Cựu Thủ tướng Abe bị bắn và luật kiểm soát súng đạn tại Nhật Bản
Nhật Bản chấn động trước tin cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị bắn. Quốc gia này vốn nổi tiếng với tỷ lệ tội phạm dùng súng thuộc hàng thấp nhất trên thế giới.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngã gục trong lúc phát biểu tại thành phố Nara, sau một tiếng nổ, đài truyền hình NHK đưa tin trưa 8/7.
Ông Abe không có dấu hiệu sinh tồn sau vụ tấn công. Cảnh sát báo cáo rằng nghi phạm đã tiếp cận cựu thủ tướng từ phía sau và bắn ông bằng một khẩu súng hoa cải.
Vụ việc gây chấn động Nhật Bản, nhất là khi quốc gia này vốn nổi tiếng với tỷ lệ tội phạm dùng súng thuộc hàng thấp nhất trên thế giới.
Cựu thủ tướng bị tấn công khi đang phát biểu trên đường phố ở Nara. Ảnh: AFP.
Theo Business Insider, Nhật Bản có dân số khoảng 127 triệu người nhưng hiếm khi chứng kiến hơn 10 ca tử vong vì súng mỗi năm. Văn hóa và luật nghiêm ngặt là những nguyên nhân chính khiến súng đạn cực kỳ khó sở hữu.
Iain Overton, Giám đốc điều hành của Tổ chức Hành động về Bạo lực Vũ trang (AOAV), nói với BBC: “Kể từ khi súng xuất hiện tại Nhật Bản, đất nước này luôn có quy định chặt chẽ về quyền kiểm soát súng. Đây là nước đầu tiên áp dụng luật về súng trên toàn thế giới. Tôi nghĩ luật pháp đã đặt ra nền tảng rằng súng thực sự không đóng một vai trò nào trong xã hội dân sự tại Nhật”.
Thi viết, thực hành và kiểm tra sức khỏe tâm thần
Thành công của Nhật Bản trong việc giảm thiểu tỷ lệ tử vong do súng có liên quan mật thiết đến lịch sử của nước này.
Sau Thế chiến thứ hai, chủ nghĩa hòa bình nổi lên như một trong những triết lý thống trị trong nước. Cảnh sát bắt đầu được trang bị súng sau khi quân đội Mỹ chế tạo vào năm 1946, vì mục đích an ninh.
Kể từ năm 1958, luật pháp Nhật Bản quy định rằng “không ai được sở hữu bất kỳ loại súng nào”.
Sau này, chính phủ đã nới lỏng luật nhưng nhìn chung vẫn kiểm soát rất chặt chẽ.
Nếu người Nhật muốn sở hữu một khẩu súng, họ phải tham gia khóa học, vượt qua bài kiểm tra viết và đạt độ chính xác ít nhất 95% trong bài thi thực hành.
Nghi phạm bắn ông Abe bị bắt giữ ngay tại hiện trường. Ảnh: Asahi.
Sau đó, người thi đạt phải vượt qua cuộc đánh giá sức khỏe tâm thần tại bệnh viện. Họ cũng được kiểm tra lý lịch bao gồm: hồ sơ tội phạm và phỏng vấn bạn bè, gia đình.
Những người vượt qua tất cả các lớp học và bài kiểm tra chỉ được mua súng ngắn và súng hơi. Cứ 3 năm, họ phải đi học và kiểm tra lại nếu muốn tiếp tục sở hữu súng.
Nếu chủ sở hữu qua đời, người thân phải giao nộp súng cho chính phủ.
Nhật Bản quan niệm càng ít súng được lưu hành thì tỷ lệ phạm tội, tử vong càng thấp.
Mỗi quận có quy mô từ nửa triệu người đến 12 triệu người ở Tokyo không được có nhiều hơn 3 cửa hàng súng. Những nơi này chỉ có thể mua các băng đạn mới sau khi tiêu thụ hết số băng đạn cũ.
Yakuza cũng e dè
Không chỉ người dân, ngay cả cảnh sát Nhật Bản cũng hiếm khi sử dụng súng.
Những án mạng tại đất nước mặt trời mọc cũng ít liên quan đến súng. Hung thủ chủ yếu dùng dao trong các vụ giết người, gây thương tích hàng loạt.
Vào tháng 7/2016, một người đàn ông đã đâm chết 19 người tại trung tâm chăm sóc người khuyết tật thành phố Sagamihara, tỉnh Kanagawa.
Luật pháp nghiêm ngặt đến mức ngay cả yakuza, tổ chức tội phạm khét tiếng tại Nhật, cũng phải dè chừng.
Việc sở hữu súng hợp pháp là cực kỳ khó khăn tại Nhật. Ảnh: CBS News.
“Theo luật hiện hành, nếu một yakuza cấp thấp bị bắt với súng và đạn, người này sẽ bị buộc tội nặng hơn và sau đó phải đối mặt án tù trung bình 7 năm”, phóng viên lâu năm tại Nhật Bản Jake Adelstein viết trên The Japan Times.
Trong bài báo năm 2012 cho The Atlantic, nhà báo Max Fisher nói rằng súng ở Nhật Bản gần như chỉ được sử dụng cho các mục đích như săn bắn, nhu cầu nghề nghiệp và những cuộc thi bắn súng.
Nhờ luật kiểm soát súng đạn, Nhật Bản có tỷ lệ tội phạm dùng súng rất thấp. Năm 2013, tỷ lệ giết người bằng súng ở Mỹ cao gấp 350 lần ở Nhật Bản.
Năm 2019, xứ cờ hoa ghi nhận có hơn 4 vụ giết người bằng súng trên 100.000 người. Tỷ lệ này gần như bằng 0 ở xứ Phù tang.
Thư nước Nhật: 'Cả đất nước rung chuyển vì tin ông Abe bị bắn'
Giờ nghỉ trưa, tôi vừa quay lại với mạng xã hội sau khi quay cuồng với công việc thì hàng loạt tin nhắn ập tới: "Ông Shinzo Abe bị bắn!".
Khoảnh khắc nghi phạm nổ súng bắn cựu Thủ tướng Abe . Ngày 8/7, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bị bắn trong lúc phát biểu tại thành phố Nara (miền Tây Nhật Bản). Nghi phạm bị bắt ngay sau đó, và được xác định là cư dân địa phương.
Tôi như chết lặng, không thể tin nổi vào những thông tin quá sốc đang hiện lên trên những dòng tin nhắn.
Nhưng đó thực sự là điều đang xảy ra ở Nara và sự chấn động của nó có thể đang được cảm nhận trên khắp nước Nhật.
Cả nước Nhật đang dõi theo trong lo lắng
Các hãng truyền thông đồng loạt đưa tin rằng Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno đã xác nhận cựu Thủ tướng Abe bị bắn lúc 11h30 (giờ địa phương) tại Nara.
Ông Abe được chuyển bằng cán lên trực thăng để đến bệnh viện. Ảnh: Asahi Shimbun.
Tôi mới chỉ rời thế giới tin tức vài tiếng, khi quay trở lại thì một cơn chấn động đã ập tới.
Nhiều người bạn của tôi làm ở những công ty có lắp đặt tivi chia sẻ cả công ty đều đang nín thở, theo dõi diễn biến từng phút. Tất cả đài tin tức ở Nhật Bản lúc này đều đang đưa duy nhất diễn biến của thông tin này.
"Đài NHK đưa tin cựu Thủ tướng Abe ngã gục trong lúc phát biểu tại thành phố Nara sau khi bị bắn từ phía sau".
" Kyodo nói rằng cựu Thủ tướng Abe bất tỉnh và dường như đã lên cơn ngưng tim hô hấp".
" AFP đưa tin cảnh sát Nhật Bản công bố nghi phạm tiếp cận cựu Thủ tướng Abe từ phía sau và bắn ông bằng súng hoa cải".
" NHK cho biết nghi phạm được cho là đã bắn cựu thủ tướng Nhật Bản hai phát và chỉ đứng đó sau khi ông Abe ngã xuống đất. Nghi phạm không cố gắng bỏ trốn".
" Reuters nói rằng nghi phạm đã bị bắt".
"Một phóng viên của NHK ở hiện trường cho biết nghe thấy hai tiếng nổ lớn liên tiếp giữa bài phát biểu của ông Abe".
Những thông tin chi tiết về vụ việc đang được cập nhật liên tục trên truyền hình và các trang tin tức, và cả nước Nhật đang dõi theo trong lo lắng. Ai cũng không rời mắt khỏi màn hình tivi.
Một nhân viên phát hành các ấn bản phụ của tờ Yomiuri Shimbun đưa tin về việc cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị bắn hôm 8/7 Ảnh: AP.
"Cả nước Nhật rung chuyển", một người bạn của tôi thảng thốt.
Cầu mong bình an cho ông Abe
Diễn biến cụ thể của vụ tấn công cựu Thủ tướng Abe trong chiến dịch vận động tranh cử ở Nara vẫn chưa được công bố.
Tôi cũng từng nhiều lần chứng kiến cảnh các chính trị gia Nhật Bản vận động tranh cử trước nhà ga Akabane hay ga Shinjuku, gần nơi tôi sinh sống ở Tokyo.
Theo cảm nhận cá nhân, tôi thấy rằng bảo vệ an ninh ở các cuộc vận động như vậy có vẻ không chặt chẽ lắm.
Các chính trị gia Nhật còn hay phát biểu trên các xe buýt mui trần (có vẻ gần gũi), rất chủ quan. Cõ lẽ chỉ ở Nhật mới có phong cách vận động tranh cử như thế.
Không ai có thể ngờ chuyến đi vận động tranh cử của ông Abe hôm 8/7 để thể hiện sự ủng hộ các ứng viên đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản sắp tới lại xảy ra một ngã rẽ đau lòng như vậy. Sau bài phát biểu ở Nara, lẽ ra ông Abe sẽ tới Saitama vào tối nay.
Trong bức ảnh chụp ngày 22/6, ông Abe tương tác với người ủng hộ khi ông tham gia chiến dịch vận động bầu cử cho thành viên đảng cầm quyền LDP Kentaro Asahi trước cuộc bầu cử Thượng viện vào ngày 10/7. Ảnh: AFP.
Tôi và tất cả đồng nghiệp, bạn bè đều bàng hoàng, trong lòng nặng trĩu khi truyền thông địa phương đưa tin rằng cựu thủ tướng khó có khả năng qua khỏi.
Hiện tại, sau khi biết tin cựu Thủ tướng Abe bị bắn, đương kim Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bỏ dở kế hoạch vận động tranh cử và lập tức trở về thủ đô Tokyo.
"Cả nước Nhật đều cầu mong bình an cho ông Abe", các đồng nghiệp trong công ty của tôi chia sẻ.
Ông Abe là thủ tướng tại vị lâu năm nhất của Nhật Bản trong hai giai đoạn 2006-2007 và 2012-2020. Trong suốt thời gian nắm quyền, nhà lãnh đạo không chỉ ghi dấu ấn sâu đậm với người dân trong nước, đối với cộng đồng quốc tế, ông cũng tạo dựng một hình ảnh được nhiều người yêu mến.
Nhìn những chia sẻ của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern sau khi nghe tin ông Abe bị bắn, có thể phần nào hình dung về hình ảnh của ông trong lòng bạn bè quốc tế.
"Ông ấy là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên mà tôi gặp chính thức khi trở thành thủ tướng", bà Ardern tuyên bố.
"Ông ấy rất tận tâm với công việc của mình, cũng như rất hào phóng và tốt bụng", thủ tướng New Zealand khẳng định.
"Tôi nhớ rằng ông ấy đã hỏi thăm khi chúng tôi mất thú cưng. Đây là cử chỉ nhỏ, nhưng nói lên con người của ông ấy", thủ tướng New Zealand viết.
"Tôi chia sẻ với vợ ông ấy và nhân dân Nhật Bản. Những sự kiện như vậy khiến tất cả chúng ta bị sốc".
Mỹ 'buồn và sốc' khi ông Abe bị bắn Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel ngày 8/7 bày tỏ sự đau buồn khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị bắn, theo Reuters. "Chúng tôi đều buồn bã và bị sốc khi cựu Thủ tướng (Nhật Bản) Shinzo Abe bị bắn", ông Emanuel viết trên Twitter". "Abe-san là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Nhật Bản và là đồng...