Đa Blah (Lâm Đồng) – điểm dừng chân thú vị
Thôn Đa Blah là nơi diễn ra tuyến du lịch văn hoá của Trung tâm du lịch sinh thái và diễn giải môi trường thuộc VQG Bidoup – Núi Bà.
Anh K’Vâng – thành viên của Trung tâm, cho biết: Khác với tất cả các thôn khác ở ba xã Đa Sar, Đa Chais, Đa Nhim (ba xã nằm gần VQG), Đa Blah là thôn duy nhất ở khu vực này không nằm trải dài theo con đường tỉnh lộ 723 và còn giữ cách sống, cách sản xuất riêng của người Cơ Ho.
Hỏi về ý nghĩa cái tên Đa Blah, ông Kơ Să Ha Hai (86 tuổi) – một trong những người già ở thôn, nói: Đa Blah ý nói về một trận lũ lụt lớn cuốn trôi nhà cửa. Ngôi làng cũ trước đây đã chịu một trận lũ lớn, sau này mới chuyển tới vị trí này. Nhưng bà con vẫn giữ cái tên cũ. Điều này như để nhắc con cháu về những ngày gian khó của ông, cha.
Dẫn chúng tôi đi bộ dọc con đường nhựa lớn của thôn, chị Cil Pam Ka Nguyên – Trưởng thôn nói thêm: Cả thôn chỉ có một con đường nhựa lớn, còn lại là những hẻm nhỏ, đường mòn. Bởi trong thôn là những cụm nhà của các đại gia đình. Những mái nhà mới của con cái được dựng lên quanh ngôi nhà cũ của cha mẹ. Đa Blah hiện giờ đã có hơn 100 hộ sinh sống.
Đa Blah đặc biệt, đầu tiên có lẽ bởi không ngôi nhà nào ở đây có bờ rào, cổng sắt. Những ngôi nhà được ngăn cách bởi những hàng mai anh đào, giàn bông giấy, dãy tường vi, những hàng hồng thẳng lối hay vườn cà phê xanh tươi… Và sẽ khó mà tìm thấy ở Đa Blah một ngôi nhà xây, bởi bà con nơi đây vẫn dựng nhà theo cách cũ. Những ngôi nhà được làm nên từ những tấm gỗ mỏng. Một ngôi nhà được dựng lên, là những ngày tháng cần mẫn của chủ nhà với từng thanh gỗ và sự chung tay của tất cả bà con trong thôn. Nhà được bà con sơn màu tím, màu hồng, màu xanh hay cũng có ngôi nhà còn giữ nguyên màu nâu của gỗ. Những ngôi nhà đầy màu sắc ở nơi đây đã làm không ít du khách nghĩ tới ngôi làng chài “bích họa” ở ven biển Quảng Nam. Mỗi ngôi làng mang những nét đẹp khác nhau nhưng đều gợi lên cho khách ghé thăm những cảm giác bình yên đặc biệt.
Đa Blah là thôn duy nhất của xã Đa Nhim được các chuyên gia trong dự án Jica giai đoạn 1 chọn để xây dựng nhóm dệt thổ cẩm. Các chị em trong thôn đã được chị Rơ Ông Ka Tuyn – nghệ nhân dệt thổ cẩm của huyện Lạc Dương trực tiếp hướng dẫn chỉ dạy. Ngoài những giờ lên rẫy, những người phụ nữ ở đây lại miệt mài bên khung dệt. Sản phẩm của các chị hiện được bày bán tại Trung tâm du lịch sinh thái và diễn giải môi trường thuộc VQG.
Bên cạnh đó, Đa Blah cũng là một trong 3 thôn mục tiêu được Jica chọn để xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường. Các chuyên gia đến từ Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh đã có những tháng ngày sống tại Đa Blah để hướng dẫn bà con cách trồng cà phê thân thiện với môi trường. Đa Blah bình yên nằm giữa những quả đồi có hai tầng cây. Tầng trên là hồng và tầng dưới là cà phê. Nhờ vậy mà người nông dân vừa có thêm thu nhập đồng thời giảm được việc sử dụng một lượng lớn thuốc trừ sâu và phân bón hoá học. Đã nhiều du khách trong và ngoài nước, men theo những con đường mòn nhỏ leo lên những đồi cà phê xanh mướt, trĩu quả của bà con và được chính người dân giới thiệu về cách trồng trọt sản xuất của họ. Grace Looi – một cô gái làm việc ở Bộ giáo dục Singapore, tham quan ở Đa Blah đã thực sự ấn tượng và gọi cách trồng cà phê ở đây là “cà phê bóng râm” (tập quán trồng trọt lâu đời của các thế hệ ở châu Mỹ Latinh) và đã viết lên trên trang facebook của mình rằng: “Đa Blah – một nơi tuyệt đẹp, chắc chắn tôi còn muốn khám phá trong thời gian tới”.
Đến Đa Blah mùa này, màu xanh là chủ đạo bởi cà phê còn xanh và hồng cũng chưa chín. Nhưng độ tháng 11 trở đi, Đa Blah sẽ rực rỡ màu đỏ, vàng của cà phê và hồng chín rộ.
Với những thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới, Đa Blah nay đã khang trang hơn nhiều. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được ứng dụng vào sản xuất, đời sống bà con đã được cải thiện. Nhiều người ghé thăm Đa Blah – như một điểm du lịch thú vị. Nhưng buôn làng nhỏ này vẫn giữ nguyên cho mình nét bình dị vốn có.
Khám phá hai ngày ở xứ B'Lao Lâm Đồng
Nếu có được hai ngày cho hành trình khám phá cao nguyên B'Lao, khách nên đặt phòng nghỉ tại thành phố Bảo Lộc.
Giá phòng cho hai người dao động từ 150.000-350.000 đồng/đêm tuỳ chất lượng phòng. Bảo Lộc là thành phố trẻ, có nhiều quán ăn, quán cà phê đẹp và cả những quán sữa đậu nành nóng vỉa hè đầy thú vị.
Ngày đầu tiên, khách có thể chọn hướng đi thác Đambri để khám phá ngọn thác cao 70 mét, gần đó là ba tầng nước đổ của thác Đasara cũng như trải nghiệm xe trượt ống nối hai con thác với nhau. Du lịch Đambri có đầy đủ các dịch vụ ăn uống, giải trí và nghỉ ngơi. Thời gian khám phá khu vực này khoảng một buổi. Trước đó, vào buổi sáng, khách nên dành thời gian để khám phá, chụp ảnh với những đồi trà đẹp trên đường vào thác. B'Lao là xứ trồng trà nổi tiếng, có từ một thế kỷ nay, giờ hình thành một khu vực rộng lớn chỉ có trà nối tiếp nhau từ đồi này sang đồi khác. Về sau, người dân bản địa canh tác thêm cây cà phê và một số cây công nghiệp khác nhưng cây trà vẫn chiếm ưu thế. Những hình ảnh đẹp về trà đều được thực hiện ở xứ B'Lao này. Lễ hội trà hằng năm được tổ chức tại đây để tôn vinh cây trà và người trồng trà địa phương.
Đêm ngủ lại Bảo Lộc, khách đừng quên thưởng thức các món ăn địa phương, như dê núi hấp với lá dâm dương hoắc, gỏi lươn hoa chuối, heo rừng, gà đồi... Thưởng thức ly cà phê nóng sánh đặc bên bờ hồ lạnh buốt hay ly đậu nành ấm áp trước nhà thờ trên đường Trần Phú.
Ngày thứ hai, theo hướng xã Lộc Thành lên chùa Cổng Trời và khám phá thác Bảy Tầng- cách chùa khoảng 5km. Thời gian ghé lại chùa nên chọn sáng sớm hoặc chiều, vào lúc có nắng nhẹ để thưởng thức phong cảnh đẹp mê hồn ở đây. Lúc nắng gắt, ảnh không đẹp, làm mất đi không gian lãng mạn. Nếu đêm trước có mưa, nên ghé chùa vào lúc sáng sớm, khi mặt trời chưa mọc, để chiêm ngưỡng biển mây ở cổng trời tan dần theo ánh mặt trời. Nắng chiều ở đây tắt sớm, khách có thể chiêm ngưỡng hoàng hôn ở cổng trời trước khi trở lại Bảo Lộc. Riêng thác Bảy Tầng thích hợp cho nhóm bạn để khám phá vì khu vực này còn rất hoang sơ.
Rong chơi ở Vang Viêng Sau một hành trình dài gần 30 tiếng trên xe từ Siem Riep, Campuchia, tôi cũng đến được Vang Vieng, Lào. Vang Vieng là một thị trấn nhỏ xinh xắn và là một điểm dừng chân đầy thú vị trong hành trình khám phá nước Lào của tôi. Ở bến xe Viêng Chăn Sau khi xe đưa tôi đến Bến xe Viêng Chăn...