Cựu Thủ tướng Israel cảnh báo 4 thách thức trong cuộc chiến với Hamas
Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak đã phân tích rõ 4 thách thức với Israel trong nỗ lực tiêu diệt phong trào Hamas của người Palestine.
Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barack tại văn phòng của ông ở Tel Aviv vào ngày 18/7/2023. Ảnh: Newsweek
Ông Barak giữ chức thủ tướng Israel từ tháng 7/1999 đến tháng 3/2001. Trước khi tham gia chính trường, ông và thủ tướng đương nhiệm Netanyahu từng cùng phục vụ trong một đơn vị lực lượng đặc biệt tinh nhuệ có tên Sayeret Matkal. Ông cũng nắm giữ một số vị trí chính trị và quân sự cấp cao khác trong nhiều thập kỷ và nổi lên như một trong những nhà phê bình có ảnh hưởng nhất đối với Thủ tướng Netanyahu.
Hiện tại, Ehud Barak coi chiến tranh là vấn đề quan trọng nhất mà đất nước ông đang phải đối mặt. Ông chỉ ra bốn “rào cản” đặc biệt đè nặng lên chiến dịch “Những Thanh kiếm sắt” của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) được phát động vào ngày 8/10, một ngày sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas.
Trước chiến dịch trên bộ vào Gaza, ông Barak đã trình bày chi tiết những cân nhắc cần phải tính đến liên quan đến vấn đề con tin, leo thang xung đột, quản lý ở Gaza và sự ủng hộ của dư luận để tạo ra một kết quả chiến thắng.
Vấn đề con tin
Trở ngại đầu tiên được cựu Thủ tướng Barak xác định là ước tính trên 220 con tin đang bị Hamas và các phe nhóm Palestine khác bắt giữ trong giai đoạn mở đầu của cuộc chiến.
Ông nói với Newsweek: “Vì nhiều lý do, vụ bắt giữ con tin này phức tạp hơn so với các cuộc đụng độ trước đây. Thực tế là có lẽ hơn một phần tư trong số họ không chỉ có hộ chiếu Israel, mà còn có hộ chiếu nước ngoài, họ là công dân của Mỹ, Anh hoặc châu Âu…”.
Theo ông, bất kỳ nỗ lực quân sự nào nhằm giải cứu con tin đều “cần rất nhiều thông tin tình báo để đảm bảo chính xác, trong một tình huống được kiểm soát chặt chẽ, và có rất nhiều bài học được rút ra trong nhiều thập kỷ liên quan đến các tổ chức khủng bố, cách chúng tổ chức, lan rộng”.
Cánh quân sự của Hamas, Lữ đoàn Al-Qassam, đã từng đe dọa giết những người bị giam giữ để đáp trả các cuộc không kích của Israel vào các địa điểm dân sự ở Dải Gaza. Tuy nhiên, lực lượng này gần đây cho biết số tù nhân mà họ đang giam giữ, ước tính khoảng từ 200 đến 250, đang được đối xử tốt và họ đã chuẩn bị thả những con tin không phải người Israel theo những điều kiện thích hợp. Nhóm cũng cho biết 22 người bị giam giữ đã thiệt mạng do các cuộc tấn công của Israel.
Cho đến nay, ít nhất hai con tin Israel và hai con tin Mỹ đã được thả trong các thỏa thuận riêng biệt do Qatar và Ai Cập làm trung gian.
Các thành viên lãnh đạo chính trị của Hamas, chẳng hạn như Khaled Meshal, đã đề nghị nhóm này sẽ trả tự do cho các tù nhân để đổi lấy việc thả tất cả người Palestine khỏi các nhà tù của Israel, với số lượng khoảng 6.000 người.
Video đang HOT
Một cuộc chiến mở rộng
Tuy nhiên, khi xung đột ngày càng sâu sắc, Hamas đã kêu gọi người Arab và người Hồi giáo tích cực ủng hộ nỗ lực chiến tranh của người Palestine chống lại Israel. Hiện tại, phong trào Hezbollah của Liban đã tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới và các phe khác của “Trục kháng chiến” liên kết với Iran đều bày tỏ sự ủng hộ, thậm chí một tổ chức tự xưng là Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq tuyên bố sẽ tấn công hàng ngày vào quân đội Mỹ ở Iraq và Syria. Bản thân Tehran cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Hamas và các nhóm Palestine khác.
“Hạn chế thứ hai là lo ngại rằng nó có thể lan rộng hoặc di chuyển đến mặt trận phía bắc, nơi chúng tôi thấy mình không chỉ phải đối mặt với Hamas ở Gaza mà còn với Hezbollah, có thể là với một số nhánh của Hamas, của nhóm Thánh chiến Hồi giáo (Islamic Jihad), hoặc những nơi khác ở Bờ Tây”, ông Barak nhận định và nói thêm rằng nguy cơ còn đến từ “một số dân quân Shiite được người Iran hậu thuẫn đang được triển khai gần Cao nguyên Golan, bên phía Syria.”
Biên giới tranh chấp, thù địch của Israel với Liban và Syria là nơi xảy ra các trận chiến lớn trong nhiều thập kỷ qua, mới nhất là cuộc chiến năm 2006 của Israel với Hezbollah ở Lebanon. Khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra vào năm 2011, Hezbollah và các lực lượng dân quân “Trục kháng chiến” khác đã huy động để hỗ trợ chính phủ Syria với sự hậu thuẫn từ Iran. Cho đến nay, những bên này chỉ tham gia vào các hoạt động hạn chế, nhưng nguy cơ leo thang vẫn còn, đặc biệt là khi IDF tấn công trên bộ vào Dải Gaza để tiêu diệt Hamas.
Ông Barak nói: “Chúng tôi không muốn xung đột lan ra phía bắc. Tôi sẽ không có ý cho rằng Hezbollah hoặc Liban tham gia, nhưng việc đó nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”.
“Tôi nghĩ rằng có một tác động răn đe nhất định thông qua sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở đây, cũng như chuyến thăm của tổng thống, bộ trưởng quốc phòng và các quan chức cấp cao khác của Mỹ. Nó có tác động đến Hezbollah, chính phủ Liban, thậm chí có thể cả Iran. Nhưng đó không phải là sự đảm bảo rằng điều đó sẽ không xảy ra”, ông Barak cảnh báo. “Ngay cả khi cả hai bên đều không muốn, nó vẫn có thể xảy ra do xích mích và đụng độ hàng ngày. Nó có thể dễ dàng trở thành một cuộc chiến tranh toàn diện.”
Ai sẽ thay thế Hamas
Chiến thắng của Israel sẽ như thế nào vẫn là một điểm chưa chắc chắn. Ngay cả khi IDF thành công trong nỗ lực khiến Hamas không thể hoạt động như một thực thể quân sự và vô hiệu hóa các phe phái thù địch khác của người Palestine như nhóm Thánh chiến Hồi giáo, thì không có sự thay thế dễ dàng nào để cai trị khoảng 2,2 triệu người sống ở Dải Gaza.
Vì vậy, thách thức thứ ba được ông Barak xác định “là cần phải suy nghĩ trước xem chúng ta sẽ chuyền ngọn đuốc cho ai”.
Nếu IDF thành công trong việc “làm sạch toàn bộ Dải Gaza khỏi bất kỳ tài sản vật chất nào của Hamas và hy vọng tiêu diệt lực lượng chiến đấu của lực lượng này, thì chúng tôi phải chuyển nó cho ai đó”, ông Barak nói và nhấn mạnh Israel “không có kế hoạch quay trở lại toàn bộ Gaza trong 10, 20 năm tới.”
Một ứng cử viên tiềm năng là sự trở lại của Chính quyền Palestine (PA), có trụ sở tại Bờ Tây và do Tổng thống Mahmoud Abbas lãnh đạo. Tuy nhiên, PA đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lịch sử về tính hợp pháp, và Hamas ngày càng lấn át Abbas và đảng Fatah thế tục của ông về uy tín và sự ủng hộ.
Khói lửa bủa vây Gaza City do các cuộc không kích của Israel. Ảnh: AFP/Getty Images
Một năm sau khi IDF rút khỏi Dải Gaza vào năm 2005 sau gần 4 thập kỷ chiếm đóng sau Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, PA đã tổ chức các cuộc bầu cử lập pháp mang lại chiến thắng cho Hamas. Mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai bên Palestine nhanh chóng chuyển thành các cuộc đụng độ, dẫn đến việc Hamas tiếp quản Gaza, và cai trị kể từ đó mà PA không có bất kỳ nỗ lực nào sau đó để tổ chức các cuộc bầu cử mới.
Ông Barak nói: “Tôi hy vọng nó (việc PA tiếp quản Gaza) sẽ thành công, nhưng chắc chắn một số ý tưởng về việc chúng tôi có thể trao ngọn đuốc cho ai cần được làm rõ hơn trước khi tiến sâu vào Gaza. Cứ can dự rồi mới suy nghĩ – đó không phải là công thức tốt để đạt được thành công về mặt chiến lược.”
Cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế
Thách thức cuối cùng được ông Barak đề cập là “cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế” của Israel trong một cuộc xung đột leo thang mà cả hai bên đều cáo buộc nhau phạm tội ác chiến tranh.
Ông Barak nói: “Có luật chiến tranh và đó là một hạn chế. Cho dù nỗ lực của chúng ta có hiệu quả và chân thành đến đâu đi nữa về tuân thủ luật pháp, cảnh báo mọi người và đảm bảo rằng họ có cơ hội thực sự để rời khỏi các khu vực của Gaza là mục tiêu tấn công, thì cũng sẽ có và đã có một số lượng đáng kể dân thường không liên quan thiệt mạng.”
Ông Barak cảnh báo rằng phản ứng dữ dội về thương vong dân sự “có thể nhanh chóng làm xói mòn tính hợp pháp trong quan điểm của chúng ta”, đe dọa “sự ủng hộ chung mà chúng ta có ngay bây giờ”.
IDF đã tìm cách đi trước, thường xuyên tương tác trực tiếp với các nhà báo, đặc biệt là về các vụ việc như vụ tấn công gây tranh cãi vào tuần trước tại Bệnh viện Baptist Ả Rập Al-Ahli. Nhưng Hamas cũng đã phát triển một chiến dịch công chúng phức tạp, tiến hành tiếp cận các phóng viên quốc tế và phát đi các thông điệp trên mạng xã hội. Khi xung đột ngoài đời thực tiếp tục nổ ra, cả hai bên đang tiến hành một cuộc chiến thông tin với toàn bộ năng lực.
Thủ lĩnh Hezbollah, Hamas, Thánh chiến Hồi giáo Palestine họp bàn về tình hình Dải Gaza
Theo tin từ đài truyền hình al-Manar của phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Liban, thủ lĩnh nhóm này đã gặp các thủ lĩnh hàng đầu của phong trào Hamas và Thánh chiến Hồi giáo Palestine để bàn về tình hình Dải Gaza.
Lãnh đạo Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah (phải) gặp thủ lĩnh Thánh chiến Hồi giáo Ziyad al-Nakhalah và phó lãnh đạo Hamas Sheikh Saleh al-Arouri ngày 25/10. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters ngày 25/10, các thủ lĩnh ba nhóm trên đã đánh giá các quan điểm của quốc tế về tình hình Gaza và những gì liên minh này cần phải làm để giành được chiến thắng thực sự cho cuộc chiến ở đây.
Cuộc họp có sự tham gia của Sayyed Hassan Nasrallah thuộc Hezbollah, phó thủ lĩnh Hamas Saleh al-Arouri và thủ lĩnh nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine Ziad al-Nakhala.
Liên minh mà đài truyền hình al-Manar đề cập gồm Iran, các nhóm tay súng người Palestine, Syria, Hezbollah và các phe phái khác.
Trong khi đó, Thủ tướng Liban Najib Mikati vừa tái khẳng định nước này cam kết tuân thủ một nghị quyết của Liên hợp quốc về việc chấm dứt cuộc xung đột năm 2006 giữa Israel và Hezbollah, đồng thời kêu gọi tịch thu vũ khí đối với mọi cá nhân, ngoại trừ quân đội Liban và các lực lượng an ninh nhà nước khác.
Kể từ khi kết thúc cuộc xung đột năm 2006, Hezbollah đã không hiện diện quân sự rõ ràng ở biên giới phía Nam Liban. Tuy nhiên, các chuyên gia và báo chí phản ánh Hezbollah vẫn có nhiều địa điểm ẩn náu trong khu vực.
Về diễn biến chiến sự, cuộc tấn công quy mô lớn giữa Israel và Hamas tiếp tục diễn ra ở Dải Gaza và vùng lãnh thổ Bờ Tây của Palestine rạng sáng 25/10, khiến nhiều người thiệt mạng.
Thông báo của cơ quan y tế Gaza cho biết các cuộc không kích của mới nhất của Israel đã cướp đi sinh mạng của trên 700 người Palestine chỉ trong một đêm. Đây là số người thiệt mạng cao nhất trong vòng 24 giờ kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát ngày 7/10 vừa qua. Quân đội Israel xác nhận đã không kích hơn 400 mục tiêu của Hamas, làm hàng chục tay súng của lực lượng này thiệt mạng.
Theo giới chức Israel, phong trào Hamas đã bắt giữ 222 người khi lực lượng này tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào các thị trấn, cộng đồng dân cư và căn cứ quân sự ở miền Nam Israel, đồng thời cướp đi sinh mạng của 1.400 người.
Chiến dịch không kích dữ dội mà Israel triển khai đến nay đã khiến ít nhất 5.791 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 2.360 trẻ em. Israel cũng đã cắt nguồn cung cấp nước, điện, nhiên liệu và thực phẩm để đáp trả cuộc tấn công của Hamas.
Tuy chiến trường chính vẫn là Dải Gaza, nhưng những ngày qua, khu Bờ Tây của Palestine cũng liên tục chứng kiến các diễn biến leo thang nguy hiểm.
Theo Cơ quan điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), ít nhất 95 người Palestine đã thiệt mạng ở Bờ Tây, kể từ khi xung đột nổ ra tại Dải Gaza hồi đầu tháng này.
Rạng sáng 25/10, phía Israel thông báo quân đội nước này đã tiến hành không kích đáp trả bằng máy bay không người lái và đã nhắm trúng các mục tiêu được xác định để trả đũa vụ một nhóm người Palestine có vũ trang đã nã đạn và ném thiết bị nổ vào lực lượng Israel ở gần trại tị nạn Jenin, phía Bắc Bờ Tây. Vụ tấn công này đã khiến 3 người Palestine thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.
Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc đã kêu gọi Israel và Hamas tạo điều kiện để hàng tiếp tế khẩn cấp vào Dải Gaza mà không bị cản trở, đồng thời nhấn mạnh rằng người dân Palestine cần số lượng hàng hóa hỗ trợ nhiều gấp 20 lần so với con số hiện nay.
Tổng thư ký Liên hợp quốc đã kêu gọi bảo vệ dân thường, đồng thời bày tỏ quan ngại về việc luật nhân đạo quốc tế đang bị vi phạm nghiêm trọng ở Gaza. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới cũng kêu gọi lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, để cho phép vận chuyển thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu vào Gaza một cách an toàn. Hiện tất cả các bệnh viện tại Dải Gaza đều thông báo sắp hết nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho máy phát điện, khiến các cơ sở này không thể chữa trị cho những người bị thương và bị bệnh. Hơn 40 trung tâm y tế tại Gaza đã tạm ngừng hoạt động.
Những kịch bản kế hoạch dài hạn của Israel cho Gaza Ngay cả khi Israel có thể loại bỏ hoàn toàn Hamas, liệu nước này có kế hoạch dài hạn cho Gaza? Không tính các cuộc giao tranh xuyên biên giới định kỳ, Israel đã tham gia ba cuộc chiến lớn chống lại Hamas kể từ khi họ rút lực lượng khỏi Gaza vào năm 2005 theo Hiệp định Oslo, đó là vào các...