Cựu Phó tổng giám đốc MobiFone bật khóc, mong đồng phạm nói ra sự thật
Đứng trước bục khai báo, bị cáo Phạm Thị Phương Anh, cựu phó tổng giám đốc MobiFone bật khóc khi nói đến trách nhiệm của mình trong vụ MobiFone mua AVG.
Clip: Cựu Phó TGĐ MobiFone xin được hưởng khoan hồng để trở thành người có ích cho xã hội
Chiều 18/12, trả lời câu hỏi của luật sư trong phiên tòa xét xử 14 bị cáo trong dự án MobiFone chi gần 8.900 tỷ đồng mua 95% cổ phần AVG, cựu Phó Tổng giám đốc MobiFone Phạm Thị Phương Anh cho hay, tất cả các bị cáo đều cố gắng trung thực, khai báo thành khẩn, “mỗi người một chân một tay để sớm nhận được sự khoan hồng của pháp luật”.
“Là những người lãnh đạo ở vụ án này, tôi nghĩ ai cũng đau nên ai cũng mong muốn được hưởng sự khoan hồng của pháp luật để tất cả được trở về với đời thường làm người công dân có ích cho đất nước và người con có hiếu với bố mẹ… Đó cũng là mong mỏi duy nhất của tôi tại phiên tòa hôm nay”, bị cáo Phạm Thị Phương Anh nghẹn ngào nói.
Theo bị cáo này, các nội dung, lĩnh vực liên quan đến vụ án, bị cáo đã nói rõ trong suốt quá trình điều tra.
“Tôi cũng hơi xúc động một chút, trải qua 9 tháng tạm giam, tôi cũng mong muốn sớm được hưởng chính sách khoan hồng, bao dung của HĐXX và đại diện VKS để đạt được những suy nghĩ và mong mỏi của mình”, cựu Phó giám đốc MobiFone nói.
Bị cáo Phạm Thị Phương Anh tại phiên xét xử chiều 18/12.
Trả lời câu hỏi của luật sư về việc bị cáo có biết việc thua lỗ của AVG hay không, bị cáo Phương Anh cho hay, những nội dung này bị cáo đã báo cáo rất rõ trong khai báo.
“Chúng tôi rất mong ban lãnh đạo MobiFone, cấp dưới của tôi từ Trưởng ban trở xuống, từng người hãy nói để thâm tâm mình không bị day dứt, để khi ra khỏi phiên tòa chúng ta còn là bạn của nhau, biết đâu là đồng nghiệp của nhau và biết đâu hoạn nạn lại giúp đỡ nhau”, bị cáo nói.
Theo cáo trạng, bị can Phạm Thị Phương Anh với vai trò, trách nhiệm là Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính, kế toán; Tổ trưởng Tổ giúp việc; Tổ trưởng Tổ đàm phán; biết rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn, giá mua cổ phần cao so với giá trị của AVG thể hiện trên sổ sách kế toán.
Nhưng Phạm Thị Phương Anh cùng Ban Tổng giám đốc vẫn ký Báo cáo số 5054/MOBIFONE ngày 14/9/2015 trình HĐTV; cùng Ban Tổng giám đốc ký Quyển dự án để HĐTV trình Bộ TTTT xem xét, phê duyệt dự án.
Bị cáo tham gia cuộc họp ngày 18/9/2015 giữa MobiFone với đại diện AVG; tham gia cuộc họp ngày 2/10/2015 do Bộ TTTT chủ trì cùng với các Thành viên HĐTV, Ban Tổng giám đốc MobiFone và AVG thống nhất giá mua là 8.898,3 tỷ đồng, tương đương 95% cổ phần của AVG theo nguyên trạng.
Sau khi có Quyết định phê duyệt dự án, Phương Anh thực hiện việc thu xếp, bố trí nguồn vốn để thanh toán cho các cổ đông chuyển nhượng của AVG không đúng như phương án ban đầu. Ngoài ra, Phạm Thị Phương Anh còn tham gia ký khống biên bản họp Ban Tổng giám đốc ngày 24/12/2015.
HỮU DÁNH – MẠNH ĐOÀN
Theo vtc.vn
Xét xử vụ 2 cựu Bộ trưởng TT-TT: Các bị cáo MobiFone 'cố đấm ăn xôi' mua AVG
Theo cáo trạng, dù các bị cáo tại MobiFone biết việc mua AVG là không hợp pháp nhưng vẫn thực hiện gây thiệt hại hơn 6.590 tỷ đồng.
Sáng 16/12, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử hai cựu Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và đồng phạm liên quan thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
Sau khi kết thúc phần thủ tục, chủ tọa phiên tòa tuyên bố bước sang phần đọc cáo trạng.
Theo cáo trạng, dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone là hình thức đầu tư vốn nhà nước để mua lại doanh nghiệp nên phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của MobiFone....
Để thực hiện Dự án, Lê Nam Trà (lúc đó là Chủ tịch MobiFone) chỉ đạo Cao Duy Hải (Tổng giám đốc) ban hành các Quyết định phân công nhiệm vụ cho các thành viên gồm: Cao Duy Hải (Tổng giám đốc) và các Phó Tổng giám đốc là Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long và Nguyễn Đăng Nguyên có trách nhiệm trong việc lập Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình (Quyển dự án Đầu tư dịch vụ truyền hình).
Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh:TTXVN)
Trong đó, có các nội dung chính như: đánh giá về cơ sở hạ tầng kỹ thuật của AVG; phương án kế hoạch kinh doanh; đánh giá về tài chính, xác định giá trị AVG để trình HĐTV xem xét.
Nội dung báo cáo và Quyển Dự án của Ban giám đốc MobiFone là căn cứ để Hội động thành viên MobiFone thông qua và báo cáo đề xuất lên Bộ TT-TT xem xét, trên cơ sở đó Bộ TT-TT trình Thủ tướng xem xét Quyết định phê duyệt.
"Vì vậy, phải có hành vi của bị can ở MobiFone thì Dự án dịch vụ đầu tư truyền hình mới thực hiện được", cáo trạng nêu.
Kết quả điều tra xác định các bị can ở MobiFone trong quá trình thực hiện Dự án Đầu tư dịch vụ truyền hình đã có sai phạm như sau:
Dự án đầu tư thuộc nhóm A chưa được Bộ TT-TT phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm nhưng vẫn tổ chức triển khai là vi phạm khoản 2 Điều 19 Luật số 69/2014/QH13.
Quá trình thực hiện dự án các bị can tại MobiFone tiếp nhận và thực hiện theo chỉ đạo, can thiệp trực tiếp của bị can Nguyễn Bắc Son ngay từ giai đoạn đề xuất đầu tư (không lập phương án đầu tư mới mà phải mua cổ phần của AVG); yêu cầu thực hiện dự án xong trong năm 2015, phải kí hợp đồng mua bán cổ phần AVG vào ngày 25/12/2015.
Video: Hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và đồng phạm đến hầu tòa
Quá trình báo cáo đề xuất đầu tư và lập Quyển Dự án đầu tư, các bị can thuộc Ban giám đốc MobiFone đã báo cáo không đầy đủ, đánh giá không đúng thực tế, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng; phương án kinh doanh, biết rõ số lỗ lũy kế của AVG từ năm 2010 đến 31/3/2015 là 1.563,7 tỷ đồng (riêng năm 2014, AVG lỗ trên 300 tỷ đồng), tổng nợ phải trả 1.333 tỷ đồng, giá trị tài sản ròng là 1970 tỷ đồng nhưng vẫn đánh giá dự án có hiệu quả về tài chính và đề xuất với Bộ TT-TT phê duyệt dự án và đề xuất giá trị mua 95% cổ phần là 8.898,3 tỷ đồng.
Các bị can tại MobiFone đều biết Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình chưa được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, dự án chưa được thẩm định, đánh giá hiệu quả đầu tư theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật, là vi phạm các quy định của Luật 67/2014/QH13, Luật 69/2014/QH13.
Đề xuất giá mua AVG bao gồm cả 2 khoản đầu tư ngoài ngành là vi phạm điểm d khoản 3 mục III Quyết định số 929 ngày 17/7/2012 của TTCP. Sử dụng 4 kênh tần số vị phạm quy định tại Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện. Sử dụng 100% nguồn vốn lưu động của MobiFone và vốn vay ngắn hạn của ngân hàng để thanh toán cho AVG không đúng với đề xuất của MobiFone khi xây dựng Dự án và báo cáo với Bộ TT-TT (nguồn vốn sử dụng để thực hiện dự án là 30% vốn tự có và 70% vốn vay).
Hành vi trên làm thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về nguồn vốn của MobiFone và lãi suất tiền gửi do phải rút trước hạn (115.031.655.556 đồng) ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình cổ phần hóa, trong đó có việc thực hiện số thu của nhà nước khi bán cổ phần của MobiFone.
Trách nhiệm đối với hậu quả nêu trên thuộc về HĐTV và Ban Tổng giám đốc MobiFone, gồm: Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên.
Trong quá trình thực hiện dự án, với vai trò trách nhiệm của mình các bị can đã có các hành vi không tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước, đã tạo ra các điều kiện cho bị can Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà đạt được mục đích để MobiFone mua cổ phần của AVG không đúng quy định, không đúng trị giá thực tế.
Cáo trạng kết luận, các bị can ở MobiFone là những người thực hành tích cực gây thiệt hại trực tiếp cho MobiFone là hơn 6.590 tỷ đồng.
MẠNH ĐOÀN - HỮU DÁNH
Theo vtc.vn
Thuộc cấp khai sai phạm của cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son 4 bị cáo đồng loạt khai biết dự án MobiFone mua AVG có sai phạm song vẫn phải triển khai vì chỉ đạo của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son. Chiều 16/12 tại TAND Hà Nội, ông Son bị đưa ra khỏi phòng xét xử để cách ly khi cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh...