Cựu TT Nam Phi: “Tướng Giáp là anh hùng dân tộc của chúng tôi”
Tờ AFP (Pháp) ca ngợi, những chiến thắng mà Tướng Giáp giành được là nhờ thiên tài bẩm sinh chứ không phải do được đào tạo chính quy.
Sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần đã được báo chí quốc tế đồng loại đưa tin cùng những lời ca ngợi đầy ngưỡng mộ dành cho người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới độc giả bài về Đại tướng trên hãng tin Pháp AFP với tựa đề: “Tướng Giáp: Thiên tài quân sự được phương Tây kính nể”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara.
Một thiên tài bẩm sinh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được coi là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất lịch sử và là kiến trúc sư của những chiến thắng lừng lẫy của Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Thế nhưng, bài học quân sự đầu tiên của viên tướng từng là một giáo viên lịch sử lại đến từ một mục trong bách khoa toàn thư cũ về cơ chế hoạt động của lựu đạn.
Là con trai của một nhà nho nghèo, năm 1954 ông đã đánh bại thực dân Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ, trận chiến chấm dứt sự cai trị của Pháp ở Đông Dương nhưng lại mở đầu cho sự can dự trực tiếp của Mỹ vào chiến trường Việt Nam.
Sau sự kiện trên, các chiến thuật chiến tranh du kích của ông đã truyền cảm ứng cho các chiến binh chống thực dân trên toàn thế giới.
Hai thập kỷ tiếp theo, người cha đẻ của Quân đội nhân dân Việt Nam một lần nữa lại lãnh đạo quân đội mình chiến thắng Đế quốc Mỹ, kết thúc bằng sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn ngày 30/4/ 1975.
“Khi còn trẻ, tôi có một giấc mơ rằng một ngày nào đó sẽ được nhìn thấy đất nước tôi tự do và thống nhất”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại sau này trong một cuộc phỏng vấn PBS.”Ngày hôm đó, giấc mơ của tôi đã thành sự thật”.
Nhà báo, sử gia người Mỹ Stanley Karnow từng viết rằng, tầm vóc lỗi lạc của một nhà chiến lược đã đưa Tướng Giáp vào hàng ngũ “những lãnh đạo quân sự vĩ đại” của thế giới như Công tước xứ Wellington Ulysses S. Grant và Thống tướng Douglas MacArthur của Mỹ.
“Tuy nhiên, không giống như họ, những thành công mà ông gặt hái được là nhờ thiên tài bẩm sinh chứ không phải do được đào tạo chính quy”.
Ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 7/2008
Video đang HOT
Từ giảng đường đến chiến trường
Sinh ngày 25/8/1911 tại tỉnh Quảng Bình, miền Trung Việt Nam, Tướng Giáp là người ngưỡng mộ Napoleon và Tôn Tử nhưng không phải ông sinh ra đã trở thành người lính.
Thông thạo tiếng Pháp, ông từng nghiên cứu kinh tế chính trị ở Hà Nội trước khi giảng dạy lịch sử và văn học và cũng từng làm nghề viết báo.
Năm 1939, ông sang Trung Quốc với tư cách là đảng viên của Đông Dương Cộng sản Đảng để cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia lãnh đạo cách mạng từ ngoài nước.
Năm 1941, ông cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về cánh rừng phía Bắc Việt Nam để huấn luyện những người lính nông dân làm cách mạng và đồng sáng lập tổ chức Việt Minh.
Các chiến thuật chiến tranh du kích với sự coi trọng đặc biệt vai trò của quần chúng nhân dân, giá trị các cuộc tấn công “đánh nhanh, rút nhanh” và ý chí chiến đấu một cuộc chiến tranh trường kỳ đã giúp tướng Giáp đánh bại cả Thực dân Pháp và quân đội Mỹ sau này.
“Chiến tranh du kích là cuộc chiến tranh của đông đảo quần chúng nhân dân ở một quốc gia lạc hậu về kinh tế chống lại một đội quân xâm lược hùng mạnh, được trang bị hiện đại và được huấn luyện bài bản”, Tướng Giáp viết trong hồi ký của mình.
“Mỗi người dân là một người lính, mỗi xóm làng là một pháo đài”
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập chính phủ đầu tiên và bổ nhiệm Tướng Giáp là Bộ trưởng nội vụ, Tổng tư lệnh quân đội và sau đó là Bộ trưởng Quốc phòng.
Khi quân đội Pháp tái lập chế độ thực dân sau Thế chiến thứ Hai, những người cách mạng Việt Nam buộc phải rút vào rừng để chống trả kẻ thù suốt 9 năm, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ.
“Đó là thất bại lớn đầu tiên đối với phương Tây”, Tướng Giáp kể lại. “Cuộc chiến đã làm rung chuyển thành lũy của chủ nghĩa thực dân và cổ vũ mọi người dân đấu tranh cho tự do của họ – đó là sự khởi đầu của nền văn minh quốc tế”.
Tướng Giáp vẫn giữ vai trò Tổng tư lệnh quân đội trong suốt cuộc chiến tranh kéo dài với Mỹ và chế độ Miền Nam Việt Nam do Mỹ hậu thuẫn sau này.
Sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn vào ngày 30/4/ 1975 đã đưa Tướng Giáp lên vị trí gần như huyền thoại trong mắt người nước ngoài như một chiến lược gia bậc thầy và đã khích lệ phong trào giải phóng dân tộc ở khắp mọi nơi.
“Khi chúng tôi lớn mạnh trong cuộc đấu tranh của chính mình, Tướng Giáp là một trong những anh hùng dân tộc của chúng tôi”, cựu Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki phát biểu năm 2007.
Theo soha
Nguyên TBT Lê Khả Phiêu: Anh Văn là một nhân cách lớn
Trong suốt câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhiều lần nhắc đến nhân cách lớn của ông, đó là sự nhẫn.
Dù ở hoàn cảnh nào, ông luôn kiên nhẫn, nhẫn nại cho lợi ích chung của Tổ quốc, của nhân dân.
Chân chính
Nguyên Tổng bí thư cho rằng, vốn giàu lòng yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, được Đảng, Bác Hồ đào tạo, giáo dục, cùng với sự tự học, tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu, với tài trí thông minh, sáng tạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng văn, võ song toàn.
"Vừa võ vừa văn, cả hai lĩnh vực ấy quyện vào nhau, hỗ trợ nhau, đều hay, đều giỏi: quân sự - chính trị - kinh tế - văn hóa, văn hóa - chính trị - kinh tế - quân sự" - ông nói.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu năm 2000. Ảnh: Trần Tuấn.
Về thành tựu quân sự, ông Lê Khả Phiêu cho rằng trong quá trình lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có công rất lớn, góp phần xứng đáng vào việc hình thành một học thuyết quân sự độc đáo Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh - đường lối chiến tranh nhân dân.
Điện Biên Phủ và kháng chiến chống Mỹ đều ghi dấu ấn của Đại tướng.
Với chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Phiêu khẳng định tư tưởng "Đánh chắc, tiến chắc" và chiến thuật "kéo pháo vào, kéo pháo ra" của Đại tướng thể hiện sự tài tình, trí tuệ, nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Ông nhớ lại trong Đại thắng mùa xuân 1975, ấn tượng nhất là mệnh lệnh "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
"Tôi nhớ lúc đó khi đang ở mặt trận thì nhận được thư viết tay của Đại tướng chỉ đạo chiến dịch. Thư tay gửi đến tận nơi cho chúng tôi với nội dung trên. Ngay khi nhận, chúng tôi đã sao y gửi toàn quân đoàn. Lúc đó, khi có thời cơ thuận lợi, chúng tôi đã xốc lên, vượt lên ở mặt trận..." - nguyên Tổng bí thư bồi hồi nhớ lại.
... Trong suốt thời gian chiến tranh, gần như không có sự kết nối trực tiếp giữa Đại tướng và ông Phiêu. Một người ở mặt trận chỉ huy trung ương. Một người ở mặt trận chiến đấu trực tiếp.
Chiến tranh khép lại. Những trọng trách công việc thời bình khiến hai người gần gũi nhau trực tiếp nhiều hơn.
"Tôi và Đại tướng có quá nhiều kỷ niệm gắn bó. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ. Ngay ở chỗ này, anh đến thăm tôi hôm đó... trò chuyện biết bao điều", ông Phiêu nói.
Anh Văn là người cộng sản chân chính, trong sáng - ông Lê Khả Phiêu nói. Ảnh: Phạm Hải.
Nguyên Tổng bí thư nhớ mãi hội nghị kỷ niệm thành lập đội tuyên truyền giải phóng quân ở Thái Nguyên năm 1993.
12 giờ đêm trước ngày hội nghị, ông trăn trở bên bàn viết. Cho đến sáng hội nghị khai mạc, ông (lúc đó trong vai trò Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) được mời đến dự và phát biểu.
Đến dự hội nghị khi đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài phát biểu được mở đầu "Thưa anh Văn", toàn bộ hội trường vang lên tiếng vỗ tay rầm rầm không ngớt của những vị đại biểu, của những cựu chiến binh, cán bộ quân đội... Chỉ cần mấy chữ đó nhưng đã từ rất lâu nay mới trở lại.
"Nhân dân ta đánh giá cao công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng mãi mãi xứng đáng là "Anh cả" của quân đội nhân dân Việt Nam. Bạn bè thế giới, các nhà chính khách, học giả, các nhà quân sự khâm phục, kính trọng Đại tướng và coi ông là một danh tướng tài ba thao lược.
Trong suốt câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhiều lần nhắc đến nhân cách lớn của ông, đó là sự nhẫn.
Dù trong những hoàn cảnh khác nhau, ở những cương vị, trọng trách khác nhau, Đại tướng luôn kiên nhẫn, nhẫn cho lợi ích chung của Tổ quốc, của nhân dân.
"Anh Văn là người cộng sản chân chính, trong sáng. Một con người như thế, từng trải bao điều, nhưng trong những hoàn cảnh khác nhau, đã luôn đặt lợi ích chung của Tổ quốc, nhân dân trên hết" - ông nói. "Có điều tốt là cứ phân công việc gì anh cũng làm. Và làm bằng hết tâm, hết trách nhiệm của mình".
Tư duy mới
Theo nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là nhà quân sự, mà còn là nhà tư tưởng, văn hóa, khoa học, luôn gắn lý luận với thực tiễn. Đại tướng rất coi trọng quá trình tổng kết lịch sử, nhất là những bước ngoặt, lúc thuận lợi, khi khó khăn để rút ra những bài học cho lãnh đạo và cho chính mình.
Với những lĩnh vực trên, theo nguyên Tổng bí thư, Đại tướng là một người có kiến thức rộng và một tư duy mới.
Về công cuộc đổi mới của đất nước, với trách nhiệm và tâm huyết của một người cách mạng lão thành đối với sự phát triển của đất nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đóng góp những ý kiến rất quan trọng cho Đảng và Nhà nước.
Đại tướng luôn khẳng định công cuộc đổi mới đã giành được những thành tựu to lớn.. Nhưng ông cũng cho rằng phải nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, thấy rõ yếu kém, nhược điểm tránh cho được bệnh "chủ quan, kiêu ngạo cộng sản", nhìn rõ mâu thuẫn, thực tế của đất nước, của thế giới để có quyết sách đột phá phù hợp với quy luật, đưa đất nước phát triển tiến lên, sớm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh...
Những vấn đề như mở rộng Hà Nội, khai thác bô-xít Tây Nguyên... ông đều có chính kiến và đã gửi thư góp ý cho lãnh đạo cấp cao.
Đại tướng rất quan tâm đến vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
Theo nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, về xây dựng Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhấn mạnh phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, giữ vững nguyên tắc Đảng sử dụng hiệu quả vũ khí tự phê bình và phê bình, đoàn kết, thống nhất đi đôi với mở rộng dân chủ trong Đảng, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, xa rời quần chúng, chống tham nhũng, lãng phí... xóa bỏ tệ nạn xã hội để Đảng xứng đáng là lương tâm, trí tuệ, danh dự của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam.
Và trên cơ sở đó, mà xây dựng, củng cố Nhà nước thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân, mỗi cán bộ, công chức nhà nước phải là công bộc của dân như Bác Hồ từng căn dặn.
Theo soha
Trên chuyến xe về nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay trong đêm Lái xe Bùi Văn Tuấn sững người lại khi được nghe báo tin dữ. Còn ông Nam thì thảng thốt: "Đại tướng mất thật rồi sao..." Chuyến xe trong đêm ngợp nỗi buồn thương. Ngay sau khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần vào chiều tối ngày 4/10/2014, nhóm PV chúng tôi đã ngay lập tức nhận nhiệm vụ cho...