Cứu vợ hay cứu mẹ?: Lựa chọn nghiệt ngã giữa sóng thần ở Indonesia
Trong cơn hoảng loạn, anh Udin Ahok buộc phải đưa ra một lựa chọn mà không ai muốn đối diện trong đời: cứu vợ hay cứu mẹ và đứa con bé bỏng.
Tối 22.12, khi anh Udin Ahok vừa đi ngủ thì bất thình lình bức tường nước khổng lồ ập vào ngôi nhà của anh ở làng Way Muli, trên bờ biển đảo Sumatra.
Hốt hoảng, anh tìm mọi cách để đến chỗ người mẹ 70 tuổi và đứa con trai một tuổi đang ngủ, nhưng rồi anh thấy vợ mình sắp chết đuối trong dòng nước xoáy.
“Tôi rất ân hận”
Anh đưa chị đến nơi an toàn và họ đã sống sót sau cơn thịnh nộ của trận sóng thần hình thành do núi lửa phun trào. Cơn sóng tràn vào vùng duyên hải xung quanh eo biển Sunda, giết chết hơn 400 người không có thời gian để chạy thoát.
Mẹ và con trai của Ahok được tìm thấy đã chết bên dưới đống đổ nát.
Nhân viên cứu hộ khiêng thi thể người chết sau sóng thần ở Rajabasa, tỉnh Lampung, Indonesia. Ảnh: AFP.
“Tôi không có thời gian để cứu mẹ và con trai mình”, anh Ahok vừa khóc vừa nói với AFP tại trại tạm trú ở một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất.
“Tôi rất ân hận vì việc đó. Tôi chỉ có thể hy vọng họ đã được Chúa dang tay đón nhận”, người đàn ông 46 tuổi nói.
Đang mang thai sáu tháng, chị Sulistiwati, một cư dân khác của làng Way Muli, giữ được mạng sống nhờ một người hàng xóm nhìn thấy chị chới với giữa dòng nước mặn.
“May mắn thay, anh ấy phát hiện ra tôi và kéo tôi ra khỏi con sóng. Chúng tôi chạy lên vùng đất cao hơn với những người hàng xóm khác”, chị nói.
“Trời tối đen. Tôi không biết mình có thai mà có thể chạy nhanh đến thế. Thật đáng sợ. Chúng tôi đợi trong vài giờ thì nước rút”.
Trên đảo Java bên kia eo biển Sunda, ông Saki đứng giữa đống đổ nát ở nơi từng là làng Sumber Jaya và tự hỏi làm thế nào ông có thể quay trở lại cuộc sống như trước.
“Tôi không thể xây lại, mọi thứ mất cả rồi – quần áo, tiền của tôi”, ông nói với AFP.
Thuyền bè bị đánh dạt vào nhà dân sau sóng thần ở Labuan, tỉnh Banten, Indonesia. Ảnh: AFP.
“Tôi có 19 triệu rupiah (khoảng 1.300 USD) trong nhà”, người đàn ông 60 tuổi nói. Sau trận sóng thần, người ông không còn lại gì ngoài chiếc mũ Hồi giáo màu trắng, một chiếc áo thun và một chiếc xà rông.
“Tôi đang ngủ ở nhà thờ và mỗi ngày tôi đều về đây vì tôi có rất nhiều tiền đã bị mất bên trong (ngôi nhà)”, ông cho biết.
Hai người thiệt mạng và ít nhất 20 ngôi nhà bị phá hủy tại khu dân cư nơi ông Saki sinh sống, theo người dân địa phương. Họ đã dành ngày Giáng sinh để tìm kiếm đồ đạc còn sót lại trong những ngôi nhà đổ nát.
Theo Đông Phong (Zing)
Video: Sóng thần cuối trôi ban nhạc rock trước mắt người xem
Khoảnh khắc trận sóng thần nhấn chìm cả ban nhạc đang biểu diễn vào rạng sáng Chủ nhật (ngày 23.12) đã được chia sẻ rộng rãi trên trang mạng Twitter.
Sóng thần ở Indonesia khiến 168 người thiệt mạng.
Vào rạng sáng Chủ nhật, ngày 23.12, một trận sóng thần đã bất ngờ ập vào eo biển Sunda, Indonesia, gây thiệt hại nặng nề. Theo AFP, con số người thiệt mạng trong trận sóng thần thảm khốc đã tăng lên 168, số người bị thương là 745, và con số thống kê vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong số các nạn nhân chịu ảnh hưởng của đợt sóng thần là ban nhạc Seventeen, bị nhấn chìm bởi cơn sóng dữ chỉ trong tích tắc khi đang biểu diễn trước hơn 100 nhân viên của công ty PLN, tập trung tại Tanjung Lesung cho một sự kiện cuối năm.
Trong lúc màn trình diễn đang được đẩy lên đến cao trào, cả ban nhạc rock địa phương và khán giả đều không ý thức được hiểm hoạ đang đến gần, thì sóng thần đã bất ngờ ập tới từ phía sau và cuốn trôi tất cả.
"Dòng nước đã cuốn trôi sân khấu được đặt sát bờ biển"- đại diện ban nhạc nói. "Nước đã dâng lên nhanh chóng và cuốn đi tất cả mọi người tại khu vực đó. Người chơi guitar bass, quản lý ban nhạc và những người khác vẫn đang mất tích".
Ca sĩ hát chính của Seventeen, Riefian Fajarsyah, cũng cho biết rằng vợ anh - nữ diễn viên Dylan Sahara - đã mất tích trong cơn sóng thần.
Theo Danviet
Những điều bất thường của thảm họa động đất, sóng thần ở Indonesia Có thể phải mất nhiều tháng nghiên cứu và khảo sát dưới biển để các nhà khoa học xác định được nguyên nhân gây ra thảm họa kép động đất, sóng thần ngày 28/9 tại Indonesia khiến khoảng 1.300 người thiệt mạng. Chưa lý giải được nguyên nhân Theo Guardian, các nhà khoa học vẫn đang cố gắng xác định nguyên nhân chính...