Cựu Tổng thống Donald Trump tới Florida đối mặt với các tội danh hình sự
Chiều 12/6 (giờ Mỹ), cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tới Miami để đối mặt với các cáo buộc hình sự liên bang liên quan đến vụ điều tra lưu trữ các tài liệu mật tại nhà riêng sau khi ông rời khỏi Nhà Trắng.
Máy bay riêng của cựu Tổng thống Trump hạ cánh xuống sân bay quốc tế Miami ngày 12/6. Ảnh: AP
Theo hãng tin Reuters, ông Trump – ứng cử viên hàng đầu cho đề cử của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 – dự kiến xuất hiện tại tòa án liên bang Miami vào 3h chiều ngày 13/6 (giờ địa phương).
Trước 37 tội danh hình sự bao gồm bao gồm vi phạm Đạo luật gián điệp, âm mưu cản trở công lý và khai báo sai sự thật, ông Trump đã tuyên bố mình vô tội và thề sẽ tiếp tục vận động tranh cử để trở thành tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 11/2014.
Trước đám đông người ủng hộ tại Georgia vào cuối tuần qua tại một sự kiện vận động, ông Trump cho biết sẽ đưa ra một tuyên bố vào tối 13/6 khi ông trở về New Jersey.
Cựu Tổng thống Trump ngồi trong xe vẫy tay với người ủng hộ. Ảnh: AP
Truyền thông xuất hiện tại đường phố Miami mong chờ chụp được hình ông Trump. Ảnh: AP
Người ủng hộ tràn xuống bên đường vẫy chào cựu tổng thống đi ngang qua. Ảnh: AP
Từ những gì đã từng xảy ra tại Điện Capitol vào ngày 6/1/2021, các quan chức đã nêu lên những lo ngại về an ninh đối với đám đông ủng hộ ông Trump. Cảnh sát trưởng Miami Manny Morales cho biết thành phố đang lên kế hoạch cho quy mô đám đông lên tới 50.000 người và sẽ phong tỏa các con đường trong khu vực trung tâm thành phố nếu cần thiết.
Theo bản cáo trạng của đại bổi thẩm đoàn công bố vào tuần trước, Cố vấn đặc biệt liên bang Jack Smith đã cáo buộc cựu Tổng thống Trump lấy đi hàng nghìn tài liệu chứa một số bí mật an ninh quốc gia nhạy cảm nhất của quốc gia khi ông rời Nhà Trắng vào tháng 1/2021 và cất giữ chúng một cách bất cẩn tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida của ông. Các bức ảnh có trong bản cáo trạng cho thấy các hộp tài liệu được lưu trữ trên sân khấu phòng khiêu vũ, trong phòng tắm và nằm rải rác trên sàn nhà kho.
Ông Trump là cựu tổng thống đầu tiên phải đối mặt với tội danh hình sự, nhưng các chuyên gia pháp lý nói rằng điều này không ngăn cản ông tranh cử tổng thống hoặc nhậm chức ngay cả khi ông bị kết tội.
Các chuyên gia pháp lý, bao gồm cả cựu Bộ trưởng Tư pháp William Barr, nói rằng đây là một vụ kiện nghiêm trọng. Các cáo buộc bao gồm vi phạm Đạo luật Gián điệp, hình sự hóa việc sở hữu trái phép thông tin quốc phòng và âm mưu cản trở công lý, có mức án tối đa là 20 năm tù.
Tuy nhiên, bất chấp những cáo buộc hình sự, mức độ nổi tiếng của cựu Tổng thống Trump với cử tri đảng Cộng hòa vẫn không hề giảm sút.
Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được công bố vào ngày 12/6 cho thấy 81% đảng viên Cộng hòa cho rằng các cáo buộc có động cơ chính trị. Cuộc thăm dò cũng cho thấy ông Trump tiếp tục dẫn trước các đối thủ của mình trong cuộc bầu cử tổng thống của đảng với một tỷ số cách biệt lớn.
Video đang HOT
Khoảng 43% đảng viên Cộng hòa cho biết ông Trump là ứng cử viên ưa thích của họ, so với 22% chọn Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, đối thủ tiềm năng của Trump. Vào đầu tháng 5, tỷ lệ bình chọn giữa ông Trump và DeSantis là 49% đến 19%.
Toàn cảnh diễn biến và dự báo về vụ cựu Tổng thống Trump lại bị truy tố hình sự
Cựu Tổng thống Trump lại bị truy tố: Những tội danh có thể bị cáo buộc là gì? Liệu ông Trump có phải đối mặt với thời gian ngồi tù và có thể tiếp tục tranh cử hay đắc cử tổng thống?
"Tôi vô tội", cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố về cuộc điều tra tài liệu mật. Ảnh: AP
Theo tờ Politico, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị truy tố một lần nữa, lần này liên quan đến việc xử lý các tài liệu mật sau khi ông rời Nhà Trắng.
Vụ việc bắt nguồn từ việc cựu tổng thống bị cáo buộc lưu giữ các tài liệu nhạy cảm về an ninh quốc gia tại nơi cư trú của ông ở Florida và những nỗ lực bị cáo buộc là nhằm cản trở nhà chức trách lấy lại những tài liệu đó. Các tội danh cáo buộc chưa được công khai nhưng theo các nguồn tin thì có thể gồm 7 tội danh.
Năm ngoái, chính phủ liên bang đã thu hồi hơn 300 tài liệu có đóng dấu mật từ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump, bao gồm một số tài liệu được dán nhãn "tuyệt mật" mà FBI đã thu giữ trong một cuộc đột kích diễn ra vài tháng sau khi các luật sư của ông Trump giao nộp 15 hộp tài liệu ban đầu.
Bản cáo trạng mới được đưa ra hai tháng sau khi cựu lãnh đạo Mỹ bị buộc tội tại tòa án bang New York vì cáo buộc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh liên quan đến khoản tiền "bịt miệng" cho một ngôi sao khiêu dâm. Nhưng bản cáo trạng liên bang trong cuộc điều tra tài liệu mật sẽ khác ở nhiều khía cạnh so với các cáo buộc ở New York và có thể gây ra những rủi ro pháp lý nghiêm trọng hơn nhiều cho ông Trump.
Dưới đây là những diễn biến đã biết và có thể xảy ra trong thời gian tới, theo tờ Politico:
Cựu Tổng thống Trump bị buộc tội gì?
Bản cáo trạng hiện đang được niêm phong, nhưng nó được cho là gồm 7 tội danh. Một trong các luật sư của ông Trump là Jim Trusty cho biết vào tối 8/6 rằng ông ta đã xem một tài liệu triệu tập từ các công tố viên, tóm tắt những luật là căn cứ để buộc tội ông Trump.
Những luật đó bao gồm: Một điều khoản của Đạo luật Gián điệp cấm lưu giữ các tài liệu được xếp loại mật; Một đạo luật về cấm cản trở một thủ tục tố tụng chính thức; Một đạo luật nghiêm cấm làm sai lệch hoặc phá hủy các hồ sơ liên quan đến một cuộc điều tra liên bang; Các quy định cấm tuyên bố sai sự thật và âm mưu tuyên bố sai sự thật.
Ông Trump xuất hiện trước tòa án ở Manhattan, New York cùng đội ngũ pháp lý trong vụ án hình sự đầu tiên liên quan đến khoản tiền "bịt miệng" cho ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels, vào ngày 4/4/2023. Ảnh: AP
Các đạo luật đó gợi ý rằng các công tố viên đang đưa ra các cáo buộc phát sinh từ việc ông Trump xử lý các tài liệu mật và từ hành vi bị cho là cản trở nỗ lực của chính quyền nhằm lấy lại các tài liệu hoặc cản trở cuộc điều tra của chính quyền.
Ông Trump đang bị buộc tội ở đâu?
Cựu Tổng thống Trump cho biết trên phương tiện truyền thông xã hội rằng ông đã được lệnh phải báo cáo trước tòa án liên bang ở Miami vào thứ Ba tuần tới, ngày 13/6. Miami bao gồm Palm Beach, nơi dinh thự Mar-a-Lago tọa lạc.
Có khả năng ông Trump sẽ phải đối mặt với các cáo buộc khác ở Washington D.C., nơi cuộc điều tra tài liệu mật, do công tố viên đặc biệt Jack Smith dẫn đầu, được thực hiện và là nơi đại bồi thẩm đoàn nghe ý kiến từ nhiều nhân chứng và xem xét các bằng chứng trong cuộc điều tra.
Trong những tuần gần đây, nhóm của công tố viên Smith bắt đầu triệu tập một số nhân chứng trước đại bồi thẩm đoàn thứ hai ở Miami, khiến một số chuyên gia pháp lý đoán rằng các công tố viên có thể đang cân nhắc khả năng có hai bản cáo trạng: một bao gồm các hành vi liên quan đến địa bàn Washington D.C. và một dựa trên các hành vi trong và xung quanh dinh thự Mar-a-Lago.
Khi quyết định nơi khởi kiện vụ án, các công tố viên không được phép tính đến quan điểm chính trị của nhóm bồi thẩm đoàn. Nhưng ông Trump có thể có cơ hội tốt hơn khi có được những bồi thẩm viên thông cảm với mình ở Hạt Palm Beach. Trong cuộc bầu cử năm 2020, ông Trump thua ở đó, nhưng được 43% phiếu bầu. Còn tại Washington, D.C., ông nhận không đầy 6% phiếu bầu.
Khi bị truy tố ở New York trong vụ án tiền "bịt miệng", ông Trump đã tự đến tòa án Manhattan nộp mình cho cơ quan chức năng với tư cách bị cáo hình sự. (Ông không nhận tội và được trả tự do vài giờ sau đó.) Và bây giờ ông có thể trải qua một quy trình tương tự trong hệ thống liên bang.
Cựu tổng thống Mỹ cho biết ông dự kiến sẽ trình diện trước tòa án liên bang ở Miami vào 12/6, mặc dù chi tiết về bất kỳ thủ tục nào trước khi ông bị buộc tội vẫn chưa rõ ràng.
Theo luật liên bang, việc thu thập mẫu DNA là bắt buộc trong các vụ trọng tội. Một phiên tòa "trình diện ban đầu" thường sẽ được chủ trì bởi một thẩm phán tòa án liên bang, người sẽ chính thức thông báo cho ông Trump về các cáo buộc và tư vấn cho ông về các quyền của mình. Phiên điều trần thứ hai trước một thẩm phán tòa án quận thường diễn ra sau đó để sắp xếp lịch trình cho các bước hành động tiếp theo trong vụ án. Các tòa án có thể hợp nhất các phiên điều trần này để hạn chế làm gián đoạn các vụ án khác, nhưng chúng cần phải diễn ra ở từng quận nơi ông Trump bị buộc tội.
Ông Trump có mặt tại New York City trước khi trình diện tại tòa án trong cuộc điều tra liên quan khoản tiền "bịt miệng". Ảnh: AP
Sẽ mất bao lâu nữa ông Trump phải ra tòa?
Một thẩm phán tiểu bang ở New York đã ấn định phiên tòa xét xử ông Trump trong vụ án hình sự "tiền bịt miệng" ở Manhattan vào ngày 25/3/2024 tức là gần một năm kể từ ngày ông bị buộc tội.
Một vụ án liên bang có thể diễn ra theo dòng thời gian tương tự. Quá trình tiền xét xử kéo dài cho phép các luật sư và công tố viên của ông Trump có thời gian trao đổi bằng chứng, đệ trình các kiến nghị và thậm chí thảo luận về triển vọng khó xảy ra của một thỏa thuận nhận tội.
Sẽ luôn khó dự đoán hoạt động tiền xét xử sẽ kéo dài bao lâu, ngay cả trong các phiên tòa hình sự bình thường. Hàng chục vụ liên quan đến cuộc bạo loạn Nhà Quốc hội ngày 6/1/2020 đã đến giai đoạn xét xử trong những tháng gần đây, một số vụ trong đó diễn ra hơn một năm sau khi các cáo buộc được đệ trình.
Ông Trump được cho là có truyền thống tìm cách kéo dài các vụ kiện tụng và có nhiều công cụ để làm điều đó - từ tìm cách thay đổi địa điểm đến đấu tranh để bác bỏ vụ kiện hoàn toàn.
Thẩm phán sẽ được lựa chọn như thế nào?
Tất cả các tòa án quận liên bang đều có các thủ tục phân công thẩm phán hơi khác nhau, nhưng tất cả đều đảm bảo một mức độ nhất định nhằm ngăn cản việc "mua" thẩm phán.
Tại Tòa án Quận Columbia, các thẩm phán chủ yếu bao gồm những người do Đảng Dân chủ bổ nhiệm, nhưng có 4 người đã được chính ông Trump chọn, gồm: Trevor McFadden, Tim Kelly, Carl Nichols và Dabney Friedrich.
Ở Florida thì tình hình phức tạp hơn vì Quận Nam Florida - địa điểm mà ông Trump nói rằng ông đã được lệnh phải báo cáo trước tòa - được chia thành năm khu vực địa lý và khu vực nơi một vụ kiện được đệ trình sẽ ảnh hưởng đến các thẩm phán đủ điều kiện. Ông Trump sẽ có cơ hội mạnh mẽ để lôi kéo một trong những người được chính ông bổ nhiệm, nhưng điều đó không chắc chắn.
Ông Trump có thể đi tù nếu bị kết án?
Đúng vậy. Một bản án tuyên có tội khi vi phạm Đạo luật Gián điệp hầu như luôn dẫn đến thời gian ngồi tù. Tội cản trở công lý cũng vậy. Nhưng nếu chỉ bị kết án vì tội khai man, ông Trump có thể có cơ hội tốt hơn để tránh bị ngồi tù.
Liệu ông có thể tiếp tục tranh cử tổng thống?
Chắc chắn là có. Ông Trump đã bị truy tố ở New York và điều đó không ngăn cản ông tranh cử, mặc dù phiên tòa xét xử dự kiến vào tháng 3/2024, thời gian có thể thực sự làm khó chiến dịch tranh cử của ông.
Không có trở ngại hiến pháp nào đối với việc tranh cử tổng thống từ trong tù, hoặc thậm chí đắc cử khi đang ngồi sau song sắt. Một số người đã có trải nghiệm, bao gồm ứng cử viên Đảng Xã hội Eugene Debs vào năm 1920, nhà lý thuyết âm mưu Lyndon LaRouche năm 1992 và ngôi sao của serie "Tiger King" Joe Exotic trong mùa bầu cử hiện tại (Joe tuyên bố có thể tranh cử từ trong tù).
Vai trò của đại bồi thẩm đoàn trong việc ủng hộ các cáo buộc?
Hiến pháp quy định rằng các cáo buộc trọng tội liên bang phải được đại bồi thẩm đoàn, bao gồm từ 16 đến 23 người, phê chuẩn. Ít nhất 16 người phải có mặt để nghe bằng chứng và biểu quyết về bản cáo trạng. Ít nhất 12 người phải bỏ phiếu ủng hộ bản cáo trạng để các cáo buộc trọng tội được tiếp tục xét xử. Các công tố viên thường có ảnh hưởng đáng kể trong quá trình này và các đại bồi thẩm đoàn liên bang hiếm khi từ chối yêu cầu phê chuẩn các cáo buộc.
Sẽ có bất kỳ phiên điều trần hoặc phiên tòa nào được phát công khai không?
Gần như chắc chắn là không. Các quy định của tòa án liên bang không cho phép chụp ảnh hoặc phát video các vụ án hình sự. Có thể âm thanh của một số phiên điều trần được ghi qua điện thoại, nhưng cơ quan pháp lý cho phép loại hình truy cập công khai từ xa đó hiện chưa rõ.
Tổng thống Brazil kêu gọi bảo vệ nhà sáng lập WikiLeaks Tổng thống Brazil bày tỏ lo ngại về việc "dẫn độ sắp xảy ra" đối với người đồng sáng lập WikiLeaks sang Mỹ. Tổng thống Brazil Lula da Silva. Ảnh: AP Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva ngày 11/6 đã cáo buộc việc giam giữ ông Julian Assange, người đồng sáng lập WikiLeaks, là một cuộc tấn công vào nền dân...