Cựu Thủ tướng Thaksin không còn đường về Thái Lan?
Thái Lan vừa thông qua một dự luật mới cho phép tòa án tối cao xét xử vắng mặt đối với các chính trị gia và không cần xem xét vấn đề thời gian. Điều này được cho là sẽ triệt đường quay trở lại Thái Lan của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đang sống lưu vong ở nước ngoài.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. (Ảnh: Getty)
Bangkok Post đưa tin, Hội đồng lập pháp quốc gia Thái Lan (NLA) cuối tuần trước đã thông qua một dự luật mới về quy trình xét xử đối với các bị cáo là chính trị gia. Dự luật mới cho phép tòa án tối cao Thái Lan xét xử các vụ việc liên quan đến các chính trị gia mà không cần sự hiện diện của bị cáo tại tòa và không cần xét đến vấn đề thời gian.
Có ý kiến cho rằng dự luật mới được thông qua nhằm mục đích kết án cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trong khi ông vẫn đang ở nước ngoài.
Trong khi đó, người phát ngôn của NLA, ông Somchai Swangkarn, khẳng định luật mới không nhắm vào bất kì cá nhân nào mà nhằm xét xử tất cả các tội phạm là các chính trị gia tham nhũng. Tuy nhiên, ông Somchai Swangkarn cũng cho biết luật mới sẽ tạo điều kiện để Thái Lan đẩy nhanh việc giải quyết các vụ án liên quan đến cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Trong khi đó, đảng Pheu Thai, lực lượng chính trị của nhà Shinawatra, chỉ trích luật mới “nhắm vào cá nhân và đi ngược lại luật pháp quốc tế”.
Hiện, ông Thaksin đang phải đối mặt với 6 lệnh truy nã liên quan tới 5 vụ án với cáo buộc tham nhũng. Cả 5 vụ án này đã bị đình trệ nhiều năm qua do ông Thaksin đã trốn ra nước ngoài nhằm tránh phải đối mặt với các bản án.
Video đang HOT
Năm 2006, ông Thaksin bị kết tội tham nhũng. Theo cáo trạng, ông Thaksin đã lạm dụng quyền lực để giúp vợ mua một mảnh đất 5 hecta ở Ratchadapisek từ một cơ quan chính phủ chỉ với giá 772 triệu Baht (xấp xỉ 23 triệu USD), trong lúc giá trị thực được ước tính lên đến 2,1 tỉ Baht.
Một số nguồn tin cho biết khi luật mới có hiệu lực, tòa án Thái Lan có thể xét xử và ra phán quyết tịch thu tài sản của cựu thủ tướng Thaksin.
Nhật Minh
Theo Bangkok Post
Cựu Thủ tướng Thái Lan tiết lộ cuộc sống lưu vong
Gần 8 năm sau khi bước chân ra khỏi Thái Lan, ông Thaksin vẫn tiếp tục tác động lên cuộc khủng hoảng chính trị bị châm ngòi từ khi quân đội lật đổ ông năm 2006.
Cựu Thủ tướng lưu vong Thái Lan Thaksin Shinawatra cho biết ông không hứng thú với việc quay lại nắm quyền. ảnh: FT
Sau khi rời "ghế", nhiều cựu thủ tướng, tổng thống về vui thú điền viên, nhanh chóng bị lãng quên. Nhiều người lại chuyển sang một giai đoạn hoạt động khác không kém phần sôi động. Loạt bài này sẽ tìm hiểu về cuộc sống của những chính trị gia lớn sau khi "về vườn".
Đối với địch thủ, cựu Thủ tướng lưu vong Thái Lan Thaksin Shinawatra thoắt ẩn thoắt hiện giống như James Bond vì ông điều hành các công việc trong nước từ khắp thế giới. Ông mua lại câu lạc bộ bóng đá Manchester City, sở hữu nhà tại ít nhất 6 quốc gia và đi du lịch bằng hộ chiếu Montenegrins sau khi bị chính quyền trong nước tịch thu hết giấy tờ cá nhân.
Vào một ngày tháng 3/2016, ông Thaksin đồng ý gặp một nhà báo của Financial Times để kể về cuộc sống lưu vong của mình.
Trong một phòng riêng của nhà hàng Trung Hoa ở Singapore, ông Thaksin cho biết lý do ông đồng ý trả lời phỏng vấn là do "những tưởng tượng tiêu cực" về ông vẫn còn tồn tại. "Tôi đã im lặng nhiều năm, nhưng em gái tôi bảo: Anh cần lên tiếng, nếu không hiểu nhầm vẫn còn đó", ông Thaksin nói. Ông cho biết ông không đấu tranh để được về nước, mà để "chống lại những bất công đối với ông và những người ủng hộ".
Nhưng nhiều người có thể không cho rằng ông đã sống "yên lặng" trong những năm qua, khi mọi khía cạnh trong di sản ông để lại vẫn đang là vấn đề gây tranh luận gay gắt trong nước. Dù bị nhiều người ghét, ông Thaksin vẫn là được coi là anh hùng ở nhiều vùng nông thôn Thái Lan, nơi ông đã rót nhiều ngân sách để đầu tư và thắp sáng tư duy mới về trật tự xã hội truyền thống.
Gần 8 năm sau khi bước chân ra khỏi Thái Lan, ông Thaksin vẫn tiếp tục tác động lên cuộc khủng hoảng chính trị bị châm ngòi từ khi quân đội lật đổ ông năm 2006. Quyền kiểm soát chính phủ bị giằng qua giằng lại giữa chính phủ trung thành với ông Thaksin, trong đó có em gái ông, bà Yingluck, với các lãnh đạo quân đội.
Từ khi chính quyền quân sự giành quyền điều hành từ chính phủ của bà Yingluck vào tháng 5/2014, ông Thaksin ít xuất hiện trên mạng xã hội. Nhưng gần đây ông đã xuất hiện nổi bật với cuốn sách gần 300 trang nói về cuộc đời và thời gian lãnh đạo của ông.
Trong cuộc phỏng vấn, ông tiết lộ mối quan tâm của ông hiện nay là công nghệ y tế. Vị cựu Thủ tướng 66 tuổi nói rằng ông đang dưỡng da mặt bằng loại kem có thành phần là ADN của chính ông, do một doanh nghiệp Anh sản xuất bằng tiền ông đầu tư. Ông cũng rót 7 triệu USD trong khối tài sản ước tính 1 tỷ USD của mình vào một doanh nghiệp khác để phát triển thiết bị có khả năng phát hiện dấu hiệu sớm của nhiều bệnh như viêm phổi, tiểu đường, thậm chí ung thư. "Tôi thích công nghệ y sinh", ông Thaksin chia sẻ.
Ông khẳng định không còn hứng thú với việc trở lại làm thủ tướng nữa. "Tôi không điên đến mức quay lại nắm quyền", ông nói. Nhưng ông cũng nhấn mạnh cần phải đưa Thái Lan trở thành một cường quốc dẫn đầu ở Đông Nam Á sau cả thập kỷ bất ổn chính trị.
Ông Thaksin và gia đình thoải mái đi mua sắm ở Anh năm 2008, chỉ một ngày sau khi lệnh bắt ông được đưa ra. ảnh: Daily Mail
Một điều rõ ràng là ông Thaksin vẫn chưa đánh mất sự ủng hộ từ khi ông thành lập đảng Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái) năm 1998, sau đó giành chiến thắng ngoạn mục trong cuộc bầu cử năm 2001. Ông trở thành thủ tướng đầu tiên của Thái Lan làm hết nhiệm kỳ trước khi tái đắc cử vẻ vang năm 2005. Nhưng những cáo buộc liên quan đến việc ông lợi dụng quyền điều hành để phục vụ công việc làm ăn riêng dẫn đến vụ đảo chính năm 2006, khiến ông mất chức khi đang đến New York dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc.
Một thập kỷ sau đó, ông tiếp tục nhận được sự ủng hộ đáng kể, đặc biệt ở vùng nông thôn rộng lớn phía bắc, cho dù ông phủ nhận các bài báo nói rằng ông vẫn lãnh đạo bằng Skype, thông qua em gái mình và những người khác. Ông Thaksin nói rằng ông chỉ cố vấn, không chỉ đạo điều hành. "Tôi đã dạy học nhiều năm nên vẫn còn tố chất dạy học. Ngay cả trong nội các, tôi còn đọc sách và giảng bài cho các bộ trưởng trước khi bắt đầu chương trình nghị sự", ông nói.
Những đối thủ của ông Thaksin cáo buộc chính phủ của ông hay những người cùng phe với ông đã lãng phí khoản tiền khổng lồ. Năm 2008, hai năm sau khi bị lật đổ, ông Thaksin bị buộc tội hình sự vì có vai trò trong vụ mua đất của vợ ông 5 năm trước đó. Ông Thaksin cho rằng bản án này mang động cơ chính trị. Sau đó, kế hoạch trợ giá lúa gạo do chính phủ của bà Yingluck triển khai đã dẫn đến trình trạng lúa gạo chất đầy trong kho không bán được, khiến bà phải đối mặt với cáo buộc lơ là trách nhiệm. Vụ việc đến nay vẫn chưa kết thúc.
Một vết nhơ khác trong hồ sơ của ông Thaksin là vụ hàng ngàn người chết hoặc biến mất trong cuộc chiến chống ma túy mà lực lượng an ninh Thái Lan thực hiện nhằm vào những người Hồi giáo nổi dậy ở miền nam nước này. Trong một vụ tai tiếng năm 2004, có đến 78 người bị bắt giữ đã bị chết ngạt hoặc đè chết trên một chiếc xe tải.
Khi được hỏi về trách nhiệm trong vụ này, ông Thaksin nói với phóng viên Financial Times: "Tôi không định làm như vậy", ông nói. Ông cho biết ông đã "lừa" những kẻ buôn ma túy, giống như lừa những phần tử nổi dậy ở miền nam. "Đó là cách của tôi, đánh lừa", ông nói. "Nếu theo dõi những gì Donald Trump đang nói sẽ thấy ông ấy cũng đang lừa gạt. Đó thực sự là văn hóa của doanh nhân", ông Thaksin nói.
Theo Danviet
Phiên tòa cuối của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra Để đảm bảo an ninh trật tự tại phiên tòa cuối cùng xét xử cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra dự kiến diễn ra vào ngày 7 và 21-7, Tư lệnh Lục quân, Đại tướng Chalermchai Sitthisart cho biết, quân đội sẽ hỗ trợ cảnh sát trong vấn đề này. Nữ cựu Thủ tướng đang phải đối mặt với những cáo buộc xung quanh...