Cựu giám đốc Agribank Nam Hà Nội nhận tiền ‘cám ơn’ nửa triệu đô
Nhận “lại quả” nửa triệu USD từ doanh nghiệp được giải ngân trái quy định, cựu giám đốc Agribank Nam Hà Nội khai đưa 310.000 USD cho tổng giám đốc Phan Thanh Tân.
Chiều 22/12, bị cáo Phạm Thanh Tân (cựu tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn – Agribank) phải trả lời thẩm vấn về cáo buộc ký duyệt cho Agribank Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD tiền của Hội sở giải ngân Dự án Luxfashion của Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam khiến bị thất thoát 420 tỷ đồng.
Ông Tân khai việc phê duyệt chi tiền cho Agribank Nam Hà Nội thuộc quyền của mình, tuy nhiên cựu tổng giám đốc Agribank không biết việc giải ngân là cho Liên doanh Lifepro Việt Nam. “Tôi có ký cho hai công ty khác vay”, ông Tân nói và thừa nhận không rõ tài sản đảm bảo của bên vay là thế nào.
Chủ toạ hỏi: “Theo quy định, chi nhánh phải sắp xếp nguồn vốn, trong khi 50 triệu USD là vốn của Hội sở chính. Bị cáo thấy việc mình làm có sai không?”. Ông Tân đáp “không sai” và cho rằng những cấp dưới trình ký mới phải là người chịu trách nhiệm.
Sau câu nói “bị cáo không thấy sai là do nhận thức thôi”, chủ tọa giải thích, ông Tân với cương vị Tổng giám đốc phải chấp hành đúng nghị quyết của HĐQT về việc chi nhánh phải tự thu xếp nguồn vốn nhưng đã không thực hiện. Hơn nữa nếu hồ sơ do khách hàng cung cấp không đúng thì người chịu trách nhiệm lớn nhất chính là người đứng đầu ngân hàng.
Phạm Thanh Tân, cựu tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn – Agribank.
“Bị cáo thấy trách nhiệm trong vụ thất thoát 420 tỷ đồng như thế nào?”, chủ toạ hỏi dồn. Tuy nhiên cựu tổng giám đốc Argibank với tập tài liệu cầm trên tay bình thản đáp: “Nếu không cảm thấy gì cả thì là vô trách nhiệm, nếu chủ toạ hỏi thấy trách nhiệm đến đâu thì tôi trả lời không còn trách nhiệm gì nữa. Hậu quả của việc cho vay kiểu này tôi đã lường trước”.
Chủ tọa tiếp tục truy vấn: “Vậy tại sao bị cáo vẫn ký nâng mức hạn tín dụng cho Agribank Nam Hà Nội”. “Tôi thấy có đủ thủ tục thì tôi ký”, ông Tân trả lời và cho hay việc đầu tư cho doanh nghiệp mua thương hiệu chưa từng có tiền lệ. Đây là lần đầu tiên nhà băng lớn này làm việc này, do vậy “có thể có rủi ro”.
Video đang HOT
Cựu tổng giám đốc Agribank cho hay hàng ngày ngân hàng với hơn 40.000 nhân viên này có hàng chục triệu giao dịch nên ông không thể giám sát hết được hết mọi việc. “Tôi không thể thả gà ra rồi lại đuổi theo, tôi mỏi chân lắm”, ông Tân uể oải nói trong suốt gần một tiếng bị thẩm vấn.
Khi chủ tọa đề cập việc cựu giám đốc Agribank Nam Hà Nội Phạm Thị Bích Lương mang 310.000 USD (trong tổng số 500.000 USD do Công ty Enzo Việt đưa) để “cảm ơn”, ban đầu ông Tân khai 5 lần nhận. Tuy nhiên sau đó cựu tổng giám đốc Agribank phủ nhận, nói chỉ duy nhất nhận 60.000 USD.
Khi đối chất, bị cáo Lương khẳng định đã đưa tổng cộng 310.000 USD, song đây là “tiền do phía khách hàng nhờ đưa chứ anh Tân không đòi hỏi”.
Theo cáo trạng, ông Tân bị quy kết thiếu trách nhiệm trong việc ký tờ trình đề nghị nâng quyền phán quyết cho Agribank Nam Hà Nội cho vay đối với công ty CP Lifepro Việt Nam liên kết nhập khẩu nguyên liệu phục vụ dự án Dệt – nhuộm – may của Công ty CP Enzo Việt. Tổng cộng, ông Tân phải chịu trách nhiệm về số tiền thiệt hại gần 2.100 tỷ trong tổng số hơn 2.400 tỷ đồng Agribank bị chiếm đoạt trong vụ đại án này.
Ngày mai phiên xử tiếp tục làm việc.
Việt Dũng
Theo VNE
Cựu giám đốc chi nhánh Agribank: Đến giờ mới hay bị lừa
Tin tưởng báo cáo từ những ông chủ nước ngoài đưa về dự án nghìn tỷ, cán bộ chi nhánh ngân hàng Agribank Nam Hà Nội không thẩm định trực tiếp, để họ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Chiều 21/12, TAND Hà Nội tiếp tục phiên tòa "đại án" mất nghìn tỷ đồng tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nam Hà Nội - Agribank Nam Hà Nội. Hội đồng xét xử tập trung thẩm vấn việc chi nhánh này giải ngân 50 triệu USD vào các dự án không có thật của Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam.
Tháng 10/2010, công ty này ký 2 hợp đồng liên kết kinh tế để nhập khẩu nguyên phụ liệu may mặc cho dự án Dệt - nhuộm - may, Luxfashion và mua 6 thương hiệu. Công ty đã nộp hồ sơ tới Agribank Nam Hà Nội để được vay vốn đầu tư và đề nghị được giải ngân 50 triệu USD.
Bà Lương (đứng đầu, hàng trên) và các bị cáo tại tòa.
Bà Chử Thị Kim Hiền khi đó là Phó giám đốc Agribank Nam Hà Nội khai được giám đốc là bà Phạm Thị Bích Lương giao làm tổ trưởng tổ thẩm định các dự án của công ty trên. Bà Hiền đã phân công cho từng cán bộ, giao từng hạng mục thẩm định cho họ.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của chủ tọa "thực chất có thẩm định hay không", bà Hiền trả lời: "Bị cáo chỉ phân công và đôn đốc mọi người". Các tổ viên có báo cáo lại, còn việc họ có thẩm định hay không bản thân bị cáo không biết. Bà Hiền chỉ xem qua các báo cáo từ cấp dưới gửi lên mà không trực tiếp tham gia thẩm định các dự án của công ty trên.
Một loạt câu hỏi của chủ tọa đặt ra cho bà Hiền như: "Các tổ viên có tham gia trực tiếp, họ làm gì? 6 thương hiệu do ai thẩm định? Họ thẩm định trên cơ sở nào?", bà Hiền cho hay chỉ đọc báo cáo từ cấp dưới đưa lên. Thực tế bà cũng không biết việc 6 thương hiệu đó có phải là quyền sở hữu của công ty liên doanh Lifepro Việt Nam hay không
Sau khi hoàn tất khâu thẩm định, bà Hiền đã ký nháy để trình lên giám đốc chi nhánh Agribank Nam Hà Nội, giải ngân cho công ty trên. Ngày 13/4/2011, ban đầu chi nhánh đã giải ngân 15 triệu USD mua 6 thương hiệu, tiếp đó là khoản 35 triệu USD. Bà Hiền là người tham gia quá trình giải ngân khoản vay này.
Giải thích cho việc giải ngân, bà Hiền nói, không biết dự án không có thật, nhận thức công ty có tài sản nhưng là tài sản hình thành trong tương lai. Sau này khi cơ quan chức năng vào thanh tra, bị cáo mới biết tài sản không đủ, riêng về thương hiệu là không có. Trên thực tế, theo nghị quyết giải ngân, 50 triệu USD dành riêng cho dự án 6 thương hiệu đã là quá hạn mức.
Trước câu hỏi của chủ tọa có nhận được "lại quả" sau lần giải ngân 50 triệu USD, bà Hiền cho rằng không được hưởng lợi. Tuy nhiên, bà thừa nhận cuối năm 2010 theo chỉ đạo của bà Lương có nhận 400.000 USD từ công ty CP Enzo Việt (tiền thân của công ty CP Lifepro Việt), bị cáo được hưởng lợi 50.000 USD.
Bị cáo Trần Thị Út, cán bộ phòng tín dụng của Agribank Nam Hà Nội, tham gia thẩm định nhưng thực tế không làm. Ông Đỗ Tiến Long cũng khai, thực tế có thẩm định 6 thương hiệu. Tuy nhiên, bị cáo dựa trên cơ sở nhà cung cấp và khách hàng, cùng với hoá đơn chứng từ của các thương hiệu này. Ông Long thừa nhận, cơ sở pháp lý thể hiện 6 thương hiệu không biết thuộc về ai. Bản thân bị cáo chỉ thực hiện theo chỉ đạo của bà Lương, bà Hiền. "Bị cáo ký báo cáo thẩm định, ký để hoàn thiện hồ sơ giải ngân khoản vay đó", ông Long trình bày.
Trước lời khai của 3 bị cáo trên, chủ tọa phát biểu: "Bức tranh thẩm định tài sản là vậy sao". Những sai phạm đó của các bị cáo đã khiến Agribank mất nghìn tỷ đồng.
Người chịu trách lớn nhất trong việc cho vay, giải ngân là bà Phạm Thị Bích Lương, giám đốc Agribank Nam Hà Nội. Khi công ty liên doanh Lifepro Việt Nam gửi hồ sơ vay vốn, bà Lương đã tin tưởng vào báo cáo thẩm định của cấp dưới. Do số tiền vượt quá mức phán quyết của giám đốc chi nhánh nên khi có báo cáo thẩm định bà đã trình lên lãnh đạo Agribank để giải ngân.
Bà cho hay, khách hàng này đã trình đầy đủ hồ sơ pháp lý, hồ sơ kinh doanh và tính khả thi của các dự án nên tin tưởng. "Khi khách hàng gửi hồ sơ, tôi đã ra quyết định thành lập tổ thẩm định, có tiến hành thẩm định cả hồ sơ kinh tế và pháp lý, trên cơ sở đó mới trình lên lãnh đạo của Agribank", bà Lương trình bày.
Chủ tọa cho rằng, lời khai của các bị cáo Hiền, Long, Út cho thấy việc thẩm định chỉ là trên hồ sơ do công ty liên doanh Lifepro đưa chứ cán bộ chi nhánh không trực tiếp tham gia thẩm định. "Bị cáo không biết việc không có việc thẩm định. Thực tế, bị cáo có nhận được báo cáo của chị Hiền đưa lên, rồi chuyển cho lãnh đạo Agribank. Bị cáo có kiểm tra chi tiết báo cáo", bà Lương nói. Bị cáo đổ lỗi, việc giải ngân sai cho công ty này ở khâu thẩm định, trách nhiệm trước hết là ở cán bộ tín dụng. Song chủ tọa chỉ ra rằng, mọi quyết định đều do bị cáo, người đứng đầu chi nhánh.
Cựu giám đốc Agribank Nam Hà Nội cho biết đến bây giờ mới hay nhân viên không thực hiện thẩm định. "Đến nay bị cáo mới hay bị họ lừa", bà Lương nghẹn ngào cho biết, với tư cách là giám đốc chi nhánh, bị cáo thấy sai, phải có trách nhiệm trước pháp luật, HĐQT và lãnh đạo Agribank.
Theo cáo buộc của cơ quan công tố, việc vi phạm quy định về cho vay trên đã khiến Agribank mất hơn 2.000 tỷ đồng, do bị 5 ông chủ người nước ngoài chiếm đoạt.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn.
Việt Dũng
Theo VNE
Tòa khởi tố vụ án Đưa và Nhận hối lộ ở Agribank Nhận 20 năm tù vì giải ngân trái quy định gây thất thoát hơn 600 tỷ đồng, cựu giám đốc chi nhánh Agribank ở TP HCM còn bị điều tra về nghi án nhận hối lộ. Sáng 21/12, sau khi tuyên án về vụ làm thiệt hại hơn 600 tỷ đồng tại Agribank Chi nhánh 7, TAND TP HCM đã khởi tố vụ...