Cựu “sếp” Agribank CN6 làm thất thoát gần nghìn tỷ không được giảm án
Tòa phúc thẩm xác định không có căn cứ để giảm hình phạt cho nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh 6 (CN6).
Ngày 11.5, sau ba ngày xét xử, TAND Cấp cao tại TP.HCM bác kháng cáo của các bị cáo và nguyên đơn dân sự, tuyên y án tù chung thân ông Dương Thanh Cường (nguyên Tổng giám đốc và Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tấn Phát) – người cầm đầu vụ án – về các tội Lừa đảo, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Các bị cáo tại phiên phúc thẩm. Ảnh: Hải Duyên
Liên quan đến vụ án, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh 6 (Agribank Chi nhánh 6, TP.HCM) Hồ Đăng Trung nhận 20 năm tù, Hồ Văn Long (nguyên trưởng phòng Tín dụng) nhận 19 năm về tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Lê Thành Công (nguyên Tổng giám đốc Công ty dệt kim Đông Phương) nhận 25 năm tù về các tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tòa cũng giữ nguyên hình phạt với những bị cáo khác.
Theo HĐXX, hành vi phạm tội của các bị cáo đã rõ, mức án cấp sơ thẩm áp dụng là hợp lý, không có căn cứ để xem xét giảm nhẹ hình phạt. Đối với kháng cáo của Agribank xin được nhận 23 bất động sản mà Cường đã lừa lấy giấy tờ đem đi thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam, tòa cho rằng việc bỏ lệnh kê biên giao tài sản này cho Ngân hàng Phương Nam là hợp lý nên không chấp nhận.
Bản án sơ thẩm xác định, dù không có khả năng tài chính nhưng Dương Thanh Cường vẫn thành lập nhiều công ty với số vốn đăng ký hàng trăm tỷ đồng rồi thuê người làm giám đốc để lập hồ sơ vay vốn ngân hàng.
Năm 2007, Cường bàn với Lê Thành Công hợp tác xây dựng trung tâm thương mại và chung cư cao tầng trên nền đất của Công ty Đông Phương tại số 10, đường Âu Cơ (quận Tân Phú, TP.HCM). Cường nhận đứng ra huy động vốn để đầu tư xây dựng và khai thác dự án Trung tâm thương mại cùng với công ty này.
Video đang HOT
Nguyên Giám đốc Agribank Chi nhánh 6 nhận 20 năm tù. Ảnh: Hải Duyên
Cơ quan điều tra xác định, để có tiền kinh doanh Cường chỉ đạo cho cấp dưới lập hồ sơ vay 170 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất tại số 10 đường Âu Cơ của Công ty Đông Phương cùng với bất động sản tại 44 đường An Dương Vương (quận 8) do công ty của Cường đứng tên.
Được Cường đặt vấn đề vay tiền, Hồ Đăng Trung chỉ đạo cấp dưới lập báo cáo thẩm định. Dù biết dự án Trung tâm thương mại số 10 Âu Cơ chưa được phê duyệt, tài sản đảm bảo chỉ là chứng nhận tạm thời không được cầm cố, thế chấp… nhưng cán bộ tín dụng Agribank vẫn thẩm định “dự án có hiệu quả khả thi” và đề xuất cho vay.
Giám đốc Trung được xác định là phớt lờ quy định của ngân hàng về việc chi nhánh chỉ có quyền phán quyết cho vay tối đa 80 tỷ đồng, không xin nâng quyền phán quyết cho vay mà tự ý lấy quyết định nâng quyền phán quyết cho vay của dự án khác để hợp thức hóa hồ sơ cho công ty của Cường. Ngoài ra, lãnh đạo và các cán bộ tín dụng của Agribank Chi nhánh 6 còn mắc hàng loạt sai phạm như: Ký hợp đồng thế chấp tài sản không công chứng, không đăng ký giao dịch bảo đảm, giải ngân không đúng theo hợp đồng cho vay; cho mượn tài sản thế chấp không có biện pháp phòng ngừa rủi ro…
Đến tháng 10.2007, Cường tiếp tục chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ vay 628 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6 để thực hiện dự án Khu biệt thự nhà vườn tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Được giám đốc Trung đồng ý, Cường dùng 3 bất động sản tại quận 12, Bình Tân và quận 8 cùng 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, đem thế chấp.
Tương tự, trong phi vụ này, bị cáo Trung được xác định là phê duyệt cho vay khi dự án chưa được phê duyệt. 23 bất động sản mà Cường đem thế chấp chưa được chuyển nhượng cho Công ty Thanh Phát nhưng lãnh đạo ngân hàng vẫn ký hợp đồng.
Trong lúc Agribank Chi nhánh 6 đang giải ngân cho công ty của Cường, ông ta tiếp tục chỉ đạo cho hai thuộc cấp mượn 23 tài sản đang thế chấp cho Agribank Chi nhánh 6, với lý do đi hoàn tất thủ tục rồi đem đi thế chấp cho ngân hàng khác để vay hàng trăm tỷ đồng và hàng chục nghìn lượng vàng.
Các công ty của Cường sau đó mất khả năng thanh toán với số tiền nợ ngân hàng lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Ngoài vụ án này, Dương Thanh Cường cùng đồng phạm bị điều tra thêm về nhiều hành vi lừa đảo khác. Hồi tháng 6.2015, Cường bị xử phạt tù chung thân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 15 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh Bình Chánh. Ông ta cũng từng có 5 tiền án về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế, Đưa hối lộ…
Hồi tháng 11 năm ngoái, TAND TP.HCM xử sơ thẩm. Dương Thanh Cường, Hồ Đăng Trung cùng 4 bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, không được HĐXX chấp nhận.
Theo Hải Duyên (VNE)
Agribank được tuyên trả hơn 1.100 tỷ đồng trong đại án
Dù cơ quan công tố cáo buộc các cán bộ Agribank đã làm thất thoát 966 tỷ đồng, song HĐXX tuyên buộc bị cáo chủ mưu phải bồi thường trên 1.100 tỷ đồng.
Chiều 5/11, sau hơn hai tuần xét xử và nghị án, TAND TP HCM tuyên phạt Hồ Đăng Trung (nguyên giám đốc Agirbank Chi nhánh 6, TP HCM) mức án 20 năm tù, Hồ Văn Long (nguyên trưởng phòng tín dụng) 19 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cũng bị truy tố về tội danh này, ba cựu cán bộ khác của Agribank Chi nhánh 6 nhận từ 9 đến 12 năm tù.
Là người cầm đầu vụ án, Dương Thanh Cường (nguyên tổng giám đốc và giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tấn Phát) bị tuyên tù chung thân về tội Lừa đảo và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 4 đồng phạm khác của Cường nhận từ 8 đến 25 năm tù.
Riêng bị cáo Phạm Hoàng Thọ (nguyên phó giám đốc Công ty Thanh Phát) nhận 4 năm tù và được chuyển tội danh từ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang Che giấu tội phạm.
Nguyên giám đốc Hồ Đăng Trung nhận 20 năm tù. Ảnh: Hải Duyên.
Theo HĐXX, năm 2007, Cường hợp tác với công ty Đông Phương để xây dựng trung tâm thương mại và chung cư cao tầng trên nền đất của công ty này. Để có tiền đầu tư dự án, Cường chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ vay Agribank Chi nhánh 6 là 170 tỷ đồng. Dù dự án này không được cấp giấy phép, tài sản thế chấp (giấy chứng nhận bất động sản), chỉ là tạm thời nhưng lãnh đạo Agribank đã bỏ qua quy trình, vẫn chỉ đạo cấp dưới thẩm định, ký duyệt giải ngân trái phép.
Cường sau đó lấy lý do cần hoàn tất thủ tục xin cấp phép nên mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất trên. Tuy nhiên, sau khi tài sản này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hợp pháp, Cường không trả lại cho Agribank mà mang sang Ngân hàng Phương Nam vay hơn 15.000 cây vàng.
Cũng thời điểm đó, Cường làm việc với giám đốc Agirbank Chi nhánh 6 đề nghị vay 700 tỷ đồng để thực hiện dự án Khu biệt thự vườn Thanh Phát tại Bình Chánh. Cường dùng 3 quyền sử dụng đất tại quận 12, quận 8 và 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Bình Chánh để thế chấp cho Agribank và được duyệt vay 628 tỷ đồng.
Tương tự hợp đồng trước, dự án này cũng chưa được cấp phép, tài sản thế chấp chưa sang tên cho công ty của Cường nhưng cán bộ Agribank Chi nhánh 6 vẫn phê duyệt và giải ngân trái phép. Cũng với lý do làm thủ tục sang tên, Cường mượn lại 23 giấy tờ đất đã thế chấp, hoàn tất thủ tục sang tên và đem sang Ngân hàng Phương Nam vay tiếp hàng trăm triệu đồng. Sau khi tất toán các hợp đồng vay với Phương Nam, Cường gán luôn những tài sản đã thế chấp cho ngân hàng này.
Ba năm sau, hành vi lừa đảo của Cường mới bị Agribank phát hiện. Lúc này, ông ta dùng 13 tài sản khác để bù cho Agribank nhưng chỉ trả được một phần nhỏ nợ gốc.
Theo toà, Hồ Đăng Trung là người có vai trò chính, trực tiếp quan hệ với Thanh Cường, thỏa thuận trước về hồ sơ cho vay sau đó mới chỉ đạo cấp dưới thực hiện sai quy định. Nguyên giám đốc Agirbank Chi nhánh 6 này hai lần ký duyệt cho Cường vay sai quy định gần 800 tỷ đồng để người này chiếm đoạt.
Đối với Hồ Văn Long ở vai trò là trưởng phòng có trách nhiệm báo cáo lên cấp trên về kết quả thẩm định, tuy nhiên đã bỏ qua quy trình. Long còn lấn lướt cả giám đốc không thực hiện chỉ đạo của giám đốc Trung trong việc cử cán bộ đi kèm quản lý tài sản khi cho Thanh Cường mượn giấy tờ nhà đất đi hợp thức hóa thủ tục dẫn đến việc người này chiếm đoạt.
Bị cáo Dương Thanh Cường phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại cho Agribank Chi nhánh 6. Ảnh: Hải Duyên.
Các cán bộ tín dụng của Agribank Chi nhánh 6 bị kết luận đã không thực hiện đúng các quy trình thẩm định hồ sơ, tài sản thế chấp không đăng ký giao dịch bảo đảm, không quản lý tài sản...
Đối với Dương Thanh Cường, toà nhận định, bị cáo đã lập nhiều công ty sau đó thuê người làm giám đốc, phó giám đốc trong thời gian ngắn nhằm mục đích đi vay ngân hàng rồi chiếm đoạt. Sau khi thực hiện được hành vi lừa đảo, Cường chuyển những người này sang làm việc khác để che giấu hành vi phạm tội tiếp theo.
Ngoài các mức án tù giam, toà cũng tuyên buộc trách nhiệm dân sự, yêu cầu Dương Thanh Cường bồi thường cho Agribank Chi nhánh 6 hơn 1.100 tỷ đồng thay vì 966 tỷ đồng như cáo buộc của VKS. Theo HĐXX, sau khi tính toán lại, số tiền thiệt hại thực tế mà Cường gây ra cho Agribank đến thời điểm này bao gồm cả nợ gốc và lãi là 1.127 tỷ đồng. Thanh Cường phải chịu án phí cho phần dân sự trên 1 tỷ đồng.
Đồng thời, tòa tuyên hủy lệnh kê biên 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Cường rút từ Agribank Chi nhánh 6 để giao cho Ngân hàng Phương Nam quản lý. Bởi theo HĐXX, hiện nay Ngân hàng Phương Nam là đơn vị quản lý hợp pháp đối với những tài sản này, phía Agribank chỉ nắm giữ bản sao. Việc để cho Thanh Cường mang những giấy tờ này sang Phương Nam thế chấp vay tiền tiếp là lỗi của Agribank.
Hải Duyên
Theo VNE
Đại án thất thoát 966 tỉ ở Agribank chi nhánh 6: Ngân hàng tranh tài sản thế chấp Dương Thanh Cường dùng 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm tài sản thế chấp để vay tiền ở cả hai ngân hàng. Tại phiên tòa, cả Agribank và ngân hàng Phương Nam đều muốn lấy lại 23 giấy chứng nhận này. Các bị cáo tại tòa - Ảnh: Ngọc Lê Theo cáo trạng, ngày 4.2.2007, Agribank chi nhánh 6 ký...