Cựu thẩm phán Mỹ báo thù
Công tố viên Mark Hasse thường mang súng trong người để phòng thân nhưng sáng hôm ấy, khẩu súng không cứu được ông.
Hơn 8h30 ngày 31/1/2013, Hasse, 57 tuổi, ngã gục xuống vỉa hè khi chỉ còn cách trụ sở tòa án vài chục mét. Khi xe cấp cứu tới nơi, Hasse đã chết. Tin tức về Hasse, công tố viên xuất sắc nhất của hạt Kaufman, bang Texas, mau chóng thu hút được sự chú ý của người dân địa phương.
Dù xảy ra giữa ban ngày, vụ án chỉ có một người chứng kiến. Theo nhân chứng, hung thủ là gã đàn ông mặc đồ tối màu, đeo mặt nạ. Hắn tiếp cận Hasse và rút súng ngắn bắn liên tiếp 8 phát đạn sau khi hai bên cự cãi. Hung thủ sau đó lên ghế phụ của chiếc xe bốn chỗ màu xám hoặc nâu nhạt rời hiện trường. Chiếc xe đã bị tháo biển số. Tại hiện trường không có vỏ đạn rơi.
Hasse làm công tố viên của hạt Kaufman từ năm 2010. Trước đó, Hasse cũng đã truy tố nhiều tội phạm giết người hoặc tội phạm băng đảng ở thành phố Dallas, cách hạt Kaufman khoảng 30 dặm.
Vì Hasse bị phục kích theo kiểu “hành quyết” giống cách gây án của tội phạm băng đảng, cùng với việc ông gần đây đã giúp truy tố thành viên băng đảng Hội Anh em Aryan bang Texas, tổ chuyên án nghi ngờ Hasse bị nhóm này trả thù. Trùng hợp, 7 tuần sau khi Hasse chết, giám đốc cơ quan quản lý nhà tù bang Colorado cũng bị thành viên Hội Anh em Aryan bắn chết tại nhà riêng.
Tuy nhiên, sau khi cuộc điều tra kéo dài được một thời gian, các nghi phạm đều lần lượt bị loại trừ. Giả thuyết về băng đảng Hội Anh em Aryan cũng không có căn cứ. Mọi đầu mối bế tắc.
Nhưng chỉ hai tháng sau cái chết của Mark Hasse, hạt Kaufman lại chứng kiến một bi kịch khác. Ngày 30/3/2013, Mike McLelland, trưởng công tố viên hạt Kaufman và cấp trên trực tiếp của Hasse, cùng vợ Cynthia bị phát hiện chết tại nhà riêng. Trên sàn nhà rơi nhiều vỏ đạn, nằm gần cửa ra vào là Cynthia, 65 tuổi. McLelland, 63 tuổi, nằm gục giữa hàng lang dẫn ra cửa sau. Cả hai đều đã bị bắn chết bằng loại đạn thường dùng cho mẫu súng trường AR-15.
Video đang HOT
Từ trái qua, Mark Hasse, Mike McLelland cùng vợ Cynthia McLelland. Ảnh: Dallas News.
Hệ thống an ninh tại nhà ghi nhận có sự việc bất thường vào 6h40 sáng nên đây cũng được cho là thời điểm xảy ra vụ tấn công. Trong nhà không có dấu hiệu bị phá cửa đột nhập, nhiều khả năng hung thủ đã thuyết phục được Cynthia mở cửa trước.
Trích xuất camera an ninh, cảnh sát phát hiện gần thời điểm vụ án mạng nhà McLellands xảy ra, một chiếc xe bốn chỗ màu trắng đã lái qua nhà nạn nhân. Chiếc xe này giống phương tiện hung thủ dùng để tẩu thoát sau khi giết Hasse. Như vậy, chắc chắn cả hai vụ án đều có chung thủ phạm.
Một ngày sau vụ án mạng nhà McLelland, đường dây tiếp nhận tin báo nặc danh của hạt Kaufman bỗng nhận được tin nhắn bắt đầu bằng dòng chữ in hoa “Các người chú ý tới chúng tôi rồi chứ?”. Trong tin nhắn, tác giả chỉ ra đúng cỡ đạn dùng trong vụ án mạng của Hasse dù tình tiết này chưa được công khai, đồng thời dọa sẽ tiếp tục giết chóc nếu một thẩm phán tòa án hạt Kaufman không từ chức vào cuối tuần. “Chúng tôi không phải không biết điều, nhưng cũng sẽ không thể bị ngăn cản”, tin nhắn kết thúc.
Tin nhắn nặc danh cùng cái chết của hai công tố viên cao cấp nhất lập tức khiến cả hạt Kaufman bị nhấn chìm trong nỗi sợ. Dù được cảnh sát canh phòng ngày đêm, giới chức địa phương bắt đầu mặc áo chống đạn vì lo trở thành mục tiêu tiếp theo. Áp lực đè nặng lên vai điều tra viên, buộc mau chóng tìm ra hung thủ.
Tuy là nặc danh, tin nhắn đe dọa cũng tiết lộ cho điều tra viên một số manh mối quan trọng. Vì tin nhắn yêu cầu thẩm phán từ chức, người viết nhiều khả năng là người sống ngay trong hạt, không phải thành viên băng đảng từng bị Hasse kết án khi ông còn là công tố viên thành phố Dallas. Ngoài ra, từ trước tới nay, hai nạn nhân chỉ mới làm việc với nhau trong duy nhất một vụ án: vụ ăn trộm của Eric Williams vào năm 2011.
Eric Williams từng làm thẩm phán tại hạt Kaufman. Ảnh: The Terrell Tribune.
Eric Williams, 46 tuổi, được bổ nhiệm thẩm phán cấp thấp tại hạt Kaufman vào tháng 11/2010. Khi công tác, Williams thường than phiền về việc tòa án lạc hậu về công nghệ nên muốn xây dựng hệ thống họp video trực tuyến. 5 tháng sau khi nhậm chức, Williams bị cáo buộc ăn trộm sau khi tự ý mang ba màn hình máy tính ra khỏi phòng IT.
Sau khi bị khởi tố, Williams được cho cơ hội nhận tội và từ chức thẩm phán để không phải ra tòa nhưng ông ta từ chối vì cho rằng không ăn trộm, mọi chuyện chỉ là hiểu nhầm. Williams còn cáo buộc mình bị “trù dập” vì từng ủng hộ đối thủ tranh cử với McLellands. Sau khi bị Hasse và McLellands truy tố, Williams bị kết tội tại tòa, bị cách chức thẩm phán và mất chứng chỉ luật sư. Sự nghiệp của Williams cũng chấm dứt từ đó.
Sau vụ án mạng đầu tiên, cảnh sát từng tới gặp Williams nhưng vì ông ta đang đeo nẹp cánh tay vì “vừa phẫu thuật vai”, trên tay cũng không có dấu vết muội súng nên đã loại trừ khỏi diện tình nghi.
Dù vậy khi khám nhà Williams, cảnh sát thu được một số bộ phận có thể lắp vào loại súng AR-15 được dùng trong vụ giết McLellands. Tuy nhiên, những bộ phận này đều thiếu hộp khóa nòng, thứ có thể được dùng để đối chiếu với vỏ đạn ở hiện trường. Đặc biệt, trên một mảnh giấy là những dãy số ngẫu nhiên mà người dùng đường dây nặc danh của hạt Kaufman được phát. Những dãy số này được xác định thuộc về người đã để lại tin nhắn đe dọa sau vụ giết McLellands.
Lúc này, một người bạn của Williams chủ động báo tin đã đứng tên để giúp Williams thuê một nhà kho từ cuối năm 2012. Khám nhà kho này, cảnh sát phát hiện nhiều đồng phục cảnh sát, 41 khẩu súng, trong đó có hai khẩu AR-15 cũng thiếu hộp khóa nòng, bom napalm tự chế, cùng xe bốn chỗ màu trắng giống mẫu xe xuất hiện tại hiện trường hai vụ án mạng. Dữ liệu máy tính của Williams còn cho thấy trước mỗi vụ án mạng, ông ta đã dành nhiều thời gian tra cứu thông tin cá nhân của Hasse và McLellands như nơi ở và phương tiện đi lại.
Những dãy số mà người dân sẽ được phát khi báo tin nặc danh được tìm thấy tại nhà Eric Williams. Ảnh: Texas Ranger.
Williams lập tức bị bắt giữ. Kim, vợ Williams, 48 tuổi, cũng bị bắt vì bị nghi là lái xe tẩu thoát trong vụ giết người đầu tiên. Trái ngược thái độ phủ nhận của Williams, Kim mau chóng khai ra mọi chuyện và trở thành nhân chứng mấu chốt của cơ quan công tố.
Công tố viên cáo buộc sau khi mất chức, Williams lập danh sách những người hắn muốn trả thù, bắt đầu với Hasse và McLellands. Williams nhờ bạn thuê hộ nhà kho làm nơi chứa vũ khí và công cụ gây án, dùng tiền mặt mua xe bốn chỗ để làm xe tẩu thoát. Trong vụ án mạng thứ hai, hắn bị cho là đã mặc đồng phục cảnh sát để dụ nạn nhân ra mở cửa.
Trước tòa, luật sư của Williams nhấn mạnh nhà chức trách không tìm được hung khí để gỡ tội cho thân chủ. Nhưng cuối cùng, Eric Williams vẫn bị kết tội Giết người cấp độ I vào năm 2014, lãnh án tử hình. Với vai trò lái xe tẩu thoát và làm cảnh giới, Kim Williams bị phạt 40 năm tù, được phép xin ân xá sau khi chấp hành nửa bản án.
Từ sau song sắt, Williams phủ nhận tội trạng. Ngược lại, Kim nói rất hối hận và thừa nhận vốn dĩ hoàn toàn có thể báo cảnh sát để ngăn chặn chồng trước khi có người chết. Từ trong tù, Kim đệ đơn ly hôn và được chấp nhận vào tháng 1/2018.
Nổ súng tại quán bar ở Mỹ, ít nhất 3 người thiệt mạng
Theo RT ngày 21-10 đưa tin, một vụ nổ súng đã xảy ra tại thành phố Houston, bang Texas, Mỹ, khiến ba người đàn ông thiệt mạng và một người khác được đưa tới bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, khuya ngày 20-10 (theo giờ địa phương).
Vụ việc xảy ra tại quán bar DD Sky Club, nằm gần trung tâm thành phố. Cảnh sát thành phố Houston cho biết, nghi phạm đã bỏ trốn khỏi hiện trường sau khi nổ súng. Hiện chưa có vụ bắt giữ nào liên quan đến vụ việc nhưng nhiều khả năng có hai nghi phạm liên quan tới vụ nổ súng.
Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ việc - Ảnh: Twitter
Một nhân chứng có mặt tại hiện trường khi đó cho biết: "Rất đông người có mặt tại quán, khi chúng tôi đang vui vẻ thì bất ngờ nghe tiếng súng nổ, nhiều người nằm dưới sàn, khi đó khung cảnh rất hỗn loạn. Nhiều tiếng súng nữa vang lên và ai cũng nhanh chóng tìm chỗ trốn".
Cảnh sát hiện đang phát thông báo cho người dân sống trong khu vực gần đó cung cấp thông tin nếu biết về vụ việc, đồng thời theo dõi camera an ninh của quán để xác định nghi phạm.
100 cảnh sát Đức truy tìm người đàn ông mang cung tên trong rừng Cảnh sát Rừng Đen (Black Forest) ở Oppenau, bang Baden-Wrttemberg, phía Tây Nam Đức, đang truy tìm một người đàn ông vô gia cư mang theo cung, mũi tên và các vũ khí khác như phim. Cả trăm sĩ quan cảnh sát cùng các máy bay trực thăng đã được triển khai trong cuộc truy bắt bắt đầu vào ngày 12/7. Cảnh sát...