Cựu giám đốc CDC Hà Nội bị đề nghị 10-11 năm tù
Đại diện VKSND Hà Nội nhận định 10 bị cáo lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội, đề nghị tuyên phạt cựu giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm 10-11 năm tù.
Sáng 11/12, sau một ngày xét xử, đại diện VKSND Hà Nội công bố bản luận tội với ông Nguyễn Nhật Cảm và 9 đồng phạm trong vụ án nâng khống giá máy xét nghiệm Covid, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.
Trong gần 30 phút luận tội, VKS cho rằng, hành vi của các bị cáo trong vụ án gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến công tác quản lý đầu thầu, làm trái với công tác phòng chống Covid-19 của nhà nước. Nhóm bị cáo là cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội) có hành vi gian lận, thông đồng với nhóm người bên ngoài để nâng khống giá máy xét nghiệm, “làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh các bác sĩ, mất niềm tin của nhân dân vào công tác phòng chống dịch”.
Các bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng là lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội. Tuy nhiên, tất cả đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và được bị hại là CDC Hà Nội có đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Hơn nữa, bị cáo Đào Thế Vinh (Giám đốc MST) đã tự nguyện nộp hơn 5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, bị cáo Lê Xuân Tuấn (cán bộ CDC) tự nguyện nộp hơn 25 triệu đồng hưởng lợi bất chính,… nên được xem là các tình tiết giảm nhẹ.
Đại diện VKSND Hà Nội đọc bản luận tội sau một ngày xét xử. Ảnh: Phạm Dự.
Kết luận 10 bị cáo đã phạm tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng , theo khoản 3 điều 222 Bộ luật Hình sự 2015, VKS đề nghị tuyên phạt ông Nguyễn Nhật Cảm10-11 năm tù; Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán, 7-8 năm; Hoàng Kim Thư, Kế toán trưởng và Lê Xuân Tuấn, cán bộ Phòng Tài chính kế toán đều 2-3 năm; Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Tổ chức hành chính và Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, mỗi người 5-6 năm. Cả 6 đều là cựu cán bộ CDC Hà Nội.
Với bốn bị can còn lại, VKS đề nghị phạt Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) 7-8 năm tù; Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành và Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech đều 6-7 năm; Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông, 5-6 năm.
Video đang HOT
Các bị cáo đứng nghe luận tội trong sáng nay. Ảnh: Phạm Dự.
Theo VKS, lợi dụng tình hình Covid-19 diễn ra phức tạp, từ tháng 2, các bị cáo đã vì động cơ vụ lợi đã thỏa thuận gian lận, nâng giá mua bán thiết bị xét nghiệm.
Ông Cảm với tư cách Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn mua sắm phải lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xây dựng giá kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo quy định của Luật Đấu thầu. Tuy nhiên ông không thực hiện quy định trên. Ông trực tiếp bàn với Tuyền để mua hệ thống máy Realtime PCR tự động của hãng Qiagen – Đức với giá 7 tỷ đồng, bảo hành 36 tháng.
Ông Cảm chỉ đạo cán bộ dưới quyền là Thanh, Dung và Quỳnh hoàn tất hồ sơ chỉ định thầu, ấn định MST là đơn vị trúng thầu.
Để hợp thức hóa việc lựa chọn nhà thầu với giá được ấn định từ trước, CDC Hà Nội thuê Công ty Cổ phần định giá và đấu giá tài sản Nhân Thành lập khống chứng thư thẩm định giá và hoàn thiện các thủ tục chỉ định thầu.
Nhóm bị cáo đã ấn định giá thiết bị trước khi chỉ định thầu thông thường. Ông Cảm còn thông đồng giả mạo hồ sơ, chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện các thủ tục trái quy định để thực hiện sai phạm. Ông phải chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ án.
Lời khai trái ngược trong vụ nâng giá máy xét nghiệm Covid-19
Cựu giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm phủ nhận hứa hẹn chia 15% giá trị máy xét nghiệm Covid-19; những bị cáo khác lời khai nhiều mâu thuẫn.
Chiều 10/12, đại diện VKSND Hà Nội xét hỏi một số bị cáo để làm rõ thông tin chi "hoa hồng" khi thực hiện gói thầu mua sắm thiết bị xét nghiệm Covid-19.
Lời khai của bị cáo Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) tại cơ quan điều tra được VKSND Hà Nội công bố cho thấy, tổng giá trị hệ thống hai máy bán cho CDC Hà Nội là 8,2 tỷ đồng (gồm máy Realtime PCR xét nghiệm Covid-19 giá 7 tỷ đồng, máy tách chiết DNA/RNA tự động giá 1,2 tỷ đồng). Trong đó, tiền mua hai máy hơn 4,1 tỷ, chi phí khác hơn 1,2 tỷ đồng. Lợi nhuận sau bán cho CDC Hà Nội là hơn 2,7 tỷ đồng.
Nhóm của Vinh thoả thuận trích cho ông Nguyễn Nhật Cảm 15% giá trị hợp đồng; dự kiến chia cho hai "môi giới" Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty Vitech) và Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty thiết bị y tế Phương Đông) mỗi người hơn 760 triệu đồng.
Bị cáo Đào Thế Vinh. Ảnh: Phạm Dự.
Tại phiên toà chiều nay, bị cáo Vinh nói không bị ép buộc nhưng không nhớ rõ lời khai tại cơ quan điều tra. Vinh cũng không nhớ số tiền ăn chia sau khi hợp đồng hoàn tất là bao nhiêu.
Vinh không biết ông Cảm mà chỉ quen bị cáo Nhất. Trong quá trình thực hiện gói thầu số 15 của CDC, Vinh đã ký báo giá và các hồ sơ mời thầu song trước khi thực hiện đều thông qua Nhất. Tuy nhiên, Vinh cho rằng chỉ cho Nhất mượn danh pháp nhân để tham gia gói thầu và hưởng 1,5% giá trị hợp đồng; còn lại các thủ tục đều không được quyết. Dù được CDC chỉ định cho trúng thầu song Vinh nói "không biết chỉ định thầu là như nào".
Sau khi chốt các phương án, nhóm của Vinh thực hiện mua bán lòng vòng. Theo đó, giá hai máy do Phương Đông nhập khẩu, cung ứng là 4,1 tỷ đồng; bán cho Công ty Hưng Long (do vợ Vinh làm giám đốc) với giá giữ nguyên là 4,1 tỷ đồng. Vinh nhờ giám đốc công ty khác ký hợp đồng mua lại của Hưng Long giá 5,2 tỷ đồng rồi bán cho MST của Vinh giá 7,8 tỷ đồng. Cuối cùng, MST bán hai máy xét nghiệm và tách chiết cho CDC Hà Nội với giá 8,2 tỷ đồng.
Vinh khai không có tư lợi mà mục đích chỉ là đưa gói thầu qua các công ty để giảm áp lực tiền thuế cho doanh nghiệp mình chứ cũng không phải trốn thuế. Vinh cũng cho rằng vợ không liên quan vụ án mà chỉ tham gia ký hộ hợp đồng, xử lý phần thuế để tránh phải nộp nhiều tiền. Vợ bị cáo biết việc MTS trúng thầu của CDC.
Phiên toà sáng 10/12, bị cáo Nhất khai không có việc chia "hoa hồng" 15% giá trị gói thầu giá trị máy xét nghiệm Covid-19 cho ông Cảm. Tuy nhiên đến phiên buổi chiều, Nhất lại xin trình bày lại, cho rằng dự định trích 15% lợi nhuận (khoảng 90 triệu đồng) cho ông Cảm chứ không phải 15% giá trị hợp đồng (khoảng 950 triệu).
"Đây là tấm lòng tự nguyện của bị cáo chứ không trao đổi hay thỏa thuận gì với ông Cảm", Nhất nói.
Các bị cáo tại toà. Ảnh: Phạm Dự.
Vẫn giữ nguyên lời khai, ông Cảm nói không biết gì về việc mình được chia % trong phi vụ nâng giá máy xét nghiệm. Tuy nhiên ông cho hay bị cáo Nhất từng đến nhà và nói đã khai về việc chia 15% giá trị lợi nhuận cho CDC. "Nhất nói rất ân hận về lời khai đó nên bị cáo dặn sự thật như nào hãy khai như thế. Nhất có lương tâm hãy khai đúng sự thật. Bị cáo chưa bao giờ đòi hỏi, yêu cầu ai phải cho bao nhiêu tiền", ông Cảm trình bày.
Theo cáo trạng, ông Cảm với tư cách Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn mua sắm của CDC đã không lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xây dựng giá kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, theo quy định của Luật Đấu thầu.
Ông khai được đối tác hứa "chia phần trăm" nếu duyệt mua máy xét nghiệm Covid-19 song "không nhớ rõ là bao nhiêu". Các bị can Vinh, Nhất nói có quan hệ với ông Cảm và đã thỏa thuận về việc trích tiền hoa hồng 15% gói thầu cho cựu giám đốc CDC Hà Nội.
Bị cáo Nhất trực tiếp bàn bạc, thống nhất với ông Cảm để gian lận trong đấu thầu dưới hình thức chỉ định thầu. Vinh đã gian lận trong đầu thầu, giúp sức tích cực cho ông Cảm thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi trên của các bị cáo gây thiệt hại cho nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng.
Ông Cảm và 9 đồng phạm bị xét xử về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng , theo khoản 3 điều 222 Bộ luật Hình sự 2015, dự kiến trong ba ngày, từ 10/12.
Trong số này, 6 người là cựu cán bộ, lãnh đạo CDC Hà Nội, gồm: ông Cảm, Giám đốc; Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán; Hoàng Kim Thư, Kế toán trưởng; Lê Xuân Tuấn, cán bộ Phòng Tài chính kế toán; Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Tổ chức hành chính và Nguyễn Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ.
Bốn bị can còn lại: Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech và Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.
Cựu giám đốc CDC Hà Nội: 'Bị cáo nhận toàn bộ trách nhiệm' Cựu giám đốc CDC Hà Nội nói do áp lực về việc phải sớm có thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 nên bị cáo tự ý chọn thầu dù biết vi phạm pháp luật. Sáng 10/12, TAND Hà Nội xét xử ông Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) cùng 9 bị cáo khác về tội Vi phạm quy định về...