Cựu tiền vệ Nguyễn Văn Vinh: Chàng chiến binh thầm lặng của bóng đá xứ Nghệ
Không phải là “ngôi sao” nổi bật nhất trên sân, song cầu thủ người Hưng Nguyên lại luôn là một trong những “mắt xích” quan trọng nhất của cả đội bóng. Đó là lý do vì sao người ta gọi Nguyễn Văn Vinh là chiến binh thầm lặng.
Khởi đầu khó khăn
“Bước ra ánh sáng” từ VCK U16 châu Á năm 2000, với những Phạm Văn Quyến, Phan Như Thuật, Nguyễn Minh Đức… Hồi đó, Nguyễn Văn Vinh thi đấu ở vị trí tiền vệ lệch trái ở đội U16 Việt Nam và đã chứng tỏ được khả năng của mình. Tuy nhiên, so với những người đồng đội thi đấu xung quanh, cựu cầu thủ sinh năm 1984 thi đấu có phần thầm lặng hơn, dù đóng góp rất nhiều vào thành công của đội bóng do HLV Nguyễn Văn Thịnh dẫn dắt.
Nguyễn Văn Vinh (số 15) trong đội hình U16 Việt Nam năm 2000. Ảnh: TT&VH
Hơn 2 năm, kể từ sau chiến tích vang dội trên sân Chi Lăng của U16 Việt Nam, Nguyễn Văn Vinh được SLNA đôn lên khoác áo đội 1 (cuối năm 2002). Dẫu vậy, ở giai đoạn ấy, trong đội hình của đội bóng xứ Nghệ mọi vị trí đều có ít nhất 1 gương mặt xuất sắc đảm nhiệm. Không có gì khó hiểu khi một cầu thủ trẻ như Nguyễn Văn Vinh phải thường xuyên “mài đũng quần” trên băng ghế dự bị. Thậm chí, mùa giải 2004 và giai đoạn 2 mùa giải 2006, Nguyễn Văn Vinh phải chuyển ra Bắc khoác áo Hòa Phát Hà Nội, theo hình thức cho mượn.
Bước ngoặt quan trọng
Nguyễn Văn Vinh (áo xanh) hồi còn thi đấu cho Hòa Phát Hà Nội. Ảnh: Bóng đá
Video đang HOT
Nhận thấy cơ hội của bản thân ở đội bóng quê hương là khá mong manh, nên kết thúc mùa giải 2007, Nguyễn Văn Vinh quyết định rời sân Vinh để gia nhập đội bóng non trẻ Hòa Phát Hà Nội (thành lập cuối năm 2003). Theo như chia sẻ của Nguyễn Văn Vinh, thì đây là quyết định hợp lý, mang tính chất bước ngoặt của sự nghiệp cầu thủ. Tại sân Hàng Đẫy, Nguyễn Văn Vinh đã “lột xác” hoàn toàn, cả về mặt lối chơi lẫn tinh thần thi đấu. Có một Nguyễn Văn Vinh rất khác – mạnh mẽ, dũng cảm và không kém phần thông minh.
Được sắp xếp thi đấu ở vị trí tiền vệ trung tâm, cựu tuyển thủ U16 Việt Nam đã tỏa sáng rực rỡ với vai trò của một ông chủ tuyến giữa. Từ tranh chấp bóng, phòng ngự từ xa, giữ nhịp trận đấu, kiến tạo cho các đồng đội lập công cho đến trực tiếp ghi bàn, Nguyễn Văn Vinh đều hoàn thành nhiệm vụ một cách đáng kinh ngạc. Đặc biệt, cựu cầu thủ người Hưng Nguyên còn thể hiện được sự lợi hại qua những cú đá phạt trực tiếp có độ chính xác cao. Lúc đó, Nguyễn Văn Vinh và Đinh Thanh Trung (hiện đang khoác áo Quảng Nam) là 2 chuyên gia đá phạt của đội bóng thủ đô.
Bên cạnh những giá trị chuyên môn thuần túy, Nguyễn Văn Vinh còn làm rất tốt vai trò “thủ lĩnh”, nhờ bản tính cương trực, nhiệt tình của mình. Không ít lần, cựu cầu thủ SLNA được Ban Huấn luyện Hòa Phát Hà Nội giao cho đảm nhiệm chức vụ đội trưởng của đội nhà. Điều mà chưa bao giờ Nguyễn Văn Vinh chứng tỏ được khi còn khoác áo đội bóng xứ Nghệ, nơi hội tụ của rất nhiều “ngôi sao”, “thủ lĩnh” đình đám như Phạm Văn Quyến, Nguyễn Huy Hoàng… Quả thật, quãng thời gian khoác áo Hòa Phát Hà Nội và CLB BĐ Hà Nội – tên gọi mới sau khi Tập đoàn Hòa Phát rút lui (2008 – 2012) đã giúp Nguyễn Văn Vinh trưởng thành vượt bậc.
Và cái kết mở
Nguyễn Văn Vinh trong màu áo SLNA. Ảnh tư liệu
Sau 5 năm gắn bó với đội chủ sân Hàng Đẫy, Quảng Nam chính là bến đỗ tiếp theo của Nguyễn Văn Vinh. Đầu mùa giải 2013, cựu tuyển thủ U16 Việt Nam gia nhập đội bóng xứ Quảng chinh chiến tại Giải hạng Nhất. Dù gặp không ít khó khăn vì những chấn thương, Nguyễn Văn Vinh vẫn góp công lớn giúp Quảng Nam giành được tấm vé thăng hạng. Phần thưởng cho cựu cầu thủ SLNA là một suất tham dự mùa giải 2014, mùa giải mà Quang Nam là tân binh của V.League. 19 lần ra sân thi đấu (7 lần đá chính) là những gì Nguyễn Văn Vinh có được tại V.League 2014, trong màu áo Quảng Nam.
Trải qua 7 mùa giải trong màu áo Hòa Phát Hà Nội, CLB BĐ Hà Nội và Quảng Nam (2008 – 2014), Nguyễn Văn Vinh đã “tái hợp” với SLNA ở đầu mùa giải 2015. Trong 3 mùa giải cuối cùng của sự nghiệp cầu thủ, cựu tiền vệ người Hưng Nguyên thường xuyên được HLV Ngô Quang Trường và cựu HLV Nguyễn Đức Thắng trọng dụng. Theo thống kê, trong 3 mùa giải khoác áo SLNA, Nguyễn Văn Vinh ra sân 44 lần và ghi được 3 bàn thắng. Sau khi cùng đội bóng xứ Nghệ giành được chức vô địch Cúp QG 2017, Nguyễn Văn Vinh cũng nói lời giã từ sự nghiệp “quần đùi, áo số”.
Có lẽ với nhiều người, việc Nguyễn Văn Vinh không một lần được triệu tập lên U23 Việt Nam và Đội tuyển Việt Nam là điều vô cùng đáng tiếc, bởi có những thời điểm, cựu tiền vệ SLNA, Hòa Phát Hà Nội và Quảng Nam thi đấu rất ấn tượng. Hiện tại, cựu cầu thủ 36 tuổi đang là HLV trưởng của đội U15 SLNA, đội chủ nhà của VCK U15 QG 2020. Hy vọng rằng, anh sẽ gặt hái được nhiều thành công trên cương vị mới./.
Phạm Đức Anh - hành trình từ chàng thủ môn tội nghiệp đến vị trí HLV trẻ của SLNA
Cùng lứa với những Phạm Văn Quyến, Phan Như Thuật, Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Văn Vinh... nhưng con đường sự nghiệp của Phạm Đức Anh lại gặp phải rất nhiều khó khăn, trắc trở.
VCK U16 châu Á năm 2000 là giải đấu đầu tiên và cũng là duy nhất mà chàng cựu thủ môn quê ở thị xã Thái Hòa thể hiện được tài năng vốn có của mình. Nhờ những pha cứu thua xuất thần, những màn trình diễn hết sức ấn tượng của Phạm Đức Anh, thầy trò HLV Nguyễn Văn Thịnh đã gây sửng sốt với giới chuyên môn và người hâm mộ bóng đá nước nhà khi giành được vị trí thứ 4 chung cuộc.
Ít ai biết rằng, cách đó 2 năm, Phạm Đức Anh mới được các tuyển trạch viên của lò đào tạo SLNA phát hiện trong một chuyến lên huyện Nghĩa Đàn để tuyển quân (năm 1998). Với tài năng thiên bẩm cùng những nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, Phạm Đức Anh đã dần chinh phục được niềm tin của HLV Nguyễn Văn Thịnh. Phần thưởng dành cho Phạm Đức Anh là một suất tham dự VCK U16 châu Á năm 2000, nơi thủ môn này được bắt chính trong cả 5 trận đấu của U16 Việt Nam.
Phạm Đức Anh (số 25) trong màu áo U16 Việt Nam năm 2000. Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, sau giải đấu diễn ra trên sân Chi Lăng (Đà Nẵng), Phạm Đức Anh lại không gặp nhiều thuận lợi trên con đường sự nghiệp. Giai đoạn đầu tiên mới lên đội 1, Phạm Đức Anh được SLNA cho đội CLB BĐ Huế mượn thi đấu ở mùa giải 2003 và 2004. Trở về từ đội bóng cố đô, Phạm Đức Anh tiếp tục làm phương án dự bị cho người đàn anh Dương Hồng Sơn. Phải tới mùa giải 2008 khi Hồng Sơn đầu quân cho CLB Hà Nội (tiền thân là Hà Nội T&T), thủ môn quê Nghĩa Đàn mới trở thành sự lựa chọn số 1 trong khung gỗ của đội bóng xứ Nghệ.
Nhắc đến Phạm Đức Anh, giới chuyên môn và người hâm mộ bóng xứ Nghệ vẫn chưa thể quên sự cố xảy ra năm 2007, trên sân Thanh Hóa. Kết thúc trận đấu lượt về tại V.League 2007 giữa Thanh Hóa và SLNA, Phạm Đức Anh và một số cầu thủ của đội khách bị các cổ động viên quá khích của đội chủ nhà rượt đánh. Rất may là Phạm Đức Anh được một đôi vợ chồng người Thanh Hóa giải cứu kịp thời, nên chỉ bị xây xát nhẹ. Đây là ký ức không bao giờ quên với cựu thủ môn sinh năm 1983.
Dẫu vậy, xét về mức độ nghiêm trọng (ảnh hưởng đến sự nghiệp cầu thủ) thì vụ va chạm ở xứ Thanh không thể sánh bằng với những gì mà Phạm Đức Anh phải hứng chịu trong chuyến làm khách của SLNA trước đội chủ nhà Đồng Tháp, ở mùa giải 2009. Phút thứ 46 của trận đấu, trong một pha băng ra truy cản, Phạm Đức Anh đã va chạm rất mạnh với tiền đạo Timothy của đối phương. Hậu quả, cựu thủ môn SLNA bị gãy 2 xương ống chân và đứt 2 dây chằng đầu gối phải. Suýt chút nữa, Phạm Đức Anh phải giã từ sự nghiệp "quần đùi, áo số" ở tuổi 26.
Pha bóng dẫn tới chấn thương của Phạm Đức Anh trên sân Cao Lãnh năm 2009. Ảnh tư liệu.
Nhưng bằng nghị lực phi thường, Phạm Đức Anh đã quay trở lại sân cỏ ở mùa giải 2011, sau 2 năm dưỡng thương. Không còn giữ được phong độ như ngày nào nên Phạm Đức Anh phải chấp nhận "mài đũng quần" trên băng ghế dự bị. Thậm chí, trong rất nhiều trận đấu ở các mùa giải 2011, 2012 và 2013, Phạm Đức Anh còn không có tên trong danh sách đăng ký thi đấu của đội chủ sân Vinh. Điều gì đến cũng phải đến, kết thúc mùa giải 2013, SLNA và Phạm Đức Anh chính thức "đường ai nấy đi".
Rời xứ Nghệ, Phạm Đức Anh chọn Sanna Khánh Hòa để tìm kiếm cơ hội mới. Trải qua quãng thời gian thử việc, cựu thủ môn SLNA chỉ nhận được "cái lắc đầu" của Ban Huấn luyện đội bóng thành phố biển. Trở về thành Vinh với nỗi thất vọng não nề, Phạm Đức Anh vẫn không từ bỏ được niềm đam mê với môn "thể thao vua". Suốt 2 năm trời (2014 - 2015), Phạm Đức Anh thường xuyên xuất hiện trên các sân phủi.
Phạm Đức Anh giành chức vô địch U15 QG trên tư cách HLV. Ảnh: FBNV
Cuối cùng, những nỗ lực của Phạm Đức Anh cũng đã được đền đáp. Đầu mùa giải 2016, cựu thủ môn U16 Việt Nam gia nhập Đồng Tháp, với bản hợp đồng có thời hạn 1 năm. Trước khi quyết định giải nghệ, Phạm Đức Anh còn có 1 mùa giải (2017) khoác áo Tây Ninh, đội bóng ở giải hạng Nhất QG. Hành trình sự nghiệp của cựu thủ môn quê thị xã Thái Hòa được gói gọn trong 2 từ "lận đận". 20 năm theo đuổi niềm đam mê, Phạm Đức Anh nhận lại chỉ toàn là những đau thương, mất mát.
Bỏ lại sau lưng những năm tháng rong ruổi cùng trái bóng, Phạm Đức Anh tiếp tục được SLNA thu nhận để làm công tác đào tạo trẻ. Kể từ năm 2018 đến nay, trên cương vị mới, Phạm Đức Anh đã giành được 3 chức vô địch cùng các đội trẻ SLNA (2 lần với đội nhi đồng, 1 lần với U15). Hiện tại, cựu thủ môn sinh năm 1983 đang là HLV thủ môn ở đội U14 SLNA.
Thanh Hưng
Phan Như Thuật làm 'phó tướng' cho HLV Quang Trường tại SLNA Sau khi gặt hái được những danh hiệu liên tiếp cùng các đội bóng trẻ SLNA cũng như hoàn thành tấm bằng A - AFC, Phan Như Thuật được đội bóng xứ Nghệ bổ nhiệm làm trợ lý tại đội 1. Tiền vệ Phan Như Thuật (1984) cùng với lứa cầu thủ ở xứ Nghệ là Văn Quyến, Lâm Tấn, Minh Đức, Anh...