“Cựu ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc bị điều tra tham nhũng”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã “bật đèn xanh” cho một cuộc điều tra tham nhũng chống lại cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị nước này, ông Chu Vĩnh Khang, tờ New York Times của Mỹ đưa tin.
Ông Chu Vĩnh Khang từng là Bộ trưởng công an Trung Quốc, Ủy viên thường vụ Bộ chính trị
Dẫn các nguồn tin được miêu tả là “thân cận với giới chính trị thượng lưu”, tờ báo trên khẳng định quyết định điều tra ông Chu Vĩnh Khang được đưa ra hồi đầu tháng này.
Ông Chu từng là thành viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc và là một trong những chính trị gia quyền lực nhất thập niên vừa qua.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập niên, một quan chức cấp cao như vậy trở thành mục tiêu của một cuộc điều tra chính thức.
Một quan chức cấp cao đã tới nhà ông Chu để thông báo cho ông về diễn biến trên, và ông cùng với vợ sau đó đã bị đặt dưới sự “giám sát thường xuyên”, New York Times khẳng định mà không cho biết ông Chu đã bị bắt hay chưa.
Tờ báo của Mỹ dẫn lời 5 nguồn tin giấu tên khác nhau, trong đó có “một luật sư có mối quan hệ gia đình với những lãnh đạo cấp cao trong đảng”, và “cháu gái của một cố lãnh đạo”. Tất cả đều từ chối cung cấp danh tính do “nguy cơ bị buộc tội vì thảo luận những vấn đề chính trị nhạy cảm”.
“Không giống như cách đây vài tháng, khi ông ấy bị điều tra một cách bí mật và bị kiểm soát một cách mềm mỏng”, tờ báo dẫn lời vị luật sư nói. “Giờ tất cả đã chính thức”.
Kể từ sau khi lên nắm quyền đến nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tỏ ra cứng rắn với nạn tham nhũng trong đảng Cộng Sản nước mình. Ông Tập cảnh báo tham nhũng có thể hủy hoại đảng và dọa sẽ xử lý cả các quan chức cấp cao, hay “những con hổ”, lẫn các quan chức cấp thấp, “những con ruồi”.
Video đang HOT
Đảng cầm quyền Trung Quốc có một cơ quan kỷ luật nội bộ riêng, và họ có thể chuyển các vụ án sang hệ thống xét xử hình sự, nhưng cũng có thể không. Dù vậy không có gì đảm bảo rằng vụ điều tra đối với ông Chu sẽ được xác nhận một cách chính thức.
Quyết định được cho là của ông Tập và các nhà lãnh đạo khác trong việc tiến hành điều tra diễn ra sau khi một loạt các vụ điều tra đối với nghi án lạm dụng quyền lực và tham nhũng, của các quan chức và lãnh đạo công ty dầu khí có liên hệ với ông Chu.
Đến nay, quan chức cấp cao nhất bị sa lưới trong đợt truy quét vừa qua là ông Jiang Jiemin, cựu chủ tịch công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) – cơ quan ông Chu từng là lãnh đạo giai đoạn 1996 – 1998.
Hồi tháng 9 vừa qua, Jiang đã bị sa thải khỏi vị trí người đứng đầu cơ quan giám sát các doanh nghiệp quốc doanh, vì bị nghi “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật” – một cách nói khác thường được Trung Quốc dùng để chỉ tội tham nhũng.
Tham vấn toàn bộ lãnh đạo nghỉ hưu
Dẫn lời các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng của Hồng Kông khẳng định trước khi tiến hành chiến dịch chống tham nhũng hiện tại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham vấn với hầu như toàn bộ các lãnh đạo đảng đã về hưu.
Hiện tại còn ít nhất 19 thành viên Bộ chính trị Trung Quốc đã nghỉ hưu vẫn còn sống, và ông Tập đã tham vấn 17 người trong số này về cách thức thực hiện cuộc chiến chống tham nhũng, Tân Hoa Xã cho biết.
Những đợt tham vấn này diễn ra trước một cuộc họp bất thường của Bộ chính trị hiện tại của Trung Quốc về “4 tác phong” – cuộc bàn thảo của đảng Cộng Sản về việc lãnh đạo một cách hiệu quả, diễn ra từ ngày 22 – 25/6 vừa qua.
Vẫn theo Bưu điện Hoa nam buổi sáng, ông Tập Cận Bình đã thành lập một đơn vị đặc biệt, đứng đầu là một sỹ quan cảnh sát cấp cao và thứ trưởng Bộ công an, để điều tra bê bối xoay quanh Chu Vĩnh Khang, mà không dùng tới cơ quan kiểm tra kỷ luật của đảng Cộng Sản, các nguồn tin của tờ báo này cho biết..
Cảnh sát trưởng Bắc Kinh, ông Fu Zhenghua sẽ báo cáo trực tiếp lên ông Tập. Ông Fu là người đầu tiên trong lịch sử đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa nắm giữ vị trí lãnh đạo lực lượng cảnh sát vũ trang Bắc Kinh, vừa là ủy viên thường vụ đảng ủy Bắc Kinh và thứ trưởng Bộ công an.
Sự bổ nhiệm này là bất thường, và nó cho thấy không chỉ mức độ nhạy cảm của vụ việc liên quan đến ông Chu mà còn cả sự quan tâm của cá nhân ông Tập.
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo Dantri
Thủ tướng Đức Merkel hoàn tất việc chọn liên minh lập chính phủ mới
Với việc đảng Dân chủ xã hội đã phê chuẩn với tỉ lệ ủng hộ rất cao việc thành lập chính phủ liên minh với đảng Dân chủ thiên chúa giáo của bà Merkel, vị nữ thủ tướng đã vượt qua trở ngại cuối cùng để thành lập chính phủ cho nhiệm kỳ thứ ba.
Đảng của ông Sigmar Gabriel đã chấp nhận liên minh với đảng của bà Merkel
Theo bà Barbara Hendricks, người phụ trách tài chính của đảng Dân chủ xã hội (SPD), có tới 76% trong số 475.000 thành viên của đảng này ủng hộ thỏa thuận liên minh với đảng Dân chủ thiên chúa giáo (CDU) của bà Merkel trong cuộc bỏ phiếu qua bưu điện.
Cuộc trưng cầu chưa từng có tiền lệ và có tính chất ràng buộc đã thu hút tới gần 78% thành viên của SPD tham gia, đánh dấu một thắng lợi cho chủ tịch đảng này là ông Sigmar Gabriel. Mới 3 tháng trước SPD đã thua đau trước CDU trong cuộc tổng tuyển cử.
"Tôi chưa từng thấy đảng của tôi lại quan tâm đến chính trị lớn đến thế trong suốt 36 năm tôi thuộc về đảng", ông Gabriel vui mừng chia sẻ với phóng viên.
Cuộc bỏ phiếu này có nghĩa là bà Merkel có thể được chính thức tái bổ nhiệm bởi Hạ viện Đức, để trở thành vị thủ tướng thứ ba nắm quyền 3 nhiệm kỳ tại Đức kể từ sau Thế chiến II.
Danh sách nội các của chính phủ liên minh sẽ chính thức được công bố vào 15/12, tuy vậy, báo giới đã tiết lộ nhiều vị trí chắc chắn.
Bộ trưởng tài chính Wolfgang Schaeuble, một trong những kiến trúc sư chính về phản ứng của Đức trước khủng hoảng tại eurozone, tiếp tục tại vị.
Ông Frank-Walter Steinmeier, thành viên SPD, dự kiến quay trở lại làm Ngoại trưởng, sau khi từng đảm nhận vị trí này trong nhiệm kỳ đầu tiên của bà Merkel, giai đoạn 2005 - 2009.
Trong khi đó ông Gabriel dự kiến sẽ lãnh đạo một "siêu Bộ" chịu trách nhiệm về kinh tế và quá trình chuyển đổi đầy tham vọng của Đức từ năng lượng hạt nhân sang năng lượng tái tạo.
Vị trí Bộ trưởng quốc phòng sẽ có bất ngờ lớn khi bà Ursula von der Leyen, mẹ của 7 đứa con, dự kiến trở thành nữ Bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của Đức.
Trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, đảng CDU đã giành chiến thắng vang dội với 41,5% phiếu bầu nhờ duy trì kinh tế vững mạnh. Đảng SPD với 150 năm lịch sử chỉ về thứ hai, với 25,7% phiếu bầu, tỉ lệ thấp nhất từ sau Thế chiến II.
Thanh Tùng
Theo Dantri
2 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B Sở Y tế tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc cho hay 2 em bé đã thiệt mạng và một bé khác đang được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện sau khi được tiêm vaccine viêm gan B. Bác sĩ Zhang Shujun, thuộc chương trình tiêm chủng của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Hồ Nam, cho biết 3 trẻ sơ sinh này...