Cửu thác Tú Sơn – điểm đến hấp dẫn của du lịch Kim Bôi, Hòa Bình
“Cửu thác thượng ngàn mơ không thấy Long cung giếng Ngọc mấy ai hay Đến rồi lòng ngẩn ngơ say Bồng lai tiên cảnh đây rồi, Tú Sơn.”
Du lịch Kim Bôi hiện nay được biết đến không chỉ bởi có suối nước nóng mà nó còn nổi tiếng bởi sự kỳ vĩ của thiên nhiên, hùng vĩ của những thác, ghềnh nơi núi rừng. Cửu thác Tú Sơn – một khu du lịch mới với thác nước hùng vĩ, cảnh vật nên thơ. Cửu thác Tú Sơn được ví von như danh thắng “đệ nhất’ xứ Mường. Quả thật không ngoa khi nói như vậy, nếu ai đã từng được ghé qua chắc vẫn không thể quên được những thác Tiên Tắm, thác Âu Cơ, thác Bạc hùng vĩ…
Đường lên với Cửu thác cách quốc lộ dài chừng 1 km, du khách có thể cảm nhận được sự mộc mạc, hoang sơ của cả cảnh vật và trong cả nếp sống của đồng bào dân tộc nơi đây. Người dân sống quanh khu cửu thác chủ yếu là người Mường, họ vẫn giữ nguyên lối sinh hoạt cũ, đậm chất của người dân tộc. Hai bên đường lên với khu cửu thác là những nương ngô, ruộng lúa xanh mướt, thấp thoáng phía chân núi có những đám mây trắng lững lờ trôi, bao quanh lấy những làng bản. Mọi thứ thật thanh bình đưa ta đến gần với thiên nhiên hơn, tiếng suối rì rào hòa lẫn tiếng chim ríu rít như thúc giục người lữ khách đến với nơi Cửu thác.
Video đang HOT
Cửu thác Tú Sơn nằm trên địa phận xóm Củ, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi. Khu du lịch này được khai thác và đưa vào sử dụng cách đây không lâu. Các danh thắng Cửu Thác Tú Sơn gắn liền với những sự tích đẹp, những sự tích của chàng trai, cô gái người Mường. Những sự tích đã đi vào thơ ca, sử sách của người Mường. Thượng ngàn Cửu thác Tú Sơn ở độ cao trên 1.300 m. Ở độ cao đó không chỉ có núi non, thác nước hùng vĩ, không khí mát mẻ trong lành mà tới đây, du khách sẽ được khám phá, hòa mình vào cuộc sống của người dân tộc Mường, được tận mắt nhìn thấy khung cảnh sinh hoạt, sản xuất của họ, được tận mắt ngắm những con nước, ngắm ruộng bậc thang, những cô gái Mường e ấp trong bộ váy áo… Du lịch cửu thác thu hút khách du lịch không chỉ bởi thiên nhiên hùng vĩ, thêm vào đó là những nét đặc trưng về văn hóa, những đặc sản của núi rừng với món ăn, thức uống của người dân tộc. Có “cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui”. Du khách sẽ được cùng ăn, cùng sống, đốt lửa, cùng thử sức với những công việc lao động của người Mường quanh khu du lịch…Các món ăn như: cơm lam, rượu cần, thịt lợn mường, măng đắng, thịt gà nấu măng chua, thịt nướng… Du khách khi một lần đặt chân tới miền này, ắt hẳn sẽ muốn quay trở lại.
Những danh thắng trong quần thể khu du lịch đã được nhiều người biết đến với: ” Thác Tiên Tắm luôn xanh mát và rì rào tiếng nước chảy. Thác hồ Âu Cơ nằm ở thượng ngàn cửu thác Tú Sơn, nơi còn lưu dấu tích một quả trứng Âu Cơ khổng lồ hóa đá, hiện lên như một bà mẹ ôm bọc trăm trứng với vẻ mặt bâng khuâng nhìn về phía chồng con xuôi về miền biển. Thác nước tuôn chảy ngày đêm qua tháng năm đã tạo thành hồ nước Lạc Long Quân để người đời sau tắm gội trong tình yêu của đại gia đình các dân tộc. Thác Quan Lang trải đều như chiều dài cái chiếu. Ngày đêm rì rào vang vọng âm thanh nhẹ nhàng mà da riết. Thác Hồ Út Lót gắn liền với câu chuyện tình yêu trắc trở của nàng Út Lót vừa thông minh, vừa xinh đẹp với chàng Hồ Liêu không lấy được nhau hóa thành đôi bướm trắng rập rờn đùa vui bên dòng suối. Thác Bạc, thác nước cao, đẹp nhất trong cửu thác. Động Long Cung là dòng suối xưa được chảy từ đầm hồ ba nhánh. Do trên cao đất, đá tuôn xuống đã lấp tắc phía trên làm nước đổi dòng, suối này trở thành hang động huyền ảo. Vườn Thượng uyển có không gian mát mẻ như khí hậu Đà Lạt. Thác Thiên Ngọc Thạch, từ chân thác khi nhìn lên trời cao sẽ thấy một hòn đá khổng lồ, tròn vo màu xanh ngọc xung quanh. Thác hồ Trượng Phu cao 100 m – dòng thác như từ trên trời nối xuống hồ Tiên Sa”
“Đến rồi lòng ngẩn ngơ say”, say cảnh vật, say lòng người, say cái thanh bình mà hoang sơ của Cửu thác, chắc hẳn, những cảm xúc thú vị về ghềnh, thác, núi rừng nơi đây vẫn còn đọng lại trong tâm trí những lữ khách đã đến với Cửu thác Tú Sơn, nơi mà bất cứ ai một lần đến cũng phải đắm say với cảnh vật và con người nơi núi rừng này.
Hòa Bình: Khám phá Thung Nai
Từng là xã đặc biệt khó khăn, Thung Nai (Cao Phong, Hòa Bình) đã có bước phát triển mới và ngày càng trở nên nổi tiếng nhờ khai thác được lợi thế du lịch vùng hồ.
Bến cảng Thung Nai, xã Thung Nai (Cao Phong) - nơi khởi đầu khám phá du lịch hồ Hòa Bình.
Với khoảng cách khá gần so với Thủ đô Hà Nội, có nhiều cách để di chuyển đến Khu du lịch (KDL) Thung Nai bằng phương tiện xe máy, xe khách hoặc ô tô tự lái. Hiện nay, tuyến giao thông đường bộ nối từ TP Hòa Bình lên bến cảng Thung Nai đảm bảo êm thuận, thông suốt, cơ sở vật chất, bến bãi đáp ứng tiêu chuẩn, tạo thuận lợi cho du khách di chuyển bằng tàu thuyền để khám phá các điểm đến của KDL.
Theo giới thiệu của đồng chí Phạm Ngọc Nhất, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cao Phong, KDL Thung Nai có ưu thế nằm ngay giữa lòng hồ thủy điện Hòa Bình, có nhiều điểm du lịch hấp dẫn, như: Đền Bà chúa Thác Bờ, suối Trạch, chợ nổi Thác Bờ và cũng rất gần với bản du lịch cộng đồng của xã Suối Hoa (Tân Lạc). Trong đó, đền Bà chúa Thác Bờ được biết đến là ngôi đền rất linh thiêng, hàng năm tấp nập khách hành hương lễ bái và tỏ lòng tôn kính. Từ bến cảng Thung Nai đến đền Bà chúa Thác Bờ chỉ mất khoảng 15 - 20 phút đi thuyền. Ngoài ra, nếu đã đến đây, du khách đừng quên ghé động Thác Bờ nằm cách đó không xa với vẻ đẹp huyền diệu và kỳ ảo, thưởng ngoạn không gian linh thiêng cùng những khối thạch như muôn hình vạn trạng.
Một địa điểm khác trên hành trình khám phá Thung Nai là suối Trạch. Nơi đây được ví như một bể tắm thiên nhiên tuyệt đẹp với dòng nước xanh mát xen giữa những khối đá nhấp nhô. Nhiều du khách đến Thung Nai thường thuê thuyền lênh đênh trên dòng sông Đà rộng lớn, ghé qua khám phá suối Trạch và ngọn thác phía thượng nguồn. Thác ở suối Trạch không cao và không mang dáng vẻ hùng vĩ mà thay vào đó, dòng nước trắng xóa đổ xuống từ vách núi mang vẻ thơ mộng, êm đềm. Để đến được suối Trạch, từ bến Thung Nai, du khách đi khoảng 20 phút bằng thuyền rồi dừng bên lòng hồ sông Đà, tiếp tục đi bộ chừng 1km nữa sẽ nghe được tiếng róc rách từ dòng suối.
Nếu đến Thung Nai vào ngày Chủ nhật, du khách có cơ hội khám phá chợ nổi Thác Bờ. Hoạt động giao thương, mua bán hàng hóa ở đây diễn ra khá tấp nập, sản vật được trao đổi nhiều nhất có lẽ là đặc sản của vùng hồ Hòa Bình, bao gồm cá, tôm tươi và sản phẩm tôm, cá, măng rừng đã được phơi khô. Nhiều người lựa chọn đi du lịch vào cuối tuần để được thong dong đi chợ, khám phá nét đặc trưng riêng của phiên chợ nổi.
Bên cạnh những điểm thăm quan, thưởng ngoạn, Thung Nai còn được lòng du khách bởi nơi đây thích hợp để tổ chức cắm trại, các hoạt động team building thú vị. Đặc biệt, nếu đã đến đây, du khách đừng bỏ lỡ trải nghiệm chèo thuyền, lướt nhẹ nhàng trên dòng nước trong xanh và tận hưởng cảm giác lênh đênh trên đảo. Ấn tượng của du khách đối với Thung Nai còn là được thưởng thức nhiều món ăn ngon, đặc sản tươi rói được lấy từ hồ, trải nghiệm ngủ đêm tại các nhà nghỉ trên hồ. Có 2 trong top những nhà nghỉ được đánh giá cao khi đến Thung Nai là nhà nghỉ Cối xay gió và nhà nghỉ Đảo Dừa. Trong đó, nhà nghỉ Cối xay gió xây dựng theo phong cách phương Tây, được trang bị đầu đủ tiện nghi, giá hợp túi tiền và có view đẹp, thích hợp cho các cặp đôi và gia đình trong kỳ nghỉ dưỡng. Đảo Dừa được xây theo phong cách sinh thái tự nhiên, cung cấp nhiều dịch vụ đi kèm, thích hợp với những gia đình và nhóm bạn ưa hoạt động và đam mê khám phá.
Hòa Bình - Hấp dẫn các sản phẩm du lịch đón hè Đã bước vào cao điểm mùa hè, du lịch Hòa Bình tăng cường làm mới các sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm, khám phá; xây dựng các tour, tuyến kết hợp nhiều điểm đến nhằm thu hút khách theo nhóm và gia đình đang có xu hướng "lên ngôi" dịp hè, những ngày cuối tuần, kỳ nghỉ lễ. Tắm khoáng nóng và tận...