Cựu thanh niên xung phong 20 năm “thắp lửa” thiện nguyện
Ở tuổi 74, nếu như nhiều người sẽ chọn cách an hưởng tuổi già, vui vầy bên con cháu thì cựu thanh niên xung phong (TNXP) Hà Thị Nhụ ( Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn nhiệt huyết với công tác thiện nguyện. Đã 20 năm qua, bà cùng các nhà hảo tâm giúp đỡ, sẻ chia với nhiều hoản cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh…
Hành trình gắn kết yêu thương
Nhà bà Hà Thị Nhụ ở phường Thanh Xuân Nam, nhà tìm thì dễ, nhưng người không dễ gặp. “Bà Nhụ vừa ra phường họp hội cựu TNXP rồi. Già rồi mà đi suốt, có mấy khi ở nhà đâu. Cháu có thể ngồi đây đợi, nhà bà ở trên tầng 5 kia”, bác Phí Quang Tâm, hàng xóm của bà Nhụ cho biết.
Ngồi trò chuyện với bác Tâm, trong lòng tôi cứ nghĩ đến việc hằng ngày bà Nhụ phải leo bộ 5 tầng cầu thang và đi lại nhiều lần, càng cảm thấy khâm phục cho sức khỏe của bà. Bác Tâm là người cùng xã ở quê, rồi cùng cơ quan với bà Nhụ. Mối quan hệ cũng có thể gọi là thân thiết, vậy mà cách đây mấy năm bác Tâm và hàng xóm mới biết chuyện bà Nhụ đi làm thiện nguyện. Bác Tâm chia sẻ: “Lúc mới nghe chuyện tôi thấy bất ngờ lắm. Cứ thử nghĩ xem nhà bà Nhụ thuộc diện chính sách, kinh tế không mấy dư giả thì làm thiện nguyện rất khó. Tìm hiểu mới biết bà Nhụ có cái tài vận động, rất nhiều “Mạnh thường quân” tìm đến bà quyên góp vì tin tưởng”.
Bà Hà Thị Nhụ xem lại những bức ảnh về chuyến đi thiện nguyện.
Ngồi trò chuyện với bác Tâm được một lúc thì bà Nhụ về. Bày tỏ nguyện vọng viết về bà, bà chỉ cười hiền hậu: “Bà mời cháu lên nhà chơi. Có nhiều người đáng viết bài hơn bà lắm. Bà cũng chưa làm được nhiều điều to tát, chỉ là “hạt cát” so với công sức của nhiều người đang hoạt động thiện nguyện trên đất nước Việt Nam này”. Trong căn hộ nhỏ nằm trên tầng 5, thứ được bà Nhụ bảo quản cẩn thận nhất chính là các bức ảnh về những chuyến đi thiện nguyện của bà cùng bạn bè. Những bức ảnh này đều được bà gói gém và cất kỹ trong tủ, thỉnh thoảng lại mang ra xem. Là người đã nếm trải bao nhiêu khó khăn, vất vả trong cuộc sống nên bà Nhụ hiểu rõ nỗi buồn tủi của những số phận không may mắn.
Cách đây 20 năm, tình cờ nhìn thấy một người khuyết tật ở chân nhưng vẫn cố gắng mưu sinh, bà Nhụ đã nảy ra ý định tặng cho họ một chiếc xe lăn để bớt phần cơ cực. Nhưng ngặt ở nỗi, đồng lương hưu ít ỏi rồi còn tiền chi tiêu sinh hoạt cho gia đình đã khiến bà gặp khó. Bà Nhụ đem câu chuyện này kể với một người bạn và nhận được sự ủng hộ. Khi ấy chiếc xe lăn có giá 1,5 triệu đồng. Bà Nhụ bỏ ra 1 triệu đồng, còn người bạn của bà góp 500 nghìn. Sau lần tặng xe lăn, bà Nhụ đã ấp ủ kế hoạch làm sao để có thể giúp đỡ được nhiều người khó khăn hơn nữa. Thế là mỗi lần lấy lương hưu, bà chia làm 2 phần. Một lần lo chi phí sinh hoạt, một phần giữ lại tích cóp để sẻ chia với người khó khăn. Rồi khoản lương bà công tác ở Ban công tác mặt trận Tổ quốc (MTTQ), Hội cựu TNXP đều được bà giữ lại để giúp đỡ mọi người. Có lần, bà nghe có một bệnh nhi mắc tim bẩm sinh cần một số tiền 20 triệu đồng để phẫu thuật. Ròng rã cả tuần trời bà đi vận động tiền để giúp bé được chữa trị kịp thời. Có người hỗ trợ vài trăm nghìn đồng, vài triệu nhưng có người giúp đỡ bằng những bộ quần áo, hộp sữa. Tất cả những tấm lòng đó được bà tiếp nhận với sự trân trọng, minh bạch và trao tặng cho những người thật sự cần. Bà Nhụ chia sẻ: “Bà là phật tử đã hơn 20 năm nay và rất may trong những lần đến chùa hướng Phật bà biết đến nhiều người sẵn lòng hỗ trợ, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh. Lý do để nhiều người tin và chuyển tiền cho bà làm từ thiện là bởi bà luôn minh bạch trong các khoản tiền vận động, quyên góp, đưa tiền, hàng đến các địa chỉ thực sự cần hỗ trợ”.
Trong chặng đường 20 năm qua, bà luôn khắc ghi tấm lòng những nhà hảo tâm, những tình nguyện viên đã đồng hành cùng bà trên những chuyến thiện nguyện. Để việc thiện nguyện minh bạch, rõ ràng, bà Nhụ có những nguyên tắc riêng. Đối với những người cần hỗ trợ tiền bạc, sau khi vận động được tiền bà sẽ ghi chép cẩn thận và mời họ đến tận nơi để trao tiền. Với những món quà tặng bà sẽ tính toán mua quà rồi mang hóa đơn gửi tận nhà hảo tâm đó. Bà Nhụ kể, có lần tôi lên kế hoạch cùng một số người bạn đến trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật. Một người đã gọi cho tôi và mong muốn hỗ trợ 20 cái xe lăn. Thế là tôi liên hệ với cửa hàng đặt mua xe, mời nhà hảo tâm đó đến thanh toán tiền cho công khai. Trong trường hợp khác, một số nhà hảo tâm chủ động mua những phần quà, và công việc của bà Nhụ là liên hệ rồi gửi tận tay những người cần. Trong 20 năm qua, bà Nhụ đã có hàng trăm chuyến đi về khắp các vùng quê hỗ trợ tiền, xe lăn, mì tôm, quần áo, sách vở, máy lọc nước… cho các trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão, trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, nhân dân các vùng bị thiên tai, bão lụt, các trường học vùng sâu, vùng xa, cựu TNXP. Nhiều em nhỏ mắc tim bẩm sinh, nhiều người cần ghép giác mạc đã được chữa khỏi kịp thời nhờ tài vận động của bà Nhụ. Tổng số tiền, phần quà mà bà Nhụ vận động được đã lên tới hơn chục tỷ đồng… Ngoài ra, vào thứ ba và thứ năm hằng tuần, bà còn tham gia nấu cơm từ thiện phục vụ bệnh nhân nghèo tại Viện Bỏng quốc gia. Theo bà Nhụ, nấu cơm từ thiện là dịp để bà chia sẻ thêm với nhiều hoàn cảnh khó khăn. Chưa hết, gần nửa năm nay bà Nhụ đã bỏ tiền túi ra để tài trợ hoạt động nấu cháo từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vào thứ tư và thứ năm hằng tuần.
Nhân lên những tấm lòng nhân ái
Video đang HOT
Nhiều năm “thắp lửa” phong trào thiện nguyện, góp công giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, mảnh đời bất hạnh nhưng ít ai biết rằng cuộc sống riêng của bà Hà Thị Nhụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Gia đình bà Nhụ thuộc diện chính sách. Mẹ chồng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Chồng và con trai bị nhiễm chất độc da cam. Con dâu bà không có việc làm ổn định. Bà Nhụ là cựu TNXP từng đi phá đá, mở đường năm xưa. Hàng xóm nhiều người khuyên bà làm đơn đề nghị phường hỗ trợ chế độ cho đối tượng chính sách để sửa chữa nhà, nhưng bà Nhụ cứ chần chừ. Thậm chí, có người còn bảo bà đi xin được nhiều tiền từ thiện sao không xin tiền về cho gia đình sửa nhà. Bà thẳng thắn trả lời: “Tôi chỉ xin cho những hoàn cảnh khó khăn. Dù gia đình tôi khó khăn thật nhưng vẫn chưa là gì so với vô vàn hoàn cảnh bất hạnh trong cuộc sống ngoài kia”. Chỉ đến đầu năm 2019, cán bộ phường Thanh Xuân Nam nắm được tình hình, đến kiểm tra thực tế và đề nghị quận hỗ trợ gia đình bà 40 triệu đồng để sửa chữa nhà ở thì bà Nhụ mới nhận.
10 năm liền, bà làm Trưởng ban công tác MTTQ và hiện nay đang làm Chủ tịch Hội cựu TNXP phường Thanh Xuân Nam. Trên lĩnh vực công tác nào bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bà Hoàng Thúy Anh, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Nam, đánh giá: “Bà Nhụ làm thiện nguyện âm thầm mà không ham thành tích. Việc làm của bà đã lan tỏa ra khu dân cư, tổ dân phố và toàn phường. Với cái tâm và tấm lòng của mình, bà Nhụ đã và đang nhân lên sức mạnh của những tấm lòng nhân ái, góp phần mang lại niềm tin yêu vào cuộc sống cho các hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh”.
Nhiều cá nhân sau khi ủng hộ tiền, hiện vật đã tìm đến cảm ơn bà vì những chuyến đi thực tế, tìm hiểu kỹ càng để trao những món quà đúng người, giúp đỡ đúng những mảnh đời bất hạnh. Với những đóng góp quý báu đó, nhiều lần bà Hà Thị Nhụ được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu TNXP và UBND TP Hà Nội khen thưởng. Các năm 2016, 2017, 2018, bà được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.
Ở tuổi 74, hằng ngày bà Nhụ vẫn tất bật với công việc gia đình, chăm sóc chồng, con và các hoạt động ở hội cựu TNXP. Mỗi khi nghe người ta nói ở đâu có hoàn cảnh khó khăn, mảnh đời bất hạnh cần giúp đỡ là bà lại tìm đến tận nơi tìm hiểu trước khi bỏ một phần tiền nhỏ mình tích cóp được và vận động các nhà hảo tâm chung tay góp sức. Vậy mà mỗi lần được hỏi về mình, bà Nhụ đều xua tay: “Bà đã làm được gì to tát đâu. Đó là công sức, tiền bạc của các “Mạnh thường quân” đấy!”.
Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG
Theo QĐND
Hà Nội có thể cách ly cả chung cư, khách sạn để ngăn Covid 19
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu phát hiện ra trường hợp mắc Covid-19 trong 1 khách sạn hay 1 tòa nhà chung cư, tinh thần là phải cách ly cả tòa nhà đó để phòng tránh lây nhiễm.
Người dân trong khu cách ly của doanh trại Quân đội ở Lạng Sơn Ảnh: P.V
Các trường hợp cách ly đều phải xét nghiệm
Sáng 2/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại hội nghị, Bí thư quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho rằng, nếu có ca nhiễm ở trong khách sạn hay nhà chung cư, nguy cơ lây lan rất mạnh thông qua thang máy hay hệ thống điều hòa không khí.
Lãnh đạo quận Thanh Xuân cũng lo ngại, trên địa bàn quận có 109 tòa nhà chung cư, gần 600 thang máy, trong đó có những chung cư có nhiều người Hàn Quốc sinh sống.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, khi phát hiện ra trường hợp mắc Covid-19 trong 1 khách sạn hay 1 tòa nhà chung cư, tinh thần là phải cách ly cả tòa nhà đó để phòng tránh lây nhiễm. "Bí thư Thành ủy cũng đã chỉ đạo, cần thiết thì có thể cách ly cả một khu dân phố, một phường, thậm chí một quận để phòng chống dịch", ông Chung nói.
Theo ông Chung, bắt đầu từ ngày 2/3, tất cả những người bắt buộc đưa vào cách ly tập trung hay những trường hợp cách ly tại cộng đồng đều phải được xét nghiệm Covid-19 trước khi đưa vào cách ly. Tất cả trường hợp đến bệnh viện có triệu chứng nghi ngờ cũng phải lấy mẫu xét nghiệm; công dân các nước nhập cảnh qua sân bay Nội Bài qua kiểm dịch y tế thấy có nghi ngờ cũng phải chủ động lấy mẫu xét nghiệm...
Liên quan đến việc đi học trở lại của học sinh, ông Chung cho biết, Bộ GD&ĐT đã ban hành khung thời gian năm học điều chỉnh. Theo khung này, nếu như học sinh cấp 3 (khối THPT) đi học trở lại từ ngày 9/3 tới đây, sau khi kết thúc năm học vẫn còn 3 tuần trước kỳ thi đại học, hoàn toàn đáp ứng được chương trình đề ra. Thậm chí, trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp, học sinh cấp 3 vẫn có thể nghỉ kịch khung đến hết tuần thứ ba của tháng 3 mà không ảnh hưởng tới lịch học và lịch thi.
Tương tự, đối với các trường Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học cơ sở, trong trường hợp dịch diễn biến xấu, hoàn toàn có thể cho nghỉ học đến hết tháng 3/2020. "Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn giữ được như thế này, vẫn kiểm soát được như hiện nay, cộng thêm yếu tố thời tiết ấm lên thì hoàn toàn có thể yên tâm cho học sinh cấp 3 đi học trở lại từ 9/3, và từ 16/3 cho các cấp học khác đi học trở lại", ông Chung nói, đồng thời cho biết, nếu có diễn biến mới, thành phố sẽ tính toán.
Minh bạch thông tin
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng, diễn biến dịch bệnh đã chuyển sang một giai đoạn khác khi lây lan ra rất nhiều quốc gia trên thế giới; tác động tiêu cực đến sức khỏe, đời sống của người dân. Dự báo sắp tới, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và khó lường. Vì thế, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch, nhưng cũng không nên hoang mang, lo lắng quá mức. Ông Huệ nhấn mạnh tinh thần quyết tâm không để bệnh dịch xâm nhập trên địa bàn Thủ đô đồng thời phải chuẩn bị kịch bản đối phó với mức xấu nhất, đề nghị tăng cường kiểm tra giám sát, không được báo cáo không trung thực tình hình tại cơ sở.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, cách ly theo các cấp độ vẫn là giải pháp hàng đầu. Bên cạnh đó, cần rà soát tất cả những người đi từ vùng dịch chưa qua 14 ngày; thực hiện nghiêm việc khai báo và kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu. Thành phố tiếp tục bố trí điểm cách ly, đảm bảo điều kiện ăn ở tốt nhất. Ông Huệ yêu cầu có kết quả xét nghiệm sớm đối với tất cả các trường hợp cách ly tại các khu tập trung, bởi nếu chỉ cần có một trường hợp dương tính tại khu cách ly thì sẽ rất nguy hiểm.
Theo ông Huệ, quan trọng nhất vẫn là minh bạch các thông tin trong công tác phòng chống dịch. Bởi nếu không chủ động, mạng xã hội sẽ thông tin, gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Đồng thời, có ứng xử phù hợp để tránh tâm lý kỳ thị đối với người nước ngoài...
Cùng với đó, ông Huệ yêu cầu thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại trường học, cơ quan, đơn vị, khu vực công cộng. Phải đảm bảo môi trường an toàn tuyệt đối khi học sinh quay trở lại trường. Từ nay đến 8/3, căn cứ vào diễn biến của dịch bệnh cần đưa ra những quyết sách phù hợp. Phòng trường hợp xấu nhất xảy ra, cần phải có kịch bản sẵn sàng giảng dạy trên truyền hình...
Quân đội chuẩn bị diễn tập 5 cấp độ chống Covid-19
Ngày 2/3, Ban chỉ đạo (BCĐ) Diễn tập Covid-19 Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai nhiệm vụ diễn tập phòng, chống dịch Covid-19 tại Sở chỉ huy và các điểm cầu trong toàn quân. Theo kế hoạch, việc diễn tập thực binh tại một số đơn vị diễn ra vào sáng 4/3.
Theo thông báo của BCĐ, diễn tập lần này nhằm thống nhất trình tự nội dung, phương pháp phòng, chống khi có tình huống dịch Covid-19 ở các cấp độ; nâng cao năng lực chỉ huy, chỉ đạo, phối hợp, hiệp đồng, tổ chức chuẩn bị và thực hành phòng, chống dịch Covid-19.
Thông qua diễn tập sẽ đánh giá khả năng các nguồn lực, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh các phương án, kế hoạch, quy trình; sẵn sàng đối phó với một số tình huống phi truyền thống xảy ra.
NGUYỄN SƠN
HOÀNG PHONG
Theo Tiền phong
Thứ trưởng Bộ GTVT: Các chuyến bay tới Hàn Quốc dự kiến giảm 80% Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, do tác động của dịch Covid-19, các chuyến bay sang khu vực ngoài vùng dịch của Hàn Quốc giảm tới 60%, trong thời gian tới dự kiến giảm 70-80%. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 24/2, các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo Thủ tướng về tác động của dịch Covid-19 cũng...