Cựu thủ tướng Nhật giải trình thảm họa hạt nhân
Cựu thủ tướng Nhật Naoto Kan ngày 28-5 đã giải trình trước ủy ban quốc hội về việc ông đối phó với cuộc khủng hoảng bắt đầu sau trận động đất và sóng thần khủng khiếp vào tháng 3-2011.
Ông Naoto Kan bị chỉ trích vì không can thiệp kịp thời ở Fukushima – Ảnh: AFP
Báo Nhật Bản Japan Times cho biết các câu hỏi tập trung vào việc phản ứng của ông Kan những giờ và những ngày đầu tiên ngay sau khi sóng thần gây hư hại cho ba lò phản ứng hạt nhân và tình trạng rò rỉ phóng xạ được phát hiện.
Ủy ban này trước đó đã điều trần với các chuyên gia hạt nhân và ông Yukio Edano, bộ trưởng thương mại và công nghiệp Nhật Bản đương nhiệm và là chánh văn phòng nội các dưới thời ông Kan.
Ngày 27-5, trong cuộc điều trần, ông Edano nói với ủy ban rằng chính phủ ông Kan không hề có ý định cung cấp sai thông tin cho dư luận về mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng. Ông Edano khẳng định chính quyền hoàn toàn hiểu được mức độ các nhà máy bị phá hủy.
Ông cũng nói chính quyền thủ tướng Kan từ chối đề nghị cử các chuyên gia hạt nhân sang hỗ trợ từ phía Mỹ do lo ngại về chủ quyền.
Ông Kan bị chỉ trích vì tỏ ra lưỡng lự trong việc nhanh chóng nắm quyền chỉ huy tối cao với các nhà máy, nhưng rồi sau đó lại can thiệp quá nhiều, theo Japan Times.
Video đang HOT
Đổ vỡ về lòng tin giữa ông Kan, các quan chức trong nội các và công ty vận hành nhà máy, Tepco, đã khiến các chiến dịch khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn, theo nghi ngờ của quốc hội.
Tình hình hiện giờ ở Nhà máy Fukushima Daiichi là ổn định, theo Tepco, nhưng hàng chục nghìn người đã bị sơ tán khỏi khu vực xung quanh các nhà máy vẫn chưa thể trở về nhà và nhiều vùng sẽ phải bỏ hoang trong vài thập kỷ nữa.
Theo Tuổi Trẻ
'Thủ tướng Kan đã cứu Nhật Bản'
Trong khoảnh khắc đen tối nhất hồi tháng ba năm ngoái, giới chức Nhật thậm chí đã tính tới khả năng bỏ cả thủ đô Tokyo, nhưng thảm họa hạt nhân đã được chặn đứng trong gang tấc, sau quyết định của thủ tướng khi đó Naoto Kan.
Toàn cảnh nhà máy Fukushima sau thảm họa hạt nhân. Ảnh: AFP
Tổ chức Sáng kiến tái thiết Nhật Bản vừa công bố một bản điều tra độc lập, trong đó đề cập tới những bí mật chưa từng được biết tới trước đây xung quanh thảm họa hạt nhân Nhật Bản. Đây là một tổ chức tư nhân, được thành lập để mang đến cho công chúng những cái nhìn bao quát nhất về một Nhật Bản trong và sau thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân. Tổ chức này có sự tham gia của 30 giáo sư đại học, luật sư và nhà báo. Họ đã dành hơn 6 tháng để tìm hiểu phản ứng của nước Nhật trước thảm họa hạt nhân, thứ đã đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống của hàng triệu người dân trên khắp đất nước này.
Họ phỏng vấn trên 300 người, bao gồm những nhà quản lý hạt nhân hàng đầu và các quan chức chính phủ, như cựu thủ tướng Naoto Kan. Có được những ưu tiên bất thường đó, một phần vì tổ chức này đại diện cho công chúng - những người không ngừng đòi hỏi trách nhiệm từ phía các nhà cầm quyền. Không những thế, người sáng lập tổ chức, ông Yoichi Funabashi, cựu tổng biên tập của báo Asahi Shimbun, còn là một trong những nhà trí thức có uy tín hàng đầu tại Nhật Bản.
Bản báo cáo không quên nhắc tới những bất đồng trong nội bộ lãnh đạo đất nước trước thách thức giải quyết vấn đề tại nhà máy hạt nhân Fukushima. Báo cáo cho rằng những nỗ lực khắc phục khủng hoảng hạt nhân trong giai đoạn đầu đã gặp trở ngại do sự bất đồng quan điểm giữa các nhà lãnh đạo chủ chốt: Thủ tướng Kan; ban điều hành Công ty điện lực Tokyo (Tepco); và ban quản lý nhà máy Fukushima.
Những cuộc điện thoại căng thẳng giữa ông Masao Yoshida, quản lý nhà máy Fukushima với các quan chức hàng đầu của chính phủ cũng được miêu tả đầy đủ trong bản báo cáo. Yoshida khẳng định rằng ông có thể giữ Fukushima trong tầm kiểm soát nếu có thể giữ nhân viên tại nhà máy. Ông cũng phớt lờ lệnh của Tepco yêu cầu không được dùng nước biển để làm mát các thanh nhiên liệu hạt nhân.
Ngược lại, Chủ tịch Tepco, ông Masataka Shimizu, vào thời điểm đó cũng đang thực hiện những cuộc gọi tới văn phòng thủ tướng với một quan điểm trái ngược, cho rằng Tepco phải sơ tán tất cả nhân viên của công ty, như một bước để đối phó với thảm họa.
Báo cáo dài 400 trang miêu tả bầu không khí u tối tại văn phòng thủ tướng, khi những vụ nổ hydro khiến nhà máy Fukushima rung chuyển vào ngày 14-15/3. Báo cáo cho biết Thủ tướng Kan và các quan chức cấp cấp cao đã thảo luận về những tình huống xấu nhất có thể xảy ra trong trường hợp những công nhân của nhà máy Fukushima Daiichi được sơ tán. Nếu tình trạng của nhà máy nằm ngoài tầm kiếm soát, nó sẽ thải ra một lượng lớn phóng xạ vào không khí, dẫn tới việc phải sơ tán toàn bộ nhân viên ở các nhà máy hạt nhân khác gần đó, và gây một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và toàn diện.
Bản báo cáo dẫn lời Chánh văn phòng nội các Nhật Bản vào thời điểm đó, ông Yukio Edano, cảnh báo về một "chuỗi phản ứng thảm khốc" khi những thanh nhiên liệu hạt nhân của Fukushima Daiichi nóng chảy, sẽ dẫn tới một cuộc di tản toàn bộ người dân của thành phố Tokyo, nơi nằm cách nhà máy 150 dặm về phía nam.
"Chúng ta sẽ mất nhà máy Fukushima Daini, sau đó sẽ mất tiếp Tokai", ông Edano nói, nhắc tới hai nhà máy hạt nhân khác ở gần Fukushima.
"Nếu điều đó xảy ra, hệ quả tất yếu tiếp theo là chúng ta sẽ mất cả Tokyo nữa."
Báo cáo cũng nhắc tới sự hoảng loạn trong nội bộ các nhà lãnh đạo, trước khả năng rò rỉ phóng xạ từ hơn 10.000 thanh nhiên liệu hạt nhân tại những bể chứa gần các lò phản ứng đang gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, điều tra cũng cho thấy, chưa tới 5 ngày sau trận động đất, máy bay trực thăng của quân đội Nhật Bản đã có thể xác định bể chứa đang có nguy cơ cao nhất, nằm gần lò phản ứng số 4, lúc đó vẫn chứa đầy nước và được an toàn.
"Chúng ta, chỉ trong gang tấc, đã tránh được trường hợp tồi tệ nhất, mặc dù công chúng không hề hay biết điều này vào thời điểm đó", ông Funabashi, người đứng đầu ủy ban điều tra, cho biết.
Ông Funabashi cáo buộc rằng việc chính quyền của thủ tướng Kan e sợ gây ra tình trạng hoảng loạn đã dẫn đến quyết định không công bố hết mức độ nguy hiểm thực sự của tình hình. Báo cáo điều tra chỉ ra rằng chính phủ Nhật Bản đã che giấu những cảnh báo về nguy hiểm trước công chúng nước này, mà còn cả với các đồng minh như Mỹ. Ông Funabashi cho biết, quá trình điều tra đã nhận thấy "sự xấu đi trong mối quan hệ Nhật - Mỹ" ở những ngày đầu của cuộc khủng hoảng. Tình hình chỉ ổn định trở lại khi hai nước tổ chức những cuộc họp hàng ngày tại văn phòng thủ tướng Nhật, nhằm cung cấp thông tin về khủng hoảng.
Bản báo cáo xác nhận những nghi ngờ của các chuyên gia hạt nhân Mỹ - trong và ngoài chính phủ - rằng chính quyền Thủ tướng Kan đã không tính tới những nguy hiểm có thể xảy ra ở nhà máy Fukushima. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, chính phủ Mỹ đôi khi đã quan trọng hóa vấn đề và thổi phồng những rủi ro. Đó là lúc các quan chức Mỹ nhầm lẫn khi cảnh báo rằng, các thanh nhiên liệu gần lò phản ứng số 4 đã tiếp xúc với không khí, đang tan chảy và sẽ thải ra một lượng lớn chất phóng xạ.
Tuy nhiên, ông Funabashi cho biết, chính phủ Nhật đã thất bại trong việc cảnh báo những nguy hiểm, gây mất lòng tin của dân chúng với nhà cầm quyền. Chính điều này đã thúc đẩy ông thực hiện một cuộc điều tra độc lập. Động thái này là việc khá hiếm hoi ở Nhật Bản, nơi công chúng có xu hướng chấp nhận những tuyên bố chính thức trước mọi sự kiện.
Ông cho biết, nhóm của ông đã phát hiện ra những sự thật mâu thuẫn với các kết quả điều tra của chính phủ, được công bố trong một báo cáo sơ bộ hồi tháng 12. Khác biệt lớn nhất liên quan tới một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất của cuộc khủng hoảng hạt nhân, khi Thủ tướng Kan bước vào trụ sở của Tepco sáng sớm ngày 15/3, ngay sau khi nghe nói công ty này muốn sơ tán nhân viên khỏi nhà máy.
Báo cáo của chính phủ đứng về phía Tepco, bằng cách tuyên bố Thủ tướng Kan, người từng là một nhà hoạt động xã hội, đã hiểu lầm ý định của công ty. Báo cáo của chính phủ nói rằng Tepco khi đó chỉ muốn rút một phần số nhân viên. Tuy nhiên ông Funabashi cho hay các nhà điều tra của ông đã phỏng vấn hầu hết những người liên quan đến thời khắc này, trừ một số giám đốc điều hành của Tepco không hợp tác. Các phỏng vấn này cho thấy một kết quả khác, đó là vào ngày 15/3, Tepco đã muốn rút toàn bộ nhân viên.
Ông Funabashi tin rằng Thủ tướng Kan có quyết định đúng khi buộc Tepco không được bỏ rơi nhà máy.
"Thủ tướng Kan cũng có những nhầm lẫn, có những khiếm khuyết", Funabashi nói. "Nhưng quyết định đi đến tận Tepco và yêu cầu hãng không được bỏ rơi nhà máy đã cứu đất nước Nhật Bản".
Theo VNExpress
Nhật từng tính sơ tán Tokyo trong thảm họa hạt nhân Trong giờ khắc đen tối nhất của sự cố hạt nhân vào năm ngoái, các lãnh đạo Nhật đã bí mật cân nhắc khả năng sơ tán thủ đô Tokyo, theo một ủy ban độc lập trong hôm nay, 28.2. Kịch bản tồi tệ nhất được chính phủ Nhật dự đoán khi cuộc khủng hoảng ở nhà máy Fukushima nổ ra là Tokyo...