Cựu nhân viên thẩm mỹ viện tại Hàn tiết lộ lý do mình không đời nào PTTM: Sợ gặp “bác sĩ ma”, một phụ nữ Việt từng là nạn nhân
Một cựu nhân viên làm trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn đã tiết lộ những sự thật “kinh thiên động địa” ở nơi cô từng làm.
Phẫu thuật thẩm mỹ quả thực là cụm từ khoá siêu hot nhiều năm gần đây, không chỉ riêng nữ giới quan tâm mà nam giới cũng thế, không chỉ chị em độ tuổi trung niên hỏi xin kinh nghiệm lẫn nhau mà đến các cô gái trẻ cũng ấp ủ giấc mộng xinh đẹp, mong muốn cải thiện đường nét nọ, chi tiết kia trên gương mặt mình. Nhiều ảnh quảng cáo “vịt hoá thiên nga” nhan nhản trên mạng xã hội cũng khiến nhiều người lầm tưởng chuyện phẫu thuật thật quá “dễ xơi”, hầu như không có rủi ro mà hơn thế là mức giá thẩm mỹ bây giờ đa dạng vô cùng, khuyến mãi đầy cả ra, muốn giá rẻ thế nào cho hợp túi tiền cũng có.
Nhưng sự thật có phải thần kỳ như vậy chăng khi các bác sĩ sẽ giúp bạn lột xác, đẹp như minh tinh chỉ trong thời gian ngắn mà không để lại di chứng gì? Nếu đang thắc mắc liệu thẩm mỹ an toàn đến đâu và có nên thẩm mỹ ở một trung tâm nào đó, bao gồm cả nơi nổi tiếng lẫn bình dân, thì thành thật khuyên bạn nên xem bài chia sẻ của Renée – một Youtuber Hàn Quốc và cũng là người có khoảng thời gian 4 tháng làm việc tại bệnh viện thẩm mỹ nổi đình nổi đám ở Gangnam rồi hẵng quyết định cũng chưa muộn màng.
Kênh Youtube riêng của Renée chỉ có khoảng gần 56.000 người theo dõi nhưng đoạn clip “bóc phốt” những câu chuyện trái ngang về phẫu thuật thẩm mỹ cô chứng kiến đã đạt đến hơn 2,2 triệu lượt view. Dù đã đăng tải clip này khá lâu nhưng nhiều cư dân mạng đến nay vẫn bày tỏ sự quan tâm cũng như ngỡ ngàng về sự thật “đen tối” xảy ra trong bệnh viện.
Renée – Youtuber người Hàn Quốc.
Trước tiên, Renée cho biết khi cô phát triển kênh Youtube thì có khá nhiều bình luận về vẻ ngoài của cô, có người chê, người khen ngợi về đôi mắt nhưng cũng khuyên rằng nếu cô thực hiện phẫu thuật cắt mí thì còn xinh đẹp hơn. Chia sẻ về lý do thà chung thuỷ với đôi mắt ba mẹ cho hơn là đụng dao kéo, cô gái tiết lộ rằng: “Làm việc tại một trung tâm thẩm mỹ lớn, tôi dĩ nhiên có thẻ giảm giá cho nhân viên chứ nhưng tôi đã không sử dụng đến nó sau những gì tôi đã chứng kiến ở đây suốt 4 tháng trời. Và hôm nay tôi muốn kể về điều đó, một số trường hợp tôi từng thấy ở bệnh viện cũng như làm rõ khái niệm bác-sĩ-ma”.
Trường hợp đầu tiên Renée nhắc đến là một người phụ nữ Việt Nam tìm đến bệnh viện sau khi đã sửa mũi hơn 3 lần ở nơi khác không thành công. Tình trạng mũi của người phụ nữ này không được khả quan cho lắm bởi đã “đập đi xây lại” nhiều lần đến mức sóng mũi bị gãy và cần được tái cấu trúc hoàn toàn. Chính Renée là người tư vấn và hơn ai hết, cô muốn bệnh nhân nhận được những điều tốt nhất bởi có lẽ đây cũng là cuộc phẫu thuật mũi cuối cùng của cô ta.
Renée chia sẻ: “Cô ấy tuyệt vọng và quyết định chọn bác sĩ trưởng, một bác sĩ giàu kinh nghiệm và nổi tiếng ở bệnh viện này. Dù chi phí để vị bác sĩ trưởng đích thân phẫu thuật là đắt hơn nhiều so với các bác sĩ khác nhưng cô ấy vẫn đồng ý chi trả. Và sau khi cuộc phẫu thuật kết thúc, tôi tình cờ gặp bác sĩ ở thang máy, tôi có nói rằng bệnh nhân đang trong tình trạng rất tốt, cô ấy rất vui. Nhưng ánh mắt bác sĩ nhìn tôi lại như kiểu “Cô đang nói về ai vậy?’ trong khi đúng lý ra ông ấy đã là người thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân đó.”
Ngay lúc đó Renée đã thấy sự việc kì lạ, thì bác sĩ trưởng lại “diễn” với cô rằng “Ồ tuyệt quá!”. Về sau cô biết hoá ra sau khi bệnh nhân được gây mê thì một “bác sĩ ma” khác bước vào và thực hiện ca phẫu thuật, người ít nổi tiếng hơn và cũng có nhiều ca “dao kéo” miễn phí. Kể đến đây thì Renée chỉ còn biết thở dài và thấy kinh tởm cho những sự việc xảy ra trước mắt. Chuyện “treo đầu dê, bán thịt chó”, lừa dối bệnh nhân thực sự là hành động vô cùng tồi tệ, nó không chỉ là việc tiền của “đổ sông” mà còn ảnh hưởng rất lớn đến nhan sắc, mọi thứ khác nữa.
Cô nói rằng: “Vấn đề là bác sĩ trưởng đã già và rất mệt mỏi, ông không còn muốn động tay vào những ca phẫu thuật nữa nhưng lại không thể đuổi bệnh nhân đi vì sẽ không có tiền. Vì vậy ông nhận tiền trước rồi đưa bệnh nhân vào phòng gây mê, đợi họ ngủ thiếp đi thì một bác sĩ khác ít kinh nghiệm hơn đến tiến hành. Nhưng nếu phẫu thuật hỏng thì sao? Thì bác sĩ trưởng sẽ chỉnh sửa lại nhưng tôi không tin tưởng lắm. Dĩ nhiên tôi không nói rằng tất cả thẩm mỹ viện đều có quy trình kinh tởm này, nhiều người sẽ thành thật, chuyên nghiệp, nhưng bệnh viện nơi tôi làm thì thật sự là như thế”.
Câu chuyện thứ hai Renée muốn kể chính là phẫu thuật mắt. Một cô gái người Úc đã đến bệnh viện, cô đã thực hiện chỉnh sửa mắt và mũi tại đây. Sau một tuần đến tái khám, cô cho biết mọi thứ khá ổn ngoại trừ một số nếp nhăn đã xuất hiện ở hốc mắt của cô và thắc mắc vì sao có tình trạng đó. Bác sĩ trả lời và Renée đã thuật lại cho bệnh nhân đó chỉ là do sưng, vài ngày nữa sẽ hết. Nhưng thêm một lần nữa Renée được chứng kiến vẻ mặt của bác sĩ lúc nhìn vào những bức ảnh hậu kì sau khi bệnh nhân rời đi chính là như kiểu ‘thôi xong, toang rồi’. Renée cho biết cô ghét vị bác sĩ đó vì đã biến cô thành kẻ nói dối giống anh ta.
Cô cũng từng nhìn thấy bác sĩ trong lúc đang cắt mí mắt cho bệnh nhân thì than “Trời ơi đêm qua tôi uống hơi nhiều quá!”. Và nếu cô là bệnh nhân kia thì ắt là chẳng đời nào để một bác sĩ hôm qua say khướt thì sáng nay đã phẫu thuật cho mình. Nhưng bạn biết đó, chúng ta không thể biết được vị bác sĩ sắp phẫu thuật cho chúng ta đêm qua đã nốc bao nhiêu bia rượu, tỉnh táo hoàn toàn hay chưa, nên rủi ro là chuyện hoàn toàn có thể!
Cuối cùng là về chuyện thẩm mỹ mặt. Renée cho rằng nhiều người không biết sự thật là hàm và xương gò má nâng đỡ cơ mặt và các mô mỡ, sau khi “cắt gọt” thì bạn có thể đoán được điều gì sẽ diễn ra tiếp theo: vâng, da chảy xệ! Youtuber Hàn nhấn mạnh ngay cả khi nó không xảy ra với bạn ngay bây giờ thì cuối cùng nó cũng xảy ra, nhanh hơn so với khi bạn để mọi thứ tự nhiên, không làm gì cả. Một bệnh nhân đã làm hàm và sau đó da chảy xệ rồi phải phụ thuộc rất nhiều vào việc nâng cơ, một vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp diễn.
Renée cũng khuyên mọi người nên cảnh giác với những chương trình giảm giá sốc tại bệnh viện. Bởi cô từng chứng kiến một bác sĩ mới đến làm việc khẳng định anh ta có thể tham gia phẫu thuật ngực. Anh ta sẵn sàng giảm giá đến 30-50% để có khách hàng, một cơ hội để anh ta thực hành và sau đó là chụp được ảnh “before-after”. Nhiều bệnh nhân nước ngoài tỏ ra hào hứng với chương trình giảm sâu và cũng đặt câu hỏi cho Renée vì sao lại khuyến mãi như thế. Và bệnh viện thì muốn nhân viên nói rằng có một hoạt động kỉ niệm nên mới giảm giá dịch vụ.
Renée không thể quên từng có một bệnh nhân vô cùng đau đớn khi thực hiện thẩm mỹ vòng 1, cô ta chảy máu nặng đến mức các nhân viên lắc đầu bảo nhau anh bác sĩ này sẽ là người cuối cùng họ tin tưởng. Đồng thời, cô cũng nói thêm vấn đề khó khăn ở đây là bạn sẽ không thật sự biết bác sĩ nào là đáng tin trừ khi làm ở trong bệnh viện.
Kết lại câu chuyện tâm tình, Renée thành thật chia sẻ: “Các phương tiện truyền thông có xu hướng nói về thẩm mỹ như điều gì đó tốt đẹp và các bệnh viện cũng chỉ “show” cho bạn thấy những trường hợp thành công mỹ mãn, đẹp hơn đáng kể nhờ dao kéo và khiến nhiều người ôm mộng rằng thẩm mỹ đơn giản và quá dễ dàng nhưng trong thực tế, còn nhiều việc phía sau bức màn mà bạn không biết không hay. Nếu gia đình hay bạn bè tôi có ý định phẫu thuật, tôi sẽ tìm mọi cách để ngăn cản họ. Tôi không nói mọi bác sĩ, mọi phòng khám đều xấu xa, nhưng bạn cần phải hiểu là khuôn mặt sẽ theo bạn suốt đời nên hãy ý thức và cẩn thận hơn khi chọn nơi làm đẹp”.
Renée cũng nhấn mạnh là cô biết mọi người đều muốn hỏi cô đã làm việc ở đâu để còn né xa bệnh viện đó và cô tha thiết nói với những người đang xem video rằng hơn ai hết cô rất muốn để tên bệnh viện ấy vào nhưng không thể làm thế vì sẽ bị đưa ra toà. Ở phần bình luận, Renée nói thêm: “Các trung tâm thẩm mỹ không ngốc đến mức để lại bằng chứng cho những hành động trái phép này. Khi tôi nghe hay nhận ra một bác sĩ ma nào đó đã thực hiện phẫu thuật thì mọi chuyện đã coi như xong. Những nhân viên khác cũng biết nhưng chẳng ai buồn tố cáo vì họ sẽ mất việc. Tôi thì không quan tâm đến chuyện mất việc nhưng nếu tôi tố cáo, tôi sẽ bị “ném đá” dữ dội và bị bệnh viện kiện vì tội phỉ báng. Tôi không muốn bị kiện!”
Hẳn là bạn cũng biết, phẫu thuật thẩm mỹ được xem là một trong những ngành làm nên tên tuổi cho xứ kim chi, nên không phải cơ sở nào cũng xảy ra những trường hợp đáng tiếc như Renée chia sẻ, ngay cả cô nàng cũng liên tục khẳng định như thế. Qua chuyện này, bài học rút ra cho bạn chính là phải tìm hiểu thật kĩ nơi mình thực hiện phẫu thuật cũng như các bác sĩ, và phải tỉnh táo nhận ra không phải cứ vung tiền nhiều mà hiệu quả như mơ hay mong đợi chi phí thật thấp, chất lượng thật tốt được.
Bác sĩ chia sẻ những điều cần biết khi sửa mũi hỏng
Theo bác sĩ Trịnh Quang Đại - Trưởng khoa Phẫu thuật của Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, khách hàng nên chọn cơ sở uy tín để phẫu thuật sửa mũi hỏng.
Nâng mũi là dịch vụ thẩm mỹ đang được ưa chuộng. Bên cạnh những ca phẫu thuật thành công, không ít trường hợp khách hàng phải lo lắng vì mũi hỏng, biến chứng sau nâng. Trong chuyên mục "Vui sống mỗi ngày" phát sóng trên VTV3, bác sĩ Trịnh Quang Đại - người có hơn 18 năm kinh nghiệm trong ngành thẩm mỹ - đã có những chia sẻ thiết thực về điều này.
Làm gì khi phẫu thuật mũi bị hỏng?
Thông thường, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mũi hỏng, biến chứng sau nâng đến từ sử dụng chất liệu không đảm bảo, bác sĩ tay nghề yếu; hoặc do quá trình nâng mũi không đảm bảo vô trùng, vô khuẩn. Từ đó mũi bị nhiễm trùng, bóng đỏ, lộ sóng, tụt sụn, vẹo lệch gây mất thẩm mỹ; nặng hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bác sĩ Trịnh Quang Đại.
Khách hàng có thể tự nhận biết mũi sau nâng có dấu hiệu bất thường hay không theo các mốc thời gian 24 tiếng, 48 tiếng, 1 tuần, 3 tháng, 6 tháng... Điều cần làm sau khi phát hiện mũi hỏng là nên tham vấn trực tiếp với bác sĩ có tay nghề cao, bình tĩnh chờ đợi thời gian thích hợp để sửa lại.
Bác sĩ Trịnh Quang Đại trao đổi về vấn đề sửa mũi hỏng .
So với phẫu thuật nâng mũi lần đầu thì kỹ thuật sửa mũi hỏng khá phức tạp, đòi hỏi nhiều yếu tố. Ở mỗi trường hợp, bác sĩ sẽ có cách xử lý riêng, cách tốt nhất là khách hàng nên nói rõ tình trạng của mình trước khi thăm khám.
Đối với trường hợp vừa mới nâng xong, nếu phát hiện mũi bị lệch sống, lộ sóng, hay máu bầm không thể lưu thông ra ngoài..., bác sĩ sẽ can thiệp xử lý nhanh. Vì lúc này, sụn chưa bám dính chặt vào khung xương mũi, dễ can thiệp.
Đối với trường hợp mũi nhiễm trùng, bác sĩ sẽ tiến hành lấy sụn mũi ra, theo dõi tình trạng khách hàng, rồi mới cân nhắc có nên đặt sụn khác hay không.
Thời gian nhận biết mũi hỏng rõ nhất là sau 3 tháng, vì lúc này mũi đã ổn định và về phom. Nếu thấy các dấu hiệu bóng đỏ, lệch, vẹo sống, lộ sóng..., khách hàng cần báo lại với bác sĩ sớm. Thời gian ít nhất để sửa lại một chiếc mũi hỏng là 4-6 tháng.
Giải pháp sửa mũi hỏng an toàn
Một trong những phương pháp được nhiều bác sĩ thẩm mỹ lựa chọn để khắc phục tình trạng mũi hỏng là nâng mũi tái cấu trúc. Về dáng mũi sẽ có nhiều kiểu như S line, L line, Latin... tùy thuộc lựa chọn của khách hàng.
Khách hàng nâng mũi cấu trúc sửa lại dáng Latin.
Tái phẫu thuật mũi là một ca thẩm mỹ phức tạp. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành rút sụn cũ và thay thế bằng sụn mới chất lượng. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tiến hành tái tạo lại dáng mũi theo yêu cầu. Trường hợp mũi dính silicon hoặc tiêm filler sẽ được nạo sạch hoặc tiêm tan trước khi sửa lại.
Với tình trạng mũi bị hỏng vì sửa nhiều lần (đầu mũi to, lỗ mũi không đều, sóng mũi cong, da mũi mỏng...), bác sĩ sẽ tái cấu trúc toàn bộ bên trong mũi, kết hợp sử dụng sụn megaderm, surgiform bao bọc mũi để kéo dài và nâng cao đầu mũi an toàn.
Khách hàng nâng mũi cấu trúc sửa lại dáng Latin.
Để hạn chế biến chứng mũi, bác sĩ Trịnh Quang Đại khuyên khách hàng nên cân nhắc, lựa chọn địa điểm thẩm mỹ uy tín. Nếu không may đã thẩm mỹ mà xuất hiện biến chứng xấu, hãy tìm kiếm những nơi có đội ngũ bác sĩ giỏi để phẫu thuật.
Theo news.zing.vn
Cháu tỷ phú Hồng Kông thiệt mạng vì nâng ngực, hút mỡ tại Hàn Quốc Sau khi tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc, cháu gái ông trùm dệt may quá cố Law Ting Pong đã thiệt mạng. Gia đình của Bonnie Evita Law - cháu gái cố tỷ phú Law Ting Pong. Bonnie Evita Law - cháu gái của ông trùm dệt may Law Ting Pong, người sáng lập chuỗi quần áo Bossini đã tiến...