Đã cách ly hơn 31.600 người phòng dịch Covid-19: Những ai cần cách ly tập trung?
Đến sáng nay 18-3, đã tiến hành cách ly 31.659 người tiếp xúc gần với ca mắc Covid-19 và nhập cảnh từ vùng dịch, trong đó có 126 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. Vậy, những đối tượng nào cần cách ly tập trung để phòng chống dịch Covid-19?
Theo Bộ Y tế, đến sáng nay 18-3, Việt Nam đã ghi nhận 67 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới mới của virus corona gây ra (Covid-19), trong đó 16 ca đã chữa khỏi, ra viện; 51 ca mới phát hiện từ ngày 6-3 đến nay và đang điều trị tại các cơ sở y tế. Hiện đang theo dõi sức khỏe (cách ly) đối với 31.659 người tiếp xúc gần với ca mắc Covid-19 và nhập cảnh từ vùng dịch, trong đó có 126 trường hợp nghi ngờ đang cách ly theo dõi.
Theo quy định của Bộ Y tế, những người thuộc đối tượng cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 gồm:
- Người đi về hoặc từng qua vùng có dịch của quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 (theo quy định của Bộ Y tế).
- Người tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc Covid-19 trong trường hợp vượt khả năng tiếp nhận của cơ sở y tế.
Phố Trúc Bạch (quận Ba Đình, TP Hà Nội) bị phong toả, cách ly để phòng chống dịch Covid-19 – Ảnh: Minh Chiến
- Các đối tượng khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và tùy theo diễn biến cụ thể của dịch bệnh thì Bộ Y tế tiếp tục có hướng dẫn tiếp theo.
- Thời gian cách ly là 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.
- Việc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú được áp dụng đối với những người đã tiếp xúc với người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 (đối tượng F2), những người tiếp xúc gián tiếp (đối tượng F3, F4). Thời gian cách ly được quy định là 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm. Cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú có thể được thực hiện tại bất kỳ nơi ở, nơi lưu trú nào như: nhà riêng; căn hộ chung cư; nhà ở tập thể; phòng ký túc xá của trường học, khu công nghiệp, xí nghiệp; phòng nghỉ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ và các phòng lưu trú của các cơ quan, đơn vị.
Cách ly tập trung người nhập cảnh từ Mỹ, châu Âu, các nước ASEAN
Video đang HOT
Theo Bộ Y tế các trường hợp nhập cảnh Việt Nam phải qua kiểm tra và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch và cách ly phù hợp theo đúng quy định. Ngoài các trường hợp nhập cảnh được cách ly tập trung hiện nay, hiện Việt Nam thực hiện việc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ Mỹ, các nước châu Âu, các nước ASEAN; đồng thời thực hiện việc cách ly, giám sát y tế tại gia đình, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, giám sát theo nhóm đối với các đối tượng không thuộc diện cách ly tập trung.
Trước đó, ngày 14-3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 quốc gia đã có công văn về việc tổ chức cách ly với người nhập cảnh. Theo thông báo này các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19 bao gồm: các nước thuộc khu vực Schengen (Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ý, Latvia, Liechtenstein, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ), Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Trung Quốc, Hàn Quốc và Iran.
D.Thu (nld.com.vn)
Phòng dịch COVID-19: Phải làm gì để bỏ thói quen sờ tay lên mặt?
Sờ tay lên mặt có thể làm tăng đáng kể nguy cơ nhiễm virus cúm hoặc cảm lạnh và virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2). Mắt, mũi và miệng là nơi virus có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể nhất, theo Health Line.
Biện pháp phòng ngừa tốt nhất là tránh sờ tay lên mặt - Ảnh minh họa: Shutterstock
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), có hai cách virus Corona truyền nhiễm từ người sang người, giống như nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác.
Đó là khi các giọt bắn hô hấp do ai đó hắt hơi và người khác hít vào phổi và bằng cách chạm tay vào bề mặt bị nhiễm virus rồi sờ lên mắt, mũi hoặc miệng, theo Health Line.
Các bề mặt nhiễm mầm bệnh mà tay chạm vào có thể là tiền, tay nắm cửa, bàn phím máy tính, công tắc điện, nút bấm thang máy, nút xả nước nhà vệ sinh, điện thoại di động, bàn ghế, tay vịn thang cuốn ở siêu thị, tay vịn xe buýt...
Mặc dù có thể dễ dàng tránh được những người bị bệnh xung quanh, hoặc đề phòng virus trong không khí bằng cách sử dụng khẩu trang, nhưng hoàn toàn rất khó tránh được virus bám trên các bề mặt này.
Virus có thể sống trên các bề mặt cứng nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày. Các bề mặt này lại hay được nhiều người chạm vào, các nhà khoa học cho biết, theo Health Line.
Chúng ta sờ lên mặt vô số lần mỗi ngày. Gãi mũi, dụi mắt, chống cằm và dí tay lên khóe miệng... cứ thế mà sờ tay lên mặt một cách vô thức.
Mọi người sờ vào mặt nhiều đến độ nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ tay là cực kỳ cao.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy mọi người liên tục chạm tay vào mặt, trung bình từ 16 đến 23 lần mỗi giờ.
Và gần một nửa trường hợp sờ tay lên mặt là sờ vào miệng, mũi hoặc mắt, đó là những con đường dễ dàng nhất để virus và vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Chỉ cần sờ vào những nơi này sau khi tiếp xúc với mầm bệnh khi chạm tay vào bề mặt có virus.
Chỉ chạm một ngón tay nhiễm mầm bệnh lên mặt, miệng và mắt là virus có thể xâm nhập vào cơ thể một cách dễ dàng.
Dù có rửa tay thường xuyên đến mấy, vẫn không đủ để ngăn virus lây nhiễm vào cơ thể.
Biện pháp phòng ngừa tốt nhất là càng tránh sờ tay lên mặt càng tốt, theo Health Line.
Đó là một thói quen bạn có thể từ bỏ.
Tiến sĩ Zachary Sikora, từ Bệnh viện Tây Bắc Huntley ở Huntley, Illinois (Mỹ), đã đưa ra những lời khuyên sau để tránh sờ tay lên mặt trong mùa đại dịch Covid-19 này.
Luôn để tâm tránh sờ tay lên mặt
Chỉ cần một khoảng dừng ngắn có thể giúp bạn ý thức bạn đang làm gì với đôi tay của mình, tiến sĩ nói.
Giữ cho tay bận rộn
Nếu bạn đang xem TV ở nhà, hãy thử cầm thứ gì đó trên tay, khăn giấy cũng được, miễn là nó nhắc bạn đừng sờ tay lên mặt.
Nếu hội họp, bạn nên đan các ngón tay lại với nhau và đặt vào lòng.
Nhắc nhở bằng mùi thơm
Sử dụng chất khử trùng tay hoặc xà phòng rửa tay có mùi thơm để giúp nhắc nhở bản thân tránh sờ lên mặt. Mùi sẽ thu hút sự chú ý đến đôi tay.
Đeo găng tay
Nếu bạn thường xuyên sờ lên mặt, đeo găng tay có thể là một lời nhắc nhở hiệu quả.
Đeo găng tay khi bạn đi ở nơi công cộng và rất có thể bị phơi nhiễm khi chạm vào các bề mặt có virus. Sau đó, tháo bỏ găng tay khi bạn đến nơi.
Tuy có vẻ không bình thường, nhưng đeo găng tay ở nhà cũng có thể giúp bạn bỏ thói quen sờ lên mặt, theo Health Line.
Theo thanhnien.vn
Ngừa COVID-19: 5 lưu ý khi tiếp xúc người lạ Theo BS Trương Hữu Khanh, bất cứ ai đi ra ngoài giao tiếp với người lạ về nhà cũng phải rửa tay, thay quần áo rồi mới tiếp xúc người thân trong gia đình. Trong các ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam, có nhiều ca tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm COVID (nguồn lây nhiễm F0) qua nói chuyện trực tiếp, cùng...