Cứu sống thanh niên bị thang máy kẹp vỡ đầu
Ngày 10/12, bác sĩ Lê Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết, các y, bác sĩ của bệnh viện vừa bỏ qua các thủ tục hành chính, kích hoạt báo động đỏ nội viện cứu sống nam bệnh nhân 36 tuổi khi đang làm việc bị thang máy kẹp vào đầu làm vỡ phức tạp hộp sọ.
Bệnh nhân nhập viện với chấn thương sọ não nặng, lóc da đầu phức tạp. Ảnh do bệnh viện cung cấp.
Đó là bệnh nhân Lê Đức B. (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) nhập viện trong tình trạng hôn mê, mất máu nhiều, vỡ hộp sọ và lóc phức tạp da đầu.
Ngay khi đưa vào viện, kíp cấp cứu Bệnh viện Bãi Cháy đã tiến hành hồi sức tích cực chống sốc bằng cách kiểm soát chảy máu, cho thở oxy, giảm đau, truyền máu đồng thời được nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm cần thiết cho phẫu thuật khẩn cấp.
Nhận định đây là ca bệnh chấn thương sọ não nguy kịch, nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ đã bỏ qua các thủ tục hành chính chuyển thẳng bệnh nhân lên phòng mổ thông minh. Báo động đỏ nội viện được khởi động, đã huy động sự phối hợp lực lượng bác sĩ thuộc các chuyên khoa Ngoại – Gây mê hồi sức – Huyết học hóa sinh để cùng phối hợp hồi sức, phẫu thuật xử trí cấp cứu.
Video đang HOT
Phòng mổ thông minh của Bệnh viện Bãi Cháy.
Tại phòng mổ thông minh, người bệnh vừa được chụp cắt lớp vi tính 32 dãy (CT phòng mổ) và hệ thống định vị Navigation để chẩn đoán chính xác vùng đầu tổn thương vừa được thực hiện phẫu thuật cấp cứu.
Kết quả chụp cắt lớp cho thấy, tình trạng tổn thương sọ não của bệnh nhân rất nặng, vỡ toác hộp sọ, rách đoạn xoang tĩnh mạch dọc dài 10cm, tổn thương não nặng nề, mất nhiều tổ chức não do thoát vị ra ngoài hộp sọ, tụ máu não ngoài màng cứng, dưới màng cứng, trán hai bên.
Chỉ chưa đầy 30 phút, người bệnh đã được sơ cấp cứu, truyền máu và chẩn đoán chính xác tình trạng để thực hiện phẫu thuật.
Chỉ đạo và phẫu thuật trực tiếp cho người bệnh là bác sĩ CKII Lê Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy. Các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật xử trí tổn thương xương sọ, xoang tĩnh mạch, lấy toàn bộ tổ chức não dập, máu tụ đồng thời thực hiện giải tỏa não. Phần da đầu bị lóc được khâu, xử lý. Phần xương sọ bị vỡ được cắt và gửi ngân hàng mô (3 tháng sau sẽ phẫu thuật ghép xương sọ não).
Trường hợp bệnh nhân này mất máu rất nhiều, phải truyền trên 3.800ml máu trong cả quá trình cấp cứu, phẫu thuật.
Đối với bệnh nhân chấn thương sọ não nặng sau khi phẫu thuật thì phần hồi sức cũng hết sức quan trọng bởi có thể tử vong hoặc mang di chứng nặng nề như liệt vận động, hôn mê… Do vậy, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực đã rất tỉ mỉ, cẩn trọng chăm sóc người bệnh.
Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo, nói chuyện, tiếp xúc tốt, ăn uống bình thường.
Sau 5 ngày phẫu thuật, hồi sức tích cực, bệnh nhân đã được rút máy thở. Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo, nói chuyện, tiếp xúc tốt, ăn uống bình thường và có thể xuất viện trong 3 ngày tới.
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, phụ trách Đơn nguyên Ngoại thần kinh – lồng ngực, Khoa Chấn thương-Chỉnh hình, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết: Việc cứu sống bệnh nhân B. ngoài việc được đưa đến cấp cứu kịp thời thì yếu tố mang tính quyết định đó chính là sự phối hợp nhanh chóng, nhịp nhàng của tất cả các chuyên khoa của bệnh viện để không bỏ lỡ “thời gian vàng” trong phẫu thuật cấp cứu.
Thời gian qua, Bệnh viện Bãi Cháy đã cấp cứu nhiều trường hợp tai nạn giao thông, tai nạn lao động đa chấn thương phức tạp cận kề cái chết đã được cứu sống ngoạn mục.
Đối với các ca tai nạn chấn thương sọ não nặng đều tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, cần phải được chẩn đoán sớm và phẫu thuật ngay, nếu chậm trễ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Điều này đòi hỏi bệnh viện phải có đội ngũ bác sĩ đa chuyên khoa, nhất là thần kinh – sọ não giàu kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng cũng như sự phối hợp ăn ý giữa các kíp, đặc biệt là việc triển khai hiệu quả, linh hoạt quy trình “báo động đỏ” giúp bệnh nhân được cứu chữa kịp thời trong thời gian ngắn nhất.
Người phụ nữ nguy kịch sau khi uống 60 viên thuốc hạ huyết áp
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Ngọc Tuyền, khoa Hồi sức tích cực và chống độc, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt nhiều, da lạnh, huyết áp tụt sâu.
Ngày 8/12, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết trước khi nhập viện, nữ bệnh nhân (31 tuổi, người địa phương) đã uống 60 viên thuốc hạ huyết áp Amlodipin.
Nữ bệnh nhân bị ngộ độc sau khi uống 60 viên thuốc hạ huyết áp. Ảnh: BVCC.
Các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy khí máu toan chuyển hóa, tăng lactat. Bác sĩ kết luận bệnh nhân bị ngộ độc Amlodipin và thực hiện các biện pháp thải độc, truyền dịch, thuốc vận mạch, insulin liều cao..., để cứu bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch.
Theo bác sĩ Tuyền, Amlodipin là thuốc được kê đơn khá thường xuyên trong điều trị bệnh lý tăng huyết áp. Tuy nhiên, khi sử dụng quá liều, người bệnh sẽ bị các tác dụng phụ như nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đánh trống ngực, chuột rút...
Nữ bệnh nhân này cùng thời điểm sử dụng một lượng lớn thuốc Amlodipin (tổng liều lượng 300 mg) khiến cơ thể bị nhiễm độc nặng nề, gây suy tuần hoàn nặng và nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ khuyến cáo người dân có bệnh lý tăng huyết áp cần đến cơ sở y tế thăm khám định kỳ để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn, lựa chọn thuốc và kê đơn cũng như điều chỉnh liều lượng phù hợp.
Sần sùi da mặt do trị nám sai cách Người phụ nữ ngoài 30 tuổi, dùng cồn để tẩy rửa mặt trị nám, song nám không hết mà mặt bỏng rát, nhiều mụn nước. Hơn một tuần sau, bệnh nhân mới đến Khoa Da liễu, Bệnh viện Bãi Cháy, khám, ngày 1/12. Khuôn mặt lúc này sưng nề, ăn uống khó khăn. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bỏng da sau dùng...