ quan này điều tra và kết luận.
Công an tỉnh Quảng Nam cũng thông báo những ai mua mã hàng đa cấp và cộng tác viên bán hàng đã nộp tiền cho đại lý Liên kết Việt tại số nhà 466, đường Hùng Vương (TP Tam Kỳ), do Trần Quốc Tuấn làm trưởng, liên hệ với Phòng PC46 (địa chỉ số 4, Phan Tứ, TP Tam Kỳ), hoặc gặp điều tra viên Nguyễn Thanh Hùng, số điện thoại 0905055414 để lấy lời khai.
Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa khởi tố, tạm giam Lê Xuân Giang (Tổng giám đốc Công ty CP Liên kết, sản xuất Thương mại Việt Nam, gọi tắt Công ty Liên kết Việt), và một số cấp dưới của Giang về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lãnh đạo của công ty bị cáo buộc mạo nhận Bộ Quốc phòng, làm giả bằng khen của Thủ tướng. Công ty đa cấp này hoạt động từ tháng 6/2014 đến tháng 7/2015 nhưng đã lôi kéo hơn 45.000 người tham gia tại nhiều tỉnh thành. Nhà chức trách ước tính những người này đã nộp khoảng 1.900 tỷ đồng vào Liên kết Việt.
*Tên bị hại đã thay đổi.
Tiến Hùng
Theo VNE
Tiếp vụ Liên kết Việt lừa đảo: Cơ quan quản lý nhận trách nhiệm gì? Theo phân tích của luật sư, cần thiết phải khởi tố vụ án về hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương. Đối với các cơ quan khác cần xử lý kỷ luật nghiêm khắc với những người đừng đầu, những người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp... Trong...