Cứu thành công ngư dân thoát cơn nguy kịch gần quần đảo Hoàng Sa
Lực lượng cứu nạn hàng hải Việt Nam đã kịp thời cứu một ngư dân thoát cơn nguy kịch khi bị tai nạn lao động ở gần quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 28/5, tàu QNa 90478 TS do ông Trần Hồ thường trú tại Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, khi đang hành nghề trên vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa tại vị trí 15038′N – 114030′E (Đông Đông Nam đá Bông Bay 120 hải lý) thì thuyền viên Nguyễn Tấn Huân (53 tuổi) bị ngã chấn thương nghiêm trọng vùng lưng, các thuyền viên trên tàu ra sức chăm sóc, tuy nhiên sau đó anh Huân xuất hiện thêm triệu chứng đau dữ dội vùng thắt lưng, tiểu tiện ra máu đỏ.
Lực lượng cứu nạn tiếp cận cứu thuyền viên gặp nạn.
Nhận thấy tình hình chuyển biến xấu, thuyền trưởng Trần Hồ đã liên lạc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải) yêu cầu được hỗ trợ khẩn cấp.
Trung tâm đã yêu cầu tàu QNa 90478 TS lập tức hành trình về Đà Nẵng, đồng thời phối hợp cùng Trung tâm cấp cứu TP Đà Nẵng tư vấn y tế từ xa cho tàu. Qua quá trình thăm khám từ xa, các y bác sỹ cho biết nạn nhân bị đa chấn thương nghiêm trọng, tổn thương cột sống, gãy nhiều xương sườn trái, xuất huyết trong do tổn thương thận. Tình trạng bệnh hết sức nguy kịch, bắt buộc phải được can thiệp y tế để bảo toàn tính mạng.
Ngư dân gặp nạn được đưa lên tàu cứu nạn.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bằng mọi giá phải cứu sống nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch, lúc 18h36 cùng ngày, Trung tâm đã điều động tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn SAR 412 tức tốc rời căn cứ tại Đà Nẵng đi cứu nạn.
Với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết” và “Xem người bị nạn như chính người thân của mình”, sau nhiều giờ vượt sóng gió trong đêm tối, đến 7h10 ngày 29/5, lực lượng cứu nạn hàng hải đã tiếp cận được tàu QNa 90478 TS. Tổ công tác bao gồm y bác sỹ cùng nhân viên cứu nạn được triển khai lên tàu QNa 90478 TS để thực hiện ca cấp cứu. Tình trạng sức khỏe anh Huân đang hết sức nguy kịch, sức khỏe suy yếu do phải chịu đựng cơn đau trong nhiều giờ.
Ngư dân gặp nạn được chăm sóc ngay trên tàu SAR.
Ca cấp cứu tại chỗ có tiến triển thuận lợi, sau khi tình trạng bệnh được ổn định, anh Huân được đưa sang tàu SAR 412 để tiếp tục được chăm sóc y tế tích cực và khẩn trương đưa về đất liền.
Đến 20h00 ngày 29/5, tàu SAR 412 đã đưa nạn nhân về đến Đà Nẵng an toàn và bàn giao cho cơ chức năng theo quy định. Nhờ cấp được cấp cứu kịp thời, nạn nhân bước đầu đã vượt qua cơn nguy kịch, tính mạng được bảo toàn, Trung tâm cấp cứu TP. Đà Nẵng đã tiếp nhận và chuyển nạn nhân vào bệnh viện địa phương để tiếp tục điều trị./.
Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông: 'Cấm cứ cấm, đánh cứ đánh'
Trước lệnh cấm đánh bắt cá phi lý trên Biển Đông của Trung Quốc, ngư dân và lãnh đạo các cơ quan ban ngành của Việt Nam quả quyết: "Cấm cứ cấm, đánh cứ đánh".
Mới đây, Trung Quốc lại một lần nữa thông báo quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.
Theo quy chế này, phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía Bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/5 đến 16/8.
Lệnh cấm đánh bắt của Trung Quốc trên Biển Đông hoàn toàn không có giá trị. (Ảnh: Ngư dân chụp)
Trước quy chế ngang ngược, vô lý của Trung Quốc, trả lời PV VTC News, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam - khẳng định, đây là lệnh cấm không có giá trị.
Theo ông Tấn, đây không phải lần đầu Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.
Thực tế từ năm 1999, hằng năm, Trung Quốc ban bố lệnh cấm đánh bắt trong khoảng thời gian từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 8.
"Rõ ràng, đây là lệnh cấm không có tính pháp lý và thể hiện sự ngang ngược của Trung Quốc. Vì vậy, ngư dân Quảng Nam nói riêng và ngư dân Việt Nam nói chung vẫn quyết tâm bám biển quanh năm suốt tháng. Đơn cử, 750 tàu cá của Quảng Nam vẫn đang hiện diện ở 2 ngư trường lớn là Hoàng Sa và Trường Sa", ông Tấn nói.
Tuy nhiên, theo ông Tấn, trong khoảng thời gian Trung Quốc áp đặt lệnh cấm, hoạt động đánh bắt của ngư dân nước ta thường gặp trở ngại.
"3,5 tháng thực hiện lệnh cấm, Trung Quốc luôn tìm cách xua đuổi, gây khó dễ, cản trở ngư dân Việt Nam khai thác hải sản. Do đó, các cơ quan ban ngành của tỉnh luôn động viên, khuyến khích ngư dân thành lập các tổ đoàn kết đánh bắt (từ 5-10 tàu).
Các tàu trong cùng một tổ sẽ đánh bắt cách nhau 2-3 hải lý, nếu gặp tàu lạ tấn công thì sẽ liên lạc và hỗ trợ nhau", ông Tấn chia sẻ và khẳng định, khi chứng kiến các tàu cá Việt Nam đi theo nhóm, phía Trung Quốc sẽ có phần e ngại, không dám ức hiếp.
Theo ông Tấn, các ngư dân nên thành lập các tổ đoàn kết đánh bắt (từ 5-10 tàu).
Đồng quan điểm với Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Nam, ông Phùng Đình Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi - quả quyết: "Trung Quốc cấm cứ cấm. Ngư dân cứ yên tâm đánh bắt trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam".
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi - thông tin với VTC News, trong những ngày đầu Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt, hoạt động khai thác hải sản của ngư dân vẫn diễn ra bình thường. 2 hôm nay, hàng chục tàu cá trở về từ ngư trường Hoàng Sa đều bội thu cá nục, cá chuồn.
"Ở Hoàng Sa, hằng ngày có không dưới 100 con tàu công suất lớn của ngư dân Bình Châu khai thác hải sản. Hơn 2 thập kỷ qua, ngư dân Bình Châu - địa phương có số lượng tàu đánh bắt ở Hoàng Sa xếp vào loại nhiều nhất nước đã thấm nhuần lệnh cấm không có giá trị của Trung Quốc.
Do đó, ngư dân giờ cũng chẳng bận tâm tới lệnh cấm này nữa. Cấm cứ cấm, biển mình thì mình cứ đánh bắt", ông Hùng nhấn mạnh.
Với cá nhân anh Trần Hồng Thọ (trú xã Bình Châu) - vị thuyền trưởng có thâm niên 16 năm "chinh chiến" ở Hoàng Sa, anh không còn xa lạ với các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển.
Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Thọ. (Ảnh: Ngư dân chụp)
Hơn 1 tháng trước, chính xác là vào lúc 3h ngày 2/4, sau 2 tiếng bị rượt đuổi, con tàu mang công suất 420 CV của Thọ bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngoài vùng biển Hoàng Sa. Anh và 7 thuyền viên trên tàu bị những kẻ lạ mặt trên tàu Trung Quốc giam giữ trái phép suốt hàng chục tiếng đồng hồ.
Trở về đất liền, như bao ngư dân có tàu "bỏ mạng" giữa trùng khơi vì bị Trung Quốc tấn công, Thọ đang nuôi quyết tâm đóng tàu mới để sớm trở lại Hoàng Sa.
"Hàng chục năm đánh bắt xa bờ, chuyện tàu cá của mình bị Trung Quốc xua đuổi, cướp ngư cụ, cấm đánh bắt xảy ra như cơm bữa. Vì vậy, họ (Trung Quốc) cấm đánh bắt là việc của họ, còn mình cứ đánh ở vùng biển thuộc phạm vi của nước mình. Ngư dân chúng tôi không sợ gì cả", Thọ bộc bạch.
Ngày 4/5, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao về việc phản đối quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc.
Theo Hội Nghề cá Việt Nam, Trung Quốc đã có thông báo quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Theo quy chế này, phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía Bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/5 đến 16/8.
"Quy chế này xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan.
Gần đây, Trung Quốc còn ngang nhiên công bố việc thành lập hai cơ quan hành chính trực thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa" nhằm kiểm soát phi pháp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam", Trung ương Hội nghề cá Việt Nam nêu rõ.
Trước hành động phi lý của Trung Quốc, Hội Nghề cá Việt Nam "kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc. Quy chế này không có giá trị pháp lý đối với các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của mình".
Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam có biện pháp phản đối mạnh mẽ nhằm ngăn chặn, chấm dứt hành động ngang ngược của Trung Quốc.
"Thường xuyên tăng cường các lực lượng chấp pháp trên biển để hỗ trợ và bảo vệ ngư dân Việt Nam khi hoạt động trên biển của nước ta", Hội Nghề cá Việt Nam nhấn mạnh.
Hội Nghề cá Việt Nam cũng kêu gọi và vận động ngư dân bình tĩnh, yên tâm bám biển đẩy mạnh sản xuất và kiên quyết thực hiện quyền lợi chính đáng của mình, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Video: Ngư dân kể chuyện bị tàu Trung Quốc tấn công ở Hoàng Sa
Người phát ngôn BNG Trung Quốc trắng trợn bịa đặt: Tàu cá VN đâm tàu Hải cảnh TQ Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trắng trợn đổi trắng thay đen sự thật vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trong tuyên bố mới đây. Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 3/4, khi phóng viên đặt câu hỏi liên quan tới việc tàu cá Việt Nam bị chìm...