Cựu tổng thống Nelson Mandela nhập viện
Lãnh tụ Nelson Mandela – người được người dân Nam Phi và toàn thế giới kính trọng – đã phải nhập viện hôm 25-2 ở tuổi 93, sau khi các bác sĩ cho rằng ông cần được điều trị các vấn đề ở ổ bụng tồn tại lâu nay.
Cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela xuất hiện ở trận chung kết World Cup 2010 – Ảnh: CNN
Trong một tuyên bố, Tổng thống Jakob Zuma cho biết: “Chúng tôi mong ông sẽ nhanh chóng phục hồi và xin gửi đến ông những tình yêu thương và những lời chúc tốt đẹp nhất của tất cả người dân Nam Phi và người dân toàn thế giới”.
Tổng thống Jakob Zuma cũng kêu gọi mọi người hãy tôn trọng sự riêng tư của “Madiba” (nghĩa là già làng, cách gọi trìu mến dành cho ông Nelson Mandela) và gia đình ông trong thời gian này.
Tuyên bố không đề cập đến bệnh viên nơi ông Nelson Mandela đang điều trị.
Video đang HOT
Những năm gần đây, sức khỏe của ông Nelson Mandela ngày càng suy giảm. Ông đã phải nhập viện vào đầu năm 2011 vì nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và rất ít xuất hiện trước công chúng.
Năm ngoái, ông trở về ngôi nhà của mình ở Qunu, thuộc khu vực tây nam của Nam Phi, nơi ông đã lớn lên. Đầu năm nay, Mandela đến một ngôi làng ở Eastern Cape để tịnh dưỡng.
Cựu lãnh tụ Nelson Mandela được người dân Nam Phi và toàn thế giới kính trọng vì những hoạt động không mệt mỏi trong cuộc chiến chống lại chế độ phân biệt chủng tộc.
Ông được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1993, một năm trước khi được bầu làm tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, sau đó từ nhiệm vào năm 1999.
Theo Tuổi Trẻ
Người nổi tiếng nói với sinh viên Harvard
Để kỉ niệm 375 năm thành lập ĐH Harvard, bài phát biểu của những người nổi tiếng thế giới sẽ được phát lại trên sân trường Harvard trong một chương trình có tên Tiếng nói Harvard.
Những bài phát biểu của Bill Gates, nhà văn J.K. Rowling (tác giả của Harry Potter), tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt, thủ tướng Anh Winston Churchill, tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, mẹ Teresa Calcutta hay của mục sư Martin Luther King được phát từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối tại sân trường Havard trong 10 ngày (7/10 đến 16/10/2011).
Bill Gates: Tiến bộ vĩ đại nhất của con người là giảm thiểu bất bình đẳng
Bill Gates, Chủ tịch Microsoft và là người sáng lập quĩ từ thiện Bill & Melinda Gates, tự nhận mình "có ảnh hưởng xấu" và là "người thành công nhất trong những người thất bại".
"Nhìn lại một cách nghiêm túc, có một điều làm tôi rất hối hận. Tôi rời Harvard mà không ý thức được sự bất bình đẳng khủng khiếp trên thế giới - sự chênh lệch đáng sợ về sức khỏe, khoảng cách giàu nghèo và cũng như cơ hội giải thoát cho hàng triệu người đang sống trong cảnh tuyệt vọng.
"Hãy cho nhiều hơn nhận" - Bill Gates.
Ở Harvard, tôi đã được học rất nhiều về những ý tưởng mới trong kinh tế, chính trị và những tiến bộ khoa học. Nhưng tiến bộ vĩ đại nhất của nhân loại không phải nằm trong những khám phá của nó - nhưng làm thế nào để những khám phá này được áp dụng để giảm thiểu sự bất công.
Liệu những bộ óc siêu việt có giải quyết vấn đề lớn nhất của chúng ta không? Liệu những người có đặc quyền nhất trên thế giới có biết về cuộc sống của những người ít đặc quyền nhất thế giới?
Đây không phải là câu hỏi tu từ - bạn hãy trả lời tùy cách nghĩ của mình.
Mẹ tôi, người đã rất tự hào khi tôi đỗ vào đây - không ngừng khuyến khích tôi làm nhiều việc tốt cho người khác. Một vài ngày trước lễ cưới của tôi, bà đã tiếp đón cô dâu và đọc to một lá thư về hôn nhân mà bà đã viết cho Melinda. Mẹ tôi bị bệnh ung thư rất nặng nhưng bà đã nhìn thấy nhiều cơ hội để truyền đạt thông điệp của mình và kết thúc bức thư bà nói: "Hãy cho nhiều hơn nhận".
Đừng để khó khăn cản bước bạn. Hãy là một nhà hoạt động xã hội. Đảm nhận giải quyết những bất công. Đó sẽ là một kinh nghiệm sống quý báu trong cuộc đời của bạn".
J.K. Rowling: Lợi ích của thất bại và tầm quan trọng của trí tưởng tượng
Chia sẻ với các sinh viên Harvard, tác giả của tập truyện Harry Potter nói về hai bài học về lợi ích của thất bại và tầm quan trọng của trí tưởng tượng:
Ở tuổi các bạn, điều tôi lo lắng nhất không phải nghèo khổ mà là thất bại.
...Vậy tại sao tôi lại nói về lợi ích của thất bại? Đơn giản vì thất bại có nghĩa là tước bỏ hết những chuyện phù phiếm. Tôi trở về đúng con người thật của mình, không phải đóng kịch thành bất cứ ai và tập trung năng lượng vào công việc có ý nghĩa nhất với mình. Nếu đã thành công ở bất kì lĩnh vực nào khác thì tôi đã không đủ bền chí để theo đuổi và đạt được thành công ở lĩnh vực mà tôi tin tưởng rằng đúng là lĩnh vực của mình.
Tôi đã thực sự tự do vì nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi đã thành hiện thực, mà tôi vẫn sống, tôi vẫn còn đứa con gái yêu, vẫn còn chiếc máy đánh chữ và một ý tưởng lớn. Và như vậy, đáy sâu của sự thất bại là một nền tảng vững chắc để tôi xây dựng lại cuộc đời.
Có thể bạn không thất bại như tôi, nhưng trong cuộc sống, thất bại là không thể tránh khỏi. Bạn không thể sống mà không thất bại chuyện gì đó, trừ khi bạn sống quá cẩn trọng đến nỗi như là không sống - trong trường hợp này, bạn thất bại hoàn toàn.
"Đáy sâu của sự thất bại là một nền tảng vững chắc để tôi xây dựng lại cuộc đời" - J.K. Rowling.
Việc thành công ở các kì thi không thể đem lại cho tôi cảm giác an tâm như thất bại đem lại. Thất bại dạy tôi những thứ mà không trường lớp nào có thể dạy. Tôi khám phá ra rằng mình có một ý chí mạnh mẽ và kỉ luật hơn mình tưởng, và cũng biết rằng mình có những người bạn đáng giá ngàn vàng.
Bạn sẽ nhận thấy bạn khôn ngoan và mạnh mẽ hơn từ những thất bại, như vậy có nghĩa là từ nay, bạn hoàn toàn có khả năng sinh tồn. Bạn sẽ không bao giờ hiểu được bản thân mình hoặc sức mạnh của cá mối quan hệ xung quanh bạn cho đến khi cả hai được thử thách trong nghịch cảnh. Hiểu được điều đó là một món quà thực sự, cho dù phải đau đớn để nhận được, thì đó vẫn có giá trị hơn mọi thành tích mà tôi đạt được.
Bây giờ có thể các bạn nghĩ rằng tôi chọn mệnh đề thứ hai: tầm quan trọng của trí tưởng tượng, vì đó là phần mà tôi đã xây dựng lại cuộc đời, nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Trí tưởng tưởng không chỉ là khả năng của con người hình dung ra những điều không có thật, là nguồn mạch của tất cả phát mình và sáng tạo. Trí tưởng tượng còn có khả năng biến đổi con người và khiến người ta tỉnh ngộ, nó khiến ta biết đồng cảm với những người khác hằn với chúng ta.
Nhiều người không thích dùng đến trí tưởng tượng của mình. Họ chọn ở lại trong giới hạn của những trải nghiệm bản thân, không bao giờ bận tâm suy nghĩ mình sẽ ra sao nếu là một người khác. Họ có thể từ chối nghe những tiếng la hét trong xà lim, họ có thể đóng cửa tâm trí và trái tim với những đau khổ không ảnh hưởng đến bản thân mình, họ có thể từ chối không muốn biết.
Suýt nữa thì tôi ganh tị với những người sống được như vậy, chỉ có điều tôi không nghĩ rằng họ ít bị ác mộng hơn tôi. Chọn lối sống hẹp hòi, xa lánh đồng loại có thể đưa ta đến một trạng thái tâm thần sợ hãi đám đông, tự nó cũng mang đến những nỗi kinh hoàng. Tôi nghĩ những kẻ cố tình không có óc tưởng tượng như thế sẽ gặp nhiều ác quỷ. Họ thường sợ sệt hơn.
Hơn nữa, những người chọn sự vô cảm thường giúp sản sinh thêm nhiều ác quỉ trên đời này. Vì cho dù chính chúng ta không phạm tội ác, chúng ta đã đồng lõa với tội ác vì sự thờ ơ của chúng ta.
Chúng ta không cần phép thuật để thay đổi thế giới, chúng ta có đủ sức mạnh rồi: sức mạnh tưởng tượng những điều tốt đẹp hơn.
Mẹ Teresa Calculta: "Hãy lên đường tìm đến với những người nghèo khổ"
Trong bài phát biều năm 1982 tại Harvard, chủ nhân của giải Nobel Hòa bình, mẹ Teresa nói: "Tôi không có vàng bạc để cho người dân Mỹ, nhưng tôi cho đi những người chị em của tôi, và tôi hy vọng, cùng với họ, bạn sẽ nhanh chóng lên đường tìm đến với những người nghèo khổ. Và nếu bạn tìm thấy họ, nếu bạn đến để hiểu họ, bạn sẽ yêu mến họ. Và nếu bạn yêu mến họ, bạn sẽ làm điều gì đó cho những người ấy".
"Hãy lên đường tìm đến với những người nghèo khổ" - mẹ Teresa nhắn nhủ sinh viên Harvard năm 1982.
Theo Hoàng Xuân
Khoa học & Đời sống Online