Đa cấp Liên kết Việt ‘càn quét’ làng quê, nhiều người điêu đứng
Giấu chồng con mang sổ đỏ cầm cố lấy tiền đầu tư vào Liên kết Việt mong được nhận lãi suất cao, giờ đây bà Thiên tủi nhục, ân hận sống trong căn lều nuôi vịt ở bờ sông.
Giấu kín chuyện mang bìa đất đi cầm cố vay 86 triệu đồng để thành khách hàng của Công ty Liên kết Việt chi nhánh Hải Dương với hy vọng sẽ thoát nghèo, bà Thiên (trú huyện Ninh Giang, Hải Dương) bị chồng đuổi ra khỏi nhà. Cả tháng nay, bà tá túc trong chuồng vịt bỏ trống của gia đình bên bờ sông, biệt lập với chòm xóm sau khi sự việc bị vỡ lở.
Nhớ lại quá trình bị sập bẫy Liên kết Việt, bà buồn bã kể, đầu tháng 6/2015 đang bán trứng vịt tại chợ Vĩnh Hòa thì có người phụ nữ đến tỉ tê làm quen. Chị này giới thiệu là người huyện Thanh Miện, làm việc cho công ty uy tín thuộc Bộ Quốc phòng với mức lương vài chục triệu đồng và đang đi phát triển khách hàng.
Người này cho hay muốn làm giàu nhanh chóng chỉ cần bỏ ra 8,6 triệu đồng mua một mã hàng của công ty. Mua nhiều mã, hàng tháng được công ty thanh toán tiền lãi cao gấp nhiều lần ngân hàng. Ai giới thiệu được người cùng chơi, công ty đều có thưởng, không chơi nữa sẽ được hoàn tiền…
Chuồng vịt bỏ không bên bờ sông nơi bà Thiên đang cư ngụ.
Bà bảo như bị “bỏ bùa mê”, đồng ý theo người phụ nữ đó lên thành phố Hải Dương dự buổi hội thảo ở một khách sạn sang trọng. Thấy vị giám đốc trẻ hứa hẹn khách hàng được nhận lãi suất cao, bà giấu chồng con mang sổ đỏ thế chấp quỹ tín dụng vay 86 triệu đồng mua 8 mã hàng. Bà cầm giấy biên nhận của Liên kết Việt mà không được giao bất kỳ sản phẩm gì.
2 tháng đầu tiên, bà nhận tổng tiền lãi hơn 3 triệu đồng nhưng các tháng tiếp theo thì không có gì… Bà đến hỏi nhiều lần song đều nhận được những lời hứa hẹn suông. Đến khi vụ việc vỡ lở, Liên kết Việt bị cáo buộc là công ty bán hàng đa cấp lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng, bà như chết lặng. Chồng bà khi biết chuyện bừng bừng nổi giận. Xấu hổ, tủi nhục, ân hận và tiếc tiền, người phụ nữ thôn quê lủi thủi dọn ra chuồng vịt của gia đình bỏ không bên bờ sông, xa xóm làng tá túc.
Cuộc sống giờ khó khăn, khoản nợ mỗi ngày một lớn lên, bà chỉ mong cơ quan chức năng sớm điều tra, xem xét giải quyết một phần hậu quả cho gia đình.
Chính quyền xã Vĩnh Hòa cho rằng ngoài bà Thiên trên địa bàn còn có rất nhiều người là nạn nhân của Liên kết Việt. Tuy nhiên, chỉ những hộ bị lừa với số tiền lớn vài chục triệu đến 400 triệu đồng có đơn tố cáo. Người mất ít vì sợ bị dân làng xì xèo nên không khai báo.
Video đang HOT
Chia sẻ với VnExpress, chồng của một nạn nhân khác cho hay sốc khi hay tin người vợ vốn quanh năm chỉ biết ruộng đồng, không va vấp ngoài xã hội đã giấu chồng con rút toàn bộ tiền tiết kiệm 240 triệu đồng đầu tư vào công ty đa cấp Liên kết Việt.
Đây là khoản ông tích cóp suốt quá trình làm việc để lo cho các con trưởng thành. Nhiều lần ông đến trụ sở của Liên kết Việt chi nhánh Hải Dương đặt tại phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương để đòi tiền thay vợ nhưng bị viện nhiều lý do như giám đốc đi vắng, kế toán đi công tác…
Ngôi biệt thự 3 tầng tại phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương được thuê làm trụ sở Công ty Liên kết Việt chi nhánh Hải Dương.
Trong “cơn lốc” Liên kết Việt càn quét thành phố Hải Dương, ông Nguyễn Tuấn Mắn (Trưởng công an xã Ninh Hải) xác nhận tại xã có nhiều người sống dở chết dở với công ty đa cấp này. Giám đốc chi nhánh Hải Dương Phạm Văn Tuế khi trở về quê tại xã Ninh Giang bị tố cáo lôi kéo người tham gia.
Là anh em con cô con cậu với Tuế, vợ chồng anh Vũ Văn Du đã “đổ” vào gần một tỷ đồng song hiện chưa đòi lại được. Bức xúc, anh tố cáo Tuế tới cơ quan công an và Sở Công thương tỉnh Hải Dương.
Là người may mắn đòi được tiền, anh Lê Hồng Huỳnh cho hay không chỉ cùng quê mà còn là bạn học thời niên thiếu với Tuế. Tháng 3/2015, Tuế gạ vợ chồng anh đóng tiền mua mã hàng của Liên kết Việt. Bàn với vợ và người em, anh gom được gần 600 triệu đồng mua khoảng 70 mã. Sau 3-4 tháng, có linh cảm không hay về khoản đầu tư này, anh Huỳnh kịp lấy về được hơn 400 triệu đồng. Số còn lại anh đòi nhiều lần nhưng vẫn chưa được trả.
Tại ngôi biệt thự 3 tầng ở khu 4 Cụm Công nghiệp đường An Định, phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương, nơi chi nhánh Liên kết Việt mở trụ sở, một phụ nữ đứng tuổi nhận làm chủ nhà cho biết giám đốc Tuế đã trả nhà và Liên kết Việt đã dọn đi từ 17 ngày trước.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cáo buộc, với thủ đoạn mạo nhận là công ty thuộc Bộ Quốc phòng, làm giả bằng khen của Thủ tướng, nghi can Lê Xuân Giang (Tổng giám đốc Liên kết Việt) cùng cấp phó Nguyễn Thị Thủy đã tổ chức kinh doanh một số sản phẩm chức năng, máy chăm sóc sức khỏe…. dưới hình thức đa cấp để lừa đảo.
Ước tính khoảng 60.000 người đã nộp vào Liên kết Việt khoảng 1.900 tỷ đồng. Trong tổng số tiền này, Liên kết Việt sử dụng trên 65% chi trả hoa hồng cho các đầu chi nhánh, đại lý cấp dưới và người tham gia. Riêng Giang thu lợi đến 500 tỷ đồng.
Hiện, cảnh sát đã phong tỏa tài khoản 134 tỷ đồng của Liên kết Việt. Giang, Thủy và 4 người liên quan đã bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
* Tên nạn nhân đã thay đổi
Giang Chinh
Theo VNE
Người đàn bà 'đạo diễn' vụ lừa đảo của tổng giám đốc công ty đa cấp
Từ thợ may, thợ làm móng, Thủy vào Công ty Liên kết Việt và nhanh chóng gây dựng mạng lưới quy tụ hàng chục nghìn người tham gia, thu 1.900 tỷ đồng.
Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an) đang mở rộng điều tra tại 27 tỉnh, thành về vụ án lừa đảo đa cấp xảy ra tại Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam (Liên kết Việt).
Theo nhà chức trách, xuất ngũ với quân hàm chuẩn úy, Lê Xuân Giang (Chủ tịch HĐQT Liên kết Việt) làm Giám đốc điều hành Công ty Tân Thành Phát sau đó thành lập Công ty Đức Giang Vina. Năm 2005, Giang đổi tên doanh nghiệp thành Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP, tiếp tục thành lập công ty Quốc tế Hưng Việt. Hai công ty này kinh doanh bóng đèn, thiết bị điện cơ bản rồi chuyển sang sản xuất thực phẩm chức năng, máy khử độc Ozone, vật lý trị liệu...
Đến năm 2014, Giang chuyển sang kinh doanh đa cấp, đổi tên Công ty Quốc tế Hưng Việt thành Công ty Liên kết Việt.
Bị can Nguyễn Thị Thủy.
Tháng 4/2014, Nguyễn Thị Thủy (46 tuổi) được Giang thuê mở một nhóm quảng bá và bán hàng. Thủy không có bằng cấp kinh doanh, trải qua nhiều công việc như thợ may, mở tiệm gội đầu cắt tóc, làm móng nhưng đều không ổn định. Thủy từng tham gia vào một số công ty kinh doanh đa cấp, học một lớp đào tạo lấy chứng chỉ nhằm hợp thức hóa khi đi xin việc.
Khi Giang thuê, Thủy yêu cầu cho phép cô ta là người đứng đầu hệ thống. Ngoài các khoản được chi trả định kỳ, với mỗi mã hàng Giang phải chi cho nhóm Thủy 210.000 đồng. Có được vị trí tại công ty, Thủy và nhóm này tổ chức phát triển hệ thống kinh doanh, tư vấn thu hút khách hàng, tổ chức sự kiện; tư vấn thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, cố vấn chiến lược phát triển, phương pháp kinh doanh...
Lê Xuân Giang luôn xuất hiện với quân phục bộ đội, mang hàm đại tá để tạo lòng tin.
Thủy tổ chức nhiều hội thảo lôi kéo người tham gia, quảng cáo có những khoản thưởng khủng gồm cả ôtô, xe máy. Nhằm tăng uy tín, Thủy còn mạo nhận Liên kết Việt là công ty thuộc Bộ Quốc phòng và "dựng" lên việc được nhận bằng khen của Thủ tướng...
Theo cáo buộc, hơn 45.000 người đã nộp vào Liên kết Việt khoảng 1.900 tỷ đồng. Trong tổng số tiền này, Liên kết Việt sử dụng trên 65% chi trả hoa hồng cho các đầu chi nhánh, đại lý cấp dưới và người tham gia. Riêng Giang thu lợi đến 500 tỷ đồng.
Hiện, cảnh sát đã phong tỏa tài khoản 134 tỷ đồng của Liên kết Việt. Bằng khen giả của Thủ tướng đã bị các nghi can tiêu hủy trước khi vụ án bị điều tra.
Mai Chi
Theo VNE
Đa cấp Liên Kết Việt làm tan nát hàng ngàn gia đình Khắp 18 tỉnh, thành miền Trung - Tây nguyên có 3.240 người sập bẫy mạng lưới đa cấp của Liên Kết Việt, trong đó 40% bị hại ở Đà Nẵng. Một chi nhánh của Liên Kết Việt tại Đà Nẵng đóng cửa - Ảnh: N.T Ân hận suốt đời Theo thống kê hiện tại, bà H. (30 tuổi, ngụ Hà Nội, người mở...