Cựu sếp nữ Korean Air ra tòa vì vụ đuổi tiếp viên
Cho Huyn-ah, cựu phó chủ tịch hãng hàng không Korean Air, hôm qua bác cáo buộc vi phạm an toàn hàng không sau khi buộc một máy bay đang trên đường lăn trở về sân bay ở New York để đuổi tiếp viên trưởng.
Báo giới vây quanh Cho Huyn-ah khi cô tới nơi tạm giam theo lệnh tòa án hôm 30/12. Ảnh: Reuters.
Cho Hyun-ah, con gái lớn của Chủ tịch hãng hàng không Korean Air Cho Yang-ho, bị tạm giam từ khi có lệnh bắt chính thức cách đây ba tuần. Cô được đưa tới tòa án quận phía tây Seoul bằng xe buýt. Cho mặc đồng phục tù nhân màu xanh lá cây, đứng cúi đầu trong phòng xử đông nghịt người và trả lời như nói thầm.
Cho từ chức phó chủ tịch phụ trách dịch vụ trên khoang của hãng hàng không Korean Air hôm 9/12. Hành động này diễn ra 4 ngày sau khi cô khiến dư luận Hàn Quốc bức xúc vì lớn tiếng mắng một tiếp viên do phục vụ hạt mắc ca trong gói đóng kín thay vì đổ ra đĩa.
Cô còn buộc phi công quay ngược máy bay trở lại cổng để đuổi tiếp viên trưởng xuống. Lúc đó máy bay đang di chuyển trên đường lăn, chuẩn bị cất cánh. Chuyến bay New York – Seoul chở hơn 250 hành khách sau đó hạ cánh xuống thành phố Incheon muộn 11 phút so với dự kiến.
Tuy nhiên, cựu sếp nữ Korean Air trong phiên xử hôm qua đã bác bỏ cáo buộc tấn công tiếp viên trưởng Park Chang-jin. Trước đó, Park nói Cho đã khiến ông phải quỳ xuống xin tha thứ trong khi thọc ông bằng một cuốn sổ tay phục vụ.
Video đang HOT
Trong tuyên bố mở đầu, luật sư bào chữa cho Cho tranh luận rằng các cáo buộc là dựa trên “những thông báo phóng đại”, đồng thời không có vi phạm an toàn hàng không vì phi cơ vẫn còn ở trên mặt đất và chưa tới đường băng khi nó quay lại.
“Cáo buộc Cho vi phạm nguyên tắc an toàn hàng không nên được xem xét lại”, AFP dẫn lời luật sư bào chữa nói, đồng thời cho biết thêm rằng Cho đã “cực kỳ hối hận” về hành vi của cô.
Cho, 40 tuổi, phải chịu hình phạt tối đa 10 năm tù nếu bị kết tội vi phạm an toàn hàng không. Cô còn có thể ngồi tù thêm 5 năm với cáo buộc ép nhân viên Korean Air khai sai sự thật và can thiệp vào việc thi hành nhiệm vụ.
Hình ảnh gia đình Cho còn bị hoen ố thêm khi các công tố viên tiết lộ rằng em gái Cho Huyn-ah, cũng là một giám đốc điều hành cấp cao của Korean Air, từng gửi tin nhắn cho cô, nói sẽ “trả thù” thay chị. Cô em gái sau đó đã xin lỗi vì hành động này.
Cùng bị đưa ra xét xử với Cho còn có một giám đốc điều hành Korean Air với cáo buộc làm giả chứng cứ và một quan chức thuộc Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc vì làm rò rỉ thông tin điều tra của chính phủ.
Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc có kế hoạch trừng phạt Korean Air với lệnh hạn chế chặng bay kéo dài một tháng hoặc phạt tới 2 triệu USD. Cơ quan này còn tuyên bố trừng phạt 8 quan chức sau khi họ thừa nhận có thiên vị cho Cho và Korean Air trong quá trình điều tra.
Như Tâm
Theo VNE
Hai người Việt ra tòa vì sở hữu 41 kg sừng tê
Tòa án Nam Phi hôm qua xét xử hai người Việt bị cáo buộc sở hữu trái phép 41 kg sừng tê, có tổng trị giá tới gần 400.000 USD.
41 kg sừng tê cảnh sát Nam Phi tịch thu được từ hai người Việt tại sân bay Johannesburg. Ảnh: Citizen
Đây là số lượng sừng tê giác lớn nhất từng bị tịch thu trong một vụ việc tại Nam Phi.
Hai người Việt, được cho là dính líu đến một đường dây săn bắt trộm quốc tế, đã bị theo dõi từ trước khi bị bắt tại sân bay quốc tế OR Tambo ở thủ đô Johannesburg tối 31/10. Khi đó họ vừa rời nước láng giềng Mozambique và đang trên đường trở về Việt Nam.
Paul Ramaloko, phát ngôn viên đơn vị chống tội phạm có tổ chức của Nam Phi, cho hay 41 kg sừng tê giác trên tương đương với 20 chiếc sừng và ước tính có giá 360.000 USD.
"Săn bắt trộm tê giác được xem là một vấn nạn quốc gia, vì thế, những kẻ phạm tội này phải bị xử lý nghiêm khắc", ông nói.
Số sừng bị thu giữ có khả năng được lấy từ các con tê giác tại Công viên quốc gia Kruger Nam Phi. Giới chức trách sẽ kiểm tra để xác định nguồn gốc của chúng.
Nam Phi sở hữu ước tính 20.000 con tê giác, nhiều nhất ở châu Phi. Tuy nhiên, chỉ riêng từ đầu năm đến nay, có gần 900 con tê giác đã bị sát hại. Sừng của chúng có thể được bán với giá lên đến 65.000 USD một kg, gần gấp đôi giá vàng, trong đó Trung Quốc và Việt Nam là những thị trường tiêu thụ lớn nhất.
Những năm gần đây, Nam Phi đã đẩy mạnh các nỗ lực chống săn bắt trộm tê giác bằng việc đầu tư hàng triệu USD vào các thiết bị theo dõi và triển khai hàng trăm binh sĩ dọc biên giới, nhằm phát hiện các nhóm buôn lậu sừng tê giác.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động lo ngại những biện pháp trên chưa đủ để thắng được niềm tin của nhiều người châu Á rằng sừng tê là biểu tượng cho đẳng cấp và có tác dụng chữa bệnh.
Hai người Việt trên đang bị tạm giam và dự kiến ra tòa lại vào ngày 17/11 tới.
Anh Ngọc
Theo VNE
Tướng quân đội, Ủy viên Bộ chính trị TQ phải ra tòa án binh? Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin tướng Từ Tài Hậu, cựu ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc vừa bị khai trừ khỏi Đảng, đối mặt nguy cơ ra tòa án binh. Theo tờ báo Hongkong, vị tướng này bị cáo buộc tham nhũng và có thể phải lãnh án tử hình sau khi đã bị khai trừ khỏi Đảng. Tướng...