Cựu Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhận trách nhiệm, xin được khoan hồng
Tại tòa, ông Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thừa nhận sai và nhận trách nhiệm.
Tuy nhiên, ông Tân mong hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét về lý, về tình và những tình tiết để cho mình được hưởng sự khoan hồng.
Sáng 18.7, TAND TP. Hà Nội tiếp tục ngày làm việc thứ 6, xét xử 54 bị cáo trong vụ án “ chuyến bay giải cứu”. HĐXX dành quyền để các luật sư và bị cáo tự bào chữa, gỡ tội cho mình.
Trong vụ án, ông Trần Văn Tân bị truy tố tội nhận hối lộ, với cáo buộc đã 9 lần nhận của bị cáo Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Blue Sky, và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty Blue Sky, tổng số tiền 5 tỉ đồng trong quá trình cấp phép cách ly cho người về trên các “chuyến bay giải cứu”.
Tại tòa, luật sư bào chữa cho ông Tân đồng tình với bản luận tội của đại diện Viện KSND TP.Hà Nội và cho rằng thân chủ của mình đã nhận thức được hành vi của mình, thành khẩn khai báo trong quá trình điều tra, cũng như tại phiên tòa.
Các bị cáo trong vụ án. Ảnh TRẦN PHAN
Theo luật sư, hành vi của ông Tân xuất phát từ suy nghĩ đơn giản. Ngoài việc thành khẩn khai báo, ông Tân cũng có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác. Cụ thể, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Tân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; đã khắc phục hơn 3/4 số tiền nhận hối lộ; bố mẹ là người có công với cách mạng và đều là thương binh hạng 4/4.
Video đang HOT
Luật sư của ông Tân cho hay, gia đình bị cáo cũng rất đau lòng và ăn năn, đã có đơn đề nghị gửi HĐXX; hiệp hội các doanh nghiệp, nhiều công ty, cá nhân tại tỉnh Quảng Nam cũng có đơn đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho ông Tân, gửi HĐXX.
“Người Việt Nam có câu, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại. Ngoài ra, Đảng và Nhà nước ta cũng có đường lối pháp luật rất nhân văn, rõ ràng là trừng trị nghiêm những kẻ ngoan cố, nhưng khoan hồng với người ăn năn, hối cải, tích cực khắc phục hậu quả”, luật sư nói và mong HĐXX xem xét cho ông Tân được hưởng mức hình phạt từ 6 – 7 năm tù, thấp hơn so với mức án mà viện kiểm sát đề nghị trước đó (từ 8 – 9 năm tù) để ông Tân sớm trở lại cộng đồng, có cơ hội báo hiếu người bố đã cao tuổi, già yếu.
00:04:27
Toàn cảnh mức án đề nghị trong đại án “chuyến bay giải cứu”
“Bị cáo nhận trách nhiệm”
Được nói trước tòa, ông Trần Văn Tân đồng tình với quan điểm bào chữa của luật sư và cho rằng hành vi của mình đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ, như kết luận điều tra, cáo trạng cũng như bản luận tội của viện kiểm sát đã cáo buộc.
“Về lý thì bị cáo sai, bị cáo nhận trách nhiệm”, ông Tân nói.
Bị cáo Trần Văn Tân. Ảnh TRẦN PHAN
Về tình, theo ông Tân, bản thân chỉ thực hiện theo chủ trương nhân đạo, nhân văn và không có ý gây khó khăn, vòi vĩnh hay đặt điều kiện gì. Theo ông Tân, mỗi lần gặp bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, ông đều dặn phải chăm lo tốt cho công dân và hỏi han ai bị nhiễm bệnh không, họ ăn uống thế nào, đưa về nơi cư trú ra sao?
“Những trường hợp nhiễm bệnh hoặc bệnh nặng phải cách ly thêm thì bị cáo đều chỉ đạo doanh nghiệp đưa về hoặc cơ sở lưu trú phải nuôi ăn, nuôi ở thêm. Công dân về khó khăn thì không thu thêm tiền nữa, khách sạn không được chèn ép”, ông Tân trình bày, và cho rằng đây cũng là cơ hội để khách sạn của tỉnh có thêm công ăn việc làm, du lịch Quảng Nam được phục hồi và phát triển.
Luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa. Ảnh TRẦN PHAN
Trình bày thêm, ông Tân cho hay mỗi lần gặp bị cáo Hằng, ông đều nói không gửi quà nữa. “Mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, thành khẩn khai báo để bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật”, ông Tân nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Quảng Nam nhận tiền tỉ để chấp thuận việc cách ly cho công dân
Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT, Bộ Công an xác định bị can Chử Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng; bị can Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã nhận hối lộ 5 tỷ đồng.
Trước đó, thực hiện chủ trương đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch COVID-19, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, đề xuất, ra văn bản chấp thuận chủ trương cách ly y tế tại địa phương để các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay "combo" đưa công dân về cách ly tại địa phương. Đồng thời có trách nhiệm thẩm định, lựa chọn cơ sở (khách sạn, resort..) đủ điều kiện, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh..., được tham gia cách ly y tế tại địa phương. Tại các địa phương, Sở Y tế, Sở Ngoại vụ hoặc Văn phòng UBND tỉnh được giao làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ, tham mưu, đề xuất trình Phó Chủ tịch UBND được giao làm Trưởng Ban hoặc Phó trưởng Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, xem xét, ra quyết định chấp thuận chủ trương cách ly cho công dân về nước trên các chuyến bay "combo" do doanh nghiệp tổ chức.
Để được xét duyệt tổ chức các chuyến bay "combo" của công dân về nước, hồ sơ của doanh nghiệp phải có công văn chấp thuận chủ trương cho cách ly y tế tại địa phương, vì vậy các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay đã chủ động tiếp cận cán bộ, lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố là đầu mối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ xin cách ly y tế tại địa phương để tác động, thoả thuận đưa hối lộ nhằm được giải quyết chấp thuận chủ trương cách ly.
Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã làm rõ hành vi của bị can Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Được biết, từ 24/12/2020 đến 6/5/2021, bị can Chử Xuân Dũng được phân công làm Trưởng Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID- 19 TP Hà Nội; từ ngày 7/5/2021 đến khi bị khởi tố bị can, bắt tạm giam (ngày 22/12/2022), làm Phó Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội với nhiệm vụ, quyền hạn duyệt, ký chủ trương cho doanh nghiệp được đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về cách ly trên địa bàn TP Hà Nội, dựa trên văn bản đề nghị của doanh nghiệp và báo cáo đề xuất của Sở Y tế Hà Nội.
Từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021, bị can Chử Xuân Dũng đã ký 66 văn bản đồng ý cho 16 công ty được đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về cách ly trên địa bàn TP Hà Nội, nhưng chỉ có 13 công ty thực hiện việc đưa công dân về cách ly trên địa bàn Hà Nội. Trong số 16 công ty được bị can Chử Xuân Dũng ký duyệt, kết quả điều tra đến nay xác định, bị can Dũng đã nhận tiền của 2 cá nhân để duyệt ký đồng ý cấp phép cho 4 công ty được đưa công dân về cách ly tại Hà Nội. Cụ thể, đã nhận tiền của bị can Lê Thị Ngọc Anh và Trần Minh Tuấn.
Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định, Chử Xuân Dũng đã nhận hối lộ hơn 2 tỉ đồng.
Tại Quảng Nam, ngày 2/2/2020, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định phân công ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, có trách nhiệm chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bản tỉnh Quảng Nam.
Ngày 16/4/2021, ông Trần Văn Tân thay mặt UBND tỉnh Quảng Nam ký ban hành văn bản phân công trách nhiệm cho các sở, ban, ngành trong việc đón công dân về nước cách ly y tế tập trung tại khách sạn, sau đó các sở, ban, ngành tham mưu để ông Trần Văn Tân thay mặt UBND tỉnh duyệt, ký công văn chấp thuận cho công dân trên chuyến bay do doanh nghiệp tổ chức được cách ly tại địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trong quá trình duyệt, ký chấp thuận cho một số công ty đưa công dân về cách lỵ tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, bị can Trần Văn Tân đã nhận hối lộ 5 tỷ đồng.
Cựu Đại sứ và cựu Tổng lãnh sự hối hận vì nhận nhiều tỷ đồng trong vụ "chuyến bay giải cứu" Bị cáo Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) khai, bị cáo có liên hệ để trả lại tiền nhưng đã không kiên quyết. Và đây là lỗi lầm mà bị cáo phải trả cho sai phạm của mình. Cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhận hối lộ như thế nào? Chiều 12/7, trong phần xét hỏi...