Cứu nạn tàu Hoàng Phúc 18: Nghẹt thở lặn tìm dưới những con sóng phủ đầu
Những con sóng phủ đầu người khiến đội tàu cứu nạn dập dềnh, chao đảo liên tục. Nhiều chiến sĩ, người tham gia cứu nạn bắt đầu say sóng nằm bẹp trên boong tàu. Đội người nhái thay phiên nhau lao xuống nước.
“Người nhái” đu dây chuẩn bị công việc lặn xuống nước để tìm kiếm
Sáng 1.11, lực lượng cứu hộ tiếp tục mở rộng phạm vi để tìm kiếm các thuyền viên tàu Hoàng Phúc 18 bị lật vào tối 30.10. Phương án chủ yếu vẫn là dùng “người nhái” (thuộc đội cứu nạn cứu hộ Cảnh sát PCCC TP.HCM) và các ngư dân lặn chuyên nghiệp để vào trong thân tàu.
Từ sáng sớm (1.11), thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng Phó giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, đã ra hiện trường trực tiếp chỉ đạo công tác cứu nạn cứu hộ.
Trong cái nắng như đổ lửa, bốn bề mênh mông nước, sóng to, gió lớn, chiếc tàu Hoàng Phúc liên tục chao đảo. Hơn 10 “người nhái” liên tục nhảy xuống nước lặn vào bên trong kiếm người. Khoảng 10 phút, các chiến sĩ lại thay ca lặn ở độ sâu 11m.
Lực lượng người nhái chuẩn bị lặn xuống luồng vào thân tàu tìm kiếm nạn nhân
“Nước đục, chảy mạnh các đồng chí hết sức cẩn thận. Phải cố gắng hết sức, bằng mọi giá cứu được người”, thượng tá Hưởng dặn dò.
Video đang HOT
Đích thân đại úy Huỳnh Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng cứu nạn cứu hộ (Cảnh sát PCCC TP.HCM) tham gia lặn để tìm kiếm các nạn nhân. “Lặng biển và chui vào trong các khoang tàu bị lật để tìm kiếm là công việc hết sức khó khăn và rất nguy hiểm”, đại úy Tuấn chia sẻ.
Một ngư dân cũng đang lặn để tìm kiếm người gặp nạn
Càng về chiều, sóng gió ngày càng mạnh lên.
Đại úy Võ Thành Công vừa lên khỏi mặt nước, mặt tái xanh vì mệt, đói liền cầm vội gói mì tôm sống nhai ngấu nghiến. Anh Công cho biết: “Nước chảy mạnh quá, không thể vào bên trong được”.
Những con sóng phủ đầu người khiến đội tàu cứu nạn dập dềnh, chao đảo liên tục. Nhiều chiến sĩ, người tham gia cứu nạn bắt đầu say sóng nằm bẹp trên boong tàu. Trước tình thế này, thượng tá Hưởng đã quyết định tạm dừng công tác lặn và rút vào bờ.
“Anh em chiến sĩ đã lặn tìm khắp các khoan nhưng chưa phát hiện dấu hiệu nào có người gặp nạn mắc kẹt bên trong. Nếu thời tiết xấu thế này thì rất nguy hiểm cho anh em, vì tàu Hoàng Phúc liên tục di chuyển, nước chảy mạnh không thể nào lặn được. Chờ thời tiết ổn định chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm và cứu nạn cứu hộ” thượng tá Hưởng nói.
Đại úy Võ Thành Công cho biết: “Lặn xuống dưới nước đục ngầu mình giống như người mù, chỉ làm việc bằng cảm giác hai bằng tay. Riêng việc lặn vào các khoang tàu lật tìm kiếm là công việc rất nguy hiểm. Mà thời tiết xấu, nước chảy mạnh thì công việc ấy càng nguy hiểm lên gấp bội. Vì tàu lật không được cố định nên có thể thay đổi vị trí bất cứ lúc nào. Khi người thợ lặn vào được bên trong tàu thì bất ngờ tàu di chuyển và bít lại lối ra lúc đó chưa biết chuyện gì xảy ra.”.
Ngư dân hỗ trợ cứu nạn bằng phương pháp lặn ống
Một số ngư dân là thợ lặn chuyên nghiệp với nhiều kinh nghiệm cũng lặn tìm các nạn nhân tàu Hoàng Phúc 18. Chỉ với một mặt kính lặn, ngậm vòi cấp dưỡng khí, các ngư dân này có thể lặn dưới nước cả giờ đồng hồ. Với lợi thế rất gọn nhẹ, và bằng kinh nghiệm các ngư dân này dễ dàng lọt vào các khe nhỏ vào bên trong tàu.
Cũng với phương án này, lão ngư Phạm Văn Thu đã cứu được anh Nguyễn Trung Trường bị mắc kẹt bên trong tàu Hoàng Phúc 18.
“Làm nghề lặn lâu nay, không có gì hạnh phúc bằng khi mình cứu được một mạng người. Còn tia hy vọng dù mong manh anh em chúng tôi vẫn sát cánh cùng lực lượng chức năng để tìm và cứu người gặp nạn”, lão ngư Phạm Văn Thu nói.
Công Nguyên – Hoài Nhơn – Trác Rin
Ảnh: Hoài Nhơn
Theo Thanhnien
Chìm tàu Hoàng Phúc 18: Nỗi day dứt bên sông Soài Rạp
Trong khi các lực lượng cứu hộ tìm mọi phương án để giải cứu 3 người đang mắc kẹt trong thân tàu Hoàng Phúc 18, trên bờ, những ánh mắt lo lắng, thấp thỏm,... cầu sóng yên biển lặng, với chút hi vọng mong manh...
Thượng tá Lê Doãn Tấn, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Long Hòa, huyện Cần Giờ, ưu tư nói với Thanh Niên Online: "Tôi nắm địa bàn ở đây nên biết, trời về chiều là gió lên, sóng mạnh thêm nữa. Không biết lực lượng chỉ huy ngoài đó tính sao, nhưng lúc này chưa cứu được những người còn lại thì e rằng trời về chiều sẽ khó khăn hơn...".
Cơ thể mệt nhoài, tâm trí còn chưa hết hoảng loạn sau lần "thập tử nhất sinh" mới hồi tối qua, anh Trần Minh Sang (30 tuổi, quê Khánh Hòa) vẫn không tài nào chợp mắt được vì lo lắng cho những người bạn thuyền vẫn đang chưa biết sống chết ra sao.
Từ tối 30.10 tới giờ, anh Sang được Ban chỉ huy Bộ đội Long Hòa bố trí ở ngay phòng của Chỉ huy trưởng để nghỉ ngơi. Mắt đượm buồn, anh Sang nói ngắt quãng: "Buồn lắm, tối giờ tui chẳng muốn ăn uống gì. Cầu phật sao cho anh em ngoài đó được cứu...".
Khi biết tất cả các phương án tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn các nạn nhân còn lại đang kẹt trong tàu Hoàng Phúc 18 đều bất khả thi trước điều kiện thời tiết không thuận lợi, những vẻ mặt rầu rỉ vẫn hướng ánh mắt bất lực về phía vị trí tàu chìm. Khói nhang không đủ làm cay mắt nhưng lại khiến những người có mặt tại hiện trường cứu nạn hôm nay cứ day rứt...
Trác Rin - Công Nguyên
Theo Thanhnien
Vụ Chìm tàu trên sông Soài Rạp, 4 người mất tích: Hôm nay mở rộng vùng tìm kiếm Đến 15 giờ ngày 31.10, công tác tìm kiếm các thuyền viên mất tích trong vụ lật tàu Hoàng Phúc 18 tại khu vực phao số 5 sông Soài Rạp (đoạn giáp ranh giữa H.Cần Giờ TP.HCM và tỉnh Tiền Giang) phải tạm ngưng vì sóng to gió lớn. Các ngư dân lặn biển chuyên nghiệp được điều động tới để cứu người...