Đã ăn kiêng mà vẫn béo phì
Ăn kiêng để giảm cân nhưng cơ thể vẫn tròn lên trông thấy; ăn chay dài ngày toàn “rau cỏ” nhưng cân nặng không chịu giảm. Vì sao?
Mỗi người có một thói quen ăn uống riêng. Người thích ăn mặn, người thích ăn ngọt; có người thích ăn cơm, có người lại chỉ thích ăn vặt. Vì thế, ai đó cho rằng mình ăn ít là dựa trên suy nghĩ chủ quan của bản thân. Còn cơ thể lại “kết luận” và “phân chia” năng lượng theo quy luật riêng của nó. Nếu chúng ta ăn thừa năng lượng, cơ thể có nhiệm vụ chuyển năng lượng thừa này thành mỡ dự trữ để phòng khi “thiếu đói” sẽ đem ra sử dụng. Nhiều phụ nữ luôn cho rằng mình ăn ít, nhưng định nghĩa về ít hay nhiều lại do cơ thể quyết định. Năng lượng cơ thể có được phải được chuyển hóa từ thức ăn chứ không tự nhiên sinh ra. Khi bạn lên cân tức là bạn đã ăn nhiều hơn năng lượng cơ thể cần nên mới có “của để dành”. “Kho” của cơ thể là những vùng ít vận động như eo, lườn, mông, đùi…
Như vậy, ăn ít, ăn nhiều không thể ước lượng bằng mắt thường. Thông thường, phụ nữ lao động nhẹ như nhân viên văn phòng, một ngày tiêu thụ 1.800 Kcalo. Lao động chân tay cần 2.200 – 2.400 Kcalo. Như vậy, tùy dạng lao động mà mỗi bữa cần dùng từ 600 đến 800 Kcalo để đủ cho cơ thể hoạt động, giữ được trọng lượng ổn định, không lên không xuống. Nếu muốn giảm cân, bạn phải ăn ít hơn số năng lượng cơ thể cần. Lúc đó cơ thể mới “lôi” của để dành ra dùng. Nếu ăn kiêng mà vẫn béo phì thì thức ăn kiêng vẫn nhiều hơn mức cơ thể cần.
TS Nguyễn Thị Minh Kiều – GĐ Trung tâm Khoa học thực phẩm và dinh dưỡng TP.HCM, cho biết: Để ăn kiêng đúng cách, cần xem lại năng lượng của món ăn và cơm. Một chén cơm cỡ trung “sản xuất” 200 Kcalo; 100g gà bỏ xương xào sả ớt cho 272 Kcalo; đùi gà quay chứa 300 Kcalo; một chén mì sợi trộn thịt nạc hay xá xíu, mỡ hành cung cấp 250 Kcalo; một chén cơm chiên thập cẩm cho 400 Kcalo. Như vậy, khả năng thừa năng lượng sẽ rất cao. Ví dụ, một người buổi sáng thay thế đĩa cơm sườn nướng bằng đĩa cơm tấm bì nhỏ cũng nạp 627 Kcalo. Nếu là người lao động nhẹ thì nạp thừa 27 Kcalo, còn người lao động nặng dùng khẩu phần này sẽ thấy đói sau hai tiếng làm việc.
Còn người ăn chay, vì sao vẫn lên cân? Lời giải đáp là năng lượng không chỉ được cung cấp từ đạm (thịt, cá…) mà còn từ tinh bột, chất béo. 1g chất béo “sản sinh” 9Kcalo, trong khi 1g đường hoặc đạm chỉ cho 4Kcalo. Món chay do toàn “rau cỏ” nên cần tăng hương vị bằng cách xào, chiên, quay, ram (ví dụ như món rau củ tẩm bột chiên chấm tương, tàu hủ giả đùi gà chiên…). Lượng đạm không cao nhưng chất béo gia tăng nên người ăn chay dễ lên cân. Cần lưu ý, một số món ngọt có chứa nước cốt dừa dù không nhiều nhưng cung cấp năng lượng khá cao. Ví dụ, một chén chè khoai, bắp nhỏ có nước cốt dừa chứa trên 500 Kcalo (tráng miệng bằng chén chè gần đủ năng lượng của bữa ăn). Ăn nhiều chất béo không những làm chúng ta dễ béo phì mà còn không tốt cho sức khỏe. Vì thế, Viện Dinh dưỡng khuyến cáo, lượng chất béo một người nên dùng trong một tháng là 600g.
Để tránh béo phì, cần biết cách cân đối về lượng Kcalo ăn vào, tiết chế chất béo trong mức cho phép.
Theo VNE